Đón Tết ở Trại giam Phú Sơn 4

Thứ Ba, 01/01/2008, 09:35
Chúng tôi lên thăm Trại giam Phú Sơn 4 vào những ngày cuối cùng của năm 2007. Dù vẫn còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng không khí chuẩn bị Tết ở đây đã nhộn nhịp, khẩn trương.

>> Nhà trẻ trong trại

Đội văn nghệ của các phạm nhân đang mải mê tập những bài hát, điệu múa mới mừng xuân. Thực đơn từng bữa ăn cho phạm nhân ngày Tết đã được các cán bộ, chiến sỹ của Trại Phú Sơn lên kế hoạch.

Tết dành cho phạm nhân được Ban giám thị Trại giam chuẩn bị chu đáo.

Lo cho phạm nhân đón Tết vui tươi, lành mạnh

Ngày cuối cùng của năm 2007, khi chúng tôi đến Trại giam Phú Sơn 4, Ban giám thị cho biết sáng nay các anh vừa họp bàn triển khai kế hoạch chuẩn bị đón Tết Nguyên đán cho phạm nhân.

Năm nay, việc chuẩn bị đón Tết được thực hiện theo khẩu hiệu: An toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh. Ngày cuối năm chỉ riêng việc lo chuẩn bị Tết cho một gia đình đã thấy vất vả, vậy nên lo cho 6.000 con người trong đó hơn 800 cán bộ, chiến sỹ và hơn 5.000 phạm nhân đón Tết quả là điều không hề đơn giản.

Chỉ tính riêng số lượng bánh chưng, gạo, thịt, rau quả... lo cho phạm nhân 3 ngày Tết mới nghe qua đã giật mình. Ví dụ như riêng bánh chưng năm nào Trại phải gói tới hơn 10.000 chiếc, còn các loại thực phẩm chủ lực khác cũng phải tính tới hàng tạ.

Tuy nhiên, bữa ăn ngày Tết không phải là chuyện các phạm nhân quan tâm nhất.

Ở Trại cải tạo Phú Sơn 4, vấn đề được Ban giám thị chú trọng nhất là đời sống tinh thần. Đó là việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao để phạm nhân có tinh thần vui vẻ trong ngày Tết.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Lê Duy Vực, Giám thị Trại giam Phú Sơn 4, người đã có hàng chục năm gắn bó với mảnh đất này cho biết vào ngày Tết, phạm nhân được nghỉ 4 ngày từ 30 đến ngày mồng 3 Tết.

Ngày mồng 4 Tết, như thường lệ, Trại sẽ tổ chức cho các phạm nhân tổ chức Tết trồng cây.

Trong 3 ngày Tết, Trại cũng tổ chức các cuộc thi đấu bóng chuyền, bóng bàn, kéo co, vật... dành cho các phạm nhân.

Đêm giao thừa, Trại cũng tổ chức cho các phạm nhân xem tivi đón giao thừa, nghe Chủ tịch Nước đọc lời chúc mừng năm mới.

Sáng ngày mồng 1 Tết, Ban giám thị và cán bộ quản giáo chia nhau đến từng phòng để chúc Tết các phạm nhân.

Ngày Tết trong các phòng dành cho phạm nhân cũng được trang hoàng. Mỗi phòng giam đều có một mâm ngũ quả rất phong phú về chủng loại và đẹp mắt về cách bày biện. Cũng giống như trong các gia đình dịp Tết, ngày cuối năm các phạm nhân mỗi người góp một tay vào trang trí lại, sửa soạn mâm ngũ quả cho đẹp mắt. Để khuyến khích các phạm nhân, Trại cũng treo giải cho các phòng trang trí đẹp.

Ngày mồng 1 Tết khi đến các phòng giam chúc Tết, Ban giám thị và cán bộ quản giáo cũng sẽ chấm điểm trang trí mâm ngũ quả của từng phòng.

Tình người, tình đời trên đất trại

Trong thời gian lưu lại Trại giam Phú Sơn 4, chúng tôi đã tìm gặp một trong số những phạm nhân có "thâm niên" ăn Tết cao nhất ở Trại giam Phú Sơn 4. Đó là Đặng Duy Hùng, trú tại An Lão, Hải Phòng.

Theo lời của Hùng, anh ta phạm tội giết người cướp của và phải chịu mức án chung thân, sau đó giảm án xuống 20 năm. Tính đến Tết năm nay, phạm nhân này đã bước sang tuổi 40 nhưng đã có 16 năm liên tục ăn Tết ở đất trại.

Công việc hàng ngày của Hùng là trông nom thư viện dành cho phạm nhân và chăm sóc cây cảnh quanh khu vực. Vừa sắp xếp lại số báo anh em phạm nhân mang trả, Hùng cho biết thư viện của phân trại K1 có tới hàng trăm đầu sách văn học trong và ngoài nước và gần chục đầu báo các loại.

Đặc biệt trong số những đầu sách tại đây có cuốn "Giang hồ rẽ lối", một cuốn tự truyện bằng thơ do một phạm nhân từng thụ án tại Trại Phú Sơn 4 viết và gửi tặng.

Người "thủ thư" đặc biệt của Trại Phú Sơn còn cho biết thêm, vào các ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ, Tết phạm nhân được nghỉ ngơi nên tập trung ra thư viện rất đông. Nhiều người mượn sách báo và ngồi ngay trên các ghế đá ven hồ để nghiền ngẫm.

Kể chuyện về ngày Tết, phạm nhân Đặng Duy Hùng tâm sự: Ngoài khẩu  phần ăn uống được tăng lên, có đủ bánh chưng, giò lụa, giò nạc... các hoạt động ngày Tết cũng được trại tổ chức rất đa dạng. Trong các ngày Tết nhiều hoạt động như thi đấu bóng đá, bóng chuyền, còn có thi kéo co, vật, thi gánh gạch... rất sôi nổi. So với trước đây, ăn uống bây giờ cũng chẳng thành vấn đề đối với phạm nhân mà các hoạt động văn hóa, thể thao do Trại tổ chức mới thu hút sự quan tâm của họ.

Nhớ lại những ngày đầu vừa bước chân vào Trại Phú Sơn 4 cách đây 15, 16 năm trước, Đặng Duy Hùng cho biết: Hồi đó vào đây cây cối còn rậm rạp, nhà ở thì lụp xụp. Còn bây giờ các nhà giam đều cao tầng, chỗ ăn, ngủ thoáng mát. Cơm được chia vào các cặp lồng khi nào cũng nóng sốt, thậm chí có nhiều lúc cơm ăn không hết.

Dạo vòng quanh một vòng Trại Phú Sơn 4, chúng tôi bắt gặp không khí chuẩn bị đón Tết đang được cán bộ cũng như các phạm nhân tại đây chuẩn bị khá khẩn trương, chu đáo.

Nhiều phạm nhân cho biết: Ngày thường nhớ nhà, nhớ vợ con, người thân một, còn ngày Tết - khi các gia đình đều đoàn tụ với nhau, thì chuyện nhớ nhà của họ cũng tăng lên gấp nhiều lần. Chính vì vậy việc Trại tạo điều kiện chăm lo về vật chất, tinh thần cho các phạm nhân đón Tết được vui vẻ là điều rất có ý nghĩa. 

Trước khi chia tay với chúng tôi, Đại tá Lê Duy Vực cho biết: Đã 10 năm nay chưa có năm nào anh đón giao thừa ở nhà với gia đình. Năm nào về Tết sớm nhất cũng là ngày mồng 2 Tết còn muộn phải tới ngày mồng 4.

"Mình ở đây cũng chỉ ngồi uống nước trà, thăm hỏi anh em cán bộ và phạm nhân thôi. Những đêm giao thừa, không có mình ở đây anh em sẽ thấy thiếu vắng. Vậy là năm nào cũng ở lại" - Đại tá Lê Duy Vực tâm sự với chúng tôi như vậy.

Khi chúng tôi ngỏ ý viết về  thành tích của cá nhân ông, người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Duy Vực vội xua tay: "Với số lượng 5.000 phạm nhân, mình có tài giỏi mấy cũng chỉ có vài câu quán triệt. Điều tôi tâm đắc nhất chính là công lao của tập thể, đặc biệt là lực lượng cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ và quản giáo. Đấy các anh xem, đêm hôm rét mướt thế này nhưng anh em vẫn phải vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ an toàn tuyệt đối".

Và rồi trầm ngâm một lát, Đại tá Vực lại tiếp lời: "Quan điểm của cá nhân tôi trong thi hành án là phải giữ nghiêm pháp luật, nhưng khi người ta phạm tội vào đây phải cho họ một môi trường thuận lợi để cải tạo. Chính vì vậy, Trại Phú Sơn 4 đã quán triệt đến từng cán bộ, chiến sỹ khẩu hiệu "tình đời, tình người" trong việc ứng xử với các phạm nhân, giúp cho họ bớt mặc cảm".

Người lãnh đạo Trại Phú Sơn 4 còn kể lại rằng có một đoàn khách quốc tế đến thăm Trại, họ yêu cầu được đến các phòng giam giữ phạm nhân để mục sở thị. Và khi đứng trước cửa phòng giam rồi, những vị khách ngoại quốc này vẫn còn ngơ ngác hỏi: Thế buồng giam giữ phạm nhân của các vị ở đâu?

Trong khuôn khổ Hội nghị Trại giam khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 27 diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 11/2007, khoảng 150 đại biểu của 25 nước và khu vực đã đến thăm Trại Phú Sơn.

Tận mắt chứng kiến điều kiện giam giữ, cải tạo của các phạm nhân tại đây, nhiều đại biểu đã không ngớt trầm trồ trước điều kiện tại Trại Phú Sơn 4. Họ cho rằng các bạn Việt Nam đã thực sự xây dựng được môi trường trại giam là "nơi riêng biệt chứ không phải là tách biệt".

Một đại biểu đến từ Singapore đã phát biểu: "Tôi thấy các phòng giam được thiết kế khá đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng những tiêu chuẩn về tôn trọng nhân quyền, tôn trọng những nhu cầu cơ bản của các phạm nhân. Các bữa ăn với thực đơn khá phong phú, đủ chất dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe cho các phạm nhân.

Cách bố trí tại trại giam là rất tốt và rất khác với Singapore bởi các bạn có không gian, diện tích rộng rãi hơn nhiều, với cây cối, hồ nước, các cây cầu bắc tới thư viện chẳng hạn khiến cho khung cảnh rất nên thơ, yên bình và chắc chắn sẽ làm cho các phạm nhân cảm thấy thư giãn, thoải mái hơn"

Nhóm PVPL
.
.
.