Cuộc chiến không cân sức giữa kiểm lâm và lâm tặc

Thứ Bảy, 01/10/2005, 07:18

"Bạn không lấy đi cái gì ngoài những bức ảnh, bạn không để lại gì ngoài những dấu chân...". Câu khẩu hiệu trước lối vào di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng, huyện Bố Trạch, Quảng Bình hình như chỉ dành cho du khách. Còn ngay tại địa phương, nó hầu như không hề có tác dụng gì. Lâm tặc vẫn lộng hành, máu rừng và máu kiểm lâm vẫn chảy.

Bị nhận lầm là cán bộ kiểm lâm, ngày 20/8/2005, bác sĩ Ngọc Anh, cán bộ cứu hộ động vật của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã bị một nhóm thanh niên thôn Phong Nha, xã Xuân Trạch bao vây đánh hội đồng làm rạn xương ngực, gãy mô xương vai.

Trước đó hai tuần, khoảng 20 giờ ngày 6/8, anh Trần Đức Tiến, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng cũng bị lâm tặc chặn đánh khi về qua thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trạch gây thương tích khá nặng. Lần này thì không hề có chuyện nhầm lẫn. Được anh Thái, Trưởng thôn phát hiện và giải cứu, sau đó được anh em Trạm Kiểm lâm Trộ Mợng đưa đi cấp cứu kịp thời nên anh Tiến mới may mắn thoát hiểm.

Cùng ngày hôm đó, một vụ hành hung trả thù khác cũng đã xảy ra với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều. Trên đường từ Hạt Kiểm lâm về Tp. Đồng Hới, hầu như không có người qua lại, cán bộ kiểm lâm Trương Quang Tám đã bị 5 thanh niên đi trên 3 xe gắn máy đuổi theo. Đuổi được khoảng 20 km, đến đoạn cầu Dũng Cảm, gần Nông trường Việt Trung, anh Tám bị chúng ép xe. Một tên ngồi phía sau đã rút dao xỉa vào cổ khiến anh bị thương ngã xuống đường, gãy xương tay và xương vai. Hiện nay, anh Trương Quang Tám vẫn đang phải điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Việc điều tra vụ án đã được công an tiến hành ngay nhưng tới nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Tuy nhiên, đối tượng và động cơ gây án thì không khó xác định. Anh Tám bị tấn công ngay giữa ban ngày, vào khoảng 17h30’. Dù ra tay rất dứt khoát và dã man, thủ phạm vẫn không thèm để tâm đến xe máy, tư trang lẫn hai tháng lương của hai vợ chồng mà anh Tám vừa nhận vẫn còn nằm trong túi, trong khi chúng có thừa thời gian và điều kiện để cướp đi. Động cơ hạ sát nạn nhân để cướp của bị loại trừ. Lý lịch lâm tặc của những thủ phạm đã hiện ra khá rõ. Chúng gây án vì muốn trả thù và dằn mặt nạn nhân.

Theo xác nhận của Hạt trưởng Phan Hồng Thái thì không đêm tuần tra kiểm soát nào, lực lượng kiểm lâm không bị lâm tặc rải đinh bẫy xe, sau đó ném đá và bỏ chạy. Ngày 7/9, hai cán bộ của Hạt là Bùi Ngọc Thành và Nguyễn Trung Kiên bị hai chị em tên Dũng ở thôn Troóc, xã Phúc Trạch chặn đường. Dũng níu tay lái hỏi: “Mày có phải là thằng Kiên không?”. Lo lắng bị trả thù, anh Kiên trả lời không phải. Tên thanh niên này chửi thề và bảo: “Không phải tại sao đi xe của nó. Biển số xe này là của thằng Kiên”. Nói xong, hai chị em tên côn đồ này xông vào đánh Kiên tơi tả và đập nát chiếc xe máy của anh. Bố của Dũng là ông D, làm nghề lái xe, nhiều lần từng bị Kiên xử lý vì chở gỗ lậu. Do đó, anh đã nhiều lần bị con trai của đối tượng chặn đường đánh trả thù. Tên Dũng hiện vẫn đang là học sinh trung học!

Chỉ hai ngày sau, đêm 9/9, một tổ 7 cán bộ khác của Hạt lại bị hành hung khi tuần tra tại khu vực Vực Trô - Khe Gát thuộc xã Xuân Trạch. Khi đến khu vực này, toàn bộ xe máy của tổ đều bị cán đinh xẹp lốp. Vừa xuống xe, đá củ đậu đã nhắm vào họ bay vèo vèo. Khi bị họ đuổi theo và nhận diện, một nhóm lâm tặc trong đó có những tên đã nhẵn mặt là Thuyết, Lợi, Chung đã quây lại đánh anh Cao Thái Hưng gục tại chỗ. Anh Cao Văn Thư ôm lấy đối tượng để can ngăn cũng bị chúng đánh bong gân, sái tay. Không cản được nhóm lâm tặc đang say máu, tổ kiểm lâm buộc phải rút lui, về báo với Công an Đồn Xuân Sơn!

Tối 16/9, một đoàn ôtô, xe máy của Hạt đang trên đường tuần tra lại bị bẫy đinh bục hết lốp và bị ném đá khi đi qua địa phận xã Phúc Trạch. Tuy nhiên, những kẻ gây ra vụ việc lại vẫn kịp trốn thoát trước khi bị nhận diện. Gần đây nhất vào lúc 19h30’ ngày 19/8, 7 kiểm lâm của Hạt bị 20 tên lâm tặc tại thôn Troóc, xã Phú Trọng vây đánh khiến 3 kiểm lâm là Nguyễn Thế Vinh, Ngô Anh Đức, Võ Hồng Thịnh bị thương nặng. Vì lực lượng quá mỏng nên tổ kiểm lâm đành phải bó tay. Bọn chúng đã cướp lại được 1 xe máy và 3 phách gỗ huê.

Chân dung lâm tặc

Di tích động Phong Nha được xếp hạng di sản thiên nhiên thế giới, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được quy hoạch với diện tích 85.754 ha rừng núi. Cửa rừng bị đóng hoàn toàn, ngay cả củi cũng phải chở từ nơi khác về bán. Trong khi đó, 90% nam thanh niên các xã Xuân Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch, Hưng Trạch - nằm trong khu vực Vườn Quốc gia - từ trước đến nay vẫn sống dựa vào rừng, từ đi trầm cho đến cưa cây, chặt củi. Học vấn thấp, nhiều thanh niên thậm chí không biết chữ, nhận thức pháp luật kém, cơ hội đổi nghề quá ít ỏi, họ đã buộc phải tự biến mình thành lâm tặc để mưu sinh.

Hình thức lâm tặc phổ biến nhất trong khu vực này là khai thác gỗ mun, gỗ huê bán theo khối lượng. Gỗ mun bán theo khối. Gỗ huê thuộc nhóm 1, tuy chỉ được xếp vào loại thường nhưng trên thị trường lại rất có giá, từ 15 đến 20.000đ/kg. Nếu là gỗ đẹp, tấm có bề mặt lớn, giá có thể lên tới 25.000đ/kg, thậm chí cao hơn nữa.

Lâm tặc thường tổ chức thành từng đoàn hàng chục, cả trăm người đi sâu vào những cánh rừng già sát biên giới Lào cưa trộm gỗ huê gùi về bán. Mỗi chuyến đi mất khoảng 10 ngày đến nửa tháng, mỗi người gùi về được 50-60kg gỗ huê, bán được từ 1 đến 1,2 triệu đồng. Lâm tặc chuyên nghiệp mỗi tháng đi hai chuyến, nếu trót lọt cũng kiếm được trên dưới 2 triệu đồng, một khoản thu nhập không nhỏ so với nhu cầu đời sống của khu vực. Học sinh trung học tranh thủ thời gian nghỉ hè cũng cố theo người lớn đi mỗi tháng một chuyến, kiếm được 7-800.000đ, đủ để mua sắm áo quần sách vở cho năm học mới.

Xuyên qua vườn quốc gia, họ vẫn kéo từng đoàn đi theo hai trục đường chính là đường 20 và đường “cợp bộ binh” (đường hành quân cũ của bộ binh men theo các triền (cợp) núi), từ đó tỏa ra hàng chục đường mòn khác đổ về đường Hồ Chí Minh thuộc hai xã Phúc Trạch và Xuân Trạch. Kiểm lâm thường chốt chặn ở các lối ra này. Cậy thế đoàn đi gỗ đông người, lâm tặc thường xông vào ngăn cản kiểm lâm, hai ba người ôm một cán bộ vật xuống đất để cho hàng chục người khác cướp gỗ chạy. Những chuyến gỗ thường đi về vào ban đêm, phát hiện ra kiểm lâm là lâm tặc ném đá. Trước khi đưa gỗ về, họ thường rải đinh để chặn xe kiểm lâm từ xa, nhằm kéo dài thêm thời gian tẩu tán gỗ và chạy trốn.

Cả làng, cả xã hầu như nhà nào cũng có người tham gia vào đội quân lâm tặc cho nên họ công khai tỏ thái độ thù nghịch với đội ngũ kiểm lâm. Cao Thái Hưng, nhân viên kiểm lâm vừa bị hành hung hôm 19/9 bảo: “Có đói bụng, anh em cũng phải gắng về Hạt kiếm mì tôm lót dạ chứ không dám vô quán. Vừa ngồi xuống, dân họ thấy là xa xả chửi ngay, nhục lắm”. Người chửi còn là những kẻ hiền lành, gặp lâm tặc chuyên nghiệp, hung hãn thì chúng đánh ngay.

Theo điều tra của chúng tôi, điên khùng và hung hăng nhất trong số lâm tặc phải kể đến 6, 7 anh em nhà một đối tượng tên Hò, thường gọi là Cu Đen ở xã Phúc Trạch. Mồ côi, toàn bộ anh em nhà này đều gần như thất học, đều trở thành lâm tặc hoàn toàn sống dựa vào rừng. Cu Đen có một người anh trai hung bạo tới mức, cứ mỗi lần giận vợ, anh ta lại tự... chặt một đốt ngón tay để ghi nhớ. Người anh này, mấy năm trước đã mất tích ở rừng Lào trong một chuyến đi trầm. Bản thân Cu Đen trước đây từng là đệ tử ruột của tên lâm tặc khét tiếng Trần Văn Thắng, kẻ hung hãn tấn công, chém kiểm lâm, bị Hoàng Minh Huệ, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Trộ Mợng bắn chết, tạo nên phiên tòa gây xôn xao dư luận một thời.

Thắng chết, Cu Đen thay thế, trở thành trùm buôn gỗ và lâm tặc khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Năm 2002, một chuyến gỗ lậu của Cu Đen đang vận chuyển trên sông Son bị phát hiện. Đích thân Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phong Nha Phạm Hồng Thái chỉ huy dùng bo bo cao tốc truy bắt. Chạy không thoát, đến cầu Xuân Sơn, Cu Đen đã cầm đầu các đối tượng Lý, Chế... tấn công kiểm lâm, đánh toác đầu một cán bộ và xô một số người khác xuống sông.  Ra tù sau vụ này, hai đàn em là Lý và Chế đổi nghề nhưng Cu Đen thì vẫn tiếp tục, ngày càng hung hãn hơn. Ngay sau khi ra tù, Cu Đen đã tổ chức ngay một vụ đánh kiểm lâm để trả thù nhưng không bị xử lý. Việc hắn trực tiếp dùng ly nước đập vào mặt một nhân viên kiểm lâm bị hai tên đàn em kè hai bên nách để khống chế được ghi nhận là “vô tình ném chiếc ly trúng người khác”!--PageBreak--

Thách thức lớn chưa có lời giải

 Năm 2004, có hơn 200 vụ vi phạm lâm luật bị Hạt Kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng xử lý. 9 tháng đầu năm 2005 có 107 vụ, thu 38m3 gỗ, 24 ôtô, xe máy, thuyền máy. Con số này thấp hơn rất nhiều lần so với những vụ lâm tặc trốn thoát.

Hạt Kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng được phiên chế một đội ngũ gồm 95 cán bộ kiểm lâm “có sao có mũ” và 165 nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng. Lực lượng này được chia thành 8 trạm, 1 đội lưu động và 1 tổ thuyền đường sông. Dù đội ngũ khá đông đảo, cuộc chiến bảo vệ rừng vẫn không cân sức bởi số lượng lâm tặc quá áp đảo và càng ngày càng trở nên hung hãn. Trước đây, lâm tặc chỉ tấn công kiểm lâm vào ban đêm, khi họ đi một mình ngoài giờ làm việc. Nay thì giữa ban ngày, đi công tác đông người  chúng cũng công khai hành hung. Đa số những lần như vậy, anh em kiểm lâm đành phải rút lui để bảo toàn tính mạng vì không thể địch nổi, khi lâm tặc đông gấp bội và sẵn sàng dùng hung khí.

Ngay cả khi trang bị công cụ hỗ trợ đầy đủ do luật chưa rõ ràng, cơ chế bảo vệ lực lượng kiểm lâm còn mơ hồ, họ vẫn phải cố né tránh đụng độ để tránh thiệt hại và rắc rối về sau. Ngoài “Vụ án Hoàng Minh Huệ” nổi tiếng năm 2000 (từng được dựng thành kịch), tại Hạt Kiểm lâm Phong Nha còn xảy ra một vụ oan uổng khác nhưng những người trong cuộc đều không muốn nhắc lại. Đầu năm 2003, bị phát hiện buôn lậu gỗ tại khu vực giáp Lâm trường Bồng Lai, một đối tượng tên là K ở xã Hưng Trạch đã hung hăng chống lại kiểm lâm. Bất đắc dĩ, các cán bộ kiểm lâm đã phải dùng còng số 8 để khống chế tên này. Sau vụ việc, đối tượng này đã chạy giấy chứng thương, kiện ngược kiểm lâm, khiến họ liên tục bị mời lên công an làm việc vì... bắt người trái pháp luật. Tuy vụ việc sau đó cũng được giải quyết ổn thỏa, nhưng những người có liên quan cũng buộc phải hùn nhau 27 triệu đồng “bồi thường”, đối tượng này mới chịu rút đơn kiện!

Trong vụ Hạt phó Trần Đức Tiến bị chặn đường, 2 tên lâm tặc trực tiếp xông vào hành hung bị nhận mặt là Cường và Chuyên ở thôn Bàu Sen, xã Phúc Trạch, những đối tượng nhiều lần bị kiểm lâm xử lý, tịch thu gỗ vi phạm lâm luật. Cả biển số xe của chúng, anh Tiến và một số người chứng kiến cũng nhớ rất rõ. Thế nhưng, khi bị Công an Đồn Xuân Sơn gọi lên làm việc, các đối tượng này đều chối đây đẩy, lại còn có không ít người tình nguyện đứng ra làm chứng là vào thời điểm xảy ra vụ hành hung, chúng đang... uống rượu tại nhà với họ ở Phúc Trạch. Vụ việc có nguy cơ bị chìm xuồng!

Những lúc gặp nguy hiểm, nhân viên, cán bộ của trạm chỉ còn biết dựa vào bản lĩnh, kinh nghiệm của chính mình. Một lần, phát hiện ra một nhóm 11 lâm tặc đang nhốt cũi đưa một con gấu ra khỏi rừng, dù chỉ có một mình, Hạt trưởng Phạm Hồng Thái vẫn cương quyết chặn bắt. Con gấu mua 43 triệu đồng, nhóm lâm tặc đòi hối lộ Thái 17 triệu đồng để xin tha. Anh từ chối, 11 tên xông vào hành hung. Bất đắc dĩ, Thái đành lên đạn cả hai khẩu K59 và AK báng gấp mang theo đồng thời bập ngay còng số 8 một tên hung hăng và xích luôn vào cũi nhốt gấu. Lúc đó đám lâm tặc mới chịu thúc thủ.

Ai buôn lậu gỗ, gỗ cất giấu chỗ nào, chính quyền các thôn, xã biết rất rõ nhưng không xử lý cũng không báo cho kiểm lâm. Cán bộ địa phương với các lâm tặc đều là bà con họ hàng. Họ sợ rắc rối nên trốn tránh trách nhiệm. Trong khi đó, để xin được một lệnh kiểm tra hành chính do chủ tịch huyện ký, kiểm lâm cũng phải tốn mất nhiều ngày, thừa thời gian để lâm tặc tẩu tán gỗ. Thực tế này khiến cho ngay cả những người nhiệt tình nhất cũng đâm nản.

Ngày 13/9, một xe ôtô chở gần 1m3 gỗ trái phép đã chạy trốn vào thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trạch. Xe gỗ vào làng xong, barie hạ xuống ngay ngăn không cho xe kiểm lâm vào xử lý, thu gỗ. Lực lượng kiểm lâm phải đi bộ vào. Chủ tịch xã cử ông Chí, Trưởng Công an xã sang (ông này cũng từng bị lâm tặc đánh hội đồng gây thương tích). Trưởng, phó thôn vẫn cố tình lánh mặt. Bí thế, kiểm lâm phải cho chụp ảnh xe tang vật và gọi báo chí xuống quay phim, cán bộ thôn mới chịu xuất hiện và mở barie. Nghe nói có quay phim chụp ảnh, họ sợ trách nhiệm nên phải nhượng bộ...!

Đã có trường hợp ở Tuyên Hóa - Quảng Bình, một người dân vì mặc một chiếc áo kiểm lâm cũ nên bị lâm tặc vây đánh đến chết vì nhận nhầm... Đã đến lúc, cần siết chặt hơn nữa trách nhiệm phối hợp giữa chính quyền địa phương và Lực lượng Công an trong nhiệm vụ chống lâm tặc chứ không chỉ hoàn toàn phó thác cho lực lượng kiểm lâm. Xa hơn nữa, cần có một chính sách cụ thể, tăng cường thêm quyền hạn, quyền lực cho lực lượng kiểm lâm, để họ có thể xử phạt thật nghiêm những kẻ phá rừng và chống lại những người bảo vệ rừng.

Thực tế, dù có quyền, được quy định bằng luật, Kiểm lâm Quảng Bình vẫn chưa hề tự làm hồ sơ khởi tố một vụ vi phạm lâm luật hay chống người thi hành công vụ nào. Vì toàn những “lý do tế nhị”. Không lẽ, kiểm lâm cứ phải bó tay nhìn lâm tặc lộng hành?

.
.
.