ĐBSCL: 45 người thiệt mạng do mưa lũ

Thứ Sáu, 14/10/2011, 14:58
Số người chết vì lũ ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục gia tăng. Đến nay đã có 45 người thiệt mạng do thiên tai, mưa lũ. Trong đó, An Giang có 12 người chết, Đồng Tháp 17 người, Cần Thơ 6 người, Long An 5 người và Kiên Giang 5 người.

Tại An Giang, sạt lở bờ sông cuốn trôi 27.413m2 đất. Chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 571/580 hộ dân trong vùng nguy hiểm vào nơi an toàn. 7 cụm tuyến dân cư bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài hơn 6.300m, trong đó 4 cụm tuyến cần khẩn cấp gia cố. Mưa lũ làm 22 nhà dân sập hoàn toàn; 17.751 căn bị ngập, tập trung nhiều nhất tại huyện Chợ Mới, An Phú, TP Long Xuyên, TX Tân Châu… trong đó có 452 căn nhà cần được nhanh chóng di dời. Toàn tỉnh có 4.248ha lúa bị mất trắng, 66.000 ha đang bị đe dọa, tập trung ở vùng Tứ  giác Long Xuyên. Ngập 701 ao cá, 6 bè và 1 quầng bị bể, 79 bể nuôi lươn, thiệt hại 71,7 tấn cá thịt và 3,352 triệu con cá giống… Hơn 450km đê; 29,8km tỉnh lộ; 138,4 km đường nông thôn bị ngập lũ. Sạt lở nghiêm trọng 57km đường nông thôn ở thị xã Tân Châu, huyện Châu Thành, An Phú, Chợ Mới, Tịnh Biên, TP Long Xuyên. Số điểm trường bị ảnh hưởng lũ tăng lên 74 điểm với 7.018 học sinh, trong đó 20 điểm với 1.314 học sinh phải tạm nghỉ học. Đặc biệt các đội cứu hộ cứ nạn đã nhanh chóng cứu được 23 người; 24 ghe, xuồng; 24 tấn lúa… gặp nạn tại các vùng nguy hiểm. Đến nay, số hộ có nguy cơ thiếu đói, cần hỗ trợ lương thực lên đến 6.218 hộ.

Gia đình cần quan tâm đến trẻ em trong mùa lũ để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Trong những ngày qua, con số thiệt hại về tài sản tại tỉnh Đồng Tháp do mưa lũ gây ra tăng nhanh từng ngày. Tính đến ngày 13/10, thiệt hại về tài sản là hơn 854 tỷ đồng (tăng thêm hơn 7 tỷ đồng, so với báo cáo ngày 12/10). Hiện nay, cao trình mặt một số đoạn bờ bao bảo vệ lúa thu đông, vườn cây ăn trái tại các huyện, thị xã, thành phố cao hơn mặt nước từ 0,1-0,2m. Tại ô đê bao số 4 (thuộc khóm 4, phường 6, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp), từ nhiều ngày nay, do triều cường lên cao kết hợp với mưa lũ, nước đã rò rỉ “uy hiếp” gần 90ha vườn cây ăn trái và hoa màu của người có nguy cơ bị mất trắng.

“Mặt nước bên ngoài cao hơn ô đê bao khoảng 80cm, thêm vào đó nước mưa ứ đọng làm ngập vườn cây ăn trái và hoa màu của bà con nông dân từ 15cm-50cm, nếu tình trạng này kéo dài thêm vài ngày nửa nguy cơ thiệt hại toàn bộ diện tích hoa màu, cây ăn trái là rất lớn”, ông Nguyễn Thanh Hà-Chủ tịch Hội nông dân phường 6 cho biết.

Tính đến nay, số tiền người hỗ trợ do các tổ chức, đoàn thể xã hội trong và ngoài nước giúp người dân vùng lũ ở tỉnh Đồng Tháp là gần 6 tỷ đồng. Trước đó, chiều ngày 12/10, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã quyết định chuyển tới tỉnh Đồng Tháp và An Giang, hai tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất do lũ ở ĐBSCL, với số tiền hỗ trợ là 4 tỷ đồng (An Giang 2 tỷ đồng và Đồng Tháp 2 tỷ đồng). Số tiền này được trích từ Quỹ cứu trợ của thành phố Hà Hội để giúp người dân vùng lũ khắc phụ hậu quả do mưa lũ gây ra, sớm ổn định cuộc sống.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong 1-2 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên ít biến đổi, sau xuống chậm và còn ở mức cao. Đến ngày 17/10, mực nước tại Tân Châu ở mức 4,75m (trên mức báo động 3 là 0,25m), tại Châu Đốc ở mức 4,2m (trên báo động 3 là 0,2m). Tại các trạm chính vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên ở mức 0,1-0,3m; sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa biến đổi chậm, đến ngày 17/10 ở mức 2,8m (trên báo động 3 là 0,4m). Đến cuối tháng 10, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên còn tiếp tục duy trì ở mức báo động 3 và trên báo động 3, tình trạng ngập lụt sâu còn tiếp diễn ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên.

V.Đức – V.Vĩnh
.
.
.