Đến với những người lính nơi đầu sóng ngọn gió

Thứ Ba, 18/03/2008, 15:06
Đến Trạm Biên phòng Cồn Lu, thấy những người lính nơi đây đều hiền lành, dễ mến, vui vẻ đầy chất lính lại có những công việc như một người nông dân thực thụ. Nhiệm vụ của các anh là phải quản lý khu vực cửa sông Hồng, bãi bồi Cồn Lu, Cồn Ngạn, giữ vững an ninh chính trị, nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ rừng.

Con đường vào Trạm Biên phòng Cồn Lu lắt léo ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Qua một chặng đường đi nhờ tàu của ngư dân, chúng tôi phải đổi sang con thuyền nan mỏng như cánh lúa len qua những lạch nước. Rồi lại cuốc bộ trên sình lầy chừng nửa giờ đồng hồ mới đến được trụ sở của Trạm Cồn Lu.

Giữa rừng sú vẹt, cây phi lao, đầm lầy, bãi cát... đầy vẻ hoang sơ, những người lính biên phòng ở đây ngày lại ngày trầm mình trong gió biển, trong bộn bề gian khó nhưng vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Kiên cường lính biển

Thượng tá Trần Xuân Đãi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 84 đưa chúng tôi vượt qua quãng đường dài vào Trạm Biên phòng Cồn Lu bằng đủ loại phương tiện: ôtô, tàu máy, thuyền tay, đi bộ, lội qua lạch nước.

Nằm trong Vườn quốc gia Xuân Thuỷ thuộc huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định nên trạm có những đặc trưng riêng khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Hai bên đường vào trạm chúng tôi được chứng kiến cuộc sống sinh động của các sinh vật rừng ngập mặn. Từng đàn cò bay lượn trên đầu, những đàn cua, cáy ken dày đặc chạy ngược chạy xuôi trên những mảng đất lộ dưới chân cây sú, vẹt.

Qua đầm nuôi tôm và đàn dê đang mải miết tìm thức ăn, Trạm Biên phòng Cồn Lu hiện ra trước mắt chúng tôi như một con nhện khổng lồ. Ngôi nhà kiểu nhà sàn duy nhất ở đây được xây dựng năm 1989 nằm giữa vùng đất ngập mặn ven biển Nam Định. Dây cáp nối từ mái xuống đất tua tủa như những chiếc chân nhện.

Trong "con nhện" khổng lồ ấy, 8 cán bộ, chiến sỹ của Trạm Biên phòng ngày đêm cắm chốt để bảo vệ mục tiêu và hoàn thành các nhiệm vụ của mình. Thượng tá Trần Xuân Đãi giải thích, nếu không có dây cáp nối xuống tảng bê tông nằm chìm sâu trong đất thì ngôi nhà không chịu được sức gió biển, sức bão và khi nước lên. Lý do làm nhà sàn là cũng vì thế. Nước lên, toàn bộ gầm nhà sàn chìm trong nước, phương tiện đi lại duy nhất lúc đó là thuyền. Ngay dưới chân nhà sàn lúc nào cũng thường trực một chiếc thuyền nhỏ.

Thượng úy Phạm Văn Duẩn, Trưởng Trạm Cồn Lu cùng các chiến sỹ đón chúng tôi trong không khí ấm áp của gia đình. Xa nhà nhiều ngày, các anh coi đây cũng như một gia đình của mình, vừa để làm tốt nhiệm vụ, vừa để vơi đi nỗi nhớ nhà.

Những người lính mà chúng tôi tiếp xúc ở đây đều rất hiền lành, dễ mến, vui vẻ đầy chất lính lại có những công việc như một người nông dân thực thụ. Nhiệm vụ của các anh là phải quản lý khu vực cửa sông Hồng, bãi bồi Cồn Lu, Cồn Ngạn với tổng chiều dài 12km, phối hợp với Trạm Biên phòng Cồn Vành thuộc Đồn Biên phòng 72 Thái Bình và các lực lượng Công an, quân sự, Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, giữ vững an ninh chính trị, nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ rừng.

Ngoài ra, các anh còn phối hợp với các xã Giao An, Giao Thiện, Giao Lạc, Giao Xuân, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành đường lối chính sách... quy chế khu vực biên giới biển khi làm ăn trên địa bàn. Riêng năm 2007, trạm đã tiến hành tuần tra kiểm soát 101 lượt tổ với tổng chiều dài 915km, kiểm soát 55 lượt phương tiện nhỏ...

Chuyện về những chiến sỹ chân đất trồng rau, nuôi dê

Nằm trên cồn đất mới, lại bị ngăn cách bởi rừng ngập mặn nên giao thông chủ yếu của các CBCS Trạm Cồn Lu là đường mòn theo các bờ đầm, bãi bồi. Việc đi lại, cung cấp lương thực và nhu yếu phẩm rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Việc tăng gia sản xuất của các chiến sỹ ở đây dường như cũng chẳng kém những khó khăn trên đảo Trường Sa.

Để có một vườn rau rộng chừng bốn chục mét vuông, các anh phải rất vất vả kiếm nước tưới và đặc biệt là việc thau chua rửa mặn. Các chiến sỹ còn phải hứng nước mưa từ mái bếp, bớt một chút để ăn, còn lại dội vào đất... Chừng 40m2 rau xanh có được do sự chăm chỉ của những anh lính đã góp phần cải tạo bữa cơm.

Không chỉ giỏi trồng rau, các CBCS trên đảo Cồn Lu còn là những người nông dân giỏi nuôi gà, dê. Gần 100 con gà và đàn dê cũng lên tới vài chục con lông mượt, béo tốt là thành quả của 8 CBCS khi vừa dứt công việc chuyên môn.

Có lẽ điều thiệt thòi nhất với các chiến sỹ Trạm Cồn Lu là sự thiếu thốn đời sống tinh thần. Ở nơi không điện lưới, sóng vô tuyến điện phập phù thì chẳng lấy đâu vô tuyến mà xem, hoạt động văn hoá tinh thần do tự các chiến sỹ tạo ra.

Vậy mà, có chiến sỹ đã cắm chốt ở đây được 17 năm. Nếu kể ra khó khăn, vất vả của người lính nơi đầu sóng ngọn gió thì chẳng bao giờ hết. Chỉ biết rằng, tất cả đều được các anh vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.    

Chúng tôi chia tay các CBCS Trạm Cồn Lu sau lời giục vội vã của các anh: "Nếu không ra nhanh, nước xuống, đoàn sẽ không đi được bằng thuyền...". Anh trưởng trạm đi bộ cả nửa giờ đồng hồ tiễn chúng tôi ra lạch nước để lên thuyền vào bờ. Nụ cười hiền lành, dễ mến là sự nhiệt tình của anh và các chiến sỹ trạm Cồn Lu gây ấn tượng mạnh với chúng tôi.

Đại tá Phạm Văn Miên, Phó Tổng Biên tập, đại diện Báo CAND tặng CBCS trạm Cồn Lu số tiền 3 triệu đồng để cùng chia sẻ một phần khó khăn với các anh - những người lính hết mình vì nhiệm vụ

Việt Hà - Cao Hồng
.
.
.