Cựu tù Côn Đảo thăm lại "chiến trường" xưa

Thứ Bảy, 05/05/2007, 15:18

Từ ngày 24 đến ngày 26/4, các cựu tù chính trị Trại 1 - 6B của nhà tù Côn Đảo đã về thăm lại chiến trường xưa - một chiến trường giữa kẻ thù được trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện hiện đại với những người tù chính trị tay không tấc sắt, lại bị gông cùm, giam giữ trong một nhà tù tàn bạo nhất thế kỷ.

Đoàn có 130 người là những cựu tù chính trị của Trại 1 - 6B và thân nhân của những đồng chí trung kiên đã hy sinh trong trại giam và một số cựu tù chính trị thuộc các trại khác.

Cựu tù chính trị có mặt trong đoàn cao niên nhất là ông Phạm Văn Ba nay đã gần tuổi 90 và ông Trịnh Văn Lâu tức Tư Cẩn 80 tuổi… Ông Tư Cẩn là Bí thư Chi bộ Lưu Chí Hiếu ở trong nhà tù và sau ngày miền Nam giải phóng, ông ở lại công tác trên đảo một thời gian, là Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Côn Đảo.

Cùng ở lại công tác tại huyện Côn Đảo còn có đồng chí Ba Đẹp - cựu tù rất trẻ lúc đó. Đồng chí Ba Đẹp trước đây chính là Thiếu tướng Châu Văn Mẫn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL, Bộ Công an hiện nay.   

Sáng 25/4, từ nhà trưng bày di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo, đoàn cựu tù chính trị đến nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ cuối cùng của những liệt sĩ tù nhân, thắp nhang tưởng niệm đồng chí Lê Hồng Phong, Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu, viếng mộ đồng chí Lưu Chí Hiếu... và những liệt sỹ chưa biết tên…

Buổi chiều, đoàn thăm lại "chuồng cọp", "chuồng bò", "phòng phơi nắng", "phòng đánh hội đồng, xà lim cấm cố, hầm xay lúa, lò nung vôi… những nơi mà các cựu tù chính trị của phòng 1 - 6B không ai là chưa từng trải qua. Nhưng dù bị ngược đãi, giam cầm, đánh đập, hành hạ cả thân xác và tinh thần, song những hình cụ tra tấn dã man ấy không khuất phục được bản lĩnh kiên cường, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản trước kẻ thù.

Buổi tối, tại sân di tích Trại 1 - 6B cũ, đoàn cựu tù tưởng niệm các đồng chí, đồng đội đã hy sinh và tham gia buổi họp mặt, giao lưu với lãnh đạo Đảng, chính quyền cùng tuổi trẻ huyện Côn Đảo.

Khai mạc đêm giao lưu, cựu tù chính trị Lê Thân kể lại truyền thống đấu tranh kiên cường của những người tù chính trị ở Côn Đảo. Đó là việc chống chào cờ địch, chống đánh đập, ngược đãi tù nhân… bằng nhiều hình thức, kể cả tuyệt thực dài ngày, bất chấp sự đàn áp thẳng tay của bọn cai ngục. Những thắng lợi của cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của chi bộ ở trong trại tù.

Cựu tù chính trị, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, ông Trịnh Văn Lâu nói lên cảm xúc của mình về quá trình đấu tranh không khoan nhượng của các tù nhân Trại 1 - 6B khi còn trong tù và sự gắn kết keo sơn từ khi thoát khỏi ngục tù đến nay, cũng như trách nhiệm của họ đối với hiện tại và tương lai.

Ông Tư Cẩn xúc động cho biết: "Nhiều đồng chí trong chúng ta, nay tuổi đã cao… nhưng hãy nhớ và quyết tâm thực hiện hoài bão của những người quá cố, hãy sống đúng với tinh thần người đảng viên Cộng sản. Bản thân và gia đình con cháu phải hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, để lại gương sáng cho con cháu chúng ta, cùng các thế hệ kế tiếp thực hiện bằng được di nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời và cùng góp sức thực hiện cho đến thắng lợi cuối cùng đường lối xây dựng Tổ quốc giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh mà Đại hội Đảng lần thứ X đã đề ra".

Cùng tham gia đoàn cựu tù chính trị còn có ông André Menras, quốc tịch Pháp. Ông André Menras bị chính quyền Sài Gòn bắt giam vào Chí Hòa do đã treo cờ giải phóng lên trước trụ sở Hạ viện cũ, nay là Nhà hát thành phố và có vinh dự được bạn tù tặng cho một cái tên Việt Nam mà cho đến bây giờ vẫn sử dụng là Hồ Cương Quyết, do ông rất cương quyết không phục tùng chính quyền Sài Gòn.

Tuy không bị đày ra Côn Đảo nhưng André Menras lại "chung chiến hào", rất thân thiết với anh em Trại 1 - 6B. Trong thời gian bị giam giữ ở Trại Chí Hòa, André Menras ở chung với ông Phạm Văn Ba và khi ông Phạm Văn Ba ra Côn Đảo đã bí mật đem theo chiếc radio của André Menras tặng cho anh em Trại 1 - 6B để theo dõi thời sự qua Đài Phát thanh Hà Nội, nắm bắt tình hình chiến sự diễn ra tại Việt Nam và quốc tế.

Với vốn tiếng Việt rất thành thạo, ông kể chuyện bị địch bắt, bị tra tấn, đe dọa thật dí dỏm. André Menras nói: "Không chỉ người Việt Nam mà người Pháp cũng như các nước khác rất nể phục Cụ Hồ Chí Minh. Tôi tự hào khi các bạn tặng cho cái tên Cương Quyết, vinh dự nhất là được mang họ Hồ".

Dưới ánh trăng khuya, đêm giao lưu giữa đoàn cựu tù chính trị với đoàn viên thanh niên của địa phương thêm ý nghĩa hơn. Ngọn lửa truyền thống từ tay đồng chí Trịnh Văn Lâu đã thắp sáng lửa trại. Ánh trăng hòa với ánh sáng bập bùng của lửa trại đêm liên hoan giao lưu văn nghệ với những tiết mục hừng hực khí thế thanh niên hòa với những tiết mục mang nặng cảm xúc của các cựu tù Lê Thị Liên, Huỳnh Thị Thu Hương, Lê Thân, Lê Thị Nhân...

Nữ cựu tù Lê Thị Nhân 52 tuổi, quê ở Huế, đã nghẹn ngào khi ngâm bài thơ "Viết cho người nữ sinh Huế ở trại tù Côn Đảo" của tác giả Võ Huê… làm cho mọi người nhớ mãi những ngày gian khó mà trung dũng kiên cường

Phương Quỳnh
.
.
.