Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi: Một nhân cách lớn

Chủ Nhật, 22/08/2010, 14:15
Với người Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được mệnh danh là "Đại tướng của nhân dân" hay nói như nhà văn Sơn Tùng "Hễ khi nhắc đến Đại tướng thì tất thảy người dân Việt Nam đều định tâm đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp" bởi cả cuộc đời mình, từ khi tham gia cách mạng cho đến lúc sắp sửa đón sinh nhật lần thứ 100 (vào ngày 25/8/2010) ông luôn vì nước, vì dân theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "dĩ công vi thượng" (đặt việc công lên hàng đầu).

Người cha nhân hậu và gần gũi

Tâm sự với chúng tôi trong một cuộc gặp gỡ ngày 20/9, bà Võ Hòa Bình, con gái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: Hình ảnh ba tôi bao giờ cũng thật gần gũi, độ lượng và bình dị. Mặc dù công việc bận rộn, thời gian dành cho các con không nhiều. Ông thường nói: "Mẹ là cô giáo, mẹ giáo dục các con ba rất yên tâm". Tuy nhiên, mỗi khi các con có sai phạm cần "chấn chỉnh", ông đều nghiêm khắc nhắc nhở mặc dù rất ít khi lớn tiếng. Những lúc như thế, sau khi hỏi han cặn kẽ về sự việc và thấy "đương sự" đã nhận rõ khuyết điểm, ông thường nói rất ngắn gọn: "Con đã thấy cái sai của mình, ba nghĩ là con sẽ không mắc lại sai lầm lần thứ hai".

Còn đối với những công việc quan trọng của gia tộc, gia đình thì Đại tướng luôn là người chủ động nêu ra và bàn bạc với các con. Khi tuổi đã cao, ông thường phân công các việc cần thiết cho các con thực hiện. Ví như năm 2002, khi dòng họ Võ dựng lại nhà thờ tại quê hương ông ở làng An Xá, Lệ Thủy, Quảng Bình, ông đã giao công việc này cho cả mấy anh em, trong đó chị cả Võ Hồng Anh được cử làm "tổng phụ trách".

Bà Võ Hòa Bình chia sẻ: "Một trong những điều ba luôn nhắc nhở chúng tôi là phải biết nhẫn, biết kiềm chế. Và dường như chữ nhẫn ấy cũng đã theo ba đi trọn cuộc đời. Bằng chứng là những khi bản thân hay bạn bè, đồng chí, người thân gặp khó khăn, bao giờ chúng tôi cũng thấy ở ba một thái độ bình thản. Ông điềm tĩnh nhưng kiên quyết làm rõ đúng - sai với niềm tin rằng sự thật, cái đúng sẽ sáng tỏ. Và ông đã truyền cho chúng tôi niềm tin như vậy. Chúng tôi vô cùng tự hào về ba là trong những lúc êm đềm hay khi sóng gió, ba mẹ bao giờ cũng chia sẻ ngọt bùi, gian khó với nhau. Dường như, tất cả những thăng trầm trong cuộc đời đã gắn bó hai người như một. Nhìn cách hai ông bà quan tâm, chăm sóc nhau, tôi thấy ba mẹ tôi thật may mắn và hạnh phúc".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bật khóc khi gặp nhà văn Sơn Tùng và các cựu chiến binh.

Là con của một Đại tướng được cả thế giới biết đến, thế nhưng bà Võ Hòa Bình nói với chúng tôi rằng, bà và các anh chị em trong gia đình không cảm thấy bị áp lực quá lớn, bởi vì ba mẹ không hề yêu cầu các con phải cố đạt được những thành tích nổi bật.

Ông bà chỉ muốn các con luôn cố gắng hoàn thành những việc đã nhận, thực hiện những lời đã hứa, sống chân thành và đúng với bản chất vốn có của mình. Khi còn nhỏ, ông thường dạy các con phải ngoan, chăm chỉ, quan tâm đến mọi người. Và trên thực tế, ông bà luôn công bằng trong việc đối xử với các con để không ai có thể tị nạnh với ai cả. Do mất mẹ từ khi còn nhỏ, lại đi học xa nên cả nhà ai cũng rất thương và dành cho chị Võ Hồng Anh một sự chăm sóc đặc biệt. Ngược lại, là chị cả trong gia đình nên bao giờ chị Hồng Anh cũng rất yêu thương và quan tâm tới các em.

Nói về sự độ lượng của ba, bà Võ Hòa Bình kể: "Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ ngày cô con gái thi vào lớp 10, cháu làm bài thi không tốt, về nhà ngập ngừng mãi mới dám "báo cáo" với ông bà. Định bụng kiểu gì cũng sẽ bị một trận mắng to vì trong nhà chưa thấy ai trượt thi cả, nhưng sau khi nghe cháu gái trình bày, ba tôi đã rất độ lượng và ân cần động viên: "Cháu đừng lo, cứ chờ xem họ báo điểm thế nào, thua keo này ta bày keo khác" rồi ông cười: "Cháu biết không, hồi nhỏ ông đã có lần trượt, không vào được Trường Quốc học, phải thi lại đấy!".

Hay ngay như việc đặt tên cho các con, ba cũng không cứng nhắc tuân theo một quy tắc bất di bất dịch nào. Anh đầu Võ Điện Biên sinh ra sau chiến thắng Điện Biên Phủ và tên của Biên đúng là đặt theo tên chiến dịch này. Tên của cậu út Võ Hồng Nam là một bút danh của ba trong thời kỳ Tiền khởi nghĩa. Còn tên ba cô con gái Võ Hồng Anh, Võ Hòa Bình và Võ Hạnh Phúc là sự thể hiện khát vọng của ba mẹ về độc lập, hòa bình và hạnh phúc cho cả đất nước và dân tộc.

Vị tướng bình dị

Đại tá Trịnh Nguyên Huân, người trợ lý có gần 35 năm gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể rằng: Bao giờ cũng vậy, mỗi khi có dịp về thăm quê - làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều về nghĩa trang Mai Thủy thắp hương mộ cha và mộ các liệt sĩ, rồi lên chùa An Xá dâng hương, trồng cây đa trước chùa; gặp gỡ trò chuyện cùng các cụ lão làng, thăm hỏi các cháu thiếu nhi, nói chuyện với cán  bộ và nhân dân trong xã.

Chính sự quan tâm, gần gũi của Đại tướng đối với người dân quê hương nên các cựu chiến binh, thầy giáo ở đây đã có rất nhiều thơ tặng Đại tướng. Họ làm thơ rồi in thành tập "Tình quê" gần trăm bài của hơn 70 tác giả gửi ra Hà Nội biếu Đại tướng. Trong đó có thơ của nhiều cụ 80 đến 90 tuổi viết rất cảm động. Năm 2000, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Bình cũng xuất bản một tập thơ mừng thọ Đại tướng 90 tuổi tên là "Cánh chim bằng".

Tấm lòng người dân quê hương đối với Đại tướng thâm tình, sâu sắc là vậy. Còn với riêng Đại tướng, quê hương Quảng Bình còn nghèo, người dân quê còn vất vả, lam lũ bao giờ cũng luôn làm ông thao thức, trăn trở. Trong những lần về thăm quê, những lần gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Quảng Bình nhiều thế hệ, Đại tướng thường nhắc nhở ban lãnh đạo tỉnh phải luôn đoàn kết để đưa kinh tế tỉnh phát triển bền vững, nâng cao đời sống đồng bào.

Nhiều năm được sống và làm việc bên cạnh Đại tướng, Đại tá Trịnh Nguyên Huân khẳng định rằng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng của hòa bình, luôn mẫn cảm và giàu lòng trắc ẩn. Đại tướng không bao giờ coi một trận chiến đấu như một trận đánh cờ. Và chiến sĩ không phải là những con tốt trên bàn cờ. Đại tướng luôn cân nhắc để làm sao giành được thắng lợi cao nhất mà tổn thất về sinh mạng thấp nhất.

Cũng chính vì trách nhiệm của mình với vận mệnh của đất nước và sinh mệnh của chiến sĩ, Đại tướng đã thức trắng đêm suy nghĩ để đi đến quyết định chuyển từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc thắng chắc" mà Đại tướng gọi là "một quyết định khó khăn nhất" trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hay khi lên thăm lại chiến trường xưa, trên đường đi viếng nghĩa trang đồi A1, Điện Biên Phủ, Đại tướng thấy một thẻ hương rơi giữa đường, người vẫn cúi xuống nhặt lên với thái độ trân trọng, sau đó tôi thấy mắt người đỏ hoe.

Mỗi khi cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là các nữ TNXP vào thăm Đại tướng thì Đại tướng đều không kìm được nước mắt. Hoặc như lần nhà văn Sơn Tùng vào thăm Đại tướng, vừa thấy nhau hai người mắt đã đỏ hoe. Rồi khi Đại tướng nghe tiếng khèn lá của các cháu bé dân tộc Mông ở Cao Bằng, người lặng đi, hai dòng nước mắt chảy dài trên gò má. Những năm Đại tướng ở Hà Nội chỉ huy chiến đấu, đặc biệt là chiến dịch Mậu Thân 1968 và cuộc chiến ác liệt ở Quảng Trị năm 1972, gần như sáng nào các đồng chí phục vụ cũng phải thay gối cho ông, vì gối của Đại tướng luôn đầm đìa nước mắt.

Với bản tính điềm tĩnh, thường thì Đại tướng không bực mình với chuyện nhỏ, nhưng khi nghe đến những chuyện như phá rừng, hủy hoại môi trường, cứu trợ cho đồng bào bị thiên tai không đến tận tay người dân... thì Đại tướng rất phiền lòng và không thể "đứng ngoài cuộc".

Để gặp Đại tướng không khó, dù đó là người dân bình thường hay là các "yếu nhân" vì bao giờ Đại tướng cũng mở lòng với tất cả mọi người. Nhưng do thời gian, sức khỏe có hạn và công việc của Đại tướng cũng luôn dày đặc cho nên Đại tướng không thể tiếp tất cả mọi người.

Tuy nhiên, Đại tướng vẫn luôn dành một sự ưu tiên đặc biệt cho các cựu chiến binh và người dân đến từ các tỉnh xa xôi. Đại tá Trịnh Nguyên Huân kể: Có những cựu chiến binh lặn lội từ Quảng Bình ra Hà Nội, gọi điện đến thông báo và xin được đến thăm. Và khi gặp Đại tướng thì chỉ nói một câu đơn giản: "Báo cáo anh em đã hoàn thành nhiệm vụ", gửi một vài món quà quê, rồi vội vàng chào Đại tướng về ngay kẻo nhỡ chuyến tàu.

Ngoài công việc, Đại tướng cũng rất quan tâm tới hoàn cảnh gia đình riêng của những người dưới quyền. Không chỉ thường xuyên thăm hỏi, những lúc gia đình gặp khó khăn, có người ốm, Đại tướng luôn tạo điều kiện để cấp dưới giải quyết công việc riêng. "Tôi vẫn còn nhớ, khi con tôi (lúc ấy cháu còn nhỏ) bị đi cấp cứu ở bệnh viện, Đại tướng cho bác sĩ riêng đến kiểm tra, tạo điều kiện để cháu được điều trị kịp thời".- Đại tá Trịnh Nguyên Huân chia sẻ.

Cũng theo Đại tá Trịnh Nguyên Huân, có một điều rất lạ lùng nhưng cũng thật dễ hiểu là dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đại tướng cũng luôn giữ được sự "ung dung tự tại". Phong thái sống đó có lẽ được bắt nguồn từ một quan điểm sống rất đỗi cao quý nhưng cũng vô cùng giản dị mà Đại tướng học tập được ở người thầy lớn của đời mình- Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Đại tướng thường hay nhắc với chúng tôi một câu nói của Bác Hồ: Vấn đề là sống ở đời và làm người. Trước hết là thương yêu bạn bè đồng đội, luôn "dĩ công vi thượng" (đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc, của cộng đồng lên trên hết). Có lẽ chính cách ứng xử ấy đã giúp Đại tướng có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh và luôn "ung dung tự tại" trước những biến cố của thời cuộc".

Bà Võ Hòa Bình, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Mặc dù phải làm việc rất nhiều nhưng "Cụ" luôn dành thời gian để tập luyện, thư giãn, giải trí. Trong  lúc thư giãn, ông luôn giữ cho đầu óc hoàn toàn thư thái, không vướng bận những suy tư về công việc. Những thú vui giải trí của ông là nghe nhạc, chụp ảnh, chơi với các cháu... Các môn thể dục ông thường tập luyện là đi bộ, bơi thuyền và thiền.

Trong khu vườn xanh mướt, đầy cây trái ở đường Hoàng Diệu, ba tôi thích nhất cây long não. Ông hay tiếp khách và nói chuyện dưới tán cây này. Ngoài ra, để giải toả tinh thần, thư giãn sau những giờ làm việc liên tục, thỉnh thoảng ông còn chơi đàn piano.

Hằng ngày, ông vẫn thích ăn những món của quê hương Quảng Bình như cá kho, canh rau đắng; thích xem thời sự và chọn các bài báo mà ông quan tâm rồi yêu cầu con cháu đọc cho cả nhà cùng nghe. Đối với chúng tôi, niềm tự hào về ba không tách rời niềm tự hào về Tổ quốc, và càng không bao giờ tách khỏi ý thức trách nhiệm. Chúng tôi luôn nỗ lực để sống xứng đáng với ba mẹ, bằng chính sức lực, tình cảm, trí tuệ của riêng mình.

Cả cuộc đời, ba tôi là người của công việc, của sự nghiệp chung. Đến nay, bước sang tuổi 100, mặc dù tất cả con cháu trong gia đình luôn nhắc ông phải đặc biệt ưu tiên số một cho sức khoẻ, nhưng ba vẫn dành nhiều thời gian dõi theo thế sự của thế giới và đất nước, và luôn có những ý kiến đóng góp theo đúng nguyên tắc của Đảng và Nhà nước.

Tôi nghĩ, đối với ông, tình cảm của nhân dân, của bạn bè, đồng chí, của người thân trong gia đình là phần thưởng quý giá nhất, là phương thuốc hữu hiệu cho sức khoẻ và tuổi tác của ba. Năm nay, mừng sinh nhật ba tròn 100 tuổi, chúng tôi dự định làm một tập ảnh gia đình, thu thập các bức ảnh về những kỷ niệm đáng nhớ của gia đình để tặng ông.

Còn món quà mà có lẽ "ông Cụ" luôn mong muốn nhất chính là nhận được các tin vui, các thành tích của người dân, của đất nước. Chẳng hạn ông đã rất mừng khi biết Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hay mới đây nhất là sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu được giải "Nobel về Toán học".

Huyền Thanh
.
.
.