Dân vùng lũ Lào Cai “khát” đất

Thứ Hai, 08/09/2008, 15:19

Sau cơn lũ dữ do ảnh hưởng của bão số 4, tìm quỹ đất cho dân sinh sống và phục hồi sản xuất đang là bài toán khó đối với tỉnh Lào Cai. 

Ông Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: "Cơn lũ do ảnh hưởng của bão số 4 đã gây ra những thiệt hại chưa từng có từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai, làm 79 người chết và mất tích, 83 người bị thương, 315 ngôi nhà bị sập, trôi và hỏng hoàn toàn trên 1.100 ngôi nhà bị hư hỏng từ 30 đến 50%, gần 2.200 hộ gia đình vẫn còn nằm trong khu vực nguy hiểm cần di chuyển đến nơi an toàn, gần 200 phòng học bị hư hỏng hoàn toàn hoặc một phần, 7 trạm y tế bị sập đổ và trạm hư hỏng cần sửa chữa. Gần 5.000 ha diện tích hoa màu bị thiệt hại, trong đó có nhiều diện tích mất trắng và không có khả năng khôi phục lại được. Nhiều diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên bị ảnh hưởng.

Theo số liệu thống kê mới nhất, thiệt hại ở tỉnh Lào Cai khoảng 900 tỷ đồng". Sau cơn lũ dữ, tìm quỹ đất cho dân sinh sống và phục hồi sản xuất đang là bài toán khó đối với tỉnh Lào Cai. 

Lực lượng Quân đội và Công an Lào Cai giúp dân khắc phục hậu qủa lũ, ổn định đời sống và sản xuất.

Huyện Bát Xát: Nỗi lo về đất ở

Qua thống kê, công việc khắc phục hậu quả lũ ở huyện Bát Xát là bề bộn nhất. Với 96 ngôi nhà đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, đất đá sụt sạt khiến cho 620 hộ dân phải di chuyển tới nơi ở mới, gần 400 ha lúa, hoa màu bị mất trắng, trong đó trên 100 ha đất không thể khắc phục sản xuất lại được, trên 100 công trình thuỷ lợi, trường học, trạm xá bị hư hại. Ước tổng thiệt hại lên tới 300 tỷ đồng. Xã Ý Tý tuy không thiệt hại nhiều về người, nhưng trên vùng đất mà người dân từng cư trú, sản xuất giờ chỉ là bãi đất đá ngổn ngang.

Ông Chang A Lù, Phó Chủ tịch UBND xã Ý Tý, huyện Bát Xát cho biết: "Hàng trăm hécta đất ở và sản xuất của chúng tôi đã bị lũ cuốn làm sạt lở, hoặc hư hại nặng không thể phục hồi. Các lực lượng cứu hộ của huyện, của xã đã tới các điểm sạt lở san gạt đất đá nhưng xem ra vẫn bất lực trước sức tàn phá ghê gớm của lũ quét. Biện pháp khắc phục tình thế là nạo vét đất đá bồi lắng tại các đoạn kênh còn lại để dẫn các mạch nước ngầm ít ỏi cứu những ruộng lúa còn sót lại. Đồng thời tích cực vận động nhân dân khai hoang thêm diện tích đất để cấy lúa và trồng cây màu ngắn ngày, tránh cái đói có thể tiếp tục xảy đến nay mai".

Tuy nhiên, trong cơn hoạn nạn, người Ý Tý vẫn chủ động chia sẻ khó khăn với những đồng bào chịu thiệt hại nặng nề hơn. Họ trao mảnh đất rộng khoảng 1 ha cho người dân xã Ngải Thầu cũng chịu thiệt hại nặng nề do lũ, với hơn 30 hộ dân bị mất hoàn toàn nhà cửa, vườn tược. Đất đai ở xã Ngải Thầu không chỉ chật hẹp mà địa hình cũng rất dốc, khó tìm nơi định cư an toàn. Mảnh đất rộng rãi gắn bó với hàng chục hộ dân xã Ý Tý từ bao đời nay, sẽ trở thành nơi định cư mới của 30 hộ dân xã Ngải Thầu vừa bị lũ quét tàn phá hết nhà cửa, đất đai.

Ông Nguyễn Hữu Thể, Bí thư Huyện ủy Bát Xát cho biết: "Cả huyện Bát Xát trong đợt lũ vừa qua có tới hơn 600 hộ dân cần phải di chuyển, trong khi quỹ đất ở an toàn rất hạn hẹp. Chúng tôi đang nỗ lực vận động bà con nhường cơm xẻ áo, chia sẻ với những người bị mất đất, mất nhà trong lũ, sớm ổn định đời sống nhân dân".

Huyện Bảo Yên, Bảo Thắng: Nhiều diện tích đất khó có thể khôi phục sản xuất sau 10 năm

Nông dân của huyện Bảo Yên cũng chịu thiệt hại nặng nề, với gần 650ha đất nông nghiệp bị lũ quét tàn phá, trong đó rất nhiều diện tích đất canh tác không còn khả năng khôi phục sản xuất. Tại xã Long Phúc có 58/64ha đất ruộng bị phá hủy hoàn toàn, khả năng khôi phục sản xuất trong nhiều năm tới là rất khó khăn. Nhiều cánh đồng lúa phì nhiêu nay đã biến thành những bãi sỏi đá lẫn gốc cây, củi cành, nhiều chân ruộng đã biến thành những dòng suối nhỏ. Trong đống hoang tàn, nhiều thóc lúa, ngô cất kỹ trên gác nhà bị phát tán và mọc mầm khắp các lối đi, bờ thửa. Long Phúc là nơi tập trung cư trú của người Dao huyện Bảo Yên, dọc theo dòng suối Lủ dài gần 7km, nay thiếu đất canh tác, người dân và chính quyền địa phương đang rất khó khăn trong việc ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

Ông Dương Quý Sáng, Bí thư Đảng ủy xã Long Phúc thừa nhận: "Mấy ngày nay, chúng tôi chỉ có thể thống kê thiệt hại và giải quyết những khó khăn trước mắt. Về lâu dài, việc khôi phục sản xuất rất cần được hỗ trợ về kinh phí để thuê máy móc cải tạo đồng ruộng. Chúng tôi gần như bất lực vì nguồn lực huy động tại chỗ là không đáng kể so với thiệt hại. Việc quy hoạch lại diện tích đất trồng rừng theo Chương trình 661 để bà con trồng ngô cứu đói cũng cần được các cấp trên tính đến". 

Tại huyện Bảo Thắng, trong tổng số 850ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, thì diện tích lúa mùa là 680ha, chiếm gần 1/3 tổng diện tích vụ mùa. Hàng ngàn hộ dân đang đứng trước nguy cơ bị đói trong vụ mùa này. Việc khôi phục sản xuất trong vụ sau đang gặp khó khăn lớn do sự tàn phá của lũ đối với đất canh tác.

Ông Nguyễn Hữu Lý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bảo Thắng cho biết: "Phần lớn diện tích đất canh tác đều có thể phục hồi để sản xuất được. nên công việc trước mắt của chúng tôi là tổ chức gieo sạ bằng những giống lúa ngắn ngày, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thay thế để bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn. Việc khắc phục các hệ thống kênh mương để tưới tiêu cũng được tiến hành cùng với sản xuất".

Về những khó khăn trong việc ổn định nơi ăn ở và đất sản xuất của nhân dân vùng lũ, tại cuộc họp bàn về khắc phục thiên tai do ảnh hưởng của cơn bão số 4, ông Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: "Bên cạnh việc tiếp tục rà soát các gia đình đang trong khu vực có nguy cơ sạt lở và lũ quét cao, sớm có phương án di dời người dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đối với các khu vực có diện tích ruộng bị ảnh hưởng, có khả năng phục hồi sản xuất ngay, cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỉnh sẽ trợ giúp 100% giống. Chính quyền các cấp cần chủ động hơn trong việc hỗ trợ nhân dân các vùng bị lũ phát huy nguồn lực tại chỗ, giải quyết những khó khăn trước mắt trong việc sinh hoạt và phục hồi sản xuất"

Lê Quân - Quốc Hưng
.
.
.