Dấu ấn thiêng liêng bảo vệ Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945

Thứ Hai, 02/09/2013, 12:19
Lịch sử CAND ghi nhận ngày 19/8/1945 là ngày truyền thống (đúng với ngày Cách mạng Tháng Tám thành công), tuy nhiên, tiền thân của lực lượng CAND đã có từ trước đó.

Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, Đảng đã tổ chức “Đội tự vệ đỏ” để chống địch khủng bố, trấn áp bọn phản cách mạng bảo vệ chính quyền Xô viết và giữ gìn an ninh trật tự. Từ đó trở đi, tổ chức “Đội tự vệ đỏ” đã xuất hiện trong các cuộc đấu tranh của quần chúng. Từ cuối năm 1939 trở đi, Đảng thành lập An toàn khu (ATK) và các “Ban công tác đội” để bảo vệ An toàn khu, bảo vệ cán bộ của Đảng, trừ diệt bọn phản động tay sai của Pháp – Nhật.

Tháng 11/1941, Đội tự vệ cứu quốc được thành lập ở Cao Bằng, sau đó phát triển ở khắp nơi làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng, giữ vững giao thông liên lạc, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, đấu tranh diệt trừ bọn phản động, mật thám, tay sai của địch.

Tháng 6/1945, Tổng bộ Việt Minh thành lập khu giải phóng gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Các “Đội danh dự trừ gian” (sau đổi là Đội danh dự Việt Minh), “Đội hộ lương diệt ác”, “Đội trinh sát” – những tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam lần lượt ra đời làm nhiệm vụ tiễu trừ Việt gian, trừng trị bọn lưu manh.

Ở Hà Nội, “Đội danh dự Việt Minh” hoạt động rất tích cực, đã trừng trị nhiều tên mật thám tay sai của Nhật như Hoàng Sĩ Nhu, Trương Anh Tự, Nga Thiên Hương, Phán Sinh. Tại Hải Phòng, “Đội danh dự Việt Minh” đã trừng trị những tên Việt gian gây nhiều tội ác với nhân dân như Hồ Sĩ Trừ, Hải Ân, Đỗ Đức Phin, Chánh tổng Cận; vây bắt, xóa tụ điểm của bọn phản động Đại Việt do tên Trần Tự cầm đầu tại làng Cổ Tri, Vĩnh Bảo.

Đơn vị Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ trong ngày Lễ Độc lập năm 1945. (Ảnh tư liệu)

Giữa năm 1945, xuất hiện điều kiện quốc tế và trong nước thuận lợi cho tổng khởi nghĩa. Từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã quyết định phát động cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Đêm 13/8, Trung ương Đảng lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và ra Quân lệnh số 1 phát động tổng khởi nghĩa.

Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào, Tuyên Quang quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay sau Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong vòng nửa tháng, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 đã thành công trong cả nước.

Cùng với việc chiếm lĩnh, đập tan các cơ quan đàn áp của địch, thiết lập chính quyền cách mạng, ở Bắc Bộ thành lập Sở Liêm phóng và Sở Cảnh sát. Ngày 25/8/1945, đồng chí Chu Đình Xương, đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương được cử làm Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ.

Các tỉnh, thành phố thuộc Bắc Bộ nơi nào giành được chính quyền đều thành lập Ty Liêm phóng, Ty Cảnh sát. Ở Trung Bộ, lập Sở Trinh sát. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Thường vụ Xứ ủy được cử làm Giám đốc Sở Trinh sát Trung Bộ. Ở các tỉnh thuộc Trung Bộ đều thành lập Ty Trinh sát. Ở Nam Bộ thành lập Quốc gia tự vệ cuộc. Đồng chí Dương Bạch Mai được cử làm ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc. Các tỉnh thuộc Nam Bộ đều lập Quốc gia tự vệ cuộc tỉnh. Trong bão táp Cách mạng Tháng Tám 1945, các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân Việt Nam ra đời.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước thế giới nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Hàng vạn đồng bào Thủ đô Hà Nội thay mặt 20 triệu đồng bào cả nước tập trung tại Quảng trường Ba Đình dự mít-tinh chào mừng Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân. Các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam là Sở Liêm phóng Bắc Bộ, Sở Trinh sát Trung Bộ và Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ vừa ra đời trong Cách mạng Tháng Tám 1945 được giao nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng vũ trang bảo vệ lễ Tuyên ngôn Độc lập và các cuộc mít-tinh mừng độc lập của nhân dân các địa phương trong cả nước. 

Theo Viện Lịch sử Công an, khi đó Sở Liêm phóng Bắc Bộ được vinh dự giao nhiệm vụ đặc biệt: Bảo vệ lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 tại Hà Nội. Đồng chí Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ là người trực tiếp chỉ đạo vạch kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lãnh tụ và các thành viên của Chính phủ, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự cho buổi mít-tinh, chống sự phá hoại của kẻ thù.

Lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát Bắc Bộ được bố trí bảo vệ từ vòng trong đến vòng ngoài. Bảo vệ tiếp cận và bảo vệ từ xa. Các chiến sĩ trinh sát được trang bị vũ khí đứng thành hàng rào rải suốt từ nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên của Chính phủ xuất phát đến Quảng trường Ba Đình. Một số đồng chí đứng bảo vệ xung quanh lễ đài. Cảnh sát mặc đồng phục, mang súng ngắn đi xe đạp hộ tống đoàn xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ tới Quảng trường.

Đồng chí Chu Đình Xương và một số trinh sát ngồi cùng xe với Bác và xe các thành viên Chính phủ. Trên lễ đài, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lãnh tụ trong quá trình Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, đồng chí Chu Đình Xương trực tiếp đứng bên cạnh để bảo vệ Người.

Nhằm biểu dương sức mạnh công cụ chuyên chính của chính quyền nhân dân mới ra đời, lực lượng cảnh sát được bố trí thành một khối tham dự mít-tinh. Cùng trong thời gian này, tại Sài Gòn, Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ tổ chức mít-tinh tại quảng trường Nhà thờ Đức Bà với hàng vạn đồng bào tập trung để nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập qua máy phóng thanh. Lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ đã bố trí phương án bảo vệ Đoàn chủ tịch và nhân dân dự mít tinh

Minh Đăng (Tổng hợp tư liệu lịch sử CAND)
.
.
.