Đại úy CA nghỉ hưu và duyên nợ với… trẻ mồ côi

Thứ Tư, 29/04/2009, 20:25
Đại uý Phí Văn Tinh đã gặp nhiều trẻ em mồ côi và lang thang. Ban đầu, ông mang những đứa trẻ này về nuôi với mong muốn đào tạo cho chúng một cái nghề. Nhưng rồi, như là duyên nợ, việc nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và lang thang đã gắn với vợ chồng ông ròng rã suốt gần 20 năm qua.

Sau khi nghỉ hưu theo chế độ bệnh binh do bệnh đau dạ dày hành hạ, khi sức khoẻ bắt đầu phục hồi trở lại cũng là lúc Đại uý Phí Văn Tinh (từng công tác tại Phòng PC 17, Công an tỉnh Thái Bình) bắt tay vào thành lập Xí nghiệp Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ chuyên sản xuất thảm thêu.

Do điều kiện công việc, ông Tinh đã gặp nhiều trẻ em mồ côi và lang thang. Ban đầu, ông mang những đứa trẻ này về nuôi với mong muốn đào tạo cho chúng một cái nghề. Nhưng rồi, như là duyên nợ, việc nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và lang thang đã gắn với vợ chồng ông ròng rã suốt gần 20 năm qua.

Chúng tôi đến Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và lang thang của vợ chồng ông Phí Văn Tinh và bà Nguyễn Thị Vân ở ngõ 707 Lý Bôn, phường Trần Lãm, TP Thái Bình đúng vào buổi trưa, khi các em nhỏ đã say nồng trong giấc ngủ. Tất cả 15 đứa trẻ đều được ngủ trong một căn phòng thật lịch sự, ấm cúng. Bà Vân luôn thường trực ở đây, ngày thì chăm bẵm cho 15 con ăn, đêm thì nằm canh cho các con tròn giấc ngủ.

Trẻ mồ côi tại Trung tâm luôn được tạo những điều kiện chăm sóc tốt nhất.

Có lẽ, xuất phát từ tình cảm đó mà 15 đứa trẻ ở đây, đứa lớn nhất mới 16, đứa bé nhất chưa đầy 1 tháng tuổi đều luôn miệng gọi ông Tinh và bà Vân là "bố" và "mẹ". Trước 15 đứa trẻ này, đã có hàng trăm trẻ em kém may mắn khác đã được ông Tinh, bà Vân nuôi dưỡng và đào tạo nghề. Hiện các thành viên này đang làm việc tại nhiều cơ sở sản xuất trong cả nước, trong đó nhiều nhất là ở TP Hồ Chí Minh. Và điều rất mừng là trong số này, có nhiều đôi đã nên vợ nên chồng.

Các gia đình nhỏ này sau khi có công ăn việc làm ổn định đã được vợ chồng ông hỗ trợ bằng cách cấp nhà cho ở tạm ngay trong khuôn viên của Trung tâm. Gần 20 năm ròng rã nuôi trẻ lang thang, có hàng trăm lượt trẻ mồ côi đã đến rồi đi từ Trung tâm này nhưng ông Tinh và bà Vân đều nhớ rất rõ từng gương mặt, từng thân phận, từng cảnh ngộ.

Tuy cuộc sống có khó khăn vất vả nhưng vợ chồng ông luôn chắt chiu, dành dụm để có thể mang đến cho các con điều kiện chăm sóc tốt nhất.

Năm 1996, cơn bão số 3 đổ bộ vào Thái Bình khiến Trung tâm của ông bị tàn phá nặng nề: nhà xưởng thì đổ nát, tan hoang. Vào thời điểm đó, Trung tâm của ông nuôi dưỡng gần 40 đứa trẻ mồ côi và lang thang.

Để xây lại nhà và có tiền để tiếp tục nuôi các cháu, vợ chồng ông đã phải bán đi một nửa diện tích đất hiện có. Rồi ông lăn lộn đủ các công việc, đi hết trong Nam ngoài Bắc để tìm đối tác gửi các cháu đã được Trung tâm đào tạo nghề vào làm việc.

Đầu năm 2003, ông Tinh thành lập Công ty Bảo vệ an ninh doanh nghiệp một phần để có nguồn thu trang trải cuộc sống và nuôi các cháu. Nhưng quan trọng hơn, trong sâu thẳm tâm hồn ông vẫn luôn mong muốn được mang những kiến thức mà mình học được, đặc biệt là những năm tháng gắn bó với ngành Công an để phục vụ xã hội. Đó cũng là một cách để ông thực hiện cái ước mơ còn dang dở của mình khi vừa mới phục vụ trong ngành Công an được một thời gian thì đã phải nghỉ hưu vì lý do sức khoẻ.

Với phương châm đó, Công ty của ông đã tập hợp được nhiều CBCS đã nghỉ hưu về làm việc, chủ yếu là tham gia đào tạo bảo vệ, phục vụ công tác an ninh theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên ở Thái Bình hoạt động trong lĩnh vực này.

Điều khiến vợ chồng ông Tinh, bà Vân trăn trở nhất hiện nay là việc chứng thực cho các cháu gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, đa phần các cháu bé mà vợ chồng ông mang về nuôi đều có hoàn cảnh éo le, không có bất kỳ một loại giấy tờ nào nên rất khó trong việc làm giấy khai sinh, đi học và khám chữa bệnh.

Ông Tinh tâm sự: Ông không đòi hỏi phải làm chế độ hay trợ cấp cho các cháu vì đã nhận các cháu về thì vợ chồng ông sẽ phải cố gắng lo cho các cháu. Ông chỉ thương các cháu bị thiệt thòi vì không được hưởng những quyền lợi mà lẽ ra tất cả trẻ em đều có

Hoàng Mai - V.Hân
.
.
.