Cụm tình báo B58 và đường vào Sài Gòn tháng 4/1975

Thứ Tư, 02/05/2012, 20:02
Ngày 29/4/2012, phóng viên Báo CAND đã có cuộc chuyện trò với ông Đặng Văn Thắng, Cụm trưởng cụm tình báo B58 nhân kỷ niệm 37 năm ngày tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều chi tiết về cuộc đối đầu, đấu trí với các tổ chức tình báo Mỹ và chư hầu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được ông trao đổi...

Theo ông Đặng Văn Thắng thì ngày 1/4/1975, đồng chí Tư Văn tức Nguyễn Như Văn, Trưởng phòng Tình báo Miền, thông báo sẽ thống nhất lực lượng tình báo vừa được chi viện và phòng 22 tình báo Miền, khẩn trương chỉ đạo để phục vụ cho chiến dịch  Hồ Chí Minh và thành lập "Hội đồng địch tình" do đồng chí Tư Văn làm Chủ tịch Hội đồng địch tình. Cũng từ thời điểm này, nhiệm vụ tình báo chiến lược của B58 chuyển qua nhiệm vụ tình báo hành động trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

19h ngày 10/4/1975, Hội đồng địch tình phê duyệt tờ trình Cụm B58 và chúng tôi đã lên đường ngay sau đó. Đến 16h ngày 12/4/1975, các "giao thông đô thị kiêm truyền đạt" đã đứng chân được trên các địa bàn quản lý, kiểm tra lại các đầu mối, xây dựng mới thêm hàng chục cụm tình báo hành động mới, cùng lực lượng đặc tình sẵn sàng làm binh biến… nhằm vào các mục tiêu quan trọng của địch như: Cơ quan tình báo ngụy; Tổng Nha Cảnh sát; Bộ Tổng tham mưu, các đơn vị phòng thủ Sài Gòn… Lúc này Quân đoàn 4 chủ lực Miền đã nổ súng tấn công vào thị xã Xuân Lộc.

Cụm B58 đã kiểm tra cơ sở chiến lược mật danh "K2" nhận nhiệm vụ sẵn sàng làm binh biến. Bên cạnh đó "K2" còn tác động đến người thân là Trung đoàn trưởng E46/F25 ngụy quân đóng tại căn cứ Đồng Dù, huyện Củ Chi. Theo đề nghị của "K2", Trung đoàn 46 đã xê dịch vị trí tuyến phòng thủ Tây - Bắc, Sài Gòn, rồi án binh bất động, nhằm "mở cửa" hướng Trảng Bàng, Tây Ninh cho quân giải phóng chuyển quân. Tại Trung đoàn 46 ngụy, "K2" sử dụng kỹ thuật gây nhiễu hệ thống điện đài của Trung đoàn làm mất liên lạc với các nơi để gây hoang mang cả Trung đoàn.   

Đến ngày 28/4, "K2" báo về Tư lệnh Sư đoàn, quân trung đoàn 45 đã đào ngũ hơn phân nửa, gây hoang mang cho Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn và đến trưa ngày 29?4 thì Trung đoàn 46, liên lạc với cụm B58 giao nộp vũ khí. Rồi "K2" chạy về trung tâm liên lạc với Z1 theo  lệnh của Cụm B58.

Tại Biên Hòa, cơ sở hành động chiến lược của B58 với mật danh "A7" đã phá hoại hệ thống truyền tin, gây nhiễu sóng, nhận truyền tin chậm… gây ngộ nhận giữa bộ Tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn với quân đoàn 3 án ngữ, phòng thủ hướng Đông - Bắc Sài Gòn và đó cũng là nguyên nhân vì sao quân đoàn 3 ngụy tháo chạy thục mạng trước khi quân chủ lực nổ súng tấn công…

Chiến công của Cụm tình báo B58 trong chiến dịch Hồ Chí Minh là xây dựng tốt những cơ sở kỹ thuật A7,  Z22,  Z27, Z1 phá họai phương tiện chỉ huy, làm gián đoạn liên lạc giữa Bộ Tổng tham mưu ngụy với các quân đoàn và giữa các quân đoàn với nhau, đẩy tâm lý "chiến bại" trong hàng ngũ địch lên cao, thúc đẩy đào ngũ, phân rã hàng ngũ lực lượng chủ lực của địch ngay trước những giờ trọng yếu nhất trong chiến đấu. Còn cơ sở Z20 và M10 tác động hơn 40 sĩ quan và hạ sĩ quan địch không hủy phương tiện trước khi tháo chạy theo quy định của CIA mà để cho lực lượng B58 tiếp quản nguyên vẹn đầy đủ hệ thống điện đài siêu tần số của Trung tâm Truyền tin tình báo quân đội ngụy…

Bên cạnh đó, những cơ sở nội thành cũng tác động đến thân nhân gia đình ngụy quân, ngụy quyền rã ngũ hàng loạt. Hướng dẫn quân giải phóng truy bắt tàn binh, cùng ban quân quản và chính quyền non trẻ của thành phố ổn định trật tự.

Chính những chiến công của lực lượng Tình báo Biệt  động - B58 đã góp phần cùng các lực lượng khác hợp thành sức mạnh, tiến công giải phóng TP Sài Gòn tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam

PV
.
.
.