Đến Venezuela hỏi chuyện du kích quân Caracas năm xưa

Thứ Tư, 05/01/2005, 07:40

Năm 1964, để đòi tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi, các du kích quân Caracas ở đất nước Venezuela xa xôi đã bắt cóc một sĩ quan Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch không thành, sau khi họ trả tự do cho con tin Mỹ thì ở Việt Nam, anh Trỗi bị xử tử.

Tôi biết đến đất nước Venezuela từ hồi còn nhỏ qua những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu về Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi:

Du kích quân Caracas đã vì anh
Bắt một tên giặc Mỹ giữa đô thành.

Và những câu thơ đó cứ vang trong tôi khi lần đầu tiên may mắn được đến công tác tại thủ đô của đất nước Nam Mỹ tươi đẹp này vào đầu tháng 12/2004. Càng may mắn hơn, qua sự giới thiệu của các bạn bè Venezuela, tôi được gặp ông Guillermo Garcia, một trong những vị chỉ huy du kích hồi những năm 60 của thế kỷ trước, từng gián tiếp tham gia chiến dịch bắt cóc sĩ quan Mỹ để đòi tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi, lúc đó đang bị giam sau vụ ám sát không thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara năm 1964 trên cầu Công Lý ở Sài Gòn.

Ông Guillermo nay là Chủ tịch tổ hợp nhật báo Vea (Hãy nhìn), một tờ báo được thành lập tháng 9/2003, theo lời ông nói, nhằm “lấp chỗ trống thông tin” về những thành tựu của cuộc Cách mạng Bolivar do Tổng thống Hugo Chavez đứng đầu mà báo chí đối lập không đề cập.

Đã 79 tuổi nhưng ông Guillermo còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và minh mẫn. Ông tiếp tôi tại phòng làm việc được trang trí bằng những chân dung của các lãnh tụ cách mạng như, nhà anh hùng giải phóng châu Mỹ Simon Bolivar, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, Chủ tịch Cuba Fidel Castro và người anh hùng du kích Cuba - Mỹ Latinh, Che Guevara. Ông Guillermo giở cho tôi xem cuốn sách Lịch sử bằng ảnh về Venezuela (Historia Grafica de Venezuela) và cuốn hồi ký của ông mang tên Cuộc vượt ngục ở Trại lính San Carlos (La Fuga del Cuartel San Carlos) nói về cuộc chạy trốn của ông và các đồng đội khỏi nhà tù của chế độ thân Mỹ Romulo Betancourt hồi năm 1968 qua một con đường ngầm sau 5 năm bị giam cầm. Cả hai cuốn sách đều đăng nhiều ảnh tư liệu và mô tả những sự kiện chính của giai đoạn lịch sử năm 1964 ở Venezuela, trong đó nổi bật là vụ du kích thủ đô Caracas bắt cóc Trung tá Michael Smolen, Phó chỉ huy lực lượng bảo vệ phái bộ Mỹ tại Caracas ngày 10/10/1964 để đòi Mỹ trả tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi.

Sách in cả ảnh Smolen lúc được trả tự do và trả lời báo chí cùng chân dung một số du kích tham gia vụ này. Tuy nhiên, kế hoạch không thành: anh Trỗi bị Mỹ -ngụy tử hình sau khi du kích Venezuela trả tự do cho Smolen ngày 13/10/1964. Tôi hỏi ông Guillermo:

- Tại sao du kích Venezuela lại bắt cóc Trung tá Smolen?

- Cuộc đấu tranh anh dũng chống xâm lược Mỹ của nhân dân Việt Nam đã ảnh hưởng rất lớn đến nhân dân Venezuela. Chúng tôi tiến hành vụ này không chỉ nhằm đòi Mỹ trả tự do cho Nguyễn Văn Trỗi bằng mạng sống của Smolen mà còn là cách thể hiện tình đoàn kết và ủng hộ nhân dân Việt Nam anh hùng. Vụ này cũng nhằm phản đối làn sóng đàn áp phong trào cách mạng Venezuela thời bấy giờ.

- Ông có thể kể vài nét về sự kiện này không?

- Hồi đó tôi là Chỉ huy trưởng Phòng Nhì của Bộ Tổng tham mưu du kích,  chuyên lo công tác nhân sự và tuyển quân cho du kích. Tôi không trực tiếp tham gia vụ bắt Trung tá Smolen vì đang bị giam giữ, nhưng tôi và các đồng đội trong tù cũng giữ liên lạc với các đồng chí bên ngoài. Thực ra, kế hoạch của chúng tôi là bắt sống Đại tá Henry Lee Choate, Chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ Phái bộ Mỹ ở Caracas để gây sức ép, buộc chế độ thân Mỹ ngừng chiến dịch đàn áp và để đòi Mỹ trả tự do cho anh Trỗi. Đội du kích “Livia Gouvernert” (tên một nhà cách mạng Venezuela bị chế độ độc tài Batista ở Cuba giết hại) thực hiện kế hoạch trên, nhưng Henry Lee chạy thoát trong gang tấc. Thay vào đó, du kích bắt được Smolen ngày 10/10/1964.

- Tại sao các ông lại thả Smolen?

- Chính quyền đã huy động một lực lượng an ninh khổng lồ lùng sục, bắt và tra tấn dã man những người bị tình nghi là du kích, đồng thời bao vây nơi du kích giam giữ Smolen. Hơn nữa, mục tiêu của chúng tôi là bắt Đại tá Henry Lee để có lợi thế hơn trong việc mặc cả với phía Mỹ. Trong lúc đó, có tin anh Trỗi đã được trả tự do, vì thế bên này chúng tôi tha cho Smolen. Có thể nói là du kích chúng tôi đã bị lừa.

- Xin ông cho biết liệu có ai trực tiếp tham gia vụ đó còn sống  không và tại sao phong trào du kích Venezuela lại lắng xuống?

- Đã 40 năm rồi, mỗi người một nơi, khó mà tìm lại được. Lực lượng Vũ trang Giải phóng Dân tộc (FALN) của chúng tôi là một phong trào du kích mạnh, có khoảng 10.000- 15.000 chiến sĩ. Tuy nhiên, khó khăn nhất của chúng tôi là thiếu vũ khí. Venezuela nằm giữa những nước thù địch với cách mạng, con đường duy nhất là thông ra biển Caribe. Chúng tôi đã nhiều lần tìm cách nhập vũ khí qua đường biển nhưng đều thất bại. Vũ khí của chúng tôi chủ yếu lấy của địch, không đủ trang bị và vì thế không thể tiến hành những chiến dịch lớn để xoay chuyển tình thế. Hầu hết các chỉ huy du kích đều lần lượt sa vào tay địch hoặc hy sinh. Kẻ địch đã lợi dụng thất bại của phong trào du kích để tăng cường đàn áp, chia rẽ lực lượng tiến bộ... Nhiều người đã mất tinh thần hoặc đi lạc hướng. Phong trào du kích ngày càng giảm sút và đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc đấu tranh chính trị vì một xã hội mới cho đến khi nổ ra cuộc binh biến năm 1992 do Trung tá Hugo Chavez cầm đầu.     

- Ông đánh giá thế nào về cuộc Cách mạng Bolivar hiện nay?

- Cuộc binh biến năm 1992 đã mở ra một hướng đi mới cho cách mạng. Đây là một phong trào giải phóng, giành độc lập thật sự cho đất nước, xóa bỏ sự phụ thuộc vào Mỹ, vì thế được nhân dân ủng hộ. Sự ủng hộ này đã giúp ông Chavez lên cầm quyền năm 1999 và mở đầu quá trình thay đổi sâu sắc đất nước Venezuela. Cuộc cách mạng Bolivar là nhằm mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, xóa bỏ nghèo khổ, xây dựng một nền kinh tế theo hướng xã hội... Đại đa số nhân dân Venezuela đều ủng hộ Tổng thống Chavez, ủng hộ cuộc cách mạng do ông đứng đầu. Hiện nay, thế và lực của cách mạng đã mạnh lên nhiều; không ai có thể đảo ngược quá trình cách mạng này.

- Ông nghĩ gì về Việt Nam ngày nay?

- Tôi nhớ mãi và rất ngưỡng mộ cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt  Nam chống xâm lược. Đó là tấm gương sáng cho chúng tôi. Hình ảnh đồng chí Hồ Chí Minh luôn sống mãi trong lòng chúng tôi. Tôi rất vui vì Việt Nam đang đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, xây dựng đất nước hòa bình. Nhân dân chúng tôi mong muốn thắt chặt quan hệ với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, chống chính sách đơn cực, vì sự tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền tự quyết của các dân tộc.

Ông Guillermo rất cảm động khi được tôi trao tặng tấm chân dung Hồ Chủ tịch và một số ấn phẩm của TTXVN. Ông nói sẽ treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bên cạnh các lãnh tụ cách mạng khác tại trụ sở tòa báo. Ông cũng lấy làm tiếc là Việt NamVenezuela chưa mở sứ quán tại mỗi nước để thúc đẩy quan hệ song phương phát triển

Lê Duy Truyền
.
.
.