Đại lý "gà ta xịn" không có dấu kiểm dịch

Thứ Hai, 19/01/2009, 18:40
Có mặt ở chợ Hàng Bè vào sáng 23 âm lịch - theo dân gian đây là ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời, ngoài mua cá chép, người tiêu dùng đổ dồn về mua thịt gia cầm. Những quầy gà giết mổ sẵn nằm bên cạnh rổ trứng non trông rất bắt mắt nhưng tìm kỹ chúng tôi vẫn không thấy dấu kiểm dịch đâu cả. Rất nhiều biển hiệu với cái tên hấp dẫn như "đại lý gà sạch hay gà ta xịn" cũng đều không thấy dấu kiểm dịch.

gia cầm không qua kiểm dịch ngày giáp Tết

Mặc dù hơn 1 năm Hà Nội ban hành Quyết định cấm giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trong nội thị, không có dấu kiểm dịch và buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm trên vỉa hè, cạnh đường đi… nhưng đến thời điểm cận Tết Nguyên đán Kỷ Sửu này, theo ghi nhận của chúng tôi, việc giết mổ trái phép, mất VSATTP vẫn diễn ra công khai, gia cầm bày bán không dấu kiểm dịch, bất chấp dịch cúm gia cầm đang tái phát tại Thanh Hóa và bất chấp gia cầm nhập lậu ổ ạt chuyển qua biên giới.

Tràn lan gia súc, gia cầm không dấu kiểm dịch

Có mặt ở chợ Hàng Bè vào sáng 23 âm lịch - theo dân gian đây là ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời, ngoài mua cá chép, người tiêu dùng đổ dồn về mua thịt gia cầm. Những quầy gà giết mổ sẵn nằm bên cạnh rổ trứng non  trông rất bắt mắt nhưng tìm kỹ chúng tôi vẫn không thấy dấu kiểm dịch đâu cả. Rất nhiều biển hiệu với cái tên hấp dẫn như "đại lý gà sạch hay gà ta xịn" cũng đều không thấy dấu kiểm dịch.

Vào chợ Hôm - Đức Viên, từng quầy gà chất ngồn ngộn, người mua chen chân khá đông đúc nhưng những con gà nằm phơi mình trên bàn cũng không có dấu kiểm dịch. Chợ Ngọc Hà vào ngày này rất đông khách, tuy có khu bày bán riêng biệt nhưng gia cầm giết mổ sẵn vẫn không có dấu kiểm dịch.

Chợ Nghĩa Tân, một khu chợ khá lớn của quận Cầu Giấy vào ngày ông Công, ông Táo về trời cũng tràn ngập gia cầm. Chị Minh Hường, nhà ở khu đô thị Mỹ Đình cho biết: "Hầu như ngày này gia đình nào cũng phải mua gà về cúng, nhưng từ lâu rồi, đi chợ này tôi không thấy gia cầm có dấu kiểm dịch".

Tư tưởng chủ quan cộng với thói quen mua bán của người dân càng khiến người kinh doanh bất chấp lợi nhuận, có thể đưa gà không rõ nguồn gốc, gà ốm, gà chết vào chế biến và kinh doanh.

Đến chợ Nghĩa Đô, ngay từ cổng vào chợ, tại ngõ 239 Lạc Long Quân là hàng dãy quầy thịt gia súc, gia cầm bày bán. Trên mỗi phản thịt đều bày bán thêm gia cầm. Những con gà, con vịt giết mổ sẵn nằm phơi bụng trên bàn đều không có dấu kiểm dịch. Vào trong chợ, hàng dãy gà, ngan giết mổ sẵn cũng không có dấu kiểm dịch. Ở phía cuối chợ, khoảng 5, 6 hàng gà sống người mua chen chân, xô đẩy chẳng khác gì chợ 30 Tết. Người ta giết mổ luôn tại chợ. Chúng tôi hỏi thì một chị bán gà trả lời nước đôi: "Người ta vẫn ăn và vẫn bán đấy thôi".

Tại một chợ cóc gần đó, người tiêu dùng cũng chen chân mua gà. Chỗ giết mổ khoảng gần chục mét vuông nhưng cho gửi xe quá nửa, chỉ chừa lại một khoảng sân nhỏ mà có đến 3 hộ kinh doanh giết mổ gia cầm. Đặc biệt, toàn bộ gà ở đây đều không có sự kiểm tra của cơ quan thú y, người tiêu dùng thì chẳng biết nó có nguồn gốc ở đâu. Tuy bị cấm giết mổ trong nội thành, nội thị, nhưng những điểm giết mổ gà tự phát, mất vệ sinh ở nhiều chợ cóc của Hà Nội vẫn diễn ra bình thường và đều đặn. Hỏi một chị bán gà về quy định cấm giết mổ, chị này thản nhiên bảo "không biết".

Theo ông Nguyễn Thế Cường, Đội trưởng Đội QLTT số 6, Đội QLTT số 6 vừa phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 1 xe ôtô vận chuyển gần 2 tấn gà Trung Quốc nhập lậu vào tiêu thụ trên địa bàn huyện Từ Liêm. Đây là gà siêu trứng đã bị Trung Quốc thải loại nhưng một số đối tượng vẫn buôn lậu vào nội địa tiêu thụ. Theo ông Cường, Đội QLTT số 6 và các lực lượng chức năng đã kiểm tra một công ty nhập khẩu gà đông lạnh của Hàn Quốc nhưng bản thân công ty này chưa có giấy chứng nhận VSATTP.

Quyết định của thành phố để… treo

Quyết định của TP Hà Nội về cấm kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm ở vỉa hè, ngay cạnh đường đi nhưng hầu như không có hiệu lực bởi việc kinh doanh vi phạm này diễn ra tương đối nhiều và liên tục. Đặc biệt, việc vận chuyển thịt gia súc bằng xe chuyên dụng hầu như không ai thực hiện. Cách vận chuyển thông dụng hiện nay vẫn là trên xe máy, không được che đậy cẩn thận, thậm chí để phanh gia súc không che đậy vận chuyển ngoài đường.

Quyết định cũng cấm giết mổ gia súc, gia cầm trong nội thành, nội thị, phải đưa đến nơi giết mổ tập trung có đủ điều kiện VSATTP xem ra cũng bằng… không bởi việc kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm hôm nay, mai lại vẫn đâu vào đấy. Trạm thú y quận Tây Hồ đã phối hợp với BQL chợ Bưởi kiểm tra, thu giữ hàng chục lần những đối tượng kinh doanh vi phạm theo quyết định của TP, nhưng vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn, đặc biệt nhiều vào dịp giáp Tết.

Tuy dịch lợn tai xanh Tết năm nay không xuất hiện nhưng không vì thế mà mọi người dân lơ là, mất cảnh giác. Theo quy định của thành phố thì thịt lợn khi đưa ra thị trường vẫn phải có sự kiểm tra, kiểm soát của ngành chức năng.

Đây mới là ngày 23 (âm lịch), từ nay đến Tết Nguyên đán, đặc biệt từ 28 đến 30 Tết, hoạt động, giết mổ gia súc, gia cầm có thể lên đến cả triệu con/ngày, việc không tuân thủ quy định của thành phố, của ngành thú y sẽ là mối lo lớn về VSATTP, về dịch bệnh.

Những ngày cận Tết, việc kiểm tra chỉ còn mang tính hình thức, thiết nghĩ người tiêu dùng nên tự bảo vệ sức khoẻ của mình, chọn lựa sản phẩm gia súc, gia cầm đủ tiêu chuẩn chất lượng ở những cửa hàng, siêu thị tin cậy

Trần Hằng
.
.
.