Đêm dưới những gầm cầu vượt

Thứ Sáu, 24/06/2005, 15:21

Từ khi những cây cầu vượt được xây dựng ở Hà Nội, bộ mặt đô thị thay đổi hẳn, giao thông cũng được cải thiện. Thế nhưng trái với cái ồn ào, náo nhiệt trên cầu, dưới gầm cầu vượt là một cuộc sống khác của những người vô gia cư. Họ coi gầm cầu là chỗ ngả lưng lý tưởng sau một ngày lao động nặng nhọc, vất vả.

Hà Nội 2h sáng. Nếu như trong phố cổ, sự yên tĩnh bao trùm thì ở những trục đường chính, nơi có những cây cầu vượt, phố xá vẫn ồn ào lắm. Cũng phải thôi, bởi cầu vượt được xây ở những nơi đông người qua lại để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông. Cầu vượt Ngã Tư Vọng nằm trên trục đường Giải Phóng vốn là con đường giao thông huyết mạch của Thủ đô đi về các tỉnh phía Nam cũng ồn ào như những nơi có cầu vượt khác. Phải mất một lúc chuẩn bị tinh thần, tôi và anh bạn đi cùng mới dám cầm đèn pin lò dò chui xuống gầm cầu.

Một, hai rồi ba người đang say sưa nằm ngủ. Không khí nóng nực, muỗi bay vo ve, mùi mồ hôi nồng nồng và cả mùi của xú uế. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn đường hắt vào, tôi phải cố gắng lắm mới xác định được người đang nằm là đàn ông. Anh ta nằm trên chiếc chiếu cũ, mặc chiếc quần đùi và áo phông cũ, đầu đội một chiếc mũ lưỡi trai cáu bẩn che kín mặt, chiếc quần dài cũng cũ nốt, vứt bên cạnh. Dường như ánh sáng từ chiếc đèn pin của tôi không làm người đang ngủ bận tâm.

Tần ngần một lúc, tôi quyết định giơ máy ảnh lên chụp. Ánh đèn flash từ chiếc máy ảnh lóe sáng thật hiệu quả, người khách trọ đã thức giấc, hé mắt nhìn chúng tôi một cách dửng dưng rồi lại xoay lưng ngủ tiếp. Nhưng rồi không hiểu tại sao anh ta quay lại nhìn tôi chằm chằm và ngồi nhỏm lên. "Có chuyện gì vậy?". Tôi thấy mình thật khó khăn khi phải giải thích về sự có mặt và chuyện quấy rối giấc ngủ của anh ta. "Viết báo để làm gì? Tốt hơn hết là chị đừng nói nếu không chúng tôi lại bị đuổi thì biết ngủ ở đâu?". Nói đoạn anh ta với lấy chiếc điếu cày dựng ở chân cầu và châm đóm.

Những giấc ngủ mệt mỏi nơi gầm cầu.

Tôi không dám chắc về khả năng thuyết phục người khác của mình lắm, có lẽ do thấy tôi là phụ nữ mà cũng phải lọ mọ đêm hôm chui xuống gầm cầu nên người đàn ông đó đã đồng ý tiếp chuyện. Anh ta cho biết tên là Đinh Văn Thắng, quê ở Mai Châu, Hoà Bình, xuống Hà Nội làm việc đã 5 năm nay. "Ban đầu, tôi với hai người cùng quê thuê chung một nhà trọ. Chúng tôi đứng ở chợ lao động, ai có việc gì kêu thì làm. Đến bây giờ thì hai người kia đã bỏ về quê, một mình tôi ở lại. Từ năm ngoái, giá nhà trọ đắt đỏ quá nên tôi không thuê nhà nữa mà đi ngủ lung tung. Cô thử tính mà xem, mỗi ngày chúng tôi kiếm được 15.000 - 20.000 đồng, ngoài tiền ăn uống lại phải trả thêm tiền nhà mỗi tháng 300.000 - 400.000 đồng thì làm sao mà chịu cho thấu.

Nói thật là lúc đầu nghĩ tới cảnh phải đi ngủ lang thang đầu đường xó chợ cũng ớn lắm. Nhưng khi anh không có tiền thì mọi chuyện cũng đâu quá khó khăn phải không cô?". Thắng nhìn tôi cười buồn. 30 tuổi mà trông Thắng như ngoài 40. Trước đây, Thắng ngủ trong chợ Mơ, mới ra chân cầu này hơn một tháng. Ngủ dưới gầm cầu, tuy ồn ào một chút nhưng không khí thoáng hơn, ít muỗi và đỡ nặng mùi hơn trong chợ. Thỉnh thoảng Thắng cũng bị lực lượng tuần đêm đuổi. Lang thang vạ vật trên phố một lúc, thấy yên yên lại về.

"Có một lần, tôi bị mấy thằng nghiện đói thuốc quấy rầy. Nhưng cái thân mình thì có gì đâu mà chúng nó cướp. Đôi khi nghĩ lại cũng thấy ớn vì nếu nó tức quá, "xỉa" cho mình một mũi kim, dính siđa thì cũng phiền”. Rồi Thắng cho tôi biết thêm, những hôm khác thì có hai người và một cậu bé đánh giày nữa. Nhưng hôm nay có thể họ có việc làm đêm nên không về. Bởi vậy, ngoài chiếc điếu cày Thắng mang theo để làm bạn khi mất ngủ, tài sản duy nhất là chiếc chiếu cũ mà mỗi sáng, anh lại nhét vào gầm cầu để tối lôi ra ngủ tiếp. "Cũng chẳng biết mình sẽ làm như thế này bao lâu nữa. Về quê thì lấy gì mà ăn. Thôi thì đến đâu hay đến đấy"...

Là một trong những chợ đầu mối rau quả của TP nên khu vực gầm cầu vượt Dịch Vọng "thu hút"  khá nhiều người lao động. Họ nằm chờ những chuyến xe đêm về để bốc hàng. Hễ có tiếng ôtô về là ngay lập tức những người thanh niên vùng dậy để bốc từng sọt rau quả từ trên xe xuống. Mỗi tối như thế cũng được dăm ba nghìn. Ngoài ra, đội ngũ "ngủ dưới gầm cầu" còn có những người đi chợ sớm, bán hàng xong cũng tranh thủ chui vào đánh một giấc, chờ trời sáng mới trở về nhà.

Mỗi người một chân cột, ôm khư khư chiếc túi trong tay, thậm chí có người cũng chẳng có túi vì nắm tiền lẻ vừa bán rau đã được nhét gọn trong lưng quần. Cạnh chỗ họ nằm, có thể còn có chiếc xe đạp buộc sọt dựng sẵn.

Tại gầm cầu Dịch Vọng, tôi gặp một người đàn bà, mà có lẽ là người phụ nữ duy nhất ngủ ở gầm cầu. Khi tôi hỏi thăm, bà lom lom nhìn: "Tôi đang đói bụng, cô cho tiền thì tôi nói". Tôi đưa cho bà 10.000 đồng. Bà lão nhanh chóng giấu nó vào cạp quần: "Bà không sợ mất tiền sao?". "Ngày trước thì có, giờ thì không". Giữ lời hứa, bà cụ cho biết: Trước đây bà bán vé số, mỗi ngày cũng để dành được mấy nghìn. Ấy thế mà có một "thằng mất dạy" nào đó nỡ lòng ăn trộm mất. Đó là cái hồi bà đang ngủ ở hồ Nghĩa Tân. Bây giờ thì bà không bán vé số nữa mà đi ăn xin và tìm đến ngủ ở chân cầu Dịch Vọng. Nơi đây đông người lại sáng đèn nên không sợ bị mất cắp. Mà thực ra thì bà lão cũng còn tài sản gì để mất nữa…

Một trong những cây cầu lớn, gầm rộng là cầu Chương Dương nhưng đã từ lâu, nó được quy hoạch làm chỗ trông giữ xe nên không còn chỗ ngủ cho những người hành khất, người vô gia cư. Có chăng, thi thoảng có một vài người lỡ đường chui xuống ngủ ở gầm phía bên Gia Lâm. Tôi gặp cậu bé tên Hoàng làm nghề đánh giày đang ngồi thu lu dưới gầm cầu nhìn trời mưa. Hoàng mồ côi mẹ, bố có vợ mới, cậu bỏ quê Thanh Hoá ra Hà Nội kiếm sống. Lang thang khắp phố phường kiếm khách, chỗ nghỉ của Hoàng cũng không cố định, "tiện đâu là nhà, ngã đâu là giường", thi thoảng, Hoàng cũng chui xuống gầm cầu. "Em đang nghĩ gì?" - tôi hỏi. "Em nghĩ nếu mình có một chiếc xe máy, em sẽ lái xe đi trên cầu…". Một ước mơ giản dị nhưng thật to lớn với em

Lệ Thuý
.
.
.