Đà Nẵng: Vực dậy những cuộc đời lầm lỡ

Thứ Năm, 12/02/2009, 08:30
Vực dậy những cuộc đời lầm lỡ là việc làm của cựu chiến binh (CCB) Trần Đình Hùng, cán bộ công tác Mặt trận tổ dân phố số 5, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Trong thời gian 5 năm trở lại đây, anh đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục người lao động là những đối tượng đã từng vi phạm pháp luật…

Chúng tôi đến nhà anh Trần Đình Hùng vào một ngày đầu xuân. Trong khu phố chật hẹp tại phường Thạc Gián, dù hơi xuân của tháng giêng vẫn còn lan tỏa khắp mọi nhà nhưng không khí làm việc và âm thanh cười nói của người lao động đã rộn ràng…

Ở khu vực này, người dân chủ yếu làm nghề xích lô, xe thồ và buôn thúng bán bưng… Do vậy, cuộc sống ít có điều kiện cải thiện, con cái không được học hành dẫn đến dễ tiêm nhiễm thói hư tật xấu. Một địa bàn nhỏ nhưng có hơn chục người vi phạm pháp luật, phải vào tù ra tội. Đặc biệt, có nhiều người tái phạm nhiều lần bởi "nhàn cư vi bất thiện".

Thấy được vấn đề thiếu việc làm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này, anh Trần Đình Hùng đã quyết tâm giúp họ có một công việc bằng cách thu nhận những người phạm tội sau khi cải tạo trở về làm việc tại cơ sở giầy dép tại nhà mình.

Với cơ sở sản xuất giầy dép nhỏ được thành lập sau những tháng ngày nỗ lực phấn đấu, anh đã bố trí công việc, tổ chức đào tạo nghề cho hơn 20 người trong gần 5 năm trở lại đây. Một việc làm không dễ đối với một cán bộ địa phương như anh.

Đồng thời, cũng không phải dễ khi những người lao động này đa số là những đối tượng đã từng phạm pháp. Tuy nhiên, anh không ngại khó khăn. Không chút đắn đo suy nghĩ, anh bắt tay vào giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ phấn đấu vươn lên làm lại cuộc đời...

Với 2 cơ sở luôn có gần 30 người làm việc, trong đó có gần nửa số người là những người lao động "đặc biệt", anh đã giúp họ cải thiện đáng kể nguồn thu nhập. Một số người khi mới vào chỉ có hai bàn tay trắng nhưng nay đã có chút vốn giắt lưng lại vừa có một nghề nghiệp ổn định...

Trần Ngọc Ph. (25 tuổi), trú tổ 5, phường Thạc Gián sau 4 năm cải tạo trở về gia đình, sự cô đơn và nỗi mặc cảm của Ph được trút bỏ bởi tấm lòng cao thượng của người CCB Hùng. Hai anh em Trịnh Minh H. (25 tuổi) và Trịnh Minh Nh. (19 tuổi), trú cùng tổ với Ph cũng có hoàn cảnh tương tự. Sau những tháng ngày ngồi "bóc lịch", vì tội trộm cắp tài sản, hết hạn tù, hai anh em được trở về địa phương sinh sống. Không ái ngại là đối tượng thường xuyên cắp vặt, anh Hùng đã nhận cả hai vào cơ sở của mình để làm việc.

Gần 2 năm trôi qua, với sự tận tình giúp đỡ của người chủ, người "cha" đồng thời là người cán bộ địa phương, Trịnh Minh H. đã có tay nghề rồi xin về làm với chú ruột của mình, sau đó lấy vợ sinh con, có một gia đình hạnh phúc, ấm êm...

Không chỉ có tấm lòng cao thượng, biết cảm thông cho những người lầm lỡ mà chính anh còn là "ông tơ, bà nguyệt", "kết tóc, se duyên" cho những người lao động nên vợ nên chồng sau đó ra tay giúp đỡ vốn liếng để họ làm ăn mà không đòi hỏi một sự trả ơn nào.

Theo như anh cho biết, đã có gần 10 cặp gia đình được anh lo nên vợ, nên chồng. Năm 2008, anh đã đứng ra tổ chức cho một cặp vợ chồng mà cả hai trước đây là đối tượng vi phạm pháp luật. Cảm động trước tình cảm của một ân nhân, nhiều người tự hứa sẽ sống có ích cho xã hội.

Anh Trần Ngọc Ph. tâm sự: “Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của anh Hùng mà bọn em hiểu được lẽ phải. Được anh tạo công ăn việc làm cho người lầm lỡ như em, em rất cảm động. Em hứa sẽ phấn đấu hết mình”...

Bằng trái tim nhân hậu, bằng tấm lòng biết sẻ chia, anh Trần Đình Hùng đã chìa vai gánh vớt biết bao số phận con người có hoàn cảnh khó khăn để dẫn họ đến bến bờ hạnh phúc. Không quản ngại khó khăn, anh luôn nỗ lực hết mình vì người lao động nghèo, vì những con người đã từng phạm tội và biết làm lại cuộc đời. Mong muốn lớn của anh là làm sao cho người lao động có cuộc sống ổn định, con em trên địa bàn tránh khỏi những tội lỗi đáng tiếc...

Bùi Ngọc
.
.
.