Đòi nợ thuê, vấn đề pháp lý và những hệ lụy

Thứ Sáu, 08/09/2017, 08:19
Tín dụng đen gắn liền với lãi suất cắt cổ, với “luật ngầm” đẩy các con nợ vào bước đường cùng. Song trong điều kiện suy thoái kinh tế, việc tiếp cận vốn vay của ngân hàng còn nhiều khó khăn do phải có tài sản đảm bảo, nhiều người vẫn “nhắm mắt đưa chân” vay tiền với mức lãi suất cao ngất ngưỡng của các đối tượng kinh doanh tài chính, đứng đằng sau là các nhóm tội phạm có tổ chức, ổ nhóm lưu manh, côn đồ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để xiết nợ, đòi nợ.


Bài 3: Vì sao đòi nợ thuê có đất sống?

Cho vay dân sự- Khó đòi được nợ bằng luật pháp

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hà Minh Tân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Hệ thống pháp luật quy định chưa chặt chẽ về việc vay nợ tiền, việc xác định tội lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản còn khó khăn.

Đại tá Hà Minh Tân nhấn mạnh: Việc thu thập chứng cứ để xử lý các vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (vay mượn tín dụng rồi chiếm đoạt) thường mất nhiều thời gian công sức để xác minh. Trong trường hợp này, yêu cầu đặt ra đối với các điều tra viên là phải làm rõ đối tượng sử dụng số tiền đã chiếm đọat được như thế nào, từ đó xác định hành vi phạm tội cũng như thu hồi tài sản còn để trả cho các bị hại cụ thể.

Ngoài chứng minh việc sử dụng nguồn tiền, còn phải cho hai bên tiến hành đối chiếu công nợ nên mất rất nhiều thời gian. Một số trường hợp là doanh nghiệp thường sử dụng tiền vay vào hoạt động kinh doanh, sản xuất phải phối hợp với nhiều cơ quan hữu quan để xác minh, kết luận nên mất rất nhiều thời gian. Tiếp đó là việc đánh giá chứng cứ chứng minh tội phạm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn có nhiều quan điểm trái ngược nhau, khó khăn trong việc điều tra, xử lý. 

Trong khi đó, một số đối tượng khi vay tiền đã chây ì không trả nhưng lách luật, không bỏ trốn và trả lời rằng họ làm ăn thua lỗ, nhưng vẫn có ý thức trả nợ. Trong trường hợp này, thông thường cơ quan pháp luật thường hướng dẫn người cho vay nợ ra tòa giải quyết theo kiện dân sự. Tuy nhiên, trong trường hợp thắng kiện, cũng khó thi hành án vì con nợ đã không còn khả năng thanh toán. “Của đau con xót”, các chủ nợ buộc phải nhờ đến các băng nhóm đòi nợ thuê.

Chị Nguyễn Thị Toán kể lại với phóng viên Báo CAND việc bị đối tượng Khánh đe dọa đòi nợ.

Trường hợp của đối tượng Nguyễn Đình Khánh là một ví dụ. Từ chủ nợ, đối tượng này suýt vi phạm pháp luật khi sử dụng côn đồ để đòi nợ. Vụ việc này nhờ được Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàng Mai phát hiện và ngăn chặn kịp thời đã không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, chủ nợ Nguyễn Đình Khánh (trú tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) cho em gái của chị Nguyễn Thị Toán (trú tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) là Nguyễn Thu Hà vay một khoản tiền...

Sau khi em gái của chị Toán bỏ đi, đối tượng tìm đến chị Toán để đòi nợ. Qua nói chuyện với một người bạn ngoài xã hội, Khánh biết có công ty thu hồi nợ. Khoảng đầu tháng 8-2017, Khánh gặp Vũ Hoàng Long, làm bên công ty thu hồi nợ, sau này xác định là Vũ Hoàng Sang (27 tuổi) và đưa toàn bộ các giấy tờ hợp đồng có chữ ký con dấu của Khánh để đòi nợ. Khánh đã ký giấy ủy quyền và đưa cho Sang 5 triệu đồng tiền kinh phí ứng trước.

Thực hiện hợp đồng, một ngày sau đó, Sang cùng Duy và một số đối tượng cùng chủ nợ Khánh đến quán bia Tiến Toán (ở đường Trương Định, quận Hoàng Mai) để yêu cầu chị Toán phải thanh toán khoản nợ của Khánh. Đối tượng Sang đe dọa trong 5 ngày chị Toán phải trả tiền... Sang đã 3 lần đến quán của chị Toán để đòi nợ thuê cho Khánh. Trong vụ việc này, Khánh từ chủ nợ, trở thành người vi phạm pháp luật.

Những cái bẫy tín dụng đen và chiêu trò đòi nợ thuê

Bà Nguyễn Thị Thu H (66 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) tìm đến Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàng Mai với gương mặt mệt mỏi. “Tôi sợ lắm rồi. Sau lần này, tôi phải tìm đến một ngôi chùa nào đó để ở”, người phụ nữ nói với chúng tôi. Bà H từng là giáo viên dạy mỹ thuật của một trường phổ thông trên địa bàn quận Đống Đa, có một mái ấm gia đình hạnh phúc với người chồng là một cán bộ công tác trong lực lượng vũ trang và một cô con gái xinh xắn, kháu khỉnh...

Chồng bà là người đàn ông hiền lành, chịu thương chịu khó nhưng ông cũng không chịu nổi người đàn bà suốt ngày đam mê đỏ đen. Cũng vì chuyện này mà họ dắt nhau ra tòa. Tính đến thời điểm này đã là 21 năm.

Gặp chúng tôi tại Công an quận Hoàng Mai vào một buổi chiều cuối tháng 8-2017, bà rơm rớm nước mắt: “Tôi cũng không ngờ rằng hậu quả lần này lại nghiêm trọng đến như vậy. Tôi cứ như ma xui quỷ khiến, chẳng biết vì sao”.

Bà H ngậm ngùi kể lại: Đầu tháng 3-2017, bà quen Nguyễn Văn Đ (trú tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) số tiền 50 triệu đồng với lãi suất 10 nghìn đồng/ triệu đồng/ngày. Ngay từ lần đầu nhận tiền, Đ đã trừ tiền lãi là 5 triệu đồng, bà H chỉ nhận được 45 triệu đồng. Sau đó, bà thường xuyên đánh số lô với Đ qua điện thoại. Trong quá trình chơi đã phát sinh nợ gốc và lãi...

Để có tiền trả nợ, bà H vay của Nguyễn Thị Xuân Hạnh tức Huệ (41 tuổi, trú tại Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), đối tượng có 2 tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy số tiền là 150 triệu đồng rồi tiếp tục nướng vào các canh bạc đỏ đen không còn khả năng chi trả. Đến ngày 23-8, khi Đ thông báo số nợ gốc và lãi lên đến 800 triệu đồng còn Hạnh yêu cầu trả nợ số tiền là 84 triệu đồng thì bà H mới giật mình sợ hãi.

Khi sự việc vỡ lở, bà H mới biết rằng, số tiền Hạnh cho bà vay lãi cũng là tiền của đối tượng Nguyễn Quang Đ. Hạnh vay tiền của Đ, sau đó cho bà mượn lại với lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch.

Sau nhiều lần đòi nợ không thành, Hạnh nhiều lần nhắn tin đe dọa để đòi nợ và gặp chồng bà H đòi nợ khiến ông này trở bệnh. Đến lúc này, người chồng cũ và cô con gái mới biết bấy lâu nay bà vẫn giấu chồng và con vay lãi để nướng vào các canh bạc đỏ, đen... Trong câu chuyện với chúng tôi, bà thừa nhận hành vi của mình là sai. Sau nhiều lần bị đối tượng nhắn tin đe dọa, bà đã đến Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàng Mai trình báo.

Trong quá trình tìm hiểu và viết bài báo này, chúng tôi rất khó khăn để tiếp cận các con nợ trong các vụ án, bởi trước sức ép của chủ nợ, các đối tượng đòi nợ thuê... , hầu hết các con nợ đều trốn chạy. Và người còn lại phải giơ đầu, chịu báng chính là những người thân trong gia đình. Hoàn cảnh của người thân các đối tượng trong vụ án mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, đã cho thấy các chiêu trò đòi nợ kiểu “xã hội đen” tàn khốc đến như thế nào. Ngoài việc gây ra các vụ ném chất bẩn vào nhà để đòi nợ, đối tượng còn dùng tin nhắn đe dọa, khủng bố về tinh thần khiến không chỉ họ mà những người thân trong gia đình cũng “ăn không ngon, ngủ không yên”.

 Hơn hai tháng qua, cuộc sống của gia đình chị Đ.T.Q.H ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) bị xáo trộn. Chồng chị thì vì mất khả năng trả nợ đã bỏ nhà đi biệt xứ... Hoàn cảnh đã chật vật là vậy nhưng các chủ nợ vẫn chưa một ngày buông tha. Để uy hiếp chị phải trả tiền, cứ nửa đêm chúng lại cho người ném mắm tôm trộn chất bẩn vào nhà.

Sau nhiều ngày, thấy không có hiệu quả (trên thực tế chị không có khả năng trả nợ) thì chúng cho người ngồi ở trước cổng nhà cả ngày lẫn đêm. Các đối tượng đều là những kẻ xăm trổ, chúng ăn, ngủ và thậm chí vệ sinh ngay tại cửa nhà để gây áp lực. Sau này, chúng còn đe dọa sẽ làm tổn thương đến các con của chị. Nghĩ đến hai đứa con gái thơ dại, chị sợ hãi... rồi cuối cùng phải nhờ đến Công an TP Hải Dương để giải quyết sự việc.

Các đối tượng trong băng nhóm đòi nợ thuê đều là những kẻ có tiền án, tiền sự, những kẻ lưu manh chuyên nghiệp, ít nhiều có sự am hiểu về pháp luật nên hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có nhiều thủ đoạn lách luật để đối phó với cơ quan Công an như việc các ổ nhóm xiết nợ, đòi nợ đều là giấy ủy quyền của chủ nợ.

Quá trình đòi nợ, chúng thường sử dụng nhiều hình thức đe dọa, khủng bố tinh thần là chính như kéo đòng bọn đến uy hiếp, ném chất bẩn, đặt vòng hoa, đồ kim tiêm, gọi điện thoại hoặc nhắn tin đe dọa. Các đối tượng hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng vũ lực, hủy hoại tài sản chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự...  
Xuân Mai
.
.
.