Đa cấp và “tín dụng đen” phá nát buôn làng

Chủ Nhật, 14/08/2016, 10:05
Hàng vạn người dân Tây Nguyên chịu cảnh “trắng tay” khi tham gia các chương trình mua bán, ký gửi hàng hóa dưới dạng “góp vốn đầu tư” lấy lãi suất cao. Nỗi đau này phần lớn xuất phát từ lòng tham của người dân khi bị lôi kéo, cuốn hút vào ảo giác lợi nhuận trước mắt mà không nghĩ đến những thảm cảnh đau lòng...

Kỳ 1: Ngậm quả đắng vì lòng tham...

Vùng quê Tây Nguyên năm nào cũng diễn ra cảnh người dân “trắng tay” vì vỡ nợ, mất tiền góp vốn làm ăn, mất trắng hàng hóa nông sản ký gửi hoặc mua lợi nhuận ảo qua mạng... Tuy những cảnh thường gặp này luôn lặp đi lặp lại nhưng vì sao người dân vẫn không chịu từ bỏ?

Đối tượng Lê Thị Tân (45 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, TP Kon Tum (Kon Tum) đã nắm bắt được lòng tham của nhiều người quen nên lôi kéo họ tham gia đầu tư vào cái gọi là “phần mềm game trí tuệ 2” phiên bản Hồng Kông và Việt Nam. Tân lôi kéo mọi người đầu tư kinh doanh bằng cách chỉ bỏ ra số tiền tối thiểu 5,4 triệu đồng sẽ được cấp mã số kinh doanh, mỗi ngày sẽ nhận 50 ngàn đồng và trong thời hạn 200 ngày sau sẽ thu lại được số tiền 10 triệu đồng; nếu bỏ ra càng nhiều tiền thì thu lợi càng lớn nên nhiều người tham gia mà quên mất sự lừa đảo.

Để tăng thuyết phục, lôi kéo, Tân cùng chồng và em trai thuê xe ôtô đi tổ chức nhiều hội thảo về đầu tư “phần mềm Game Beautiful Heros”. Tân đưa ra việc trích tiền phần trăm khá cao nếu những ai lôi kéo được nhiều người tham gia với số tiền lớn.

Cô giáo Lê Thị Tân bị khởi tố vì lừa đảo qua mạng.

Cũng vì mê lợi nhuận hấp dẫn mà chị Vân ở TP Kon Tum đã gom hết số tiền gần 1 tỉ đồng của cá nhân và một số người khác đem giao cho Tân để thu lợi lớn. Thời gian đầu, chị Vân được Tân trả lại một phần tiền gốc và tiền lãi vào tài khoản rất sòng phẳng, hấp dẫn và nhanh chóng. Nhưng sau vài lần mồi chài, Tân không trả tiền cho chị Vân nữa với lý do kinh doanh không hiệu quả.

Cũng vì hám lợi nhuận cao của cô giáo Tân đưa ra mà hàng trăm người ở Kon Tum, Gia Lai, Kiên Giang, Hưng Yên... đã tham gia vào trò kinh doanh trực tuyến này và đã bị mất trắng hàng chục tỷ đồng. Tương tự, Dương Thị Hoài Thu (35 tuổi, ở TP Pleiku, Gia Lai) đứng ra thành lập Công ty TNHH MTV Tâm Thành Phát Gia Lai (địa chỉ số 2 Châu Văn Liêm, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) rồi mượn danh dược sĩ Nguyễn Hữu Đào phụ trách chuyên môn... để kêu gọi góp vốn làm ăn.

Tuy Công ty TNHH MTV Tâm Thành Phát Gia Lai không đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia đấu thầu thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế nhưng Thu lại tự “thổi” lợi nhuận doanh nghiệp thu nhập cao và chia lợi phần trăm lớn nên nhiều người khắp nơi đã tự động chuyển tiền về cho Thu để góp vốn đầu tư.

Bà Mười ở TP Pleiku là nạn nhân bị sập bẫy của Thu với số tiền hàng chục tỷ đồng đã bức xúc vì thủ đoạn lừa đảo thông qua người thân để lôi kéo bà vào cuộc chơi. Bà Mười cho biết, lúc đầu Thu bảo chuyển tiền mua gói thiết bị y tế lấy lợi ngay. Sau khi chuyển tiền, Thu chuyển trả lại tiền lợi khá cao.

Lần sau, Thu kêu gọi tiếp nên bà Mười tin chuyển tiền vào tài khoản nhưng sau đó, Thu bảo chưa bán hàng được, nếu muốn gỡ vốn gói hàng trước thì chuyển thêm tiền để thu lợi gói hàng sau. Bà Mười tưởng thật nên chuyển tiền vào tiếp thì Thu không nghe điện thoại, lúc hẹn ở Sài Gòn, Đà Nẵng... rồi im lặng luôn.

Thu lấy lòng người khác bằng cách trả lãi ngay lại cho người góp từ 10-20%, rồi sau đó hứa hẹn mà không trả nữa. Hàng trăm người đã dính bẫy Thu tiền tỷ như: bà Mười gần 20 tỷ đồng, ông Anh 2,5 tỷ đồng, bà Nguyệt 1,7 tỷ đồng, ông Xuân 2,3 tỷ đồng... Qua xác định ban đầu, số tiền các cá nhân đã chuyển cho Thu trên 200 tỷ đồng.

Ngoài tiền mặt, còn có hàng chục cá nhân khác ở các tỉnh Kon Tum, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cà Mau... giao nộp tiền cho Thu thông qua tài khoản hàng chục tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày, thông qua giao dịch “góp vốn” vào tài khoản của Thu với số tiền từ 1 - 3,5 tỷ đồng, có ngày cao điểm lên đến 7 tỷ đồng. Không ít người bị cuốn theo “ảo giác” lợi nhuận cao núp dưới vỏ bọc kinh doanh tân dược và nhập khẩu thiết bị y tế của Thu và đã bị lừa.

Thủ đoạn của các công ty như Liên Kết Việt, Phúc Gia Bảo 868 cũng chơi trò núp bóng việc bán hàng đa cấp mà kêu gọi nhiều người góp tiền để chiếm đoạt. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì nhiều người dân ở Tây Nguyên và trên cả nước đã phải “trắng tay” với số tiền bị mất hàng trăm tỷ đồng.

Dương Thị Hoài Thu khai nhận về việc trả lãi cao để huy động vốn chiếm đoạt tiền của nhiều người.

Theo Công an tỉnh Kon Tum, Công ty Liên Kết Việt mở đại lý ký gửi hàng hóa đặt tại căn nhà thuê ở địa chỉ 63 Lê Hồng Phong, TP Kon Tum do Trần Văn Trọng làm trưởng đại lý đại diện, lôi kéo nhiều người tham gia. Với cách thu hút vốn trả lãi suất cao, mỗi người tham gia việc mua bán hàng do Liên Kết Việt đặt ra đầu tiên ít nhất là góp 8,6 triệu đồng sẽ được hưởng lợi 500 ngàn đồng trở lên. Nếu người tham gia đầu tiên lôi kéo được nhiều người khác cùng tham gia thì lợi nhuận tăng lên theo cấp số nhân.

Tại Đắk Lắk, Liên Kết Việt cũng đã chiêu dụ hàng trăm người sa bẫy vì ham lợi nhuận cao mà dẫn đến thảm cảnh. Tương tự, Công ty CP Thương mại Đầu tư Phúc Gia Bảo 868 cũng thuê nhà đặt văn phòng giao dịch tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk để mời gọi nhiều người hám lợi mà “hợp tác kinh doanh”.

Sau khi nộp tiền được đưa đi du lịch Thái Lan, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt,… khi về còn nhận thêm tiền thưởng nữa nên ai cũng thích thú tham gia. Vì hám lợi trước mắt mà nhiều người bị “dính bẫy” với số tiền hàng tỷ đồng và dẫn đến nhiều câu chuyện thương tâm, gia đình ly tán...

Chính cách thức trả lãi “nóng” ngay lập tức khi góp vốn đã thu hút người tham gia ngày càng đông mà họ không nghĩ rằng, đối tượng đã dùng chính tiền của các nạn nhân gửi vào để trả lãi cho chính họ chứ không có lợi nhuận nào khác “đẻ” nhanh như vậy. Cũng chính vì ham lợi dính bẫy từ “tín dụng đen”, “liên doanh đa cấp” mà liên tục trong nhiều năm qua đã có không ít người tự tử, nhiều gia đình tán gia, bại sản.

Đặng Ngọc Như
.
.
.