Cuộc chiến đấu thầm lặng của lực lượng CAND tại Điện Biên Phủ

Thứ Năm, 07/05/2009, 11:19
Từ tháng 4/1953 đến tháng 5/1954, Công an đã bắt, khống chế hoạt động của toán gián điệp ẩn nấp gồm 4 tên (là nữ) do Bô Ca chỉ huy hoạt động nắm tin tức tình hình quân sự cả chiến dịch từ Đại Từ, Thái Nguyên lên Điện Biên Phủ. Qua đấu tranh chuyên án, lần đầu tiên lực lượng Công an đã sử dụng thành công phương thức phản gián điện đài trong đấu tranh chống gián điệp biệt kích.
>> Chuyện về tên tù binh Pháp đầu tiên ở mặt trận Điện Biên Phủ / Giao lưu “55 năm - Bản anh hùng ca Điện Biên Phủ”

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh. Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy mặt trận do đồng chí Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam làm Tổng chỉ huy và Bí thư Đảng ủy mặt trận; Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch.

Ngành Công an được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ chiến dịch: lập kế hoạch, trực tiếp triển khai các phương án bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến, bảo vệ hệ thống giao thông vận tải, hệ thống thông tin liên lạc, các lực lượng hành quân, nơi trú quân của quân đội, tiền trạm xây dựng các trạm dừng chân, trú quân, các kho tàng, xây dựng bến bãi để hàng hóa, các cuộc vận chuyển qua phà, qua đèo, bảo vệ các đoàn dân công mở đường, phòng không nhân dân, đảm bảo an toàn bí mật về mọi phương diện cho chiến dịch.

Để triển khai công tác bảo vệ phục vụ chiến dịch, Bộ Công an thành lập "Ban Công an tiền phương" nằm trong Hội đồng cung cấp mặt trận của Chính phủ, đồng thời chỉ đạo Công an các tỉnh thành lập "Ban Công an tiền phương" cấp tỉnh.

Lực lượng Công an làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các đơn vị dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu.

Biện pháp cấp bách đầu tiên là triển khai kế hoạch thanh lọc đối tượng làm trong sạch địa bàn. Đối với những nơi có địa điểm đóng quân, hành quân, những nơi kho tàng, bến bãi được Công an tiến hành điều tra phân lọc đối tượng đưa đi tập trung, xây dựng vành đai an toàn tại những khu vực quân sự, những nơi đóng quân của Bộ chỉ huy chiến dịch. Đối với lực lượng dân công tăng cường cho chiến dịch, Bộ Công an chỉ đạo các Ty Công an ở những tỉnh có số lượng dân công đông phải cử cán bộ Công an cấp trưởng hoặc phó huyện đi cùng để theo dõi quản lý dân công của địa phương mình, đi tới đâu thì liên hệ "Ban Công an tiền phương" nơi đó để phối hợp bảo vệ an toàn.

Dân công là một trong những lực lượng có mặt sớm nhất để làm nhiệm vụ mở đường, vận chuyển. Số lượng dân công lên tới 26 vạn người được huy động từ các địa phương, họ chưa được rèn luyện kỷ luật chiến trường, do đó việc bảo vệ đội ngũ dân công cũng vô cùng phức tạp, khó khăn. Để khắc phục điều đó, "Ban Công an tiền phương" phải tiến hành thuần khiết nội bộ đội ngũ dân công ngay từ khi họ đến.

"Ban Công an tiền phương" đề xuất Hội đồng cung cấp mặt trận biên chế họ thành từng đơn vị: đại đội, trung đội, tiểu đội và lựa chọn những đảng viên, đoàn viên hoặc những quần chúng tích cực làm nòng cốt tham gia lãnh đạo quản lý, phát động phong trào "phòng gian bảo mật", thực hiện triệt để khẩu hiệu "ba không", phổ biến công tác giữ bí mật trong nội bộ và trong nhân dân, cách thức phòng chống địch do thám điều tra tình báo; đồng thời xây dựng quy định đối với việc đi lại, tiếp xúc giao dịch trong khu vực, triển khai công tác phòng không những nơi ở, khu vực kho tàng, nơi ở và nơi làm việc.

Đối với khu dừng chân, trú quân, các lán trại của dân công, lực lượng Công an tiền phương phổ biến quy định bí mật, hướng dẫn và kiểm tra giám sát cách dùng bếp Hoàng Cầm, cách phơi quần áo, ngụy trang che phòng máy bay địch bắn phá. Đặc biệt trên các tuyến đường có dân công phục vụ, Công an tiền phương phối hợp các trạm cung cấp mặt trận để xác định cung độ của mỗi đợt dân công chỉ đi trong một đêm là tới trạm nghỉ chân để thuận lợi cho việc quản lý và đảm bảo sức khỏe. Các trạm nghỉ thường là hang đá hoặc một cánh rừng đảm bảo bí mật, an toàn và thuận tiện cho sinh hoạt.

Cùng với việc bảo vệ các đoàn dân công, Ban Công an tiền phương triển khai các phương án bảo vệ an toàn các tuyến giao thông vận tải, bảo vệ kho tàng, bến bãi hàng hóa quân sự phục vụ chiến dịch. Dọc các tuyến quốc lộ lên Điện Biên Phủ, lưu lượng phương tiện vận tải phục vụ chiến dịch rất lớn, có tới 628 xe ôtô, 2.600 thuyền các loại, 21.000 xe đạp thồ và trên 10.000 con ngựa thồ.

Các tuyến đường vận chuyển dài hàng vạn kilômét kéo dài từ khu IV lên Tây Bắc với hàng chục triệu tấn hàng hóa, vũ khí, phương tiện, nhu yếu phẩm phục vụ chiến trường. Nhiều tuyến đường mới mở dài hàng trăm kilômét vượt qua đèo cao, suối sâu nối thông với tuyến đường chính tạo nên mạng lưới giao thông dày đặc nối liền hậu phương Việt Bắc, Liên khu VI với tiền tuyến Tây Bắc. Đối với những khu vực xung yếu ta phải mở đường vòng đường tránh để đảm bảo an toàn bí mật, đặc biệt Công an tiền phương đã bảo vệ an toàn và phục vụ bí mật mở 5 con đường kéo pháo vào trận địa đúng thời gian quy định, phục vụ kịp thời trận đánh vào cứ điểm của địch.

Từ phong trào quần chúng, cùng với tinh thần cảnh giác, chủ động đối phó với âm mưu hoạt động tình báo gián điệp của địch, lực lượng Công an đã điều tra nhiều vụ gián điệp biệt kích (GCMA) của Pháp. Trong đó có toán biệt kích gồm 4 tên nhảy dù xuống Mường Ó, Thuận Châu; toán 6 tên nhảy dù xuống Bản Nhạn, Sơn La trong âm mưu hoạt động thu thập thông tin về các cuộc hành quân, phá hoại công tác vận chuyển của ta trên đèo Pha Đin và bến phà Tạ Khoa.

Đặc biệt từ tháng 4/1953 đến tháng 5/1954, Công an đã bắt, khống chế hoạt động của toán gián điệp ẩn nấp gồm 4 tên (là nữ) do Bô Ca chỉ huy hoạt động nắm tin tức tình hình quân sự cả chiến dịch từ Đại Từ, Thái Nguyên lên Điện Biên Phủ. Qua đấu tranh chuyên án, lần đầu tiên lực lượng Công an đã sử dụng thành công phương thức phản gián điện đài trong đấu tranh chống gián điệp biệt kích.

Công an Khu Tây Bắc và Công an Lai Châu đã bắt nhiều toán gián điệp trong đó có vụ án gián điệp Lò Văn Khăm và Lò Văn Đính hoạt động ở Bản Chăn, huyện Tuần Giáo chỉ điểm cho máy bay địch bắn phá tuyến đường Tuần Giáo lên Điện Biên; Công an Liên khu III điều tra vụ gián điệp ẩn nấp gồm 16 tên do Phòng Nhì điều khiển hoạt động tình báo trên các tuyến đường giao thông quan trọng dọc từ Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình lên Điện Biên.

Cuối năm 1953 đầu năm 1954, tình hình hoạt động phỉ khu vực Tây Bắc đã giải quyết tương đối ổn định phục vụ tốt cho công tác bảo vệ và phục vụ chiến dịch tổng công kích vào cứ điểm Điện Biên Phủ thắng lợi.

Ngày 7/5, tập đoàn cứ điểm cuối cùng của thực dân Pháp ở Đông Dương bị đập tan. Toàn bộ binh lính Pháp ở cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Với thất bại này, thực dân Pháp buộc ngồi đàm phán và ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương. Đất nước ta bước vào thời kỳ mới với hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Những thắng lợi to lớn trên tất cả các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao khẳng định về đường lối lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu về cuộc chiến tranh nhân dân toàn diện, trường kỳ. Trong đó công tác đấu tranh đảm bảo an ninh trật tự, một cuộc chiến phía sau mặt trận là cuộc đấu tranh thầm lặng, kiên trì, không kém phần hy sinh gian khổ mà mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân đã góp phần tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến trong đó có trận quyết chiến tại cứ điểm Điện Biên Phủ

Thùy Linh
.
.
.