Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống LB Nga Vladimir Putin:

ĐSQ Việt Nam tại Mátxcơva những ngày đầu thành lập

Thứ Tư, 13/11/2013, 09:12
Những năm tháng đó Liên Xô còn nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh nhưng bạn vẫn dành cho các cán bộ Sứ quán ta nói riêng và cuộc kháng chiến của nhân dân ta nói chung sự quan tâm sâu sắc và sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu. Bạn bố trí một biệt thự cổ làm trụ sở Sứ quán và cử công nhân tới tu sửa. Sau khoảng 2 tháng, việc tu sửa hoàn thành và tiến hành gắn biển Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hơn 6 thập kỉ trước (tháng 1/1950), Trung Quốc, Liên Xô và một số nước chính thức công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với thắng lợi ngoại giao cực kì quan trọng này, lần đầu tiên vòng vây của chủ nghĩa đế quốc đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị chọc thủng; cách mạng Việt Nam từng bước nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước anh em và bạn bè thế giới. Sau những thắng lợi ban đầu của sự nghiệp kháng chiến chống Pháp, ngày 15/1/1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố công nhận CHND Trung Hoa. Ba ngày sau, CHND Trung Hoa công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (18/1/1950) và ngày 30/1/1950, Liên Xô công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó, CHDCND Triều Tiên, CHDC Đức, Hungari, Rumani, Bungari, Tiệp Khắc, Ba Lan… lần lượt công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Nhằm thắt chặt tình đoàn kết với các nước anh em và mở rộng mặt trận ngoại giao, giữa tháng 1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật lên đường thăm Trung Quốc và Liên Xô. Ngày 3/2/1950, đúng kỉ niệm 20 năm ngày Đảng ta ra đời, Bác Hồ thực hiện chuyến thăm Liên Xô lần đầu tiên với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; đây là chuyến thăm bí mật. Trong một buổi làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ Xtalin khẳng định sẽ ủng hộ mạnh mẽ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của nhân dân Việt Nam.

Hai năm sau khi lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô, đầu năm 1952, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức đặt Đại sứ quán tại Mátxcơva. Đại sứ ta tại Liên Xô kiêm nhiệm quan hệ với các nước XHCN Đông Âu. Việc lựa chọn Đại sứ được Bác Hồ và Trung ương Đảng cân nhắc kĩ lưỡng và quyết định cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng, năm đó tròn 48 tuổi.

Bộ máy tổ chức của Sứ quán Việt Nam tại Liên Xô giai đoạn đầu (1952-1957) gồm những cán bộ chủ chốt sau: Đại sứ Nguyễn Lương Bằng; Bí thư thứ nhất Nguyễn Đức Quỳ; Bí thư thứ hai Nguyễn Văn Thương; Cơ yếu Hà Thục Trinh (phu nhân Đại sứ Nguyễn Lương Bằng) và Nguyễn Thị Cúc (phu nhân đồng chí Nguyễn Đức Quỳ); phiên dịch Nguyễn Mạnh Cầm và Tạ Hữu Canh. Trong số cán bộ trên, hiện còn ông Nguyễn Mạnh Cầm (nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ) đang sống tại Hà Nội và bà Nguyễn Thị Cúc (hiện trú tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP HCM).

Những cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô thời kỳ đầu. (Đại sứ Nguyễn Lương Bằng đứng thứ 6 từ trái qua, bà Nguyễn Thị Cúc thứ 5 từ trái qua).

Nhớ lại những kỉ niệm về Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô thuở ban đầu, bà Cúc xúc động: Khi đó, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã thu được những kết quả quan trọng nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Nhận nhiệm vụ đi làm cán bộ Sứ quán tại Liên Xô, chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Đoàn cán bộ chúng tôi được xe ôtô của Văn phòng Trung ương đưa tới Lãnh sự quán ta tại Nam Ninh (Trung Quốc). Các cán bộ ngoại giao ở Lãnh sự quán đưa chúng tôi đi mua quần áo ấm và một số vật dụng thiết yếu trước khi lên đường đi Liên Xô.

Theo bà Cúc, ngoài những cán bộ chủ chốt, Sứ quán ta còn có một số đồng chí khác làm công tác phục vụ như lái xe, cấp dưỡng. Ngoài ra, Liên Xô cũng giúp ta một số nhân viên như anh Vaxili làm vườn, chị Lêna làm liên lạc, anh Pêchia làm lái xe và chị Maria làm phiên dịch kiêm dạy tiếng Nga. Những năm tháng đó Liên Xô còn nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh nhưng bạn vẫn dành cho các cán bộ Sứ quán ta nói riêng và cuộc kháng chiến của nhân dân ta nói chung sự quan tâm sâu sắc và sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu. Bạn bố trí một biệt thự cổ làm trụ sở Sứ quán và cử công nhân tới tu sửa. Sau khoảng 2 tháng, việc tu sửa hoàn thành và tiến hành gắn biển Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 23/4/1952, Đại sứ Nguyễn Lương Bằng trình Thư ủy nhiệm lên đồng chí N.M. Sverơních - Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô.

Từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Xtalin (tháng 2/1950), cùng với những hoạt động linh hoạt, khôn khéo của Đại sứ quán Việt Nam, Liên Xô chủ động phối hợp với Việt Nam trong tuyên truyền vận động quốc tế, ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam. Tháng 9/1952, với tư cách Ủy viên thường trực HĐBA Liên hợp quốc, Liên Xô đã phủ quyết đề nghị của chính quyền Bảo Đại xin gia nhập Liên hợp quốc và tỏ ý ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gia nhập tổ chức này. Trong quan hệ quốc tế, Liên Xô khẳng định Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Cúc kể lại với PV những kỷ niệm về Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô. (Ảnh chụp tháng 5/2013 tại TP HCM).

Một sự kiện trọng đại không thể phai mờ trong kí ức của những cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô thuở ban đầu ấy: Năm 1952, lần thứ hai Bác Hồ bí mật thăm Liên Xô và dự Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Liên Xô (tháng 10/1952). Về sự kiện này, cuối những năm 1980, Bảo tàng Hồ Chí Minh xác minh qua một số thành viên của Sứ quán ta tại Liên Xô (thời kì 1952-1957).

Đồng chí Tạ Hữu Canh, nguyên là phiên dịch của Đại sứ Nguyễn Lương Bằng, kể lại: Khoảng tháng 9, tháng 10/1952, một hôm có một đồng chí Ủy viên Trung ương của Đảng Cộng sản Liên Xô đến Sứ quán xuất trình Chứng minh thư đặc biệt và Giấy ủy nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Liên Xô, để đón đồng chí Đại sứ đi làm việc, nhưng yêu cầu phiên dịch không đi cùng. Đại sứ vắng mặt luôn hai ngày. Chiều ngày thứ ba, bạn đưa ôtô đến đón 2 đồng chí Bí thư của Sứ quán và chỉ nói có nhiệm vụ đặc biệt. Đêm đó, đồng chí Đại sứ và 2 đồng chí Bí thư của Sứ quán được bạn đưa về. Mọi người trong Sứ quán đều muốn biết sự việc, nhưng không ai dám hỏi vì sợ vi phạm nguyên tắc bí mật; mặc dù đều nghĩ rằng hẳn phải là một việc rất quan trọng và cần bí mật…

Đồng chí Nguyễn Đức Quỳ nhớ lại: Phần việc của Anh Cả (Đại sứ Nguyễn Lương Bằng) hai ngày trước đó, tôi không được biết… Khi bạn đón tôi và anh Thương đến một biệt thự ở ngoại ô Mátxcơva, Anh Cả  đợi chúng tôi ở sân. Thấy Anh Cả, tôi thở phào nhẹ nhõm. Chưa kịp hỏi xem bạn đưa đến đây có việc gì, chỉ thấy Anh Cả cười rất vui và giục chúng tôi đi nhanh vào trong nhà. Và thật bất ngờ, chúng tôi được gặp Bác Hồ.

Về nội dung cuộc gặp gỡ này, cả hai đồng chí Nguyễn Đức Quỳ và Nguyễn Văn Thương đều còn nhớ rõ: Bác nhắc nhở nhiệm vụ của cán bộ ngoại giao lúc này là làm thế nào để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Ngoại giao là một mặt trận góp phần không nhỏ vào chiến thắng của sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Tuy vậy, đây là công việc hết sức mới mẻ, nên phương châm là vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Bác cũng nói đến cuộc hội đàm (không chính thức) với Xtalin…

Sự kiện Bác Hồ thăm Liên Xô lần thứ hai trong vòng 3 năm (1950-1952) cho thấy vị trí và ý nghĩa của mối quan hệ đặc biệt Việt - Xô trước đây cũng như mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga hiện nay mà chuyến thăm của Tổng thống Putin lần này là một minh chứng sinh động

T.D.H.
.
.
.