Khu tái định cư Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút (Đắk Nông):

Đem con bỏ chợ

Thứ Hai, 16/03/2009, 15:07
Chính quyền địa phương đề ra dự án "ổn định dân di cư tự do thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút" là làm cho cuộc sống người dân tốt đẹp hơn, phù hợp với kế hoạch tổng quan phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên lời hứa gió bay.

Khi đi tìm hiểu thực tế cuộc sống của bà con, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân khi vào vùng định cư hết sức cơ cực, cái đói, cái nghèo luôn hiện hữu nơi đây; trong khi những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như đất sản xuất, nước và điện sinh hoạt đều không có (!).

Lợi doanh nghiệp, thiệt người dân!        

Ngày 21/11/2005, UBND tỉnh Đắk Nông có Quyết định số 1755/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án ổn định dân di cư tự do thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, theo đó sẽ có 238 hộ với 1.083 nhân khẩu được đưa vào vùng định cư mới với tổng kinh phí thực hiện dự án 10 tỷ 933 triệu đồng. Nguồn kinh phí trên sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, công trình điện và nước sinh hoạt.

Tháng 2/2008, mặc dù cơ sở hạ tầng vùng dự án chưa được xây dựng xong, nhưng huyện Cư Jút vẫn đưa gần 200 hộ dân vào định cư, khiến cuộc sống người dân lâm vào tình trạng khó khăn trăm bề.

Khi trao đổi với chúng tôi, người dân cho biết, mục đích chính của việc di dời dân "vội vàng" trên không hẳn nhằm ổn định dân cư, mà chỉ để "giúp" thu hồi đất cho Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú và Công ty cổ phần TNHH&TM Vĩnh An thực hiện dự án trồng hơn 2.800ha cao su.

Điều đáng lo ngại là khi di dời gần 200 hộ dân vào vùng dự án, thu hồi đất cấp cho các doanh nghiệp, chính quyền huyện Cư Jút lại không tính đến việc giải quyết đất sản xuất cho bà con mà chỉ hỗ trợ tiền khai hoang từ 1 đến 5 triệu đồng/ha, cộng với số tiền đền bù cây trồng trên đất quá ít ỏi, nên khi ra nơi ở mới, đa số các hộ nông dân sống trong tình cảnh "không tấc đất cắm dùi".

Những căn nhà định cư ở thôn Nam Tiến bỏ hoang.

Trong 2 ngày liên tiếp, chúng tôi vượt hơn 60 cây số đường đất đỏ bụi mù mịt để có mặt tại thôn định cư Nam Tiến, được quy hoạch cách trung tâm xã Ea Pô chừng 5km. Dọc những con đường mịt mù bụi đất là những căn nhà lụp sụp bỏ hoang.

Ông Lương Văn Uynh, nguyên là thôn trưởng thôn định cư Nam Tiến từ ngày đầu thành lập kể: Trước khi về định cư ở đây, gia đình ông cùng bà con đã định cư hơn chục năm ở thôn Cồn Dầu nằm gần sông Sê-rê-pốk (thôn Nam Tiến cũ được thành lập theo Quyết định số 218/QĐUB ngày 16/10/1996 của UBND huyện Cư Jút, thuộc tỉnh Đắk Lắk). Tại nơi ở cũ, bà con đã ổn định cuộc sống, hộ nào cũng có từ 2 đến 3ha đất trồng điều, cây hoa màu và mấy sào đất thổ cư trồng cây ăn trái, mỗi năm thu nhập được vài ba chục triệu đồng. Thế nhưng mãi sau hơn 10 năm, huyện Cư Jút mới đưa ra lý do bà con lấn chiếm đất lâm nghiệp, để thu trắng (không đền bù) lấy đất cấp cho doanh nghiệp trồng cao su. Khi ra nơi ở mới, mỗi hộ chỉ được cấp 400m2 đất thổ cư, còn đất sản xuất thì chính quyền "quên" luôn, kèm theo hàng loạt lời hứa suông(!).

Cũng theo phản ánh của ông Uynh và một số bà con như anh Lục Văn Loan, chị Vi Thị Hẹn và bà Lương Thị Hùng, thời điểm tháng 2/2008 có 193 hộ bị thu hồi đất giao cho các công ty trồng cao su di dời vào vùng định cư, nhưng do không có đất sản xuất, nên có tới 72 hộ phải tản đi các nơi khác tìm kế sinh nhai...

Lời hứa… gió bay

Công bằng mà nói, khi ra thôn định cư Nam Tiến, gần trung tâm xã hơn, việc học tập của các cháu có thuận lợi hơn nơi ở cũ. Nhưng nỗi lo "cơm áo, gạo, tiền" lại lớn hơn nhiều. Thiếu đói, thậm chí không có cả nước sinh hoạt nên bọn trẻ chẳng thiết tha với chuyện học hành - chị Hà Thị Thoa đã nói với chúng tôi như vậy(!).

Không có đất sản xuất, hơn chục triệu đồng tiền hỗ trợ khai hoang 3-4ha đất rẫy cũ chẳng đủ mua 1 sào đất tại nơi ở mới, nên khoản tiền này các hộ chi tiêu trong một năm cũng hết nhẵn. Vì vậy, từ ngày ra thôn định cư Nam Tiến, bà Hà Thị Bẹn 69 tuổi, bác Lương Thị Hùng 47 tuổi và chị Vi Thị Hẹn cùng các bà, các chị phải rủ nhau vào rẫy của bà con thôn khác mót sắn (mỳ), kiếm mỗi ngày vài ba nghìn đồng.

Bà Hà Thị Bẹn nói: "Trước khi thu đất của dân, cả huyện, xã và công ty cao su hứa đủ điều, nào là nhận số lao động trong độ tuổi vào làm công nhân, khoan cho 5 hộ 1 cái giếng nước sinh hoạt, hỗ trợ 6 tháng gạo ăn, nay lời hứa đã bị gió bay. Trên thực tế bà con chỉ được hỗ trợ 10 triệu đồng tiền làm nhà, 1 đến 2 tháng gạo ăn với mức 7kg/khẩu, 2 tháng dùng nước sinh hoạt miễn phí tại giếng khoan ở gia đình ông Phạm Văn Tuệ. Sau 1 tháng, nếu dùng nước bà con phải nộp tiền cho ông Tuệ với mức 50 nghìn đồng/hộ/tháng".

Theo quan sát của chúng tôi, ngay cả 400m2 đất thổ cư mà các hộ được cấp, do đất sỏi khô cằn nên bà con không trồng được cây gì để có thu nhập.

Để ổn định dân cư, lẽ ra trước khi di dời hàng trăm hộ dân vào thôn định cư Nam Tiến, chính quyền huyện Cư Jút cần phải tính đến việc ổn định cuộc sống lâu dài cho bà con. Tình trạng gần 200 hộ dân vùng "định cư" mà không được "định canh", khiến cuộc sống của nhân dân lâm vào tình cảnh thiếu thốn trăm bề, và chắc chắn như thế sẽ dẫn tới tình trạng tái di cư tự do. Khi đó Nhà nước lại tốn nhiều công sức, tiền bạc trong việc ổn định dân di cư tự do mới phát sinh này

Gia Bảo
.
.
.