Nhân kỷ niệm 39 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014):

Cực hình không lung lạc được lòng son

Thứ Ba, 29/04/2014, 11:27
Cụ già râu tóc bạc trắng như cước, nước da hồng hào, dáng người nhỏ nhắn và phong thái nho nhã đang ngồi trước mặt chúng tôi, là một Trung tá Công an. Ít ai biết rằng, cuộc đời cụ đã từng vào sinh ra tử khi đất nước bước vào cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước. Những năm tháng tuổi trẻ đầy gian khổ mà vinh quang ấy luôn là niềm tự hào của cụ và gia đình.

Bây giờ cụ đã 85 tuổi, sum vầy bên cháu con, ấm áp bên xóm làng… ấy là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có. Cụ là Thạch Văn Toàn (tức Hoàng Thụ), nguyên cán bộ Cục Cảnh sát bảo vệ, nhà cụ ở thôn 2, xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội).

Đón chúng tôi vào nhà, cụ Toàn tự tay đi pha nước mời khách. Nét nho nhã, thanh tao hiện lên từ ánh mắt hiền từ, giọng nói rất đỗi hiền hòa thoải mái. Vì là, sắp đến ngày 30/4, nên cụ Toàn đã chuẩn bị sẵn sàng cho buổi gặp mặt những cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhớ lại những ngày nước sôi lửa bỏng ấy, kể với chúng tôi mà cụ Toàn vẫn không quên một chi tiết nhỏ. “Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn Đông Tảo, xã Thụy Hoàng, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ngày đó, bố mẹ tôi đi làm tá điền ở đó, chứ quê gốc ở Gia Lâm, Hà Nội…”, cụ Toàn bắt đầu kể. Bố mẹ nghèo nên phải đi làm tá điền, chàng thanh niên tên Thạch Văn Toàn lớn lên, sớm giác ngộ cách mạng, tham gia lực lượng thanh niên cứu quốc và sớm kết nạp Đảng ở huyện Yên Phong, làm Bí thư chi bộ, làm Huyện ủy viên ở Yên Phong. Sau đó là chính trị viên Huyện Đội, tiếp tục chiến đấu ở địa bàn Bắc Ninh. Khi tiếng gọi vào Nam vang lên, người chiến sĩ Thạch Văn Toàn vào Nam chiến đấu (năm 1967). Còn nhớ, tất cả tập trung ở xã Tăng Non, Phúc Thọ (Hà Nội bây giờ), hành quân vào chi viện cho An ninh Khu 6 (gồm các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Đà Lạt…). Vốn là người từng trải, ông được giao làm Phó Ban an ninh vũ trang của Khu. Có nhiệm vụ tổ chức lực lượng vũ trang, trinh sát vũ trang các tỉnh, bảo vệ an ninh…

Cụ Thạch Văn Toàn  (tức Hoàng Thụ).

Sống và chiến đấu trong điều kiện bom rơi đạn nổ, chúng tôi hỏi ông có nhớ bao nhiêu lần gặp nguy hiểm đến tính mạng. Ông Toàn cười khà: “Ôi, nguy hiểm thì nhiều lắm, không thể nhớ hết”. Chuyện bị địch càn là thường xuyên, đi đến đâu nó chặn bom tới đó. Vậy là, lực lượng an ninh nếu đi từ A đến B (chuyển địa điểm) thì không đi đến B ngay, cứ một nửa đường thì mình tụt lại. Địch lại bỏ bom ở điểm B, từ đó lộ rõ là có chỉ điểm, phải cảnh giác và xử lý ngay. Còn chuyện đói ư, cụ Toàn cho là bình thường lắm. “Chỉ băn khoăn lo tính mạng của đồng đội mỗi khi địch càn quét, chúng bắt đi nhiều cán bộ an ninh”, cụ Toàn nhớ lại. Ở An ninh Khu, đồng chí Thạch  Văn Toàn được cử xuống Bình Thuận làm nhiệm vụ tổ chức trinh sát vũ trang, xây dựng lực lượng và chiến đấu bảo vệ khu căn cứ. Ông bị bắt năm 1969 trong một lần về báo cáo tình hình ở Cứ. Ở dưới thì địch càn đường bộ, trên trời thì máy bay trực thăng bay nhức óc. Đoàn cán bộ An ninh hôm đó có 5 người.

“Tôi và anh Thụy đi về Khu báo cáo, 3 người nữa là giao liên dẫn đường và du kích. Đi tới vùng ven Hàm Thuận, còn độ nửa ngày đường nữa là tới Cứ, bất ngờ có ổ phục kích của địch ở Hàm Chí. Tôi rút khẩu súng ngắn K59 bắn 3 phát thì có 2 tên địch gục xuống, còn một tên bị thương ở bả vai. Tôi vùng chạy nhưng lại rơi vào ổ phục, nó bắt. Tôi vùi súng vào đống bùn. Địch đánh tôi ngất lên ngất xuống và hỏi đủ thứ… nhưng tôi chỉ nói rằng là bộ đội trên đường vào Nam, bị sốt rét phải ở lại, đơn vị đi rồi nên không biết ở đơn vị nào. Và tôi còn nói rút đi 10 tuổi để đúng với lứa tuổi lính động viên”. Không khai thác được gì, địch đưa ông về trung tâm thẩm vấn, đơn vị cơ động của lính Mỹ ở huyện Hàm Thuận. Vừa tra đánh, vừa hỏi, những tên lính Mỹ to béo, đi giày đinh cao gót cứ thế nện xuống con người bé nhỏ như ông. Tra tấn chán chẳng khai thác được gì, chúng hắt xô nước vào mặt ông rồi lôi sang phòng khác. Sáu tháng trời ròng rã bị tra tấn với đủ cực hình… ông cũng chẳng hé răng. “Cánh tay tôi bây giờ vẫn đau, mạng sườn cứ ê ẩm”, cụ Toàn xoa nhẹ vào tay và nói. Tiếp đó, chúng đưa ông lên Pleiku, năm 1970 thì đưa ra nhà tù Phú Quốc. Mãi tới khi Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được ký kết mới trở về đơn vị cũ tiếp tục chiến đấu cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Người chiến sĩ Công an vẫn chưa ngừng nghỉ, năm 1976 ông trở về Bắc thăm gia đình ít ngày rồi lại vào Nam làm tiếp nhiệm vụ ổn định tình hình an ninh trật tự. Năm 1981, ông chuyển về Cục Cảnh sát bảo vệ công tác cho tới ngày nghỉ hưu với cấp hàm Trung tá.

Kể về những ngày tháng cơ cực khi chồng biền biệt nơi chiến trường chống Mỹ, cụ Nguyễn Thị Đạt (vợ cụ Toàn) vẫn ngân ngấn nước mắt. Lúc ấy, người vợ trẻ phải lo toan những bộn bề ở hậu phương để chồng yên tâm chiến đấu. “Lúc ông ấy đi vào Nam chiến đấu các con tôi còn nhỏ, đứa lớn 6 tuổi, đứa thứ hai 4 tuổi, đứa thứ ba 2 tuổi và tôi đang có bầu đứa thứ tư. Bố chồng thì đã già, anh trai chồng cũng lên đường vào Nam chiến đấu cùng ngày với ông Toàn”, cụ Đạt nhớ lại những năm tháng gian khổ. Khó mà kể hết những vất vả, gian nan của người vợ trẻ ở hậu phương lúc bấy giờ. Con nhỏ dại, cha mẹ già cần chăm sóc và làm lụng ruộng đồng nuôi cả gia đình. Không ít đêm bà phải thức trắng bồng con đau ốm, rong ruổi trong ngõ ngoài làng… Cực khổ hơn nữa là, 7 - 8 năm trời mà không có lấy một mẩu tin tức về người chồng đang chiến đấu nơi xa. Bà gần như gục ngã khi biết giấy báo tử chồng mình đã gửi về huyện, nhưng vì bố chồng đang ốm nặng nên đã nuốt đau khổ vào trong. Thế rồi, một hôm bà được đồng đội của ông cho biết “Anh Toàn đang bị địch bắt tù đày”. Vậy là chồng bà vẫn còn sống, đấy vẫn là một tia hy vọng. Bà vui vẻ trở lại, chăm sóc gia đình để chờ ngày chiến thắng ông sẽ trở về. Bây giờ, các con của hai cụ đã khôn lớn trưởng thành, con cháu hiếu thảo, gia đình đoàn viên cuộc sống sum vầy. Về hưu, cụ Toàn vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương, tiếp tục đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…

Kim Quý
.
.
.