Hậu giải toả mặt bằng nút giao thông Ngã Tư Sở:

Dân phải sống trong những căn hộ xuống cấp

Thứ Ba, 17/05/2005, 13:36
Một cái bể ngầm mới dùng được vài tuần thì phao hỏng. Nước ở trong tràn ra làm hư trần bể, thế là nước ở ngoài cứ thế thấm vào. "Có hôm mở vòi ra thấy cả giun", anh Dậu, phòng 504 kể về thực trạng của khu nhà tái định cư dành cho dân Ngã Tư Sở.

Gia đình bà Đoàn Thị Nhân trước đây thuộc tổ 3A, phường Ngã Tư Sở. Sau khi hoàn tất thủ tục đền bù, gia đình bà được bố trí mua ưu đãi và thực hiện tái định cư tại căn hộ 509 của nhà N13, chung cư Dịch Vọng - Cầu Giấy. Thế nhưng những phiền toái đã phát sinh ngay từ khi gia đình bà dọn đến đây.

2 tuần đầu tiên không có điện. Tình hình nước sinh hoạt cũng bi đát không kém. Máy bơm có nhưng điện công cộng phục vụ bơm nước cho các hộ gia đình thì không. Thời gian đầu phải xách nước. Cực chẳng đã, các nhà đành phải tìm cách ròng dây điện xuống để bơm nước lên.

Vấn đề điện, nước sinh hoạt thì như vậy, thực trạng cơ sở vật chất của các căn hộ còn tệ hơn. Bể tôn chưa dùng đã có nguy cơ bục vỡ bởi hầu hết các đai sắt bao quanh đều đã hoen gỉ. Cửa gỗ nhiều cái đã nứt toác. Sàn nhà tắm và các thiết bị sứ vệ sinh ở phòng nào cũng be bét vết vẩy hàn do lỗi vô ý lúc thi công.

"Từ khi chuyển về đây chưa được nửa năm mà toa lét tắc tới 5 lần, lần nào gia đình cũng phải tự gọi người đến thông, mỗi lần mất từ 150.000 - 200.000 đồng, tổng cộng tới cả triệu bạc mà chẳng biết kêu ai", bà Nhân than thở.

Đường nước ngầm bị vỡ tại căn hộ 509 (ảnh trên) và phòng 504 bị thấm bể nước ngầm.

Ở các căn hộ khác, tình trạng nước từ công trình phụ thấm xuống tầng dưới, thấm sang cả hai bên là phổ biến. "Bực nhất là lúc bàn giao nhà, Ban quản lý chỉ trao cho chúng tôi chìa khóa mà chẳng hề có sơ đồ lắp đặt thiết bị trong nhà. Đến khi vào ở, cần phải sửa chữa gì mới thấy hết hơi", một người dân cho biết.

Điển hình là sự việc vừa mới xảy ra tại căn hộ của bà Nhân ở phòng 509. Đường ống dẫn nước trong tường kém chất lượng vỡ toác ngay giữa thân ống, nước cứ thế chảy ra lênh láng khắp các phòng, tràn xuống cả tầng 2. Mất mấy ngày trời gia đình bà mới tìm ra nguyên nhân và phải lật tung cả gạch lát nền lên để vá lại đường ống mà vẫn lo ngay ngáy bởi tận mắt trông thấy nó đã quá xuống cấp và hoen gỉ dẫu thời gian sử dụng chưa hề lâu.

… Đến chuyện giấy tờ, sổ sách

Chỗ ăn ở đã vậy, nhưng đối với những gia đình tái định cư ở đây thì một nỗi lo khác lớn hơn là các vấn đề liên quan đến hộ khẩu và giấy tờ nhà. Theo nhiều hộ gia đình ở đây cho biết, mặc dù đã gần nửa năm kể từ khi chuyển đến đây nhưng những gì họ nhận được từ Ban quản lý chỉ là chìa khóa của các căn hộ và biên bản bàn giao nhà.

Khu nhà tái định cư N13, Dịch Vọng, Cầu Giấy.

"Chẳng có ai nói gì đến chuyện chuyển hộ khẩu cho chúng tôi từ Ngã Tư Sở về đây cả. Thời gian qua có việc gì liên quan đến chứng nhận giấy tờ chúng tôi đều phải quay về phường cũ. Rất mất thời gian và bất tiện trong khi hiển nhiên một điều là những số nhà cũ đã hoàn toàn không còn tồn tại trên thực tế".

Chị Hương, một cư dân ở tòa nhà nói với chúng tôi: "Hơn nữa, thời điểm chúng tôi đến đây đang là lúc giữa năm học, nhưng nay sắp sang năm học mới, nhiều gia đình sẽ phải chuyển cho các cháu về những trường gần nhà. Nếu vấn đề hộ khẩu không được giải quyết thì sẽ rất khó cho việc xin chuyển trường.  Đấy là chưa kể có khi phải đóng thêm tiền trái tuyến cho các cháu". Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù người dân vào ở đã lâu nhưng đơn vị thi công công trình vẫn chưa bàn giao nhà cho phía Ban quản lý.

Rõ ràng sự thiệt thòi trên không chỉ riêng những hộ dân tái định cư của nhà N13, Dịch Vọng, Cầu Giấy phải gánh chịu, mà là một thực trạng chung của hầu hết các khu dân tái định cư khác. Để nâng cao hiệu quả thực hiện của các dự án, nhất là đối với các dự án có liên quan đến giải phóng mặt bằng thì đã đến lúc thành phố, đặc biệt là các ban quản lý các dự án, phải giải đáp thỏa đáng những thắc mắc này của người dân

Việt Ba
.
.
.