Đà Nẵng: Nước sinh hoạt nhiễm dầu

Thứ Sáu, 26/01/2007, 11:46
Hơn 10 năm, hàng trăm hộ dân thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, sống chung với nguồn nước nhiễm dầu. Chống chọi với các loại bệnh tật, hoang mang và lo sợ, người dân nơi đây chỉ biết làm đơn kiến nghị và thấp thỏm trông chờ.

Anh Lê Văn Dũng, cán bộ văn phòng phường Khuê Mỹ nhẩm tính: Số hộ dân phải sống cùng nguồn nước ô nhiễm trên địa bàn phường lên tới hàng trăm hộ; tổ 11 có 87 hộ, tổ 12 là 70 hộ, tổ 16 có 34 hộ... đó là chưa kể số dân ở dọc tuyến đường Lê Văn Hiến.

Đi sâu tìm hiểu vấn đề nguồn nước phường Khuê Mỹ ô nhiễm dầu, chúng tôi được biết: Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, trên địa bàn phường Khuê Mỹ có hàng loạt chiếc hố với bề ngang 10m, chiều dài lên đến hàng trăm mét của Công ty tái chế 19-5 dùng để xử lý dầu thải.

Tất cả các loại dầu thải, dầu cặn, nhựa đường, dầu hắc ín... với số lượng hàng ngàn tấn đều được đổ xuống các hố. Sau này, do nhu cầu về xây dựng cộng thêm việc Công ty 19-5 giải thể nên tất cả các hố dầu thải chưa qua xử lý được lấp lại. Trải qua gần 20 năm, những tấn dầu thải bị chôn lấp thẩm thấu vào lòng đất, nhiễm vào nguồn nước sinh hoạt của bà con.

Theo ông Nguyễn Cương, Tổ trưởng dân phố tổ 12, "nguồn nước sinh hoạt từ tổ 12 giáp tổ 16, 14, 15 trải dài khoảng 1km, không giếng nước nào của người dân không bị nhiễm mùi xăng, dầu. Nếu nói nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn thì có ở nhiều nơi, còn nước bị nhiễm dầu thì chỉ có người dân phường Khuê Mỹ nơi tui gánh chịu".

Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Cương dẫn chúng tôi vào một loạt nhà ở tổ 12 để xem nguồn nước. Ông Nguyễn Văn Chấn năm nay đã bước sang tuổi 65 cho biết: "Giếng nước nhà tui đào đã hơn 10 năm nhưng có dùng được mô, anh coi múc lên toàn mùi dầu. Cả tổ này giếng nhà ai cũng bị dầu nhiễm vô, nhưng nhà tui bị nặng nhứt".

Nói xong, ông Chấn múc lên một gàu nước đổ vào thau thì có một lớp màng dầu loang phía trên.

Thật không ngoa để nói rằng việc mà người dân ở một số tổ phường Khuê Mỹ lo nhất hàng ngày không phải là chuyện cơm, áo, gạo, tiền mà là lo nước sinh hoạt. Không lo sao được khi con số người bị bệnh đường ruột, dạ dày luôn tăng tiến theo cấp số nhân. Tính sơ sơ trong tổ đã có gần chục người chết vì ung thư dạ dày, ung thư vòm họng.

Chưa có một kết luận khoa học nào để khẳng định người dân nơi đây bị bệnh nhiều, chết nhiều vì ung thư là do sử dụng nguồn nước nhiễm dầu. Song đã nhiều lần người dân nơi đây đem nước đến Trung tâm Y tế dự phòng làm xét nghiệm thì đều cho kết quả: "nguồn nước không đảm bảo về vi sinh và ô nhiễm nặng".

Những hoang mang, lo lắng và nghi ngờ từ nguồn nước của bà con đang rất cần sự quan tâm của các, ban, ngành liên quan ở đây giải quyết.

Gần đây, Công ty Cấp thoát nước Đà Nẵng có kéo ống nước về phường Khuê Mỹ, nhưng vì nhiều lý do nên hiện nay người dân vẫn phải tiếp tục chờ

Sông Lam
.
.
.