Cướp biển Somali và sự trừng phạt của lực lượng đặc nhiệm quốc tế

Thứ Sáu, 03/09/2010, 13:18
Đây là tuyên bố của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tại hội nghị Liên hợp quốc về Somali mới khai mạc ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (ngày 22/5).

Tuy nhiên, việc trở lại Vịnh Aden (từ ngày 3/7) của tàu khu trục đô đốc Levchenko thuộc hải quân Nga báo hiệu sự trừng phạt mới của lực lượng đặc nhiệm quốc tế đối với hải tặc Somali kể cả khu vực nói trên, cũng như phía Nam Biển Đỏ, địa điểm cướp biển đang hoạt động mạnh bởi nơi này vẫn chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để kiểm tra các tàu thuyền khả nghi.

Từ vụ giải cứu con tin của đặc nhiệm Nga

Cách đây không lâu (6/5), lính đặc nhiệm Nga đã giải thoát thành công tàu chở dầu Moskva University mang cờ Liberia (chở 86.000 tấn dầu, trị giá 52 triệu USD) của Nga bị hải tặc Somalia bắt hôm 5/5. Trong cuộc giải thoát con tin kéo dài 22 phút sáng 6/5, lính đặc nhiệm Nga đã bắt được 10 hải tặc, tiêu diệt 1 cướp biển, nhưng không một ai trong thủy thủ đoàn gồm 23 người bị thương.

Sau đó (7/5), Nga đã quyết định phóng thích những tên cướp biển kể trên, cho dù trước đó Moskva định đưa 10 tên hải tặc ra xét xử. Hãng thông tấn Nga Interfax đã dẫn lời Đại tá Alexei Kuznetsov giải thích quyết định phóng thích hải tặc - được thả vì sự không hoàn thiện của luật pháp quốc tế.

Được biết, ngay sau khi bị cướp biển tấn công hôm 5/5, thuỷ thủ đoàn đã cho tàu ngừng chạy và tự nhốt mình trong một phòng an toàn, tạo điều kiện để lính đặc nhiệm Nga tấn công hải tặc. Trong phòng này có thực phẩm, nước uống, các thiết bị liên lạc và cửa chỉ mở được từ bên trong. Những thông tin này đã giúp Nga quyết định tấn công hải tặc. Lính đặc nhiệm Nga được triển khai trên khu trục hạm chống ngầm Marshal Shaposhnikov đã được đưa lên một chiếc trực thăng và tấn công bất ngờ xuống tàu Moskva University rạng sáng 6/5.

Phát ngôn viên của Hải quân Liên minh châu Âu John Harbour đánh giá cao cuộc giải cứu tàu chở dầu Moskva University - là một chiến dịch xuất sắc. Ông John Harbour cho biết, hải quân Liên minh châu Âu đã liên lạc với thủy thủ đoàn qua sóng vô tuyến VHF. Thiếu tướng hải quân Jan Thornqvist, chỉ huy lực lượng hải quân Liên minh châu Âu cho biết, tàu Moskva University đã bị hải tặc tấn công từ 2 chiếc xuồng cao tốc.

Trước đó (5/2), tàu Neustrashimy cũng đã ngăn chặn thành công một vụ tấn công của cướp biển vào tàu hàng Ariella của Slovenia trong Vịnh Aden. Cách đây không lâu (28-4), tàu chiến Panteleyev của Nga đã bắt một tàu của cướp biển ở ngoài khơi Somalia cùng 29 hải tặc với nhiều vũ khí và các trang thiết bị hàng hải.

Hải quân Nga cho rằng, chính con tàu này đã thực hiện 2 vụ tấn công bất thành đối với tàu chở dầu TF Commander hôm 28/4. Theo giới truyền thông, ngay từ đầu năm 2010 (20/1), hải quân Nga đã nhận được chỉ thị, không đàm phán và thỏa thuận tiền chuộc với hải tặc Somali bởi đàm phán với cướp biển là chức năng của cơ quan khác. Nga cũng từng phái tàu chống ngầm Chabanenko tham gia chống cướp biển tại Vịnh Aden và vùng Sừng châu Phi.

Cướp biển Somali khi bị bắt.

Chiến tích của đặc nhiệm Hà Lan

Lính đặc nhiệm Hà Lan đã bất ngờ đổ bộ và tấn công xuống tàu chở container MV Taipan của Đức từ chiếc trực thăng hôm 5/4. Toàn bộ cuộc đột kích đã được ghi lại và là bài học kinh nghiệm cho những cuộc giải cứu con tin sau này. Tàu MV Taipan có trọng lượng không tải 12.612 tấn bị bắt cóc khi đang trên lộ trình từ Djibouti tới Mombasa, Kenya. Được biết, ngay sau khi bị cướp biển tấn công, thủy thủ đoàn gồm 15 người trên tàu MV Taipan đã nhanh chóng phát tín hiệu cấp cứu, rồi trốn trong một cabin có khả năng chống đạn, rồi tự nhốt mình trong đó.

Sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu, chiến hạm HNLMS Tromp của hải quân Hà Lan đã khẩn trương lên phương án giải cứu con tin. Trong khi bắn súng cảnh cáo và rú còi báo động khiến tàu của cướp biển bỏ chạy, chỉ huy tàu HNLMS Tromp cũng quyết định cử một đội đặc nhiệm lên chiếc trực thăng Lynx để tấn công 10 hải tặc đang kiểm soát tàu MV Taipan. Sau khi giải cứu thủy thủ đoàn của tàu MV Taipan, đặc nhiệm Hà Lan đã đưa 10 hải tặc về chiến hạm HNLMS Tromp để thẩm vấn, sau đó chuyển cho cơ quan chức năng xử lý.

Đặc nhiệm Pháp mạnh tay với cướp biển Somali

Ngày 3/5, 11 hải tặc ở ngoài khơi Somalia đã bị bắt sau khi tấn công nhầm chiến hạm Nivose của Pháp. Chiều 29/4, chiến hạm Nivose của Pháp đã phá hủy một tàu mồi của bọn cướp biển cách bờ biển Somali khoảng 438 hải lý sau khi phát hiện và kiểm soát 2 chiếc xuồng nhỏ của chúng. 11 nghi can cướp biển đã bị bắt và thẩm vấn.

Trước đó (7/3), theo thông báo của Bộ Quốc phòng Pháp, tàu khu trục Nivose của hải quân nước này đã bắt giữ 35 tên hải tặc, thu 4 tàu lớn và 6 tàu nhỏ. Đây được coi là mẻ lưới lớn nhất kể từ khi hải quân Liên minh châu Âu triển khai chiến dịch Atalanta hồi tháng 12/2008.

Ngày 13/11/2009, người phát ngôn quân đội Pháp, Đô đốc Christophe Prazuck cho biết, tàu khu trục Floreal đã bắt giữ 12 cướp biển ở vùng biển Somalia. Nhưng dư luận từng ngạc nhiên sau tuyên bố của chính phủ Pháp - sẽ thu tiền của những con tin được họ giải cứu. Được biết, Pháp từng điều tra vụ 6 người Somali bị buộc tội tấn công du thuyền sang trọng Le Ponant và bắt giữ 30 người làm con tin năm 2008 và vụ 3 người Somali khác bị buộc tội bắt cóc du thuyền Tanit hồi tháng 4/2009.

Hoạt động của hải quân Mỹ

Khu trục hạm USS Farragut vừa thành công trong việc phát hiện âm mưu tấn công tàu buôn Thái Lan MV Thor Traveller của bọn cướp biển Somali. Được biết, thời gian qua hải tặc đã nhiều lần tấn công nhầm tàu hải quân Mỹ (USS Ashland). Mỹ cũng từng triển khai máy bay không người lái như MQ-9 Reaper chống cướp biển ở vùng biển ngoài khơi Somalia.

Trước đó (12/2), hải quân Mỹ đã bắt 9 hải tặc ở Vịnh Aden, nâng tổng số những đối tượng bị bắt tại vùng biển này trong 2 ngày lên 16 tên. Ngoại trưởng Hilary Clinton từng đưa ra kế hoạch 4 điểm nhằm đóng băng tài sản của hải tặc và xét xử những tên bị bắt tại những nước có tàu thuyền là nạn nhân của chúng.

Cách đây hơn 3 tháng (trung tuần tháng 4), cuộc tập trận chống hải tặc giữa tàu Marshal Shaposhnikov của Nga và tàu khu trục USS Farragut của Mỹ đã diễn ra trên Vịnh Aden. Giới chuyên môn coi cuộc diễn tập kể trên đánh dấu bước kế tiếp trong việc phát triển hợp tác giữa các lực lượng hải quân tham gia chống hải tặc ở Vịnh Aden.

Đến sự trừng phạt thích đáng

Ngày 26/7, Tòa án tối cao quốc đảo Seychelles đã kết án 11 tên cướp biển Somalia liên quan đến vụ tấn công tàu tuần tra biển của nước này hồi tháng 12/2009. Đây là lần đầu tiên Seychelles khai đình xét xử cướp biển Somalia. Cả 11 tên đều bị kết án 10 năm tù giam. Ngay từ đầu năm, Liên hợp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện chiến lược thống nhất, cũng như có sự liên kết rộng rãi nhằm ngăn chặn hiệu quả nạn cướp biển ngoài khơi Somalia. Hà Lan cũng mới trục xuất 10 hải tặc Somali sang Đức để xét xử tội cướp tàu MV Taipan hồi tháng 4/2010.

Trước đó (22/5), những tên cướp biển này đã phải hầu toà tại Hà Lan. Đây là một trường hợp hiếm có khi một quốc gia châu Âu xét xử những hải tặc bị bắt thay vì tước vũ khí và trả tự do cho chúng.

Theo thống kê, riêng trong năm 2009, hải tặc Somali đã nhận được 50 triệu USD tiền chuộc sau khi tiến hành hơn 200 vụ tấn công, trong đó có 68 vụ thành công. Nhưng theo ước tính của Ngoại trưởng Kenya, trong năm 2009 cướp biển Somali đã thu được khoảng 150 triệu USD tiền chuộc. Các nhóm cướp biển đã mở rộng hoạt động tới các vùng biển cách xa bờ biển Somalia khoảng 1.000 hải lý. Interpol cũng đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để giúp chống hải tặc ngoài biển khơi. Tổng Thư ký Interpol Ronald Noble cho biết, lực lượng đặc nhiệm này sẽ phối hợp với cảnh sát để đáp ứng trước mối đe dọa của hải tặc trên tất cả mọi khía cạnh.

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Somali mới khai mạc ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (22/5), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh, cướp biển Somali là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trên thế giới hiện nay. Kể từ tháng 3, NATO đã mở rộng sứ mệnh chống hải tặc Somali mang tên Ocean Shield đến cuối năm 2012.

Liên minh châu Âu vẫn đang triển khai sứ mệnh chống cướp biển ở cùng khu vực với NATO mang tên Navfor. Kể từ khi Liên hợp quốc thành lập lực lượng đặc nhiệm quốc tế với sự tham gia của Hải quân Mỹ, NATO, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, nhiều tên hải tặc Somali đã bị tiêu diệt, bị bắt và xét xử.

Ngoài kết cục bị tiêu diệt, bị bắt, xét xử, một số hải tặc còn bị chết chìm khi đi lấy tiền chuộc. Trong khi chiếc tàu Sirius Star của Arab Saudi cùng 25 thuỷ thủ được phóng thích (9/11/2009) thì 5 hải tặc bị chết chìm lúc đang chia 3 triệu USD tiền chuộc

Lê Chí Thiện – Trịnh Thị Phương Anh
.
.
.