Đời nổi trôi của những đứa trẻ “nhà thuyền” ven sông Hồng

Thứ Hai, 19/06/2017, 09:29
Những đứa trẻ cứ hồn nhiên lớn lên trong đời “vô danh”nơi ven bãi cạn sông Hồng.



“Sinh ra mẹ chúng nó đã chẳng có giấy tờ gì, đến chúng nó cũng lại thế. Giờ cũng mong muốn cho bọn trẻ có cái danh tính để cuộc sống về sau đỡ khổ”, bà Lĩnh nói.

Để tìm tới nhà bà Nguyễn Lĩnh, người đang nuôi 3 đứa trẻ, chúng tôi hỏi đường tới “xóm thuyền”. Người lắc đầu không biết, người lại chỉ về bãi giữa sông Hồng.

Tới lui hai lượt cầu Long Biên rồi xuống lối nhỏ giữa cầu, chạy xe gần hết bãi mới may mắn có người biết thông tin để chỉ lối. Hóa ra nơi chúng tôi muốn tới nằm ở nhánh cạn phía trong.

Lại thêm một vòng trở ra, thêm một lượt cầu, chúng tôi quay về con ngõ 133, phố An Xá, phường Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội).

Lối đi xuống mép sông bằng con dốc giữa bãi phế thải quả thật không thể nhận ra nếu không có người dân ở đây cho biết. Cơn mưa hồi sáng làm biến mất con đường đất, thay vào bằng những bãi bùn lầy.

Quanh co khoảng mấy chục mét, mở ra trước mắt chúng tôi là một xóm ba đến bốn căn nhà nổi đang quây quần sinh hoạt phía nhánh trong sông Hồng.

Gọi là nhà cho thuận miệng chứ đây chỉ là những thanh gỗ, phên tre ghép lại với nhau rồi quây thêm bao tải xung quanh. Mấy đàn chó từ các nhà lao ra gầm ghè người lạ.

Phải lớn tiếng gọi mới thấy một người phụ nữ lom khom từ trong “chui” ra xua đàn chó rồi đẩy tấm ván gỗ xuống mé nước để khách đi. Nghe có người tới thăm, người phụ nữ mời vào nhà.

Cúi người chui trong không gian tối như hũ nút vì không có điện, chúng tôi nhận thấy ba đứa trẻ đang say ngủ nằm lăn lóc trên tấm phản. Cậu trai lớn 8 tuổi tên Việt Anh, hai cô bé Nguyệt Anh 5 tuổi và Diệp Anh 2 tuổi rưỡi nghe thấy tiếng người lạ liền ngẩng đầu lên.Trong tiết trời mùa hè, lại sau cơn mưa lớn làm không khí quanh đây vốn đã ẩm thấp càng thêm nực.

Ngồi xuống nền nhà, bà Lĩnh với chiếc quạt phe phẩy cho lũ trẻ khỏi đám muỗi, nói: “Cậu chắc không quen, ở đây muỗi cả ngày như thế đấy. Đến tối trời có gió thì mát hơn. Gần bờ nên chuột với rắn cứ bò vào suốt, nên mới phải nuôi nhiều chó để trông nhà với bắt mấy con rắn luôn”.

Bà Lĩnh trùng giọng khi câu chuyện bắt đầu với câu hỏi về bố mẹ lũ trẻ: “Ba đứa là con của đứa con gái thứ hai nhà tôi. Phận các cháu có cha nhưng không thể nhận về được vì người ta còn gia đình, mình cũng chẳng quấy rầy người ta. Thi thoảng thì bố chúng nó có về thăm nhưng kín đáo lắm. Mẹ bọn trẻ thì cách đây gần 1 tháng nói là đi làm rồi đi luôn, gọi thì không được nữa”.

Có lẽ vì những đứa nhỏ mang kiếp không cha nên bà Lĩnh chỉ nói tên rồi vội bỏ qua không nói họ của chúng. Giờ một mình người phụ nữ ngoài ngũ tuần này ngày trông cháu, tối đêm lại đi đẩy xe hàng chợ Long Biên đến tờ mờ sáng để kiếm tiền trang trải. Thời gian đi làm thì khóa cửa, để mấy đứa cháu ở nhà tự chơi với nhau, đùa rồi khóc mệt xong thì tự lăn ra ngủ.

“Bọn nó ở nhà cũng không yên tâm vì sông nước xung quanh, nhỡ ra ngã xuống nước thì khổ nhưng đành vì cứ hết mồ hôi là hết tiền”, nheo đôi mắt bà Lĩnh nhìn về mấy đứa cháu.

Bà Lĩnh với nỗi lo về tương lai của những đứa cháu.

Bà Lĩnh cho biết mình quê Bắc Giang, nhiều năm đi làm xa nên giờ địa chỉ cũ ra sao chẳng còn nhớ nữa, địa phương cũng đã cắt hộ khẩu. Bà tự trách mình để cuộc sống mưu sinh cuốn đi, 5 người con ra đời cũng chẳng để ý chuyện làm giấy khai sinh và các giấy tờ liên quan. Chuyện học hành, việc làm, cuộc sống cũng vì thế mà nhỡ nhàng.

Sau rồi chồng lẩn thẩn bỏ đi mang theo cậu con trai duy nhất giờ chẳng biết còn sống hay chết, các con gái người lấy chồng, người đi làm tứ phương. Mấy đứa nhỏ ra đời cũng chịu chung cảnh sinh ra mà trên giấy tờ như không tồn tại.

Xót lòng lo cho cuộc sống sau này của mấy đứa cháu nhưng người phụ nữ sạm màu nắng gió này chẳng biết phải làm sao. Chỉ vào bé trai, ánh mắt bà Lĩnh rạng lên khi “cậu ấm của nhà” được một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận tài trợ đi học ở trường tiểu học gần nhà, mới nghỉ hè được mấy tuần.

Câu chuyện ngắt quãng bởi tiếng người gọi đi xách nước. Ở đây các hộ thường phải từ nhà thuyền đi bộ ngược lên trên con dốc để mua nước máy về sử dụng. Đến mùa nước thượng nguồn về, các nhà sử dụng trực tiếp nước sông sau khi dùng bột khử và phèn chua xử lý cặn, vi khuẩn.

“Được cái trời ban cho sức khỏe nên mấy bà cháu đôi khi chỉ ốm vặt chứ rặt chẳng bệnh nặng bao giờ. Mà ốm, đau bụng thì cứ lấy nhọ nồi cho uống là đỡ, tôi với mấy đứa này đều thế”, bà Lĩnh chia sẻ.

Về chuyện bữa ăn, đôi khi người ta tới cho gia đình bà chục cân gạo, chai mắm, túi muối, bộ quần áo trẻ nên đỡ đi phần nào nỗi lo thường ngày.

“Ngôi nhà thuyền” là nơi tá túc của bà Lĩnh và 3 đứa trẻ.

Ba đứa trẻ mới đầu còn ngại ngùng, khép nép nhưng chỉ sau dăm phút đã cười đùa vui vẻ. Mở túi quà là mấy gói bim bim, chúng chia cho nhau ăn. Cứ một lúc, đứa này lại chọc đứa kia để bà phải lên tiếng phân xử. “Bố cháu có ôtô với cả xe máy nữa, cháu yêu bố mẹ lắm”, cô bé Nguyệt Anh nép vào vách nhà rồi cất tiếng.

Với các em, cuộc sống là bà ngoại, là những bữa cơm nguội buổi sáng, là những đêm ngủ quên khi ngóng bà, đợi mẹ về. Còn những vật chất cuộc sống tới tình cảm cha con mà người ta coi hiển nhiên thì với những mầm sống non nớt này lại là cả một sự định nghĩa lạ lẫm.

Khi được hỏi về mong muốn của mình, bà Lĩnh cười xòa nói: “Đời tôi tới giờ phiêu dạt về bến sông này chẳng còn mong muốn gì nữa. Một mình tôi làm nên ngôi nhà thuyền để cho 4 con người có chỗ tá túc cũng mệt rồi. Chỉ có mấy đứa nhỏ này, tôi chẳng theo chúng nó được cả đời nên mong sao chính quyền, xã hội giúp đỡ chúng nó có giấy tờ khai sinh để rõ ràng thông tin cá nhân để về sau có cuộc sống như bình thường như người ta chứ đừng long đong như thế hệ trước của nó”.

Cạnh đó, tương tự là nhà bà Oanh, người hàng xóm hiện đang sống cùng hai đứa cháu không có giấy tờ khai sinh trong nhiều năm. Người phụ nữ này cũng đang chờ đợi ngày bọn trẻ của mình được chính thức là một công dân, có sự hiện diện về mặt pháp lý.

Phía bên ngoài, những đứa trẻ “không định danh” của những hộ thuyền nơi đây đang vui đùa bên mé sông bùn đất chẳng ưu tư.

Mang những tâm tư của người dân trao đổi lại với phía cơ quan chức năng, Phó trưởng Công an phường Phúc Xá, Trung tá Bùi Anh Tuấn cho biết: “Các “hộ mặt nước” ven sông Hồng đã sinh sống nhiều năm trên địa bàn phường, gồm cả người ngoại tỉnh và nội thành Hà Nội. Với đặc thù cuộc sống và công việc mưu sinh nên nhiều khi các hộ dân này cũng không chú ý tới việc làm giấy tờ, thông tin cá nhân. Có các trường hợp đi lâu ngày địa phương cũ không còn thông tin gì”.

Đồng chí Phó Công an phường Phúc Xá cho biết, phía chính quyền địa phương sẵn sàng tạo điều kiện giúp đỡ, xác nhận cho những hộ này về thông tin sinh sống sở tại để có thể về quê cũ nhập lại hộ khẩu hoặc khi các hộ dân này chuyển lên sống trên bờ sẽ có thể làm giấy đăng ký tạm trú, từ đó có cơ sở để làm những giấy tờ khác.

Về giấy khai sinh cho các cháu nhỏ, các gia đình cần mang giấy chứng sinh tới bộ phận tư pháp của phường để thực hiện thủ tục làm giấy khai sinh.

Trung Hiếu
.
.
.