Cùng ngư dân ra khơi đánh bắt cá khoai
Lão ngư Trần Văn Việt (trú thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, Hải Lăng, Quảng Trị) đánh thức tôi ra biển lúc trời còn mờ sương.
Chiếc thuyền cá chỉ 12CV, trên thuyền có 4 người, gồm tôi, lão và hai bạn thuyền khác. Lão đứng ở phía đầu mũi, hai tay chống hông, khuỷu tay khuỳnh ra hai bên trông oai như một vị tướng. Lão ra lệnh nhổ neo, con thuyền nổ máy giòn tan, vươn thẳng ra khơi…
Ở Thâm Khê, lão ngư Trần Văn Việt là người lớn tuổi nhất còn ra khơi, bám biển. Lão cười ha hả trong nắng sớm, nói rằng, mình tuổi hợi, sinh năm 1947, cầm tinh con dơi con dòng, con nhà huỳnh đế (phú quý); mạng lại ốc thượng thổ, nghĩa là đất trong tổ tò vò, nhưng đời lão chưa thấy sướng.
Lão gắn liền với biển cả từ thuở còn tấm bé, đến tuổi thất thập cổ lai hy này vẫn chưa dứt! Lão kể, lão theo cha đi biển lúc mới 12 tuổi. Chuyến ra khơi đầu tiên lão bị say sóng, nôn cả mật xanh mật vàng. Đến lúc lên bờ trời đất cứ lộn ngược tới ngày thứ 3 mới hết.
Sau lần ấy, lão rất sợ đi biển, nhưng người cha lại khuyên bảo, biển là nhà, phải thích nghi với nơi mình sống. Thế là lão lại theo cha đi biển, dần dần lão không còn cảm thấy bị say nữa.
Thương lái tìm về thu mua cá khoai và các hải sản khác ngay tại bờ biển thôn Thâm Khê. |
“Giảm ga, thả lưới!”, lão lại bảo bạn thuyền, chất giọng ồm ồm như sóng biển. Họ bắt đầu buông lưới. Lão cho biết, đó là loại lưới 2 (ô lưới hình vuông, mỗi cạnh có độ dài 2cm) chuyên dùng đánh bắt cá khoai, còn gọi cháo.
Lưới có chiều cao chừng 5m, mỗi vàng lưới dài trên 100m-150m, tùy vào người sử dụng. Thuyền của họ hôm đó mang theo 6 vàng lưới, và phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới thả hết những vàng lưới này.
Khi họ vừa dứt tay lưới cuối cùng, lão bảo cho thuyền chạy đến chỗ nước êm để nghỉ ngơi. Rồi lão đến ngồi đối diện tôi, tiếp tục câu chuyện của đời ngư phủ. Lát sau, lão ngửa đầu ra chỗ mạn thuyền, trông lên nền trời rộng lớn, xanh ngắt như mặt nước biển. Lão nói khẽ một mình: “Trời và biển hôm nay thật bình yên!”.
Đợi chừng một tiếng đồng hồ, lão bảo mọi người kéo lưới. Những vàng lưới mắc dày những chú cá khoai còn sống, vẫy vùng. Tôi trố mắt nhìn lớp cá sáng lấp loáng màu bạc, sung sướng reo: “Tuyệt quá bác Việt ơi!”. Lão ngoái đầu lại phía tôi, cười hề hề, bảo: “Hay chú bỏ cái nghề viết báo, về đây đi biển với tui, ngày mô cũng như ri cả!”.
Đoạn, tôi có ý giúp lão, nhưng lão bảo loài cá này trông mềm yếu, song hàm răng của chúng rất sắc, chỉ cần sơ suất là rách cả mấy đầu ngón tay.
Rồi lão và bạn thuyền cứ thế kéo lưới, gỡ chúng bỏ vào những chiếc xô nhựa mang sẵn trên thuyền, đổ vào đó ít nước biển để giữ cho cá tươi lâu. Sau nhiều giờ đồng hồ quăng quật đánh bắt với 3 lần buông lưới, thuyền của lão đã thu được gần 1 tạ cá khoai.
Đến gần cuối ngày, chúng tôi quay mũi con thuyền chạy một mạch vào bờ. Ra khơi cùng với lão ngư Trần Văn Việt hôm đó còn có 8 con thuyền khác của bà con ngư dân thôn Thâm Khê.
Khi những con thuyền vừa cập vào bờ, các thương lái đã chờ sẵn để thu mua, mang lên các chợ bán. Vợ lão, bà Bùi Thị Nậy, bé hơn lão tới đúng một giáp, đôi chân vẫn còn nhanh thoát thoắt, bước ra thuyền nhìn chồng, nhìn đống cá to, với khuôn mặt rạng rỡ.
“Tui lấy hết cả mấy xô cá ni”, chợt một chị thương lái chạy đến chỉ vào chỗ cá trên con thuyền bảo. “Bán sỉ 70 nghìn một cân, chị lấy hết đi”, bà Nậy trả lời gọn ghẽ. Sau khi nhìn khách cân cá và tính toán, bà Nậy quay sang bảo với chồng và các bạn thuyền: “Hôm ni được 97 cân, được hơn năm triệu tư đó!”.
Lão nghe vợ nói, song dường như không quan tâm mấy tới chuyện tiền nong. Lão và các bạn thuyền lại hì hục khuân con thuyền vào bờ, chuẩn bị lại ngư lưới cụ để sáng hôm sau lại vươn khơi.
Xong, lão quay sang phía tôi, bảo: “Xong rồi chú, ta về nhà làm mấy chén rượu gạo với lẩu cá khoai thôi!”. Tôi trả lời lão xin khuất lại lần sau. Lão lại cười hề hề, vui vẻ chia tay tôi lúc ánh mặt trời đã chạm vào dãy núi xa xa…
Những năm gần đây, cá khoai được xem là đặc sản của nhiều gia đình, khách hàng ăn uống ở các quán xá, nhà hàng. Cá khoai được chế biến nhiều món ăn ngon, như lẩu cá khoai nấu với lá me chua, lá ném, rau cần. Cá khoai nấu canh với quả cà chua, hành hoa. Đặc biệt, nó còn được kho khô theo kiểu nấu ăn của bà con ngư dân miệt biển, trên cá phủ dày một lớp ném củ, ném lá cắt mịn, rất thơm ngon. Mùa đánh bắt cá khoai thường bắt đầu từ tháng hai đến hết tháng tư âm lịch hằng năm. Năm nay, mới hết tháng hai, bà con ngư dân ở những vùng biển bãi ngang Quảng Trị đã “trúng đậm” cá này, nhiều thuyền thu về mỗi ngày không dưới một tạ cá. Ông Hồ Xuân Hòe, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị phấn khởi cho biết: Thời gian đầu năm mới Đinh Dậu 2017, sản lượng đánh bắt cá khoai của bà con ngư dân ở 4 huyện có biển bãi ngang, gồm: Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng và Triệu Phong chiếm tới 80% tổng sản lượng thủy hải sản đánh bắt được. Với giá thành cao, bà con rất yên tâm vươn khơi, bám biển, không còn cảnh phải đi lao động xa như những năm trước đây. P.T.B |