Đối phó với những kẻ giả danh CSHS

Thứ Tư, 22/04/2009, 09:29
Giả danh Cảnh sát hình sự (CSHS) để cướp và lừa đảo chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm xuất hiện nhiều ở TP HCM trong thời gian gần đây, những kẻ giả danh này chẳng những có thể gây nguy hại cho xã hội mà còn ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh của người chiến sĩ Công an trong lòng dân. Vậy làm sao để phân biệt Công an thật và Công an giả để phòng - chống?

1001 kiểu giả danh CSHS

Trong tháng 3/2009, số vụ giả danh CSHS để cướp và lừa đảo chiếm đoạt tài sản bỗng rộ lên ở TP HCM. Ngoài vụ cướp 400 lượng vàng do kẻ giả danh Cảnh sát là Huỳnh Hữu Nhân (đã chết do tự tử) thực hiện từng gây xôn xao dư luận xảy ra vào ngày 7/3, còn có ít nhất 4 vụ giả danh khác mà các đối tượng đã bị bắt giữ vào thời điểm cuối tháng 3/2009.

Ngày 22/3, Công an quận Tân Bình bắt được hai đối tượng chuyên giả danh CSHS để cướp tài sản và đã thực hiện trót lọt hơn 10 vụ xe gắn máy. Đó là Bùi Tiến Hà Tuân (22 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) và Nguyễn Văn Huỳnh, 26 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Long; tạm trú ở huyện Bình Chánh. Chúng khai nhận đã "hành nghề" từ đầu năm 2009 với thủ đoạn tương tự là dùng súng giả, roi điện để khống chế nạn nhân rồi xưng là CSHS để đòi kiểm tra lấy tờ. Trong lúc nạn nhân lo sợ, mất cảnh giác thì chúng giật xe nổ máy chạy mất…

Ngày 24/3, Công an quận 11 đã bắt giữ tất cả 4 đối tượng (thu giữ 6 xe gắn máy) trong băng cướp giả danh CSHS chuyên thực hiện các vụ cướp vào khoảng thời gian từ 1-4h sáng.

Một trong những nạn nhân của chúng là anh Nguyễn Hoàng Hải (ngụ quận Tân Phú) kể lại: Vào khoảng 4h ngày 1/3, anh đang đi xe gắn máy mang BKS 53P8-4248 trên đường Tống Văn Trân (phường 5, quận 11) thì từ phía sau, một xe gắn máy chở hai người vượt lên ép xe anh vào lề. Kẻ ngồi sau tự xưng là CSHS nhảy xuống xe khóa trái tay anh lại và đòi bắt anh vì dám chạy xe gian. Vì anh Hải không mang theo giấy tờ nên chúng có cơ hội buộc anh Hải đưa xe về Công an phường để giải quyết.

Tuy nhiên, do xe anh Hải bị đứt dây sên nên một tên dắt xe anh Hải để dẫn bộ về Công an phường. Đến vòng xoay Công viên Đầm Sen, tên này hất hàm bảo anh Hải đón xe ôm về nhà, ngày mai đến Công an quận Tân Phú để giải quyết. Ngày hôm sau, anh Hải đến Công an quận Tân Phú thì nơi này cho hay không có giữ xe của anh Hải... Biết gặp kẻ bất lương, anh Hải làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an.

Sau nhiều ngày theo dõi hành tung của bọn cướp, Công an quận 11 đã buộc 4 đối tượng gồm Ngô Viết Tài (24 tuổi; ngụ Tân Bình), Trần Đình Hiệp (21 tuổi), Võ Hoàng Sơn (19 tuổi) và Phạm Văn Thành (21 tuổi) cùng ngụ tại quận Tân Phú phải tra tay vào còng trong một lần chúng đang gạ bán chiếc xe vừa cướp được…

Cũng với thủ đoạn tương tự, các tên cướp gồm Nguyễn Hữu Nghị (21 tuổi; ngụ quận 12), Trần Đức Anh (20 tuổi, ngụ quận 5), Trần Quốc Bảo (20 tuổi, ngụ quận 10) và Nguyễn Thanh Hải (20 tuổi; ngụ quận 12) với trang bị gồm 2 dùi cui (1 giả, 1 thật), 2 dây nịt có huy hiệu Công an, một thẻ màu đỏ đã thực hiện nhiều vụ giả danh CSHS để cướp tài sản trên địa bàn của gần chục quận, huyện cho đến khi bị bắt giữ vào ngày 29/3.

Thủ đoạn của bọn này khác hơn so với các băng cướp khác là chúng thường cưỡng đoạt tiền bạc, tư trang của nạn nhân thông qua một màn kịch do chúng dựng nên y như thật.

Cụ thể, 4 tên này chia thành 2 tốp, 1 tốp đi "bắt giữ xe" còn tốp kia thì đóng chốt ở một địa điểm nhất định nào đó. Khi khống chế được con mồi, tốp này bàn giao lại cho tốp kia xử lý và đó là lúc chúng vòi tiền hoặc cưỡng đoạt bóp tiền, tư trang rồi mới thả cho đi.

Không chỉ có cướp "nóng", những kẻ giả danh CSHS còn giở chiêu lừa đảo để chiếm đoạt tài sản và không ít người nhẹ dạ bị sập bẫy. Ngày 30/3, Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an huyện Bình Chánh, TP HCM thi hành lệnh bắt khẩn cấp Hồ Văn Tiếc (43 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức thủ đoạn giả danh CSHS.

Vào khoảng đầu tháng 3, khi biết chị Lê Thị G. (23 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng; tạm trú tại xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh) có việc cần kiện thưa đến tòa án, Tiếc lân la làm quen và cố ý để cho chị G. thấy khẩu súng dắt ở thắt lưng rồi giới thiệu mình là CSHS và có thể giúp chị G. thắng kiện.

Sau đó, Tiếc yêu cầu chị G. cung cấp giấy tờ kèm theo 1 triệu đồng để Tiếc lo vụ khởi kiện và đóng án phí. Nói là làm, ít ngày sau Tiếc chở chị G. đến TAND TP HCM, kêu chị G. đứng ở ngoài giữ còn hắn đi nộp đơn.

Thực tế thì Tiếc chỉ đi lòng vòng quanh khuôn viên tòa án rồi ra về và bảo với chị G. tất cả đã "Ok" hết. Vài ngày sau, Tiếc gọi cho chị G. thông báo vụ án khởi kiện có tiến triển tốt nhưng đang gặp một chút trục trặc, cần phải có thêm 2 triệu đồng để giải quyết. Chẳng chút nghi ngờ, chị G. lại giao tiếp tiền cho Tiếc.

Thế nhưng khi vụ việc chưa thấy có hồi âm gì mà Tiếc thì lại tiếp tục đòi tiền, sinh nghi, chị G. trình báo với Công an huyện Bình Chánh và nơi đây đã lật mặt kẻ giả danh, tang vật thu được là một cây súng… nhựa!

Nhận diện CSHS thật và giả

Theo một trinh sát thuộc Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an quận Thủ Đức, trong khoảng thời gian gần 10 năm làm trinh sát, chưa bao giờ anh kiểm tra nhầm đối tượng. Bởi lẽ, khi triển khai tiếp cận đối tượng tình nghi thì anh và đồng đội đã qua một quá trình theo dõi. Tuy vậy, anh và đồng đội luôn tuân thủ nghiêm nguyên tắc là phải xuất trình thẻ ngành và nhẹ nhàng mời đối tượng về trụ sở Công an gần nhất để lập biên bản xử lý. Trong trường hợp đối tượng bỏ chạy hoặc chống đối thì mới dùng võ thuật, công cụ hỗ trợ hoặc súng để khống chế.

Theo thiếu tá Trần Văn Bình, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận 11 cho biết, khi bắt được các băng cướp giả danh CSHS chúng đã khai ra rất nhiều vụ nhưng đáng tiếc là trước đó các nạn nhân không đến trình báo với cơ quan Công an.

Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng những ai từng là nạn nhân của bọn cướp giả danh CSHS cần mạnh dạn tố cáo chúng để cơ quan Công an sớm có biện pháp đấu tranh phòng chống đối với loại tội phạm này.

Muốn kiểm tra phải xuất trình thẻ Công an cho dân biết

Thượng tá Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng Công an TP HCM, cho biết: Theo quy định của ngành Công an, lực lượng Công an trong khi kiểm tra luôn tuân thủ theo hai bước là phải xuất trình thẻ ngành cho dân biết. Sau đó, nếu cần lập biên bản thì đưa về trụ sở Công an phường gần nhất. Còn những kẻ giả danh thường dùng vũ lực trước rồi nói năng quanh co với mục đích tống tiền hoặc điều nạn nhân đến khu vực vắng vẻ để cướp.

Đối tượng cướp giả CSHS thường dùng dùi cui để "nói chuyện"

CSHS thật phải xuất trình thẻ khi kiểm tra và có thái độ đúng mực của người đang thi hành công vụ. Còn kẻ giả danh thường dùng súng, dùi cui, roi điện (kể cả thật và giả) để "nói chuyện"… và trong trường hợp này nếu nạn nhân bình tĩnh yêu cầu xuất trình thẻ hoặc tri hô cướp thì có thể tránh được thiệt thân.

M.T.Phong - K.Dung
.
.
.