Đại học Đà Nẵng: Ký túc xá "nóng" lên vì quá tải

Thứ Bảy, 17/09/2005, 12:23
So với 2 trung tâm đại học lớn của cả nước (Tp. Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội), nhu cầu thuê trọ ký túc xá (KTX) của các sinh viên thuộc hệ thống Trường đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), áp lực tuy chưa bằng, nhưng bắt đầu xuất hiện dấu hiệu quá tải. Bởi, trong số 6.400 sinh viên (SV) của đợt tuyển sinh 2005 - 2006, đã có hơn 1.400 em không có chỗ... phải thuê trọ nhà dân...

Điều đáng nói ở đây là dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với sinh viên ngoài KTX đang ngày một "nóng"...

Sinh viên nháo nhác tìm chỗ trọ...

Dù có 616 phòng cho sinh viên trọ, thế nhưng trung tâm KTX - ĐHĐN vẫn không thể đón hết 6.400 tân SV trong đợt tuyển sinh vừa qua.  Hơn 1.400 SV của ĐHĐN, chưa kể các trường hợp trúng tuyển nguyện vọng 2, SV các trường ngoài hệ thống ĐHĐN, buộc phải thuê trọ nhà dân. Con số đó cũng chưa thể phản ánh đầy đủ áp lực của sự quá tải KTX đang dồn về, khi nhu cầu thuê trọ của sinh viên đang "nóng" lên trong các trường đại học và cao đẳng đóng trên địa bàn thành phố.

Năm học 2005 - 2006, trước nhu cầu bức thiết chỗ trọ cho sinh viên, ĐHĐN đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp 2 dãy KTX gồm 91 phòng, có sức chứa 1.300 chỗ, được dành cho SV của hai Trường Đại học Kinh tế và Đại học Bách Khoa. Thế nhưng, tình hình cũng không mấy thay đổi, giải quyết được số SV năm thứ nhất thì các SV năm trước lại phải ôm đồ "ra  ở riêng".

Trong khi nhu cầu thuê trọ để học tập của SV đều là những nguyện vọng chính đáng. Ông Mai Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý KTX - ĐHĐN cho biết: "Mặc dù năm học 2005,  KTX - ĐHĐN có được nâng cấp sửa chữa, song vẫn không thể đáp ứng nhu cầu thuê trọ cho sinh viên trong năm học này". Các tân sinh viên T.T.H, N.H.Tr - Khoa toán (Đại học Sư phạm) cũng than thở: "Quá khó khăn để có một chỗ trong KTX, bọn em không thể an tâm học tập vì trọ nhà dân thường xuyên xảy ra đánh lộn, mất cắp...".

KTX thiếu chỗ... sinh viên thích sự tự do

Theo tài liệu của cơ quan Công an cho thấy, năm 2004 số sinh viên vi phạm pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ngày một tăng, hành vi phạm tội càng lúc càng nguy hiểm... Năm ngoái, chỉ trong vòng một tuần, tại địa bàn gần khu quản lý KTX Đại học Bách khoa, liên tiếp xảy ra 4 vụ trấn lột tài sản của sinh viên thuê trọ ngoài...

Một điều thật nghịch lí, những sinh viên thực sự cần trọ, nằm ngoài diện ưu tiên sẽ ít may mắn có được một chỗ trong KTX, còn số sinh viên thuộc diện được ưu tiên lại... không thích vào KTX vì sợ sự "gò bó, khó chịu" của nội quy. Thế nên mới xảy ra chuyện buồn lòng, gần như là hậu quả từ việc KTX thiếu chỗ, sinh viên sống bên ngoài nhà dân, không chịu một sự ràng buộc nào, liên tục vi phạm pháp luật, vấn nạn bỏ học, trộm cắp, đánh nhau... xảy ra hàng ngày. Trong một sự tình cờ, chúng tôi nghe được lời "tự bạch" của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ (thuê trọ nhà dân ở K11/5, Đỗ Quang, Đà Nẵng): "Trời ban cho mình sự tự do có lý.." Và, chẳng cần phải lừa dối gia đình làm gì cho mang tội, cứ vô tư phán: "KTX không còn chỗ... phải thuê ngoài... ".

Thực tế, thiếu chỗ trọ cho sinh viên - điều đó xảy ra không riêng gì địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nhu cầu thuê trọ KTX của SV các trường trong cả nước ngày một tăng cao. Thế nhưng, để khắc phục sự khó khăn này, không phải là chuyện một sớm, một chiều đối với các trường đại học, cao đẳng... Khó có thể biết con số trên 1.400 SV của riêng ĐHĐN thiếu chỗ trọ trong năm học này sẽ ở đâu? Và số sinh viên trúng tuyển vào đại học năm nay, ngoài ĐHĐN ra còn có những ngôi trường như dân lập... không có nổi một phòng trọ, nói chi đến cả khu KTX... năm học này sẽ ra sao?

Bên cạnh các khoản đóng như học phí, tiền ăn, tiền sách vở... thì khoản tiền thuê trọ nhà dân từng tháng của mỗi SV không hề nhỏ. Áp lực sẽ cực kỳ lớn đối với điều kiện học tập và công tác giảng dạy của thầy trò các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Đà Nẵng, chưa biết đến bao giờ mới hết... Khi cầm được một tấm bằng đại học, cao đẳng trong tay, chắc chắn các bậc phụ huynh phải bỏ ra khoản tiền không thể dừng ở con số 50 triệu đồng

Xuân Thành
.
.
.