Đại đức Thích Giác Nghĩa: Trụ trì chùa ở Trường Sa là việc tiến tu, tạo nghiệp

Thứ Sáu, 23/11/2012, 10:48
Mỗi ngày, Đại đức Thích Giác Nghĩa lạy dập đầu trên hòn đá trước bàn thờ Phật 900 lần, đến mức hòn đá bị mòn vẹt và nhẵn thín. Đó cũng là bí quyết để những hành trình hàng chục ngày đi, về từ quần đảo Trường Sa, ông không hề bị say sóng hay những cơn váng vất do tiền đình.

Lần này, ông ra Hà Nội dự Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012-2017 (ngày 23/11) nên tôi may mắn được gặp ông tại Thủ đô.

Vượt muôn trùng khơi

Chất giọng Huế nhẹ nhàng. Nụ cười tươi rói và cách nói chuyện dí dỏm của Đại đức Thích Giác Nghĩa tạo cho chúng tôi cảm giác thật gần gũi. 12 tuổi, ông mặc áo nâu sồng. Đến nay, ông đã có gần 30 năm gắn bó với cảnh chùa, với kinh kệ, giáo lý nhà Phật. Tôi hỏi ông, điều gì khiến ông quyết định vượt trùng khơi, đem giáo lý nhà Phật đến với Trường Sa.

Đại đức Thích Giác Nghĩa bảo rằng, sau 3 lần ra Trường Sa cầu siêu cho các Anh hùng liệt sỹ - những người đổ máu xương để bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ông biết mình không thể không gắn bó với nơi này. Chẳng ở đâu tu luyện tốt như ở Trường Sa. Nơi mà ở đó không chỉ là mảnh đất thiêng mà còn có những chiến sỹ Hải quân đang ngày đêm bảo vệ. Nơi có những ngư dân, những giáo viên, những cháu học sinh đang hàng ngày xây dựng hòn đảo thêm đẹp. Nơi cả nước đang hướng về.

Được biết, tháng 5/2012, Đại đức Thích Giác Nghĩa rời vị trí trụ trì ngôi chùa lớn ở thành phố biển xinh đẹp Nha Trang, Khánh Hòa để vượt trùng khơi ra đảo Trường Sa Lớn. Tại ngôi chùa được quân, dân trên đảo và bà con mọi miền Tổ quốc góp công, góp sức xây dựng này, ông nhận vị trí là người trụ trì. Cùng với ông, còn có 5 huynh đệ phát nguyện ra Trường Sa để hoằng dương Phật pháp dưới sự chỉ đạo của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa.

Hành trình 10 ngày dập dềnh trên sóng biển mỗi lần về đất liền, 10 ngày trở lại Trường Sa đối với những bậc tu hành như Đại đức Thích Giác Nghĩa không phải là thách thức. Bởi bậc chân tu như ông đã vượt qua mọi gian truân để toàn tâm, toàn ý cho con đường mình đã chọn. Từ bỏ cuộc sống ở ngôi chùa lớn tại đô thị, nơi có tới 50 huynh đệ để ra trụ trì ở ngôi chùa mà mọi thứ còn nhiều thiếu thốn, Đại đức Giác Nghĩa không cho đấy là sự hy sinh. Ông coi đó là việc tiến tu tạo nghiệp. Không chỉ chịu đựng sóng, gió, muối mặn, cuộc sống ở Trường Sa còn thiếu thốn đủ bề.

Người tu hành vốn dĩ ăn chay trường, thế mà ở đây rau xanh còn phải cân nhắc để sao cho không thiếu, không thừa. Cánh phóng viên khi ra Trường Sa vào hồi tháng 6/2012 còn cho tôi biết, cứ tối đến là đến chùa Trường Sa Lớn để ăn chè sắn, chè khoai của nhà chùa. Ở đất liền, món ăn này thật bình thường. Nhưng ở Trường Sa, được thưởng thức nó thì thật đặc biệt. Đại đức Giác Nghĩa và huynh đệ của mình đã thổi hồn cốt vào món ăn thường ngày của họ, để khi người ăn phải nhớ mãi không thôi. Thích nghi với hoàn cảnh, chế biến những thứ có thể tích trữ để phục vụ cuộc sống của người tu hành như cách ông và các huynh đệ cho thấy, sự gắn bó lâu dài và tình yêu với Trường Sa của họ.

Đại đức Thích Giác Nghĩa dạy giáo lý ở chùa Trường Sa Lớn. Ảnh: Long Hưng.

Tiếng chuông chùa ngân vang trên quần đảo linh thiêng

Nóc chùa và không gian thanh tịnh của những ngôi chùa giữa biển khơi kéo Trường Sa về gần hơn với đất liền. Hình ảnh nhà sư tụng kinh, giảng giáo lý trong chùa quen thuộc và gần gũi với cư dân Trường Sa. Những đứa trẻ ngoài giờ học chạy nhảy tung tăng trên đảo giờ đây cũng quen với các nhà sư mặc áo tu hành. Nhạc sỹ Lê Tâm, người ra Trường Sa hồi tháng 6/2012 cho tôi biết, anh có ấn tượng đặc biệt khi nhìn thấy Đại đức Giác Nghĩa giảng giáo lý mà xung quanh là những người lính. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, những chiến sỹ Hải quân từ biệt người thân, làng xóm ra bồng súng ở vùng biển đảo. Giúp họ học hỏi giáo lý nhà Phật và văn hóa dân tộc cũng là tâm nguyện của thầy Giác Nghĩa.

Trong bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, Đại đức Thích Giác Nghĩa viết, “nếu ai đã một lần đến (Trường Sa – PV) mới thấy hết sinh khí của cuộc sống thiên nhiên với những tấm lòng chân chất của người sống trên đảo. Tiếng chuông chùa, hình ảnh nhà sư trong những khóa lễ sám hối, tụng kinh hằng đêm, những thời giảng pháp đã khắc sâu vào đời sống tâm linh, là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của người dân đảo và các chiến sỹ”.

Chúng tôi được biết, hiện trên quần đảo Trường Sa có 3 ngôi chùa đã được trùng tu. Hàng ngày, các chư tăng vẫn tụng kinh, gõ mõ, cầu bình an cho cư dân và người lính trên đảo. “Bằng tinh thần “Phật tín bình đẳng, vô hữu cao hạ”, Phật giáo đã vun đắp, đã tạo dựng nên nền ý thức nhân bản nơi tâm thức người dân đất Việt. Khiến cha ông ta không phân biệt sang hèn, quý tiện, trí ngu. Ai cũng có phẩm giá và nhân cách bình đẳng với tất cả đồng loại. Có thể nói, từ nhận thức này, cha ông ta đã quật khởi đứng lên chống lại các thế lực ngoại xâm, giành lại chủ quyền và độc lập dân tộc…”, Đại đức Thích Giác Nghĩa cho biết.

Trong kỳ Đại hội này, Đại đức Thích Giác Nghĩa cũng kính xin chư tôn, các cấp giáo hội và chính quyền và nhân dân tiếp tục triển khai các phần việc như: Thành lập Ban đại diện huyện hội Phật giáo Trường Sa; bổ sung thêm chư Tăng cho một số chùa trên quần đảo; xây dựng thêm cơ sở vật chất; tạo điều kiện cho chiến sỹ đến chùa giao lưu, học hỏi giáo lý để mở rộng thêm kiến thức về Phật pháp và văn hóa dân tộc.

Bằng nỗ lực của cá nhân và sự ủng hộ của các cấp giáo hội và chính quyền, nhân dân, Đại đức Thích Giác Nghĩa đang góp phần để Trường Sa không còn xa ngái. Để làm được điều này, bậc chân tu như ông ngoài giác ngộ giáo lý nhà Phật, sống tốt đời đẹp đạo còn có một tình yêu Tổ quốc bao la như trời biển

Cao Hồng
.
.
.