Điểm sáng vùng biên

Thứ Tư, 05/03/2008, 15:35
Trong năm 2007, số vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em tại ba xã biên giới là Si Ma Cai, Làn Sán, Sán Chải thuộc huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai chỉ còn 1 vụ và được lực lượng Biên phòng, Công an ngăn chặn kịp thời. Để có được thành công như vậy, những người lính đeo quân hàm xanh tại Đồn Biên phòng 227, huyện Si Ma Cai đã tích cực tuyên truyền, vận động để người dân tại các thôn, bản hiểu, tin và thực hiện tốt quy định của pháp luật.

Khi Biên phòng và Công an "tác chiến"

8h, Si Ma Cai vẫn còn chìm trong màn sương lạnh giá. Những tia nắng hiếm hoi và yếu ớt không đủ xua đi cái lạnh buốt thấu da thấu thịt ở đây.

Tại Đồn Biên phòng 227, huyện Si Ma Cai, buổi giao ban hằng tháng vẫn diễn ra đông đủ cán bộ, chiến sỹ Biên phòng và Công an huyện Si Ma Cai. Sau khi Thượng tá Trần Ngọc Minh - Trưởng Công an huyện tóm tắt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, cán bộ Biên phòng tiếp tục báo cáo tình hình tại các xã biên giới.

Do tổ chức tốt công tác tuần tra, kiểm soát, cho đến nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ba xã biên giới của huyện Si Ma Cai là Si Ma Cai, Làn Sán và Sán Chải vẫn khá ổn định. Biên giới được canh giữ an toàn.

Buổi giao ban "nóng" lên khi Đại úy Nguyễn Trọng Tuệ, Đồn phó Đồn Biên phòng 227 đưa ra thông tin về một số đối tượng có dấu hiệu khả nghi liên quan đến hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em, đưa người trái phép qua biên giới do lực lượng trinh sát đơn vị báo cáo, từ đó cùng với Công an huyện đề ra phương án kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. 9h buổi giao ban kết thúc. Các cán bộ, chiến sỹ nhanh chóng trở về đơn vị bắt đầu một ngày làm việc mới.

Đã thành thông lệ, cứ mỗi tháng một lần, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 227, huyện Si Ma Cai lại cùng với lực lượng Công an, Quân sự huyện tổ chức họp giao ban, nắm bắt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện. Si Ma Cai vốn là huyện biên giới vùng cao của tỉnh Lào Cai với 13 xã, 93 thôn bản, trong đó có 3 xã biên giới tiếp giáp với Trung Quốc là Si Ma Cai, Làn Sán, Sán Chải. Đường biên giới dài 12,2km đều là biên giới đường sông.

Ba xã biên giới quy tụ 13 thành phần dân tộc khác nhau, trong đó người Mông là chủ yếu, chiếm hơn 60%. Trình độ dân trí còn hạn chế, tỉ lệ mù chữ và tái mù chữ còn cao. Giao thông đi lại giữa các xã, các thôn bản cũng hết sức khó khăn.

Lợi dụng tình hình đó, nhiều loại tội phạm hoạt động trên địa bàn như buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm, trộm cắp tài sản, đặc biệt là loại tội phạm về buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, lực lượng trinh sát Biên phòng đã nắm bắt và phát hiện kịp thời diễn biến tình hình địa bàn, đối tượng nội ngoại biên, phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng chức năng của Công an huyện, xã trao đổi thông tin về tội phạm cũng như công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn, từ đó ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật.

Kết quả, trong năm 2007, tại 3 xã biên giới của huyện Si Ma Cai chỉ xảy ra 1 vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em. Số phụ nữ Việt Nam bỏ sang Trung Quốc lấy chồng chỉ có 4 người vận chuyển gia cầm trái phép có 3 vụ với khối lượng 32kg và đã tiến hành tiêu hủy…

Xây dựng điểm sáng vùng biên

Với 50 cán bộ, chiến sỹ, Đồn Biên phòng 227 được chia làm 6 tiểu đội. Đại úy Nguyễn Trọng Tuệ cho biết: Để đảm bảo ngăn ngừa các loại tội phạm, cùng với công tác đấu tranh, các cán bộ, chiến sỹ Biên phòng luôn đề cao công tác vận động, tuyên truyền để quần chúng nhân dân hiểu rõ tác hại của các hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt là hành vi buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Trong thời gian qua, Đồn Biên phòng 227 đã phối hợp với Hội Phụ nữ, Công an huyện, xã tổ chức 9 buổi giao lưu văn nghệ, xây dựng nhiều tiểu phẩm do chính những phụ nữ người Mông diễn bằng tiếng Mông để tuyên truyền cho bà con biết về công tác phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, không bỏ sang Trung Quốc lấy chồng.

Bên cạnh đó, đối với các đối tượng có dấu hiệu khả nghi liên quan đến các hành vi buôn bán phụ nữ, trẻ em, cán bộ, chiến sỹ Biên phòng trực tiếp đến nhà vận động, tuyên truyền để các đối tượng tự giác ra đầu thú trước Công an. Điển hình như vụ việc xảy ra vào lúc 22h ngày 30/6/2007.

Theo nguồn tin từ quần chúng, tại thôn Ngàn Pản, xã Sán Chải có 4 chị em đều là người dân tộc Mông đã bỏ nhà đi không rõ lý do. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, lực lượng trinh sát Biên phòng đã phát hiện ra 2 đối tượng khả nghi là Cư Seo Chúng (27 tuổi) và Cư Seo Vàng (17 tuổi), trú tại thôn Trống Chải, xã Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Cán bộ Biên phòng đã phối hợp với lực lượng Công an trực tiếp đến nhà hai đối tượng vận động. Cuối cùng, ngày 3/7/2007, cả hai đối tượng đã ra đầu thú tại Công an huyện Si Ma Cai về hành vi dụ dỗ 4 phụ nữ trên sang Trung Quốc và giải cứu được 4 chị em trở về Việt Nam.

Không chỉ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn ba xã biên giới, các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 227 còn thường xuyên phối hợp với các cơ quan đơn vị, chăm lo đời sống cho bà con thôn bản như phối hợp với Sở Y tế, trạm y tế, chính quyền địa phương khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 439 lượt người dân, phối hợp với Hội Nông dân triển khai kế hoạch xây dựng điểm sáng vùng biên phát triển kinh tế.

Hình ảnh những người lính đeo quân hàm xanh Đồn Biên phòng 227 ngày ngày giúp dân bản, giữ vững an ninh vùng biên luôn khiến cho người dân Si Ma Cai ấm lòng

Nguyễn Hương - Thanh Phong
.
.
.