Công tác đảm bảo an ninh, trật tự - nhân tố góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ Bảy, 03/05/2014, 09:39
Cách đây tròn 60 năm, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, đánh dấu bước phát triển mới cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi đó là sự kết tinh sức mạnh đoàn kết và ý chí quyết tâm của cả dân tộc, trong đó có đóng góp lớn lao của các lực lượng vũ trang nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài giỏi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, từ tháng 11/1953, Trung ương Đảng đã xác định rõ: đường sá là vấn đề có tính chất quyết định thắng lợi của Quân đội và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy Liên khu Việt Bắc, Liên khu IV, Liên khu III và các Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo công tác cầu đường, điều động những cán bộ có năng lực phụ trách công tác ấy để hoàn thành kế hoạch được giao… Quán triệt phương hướng chiến lược và phương châm tác chiến do Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 10/1953, tại Tỉn Keo (Việt Bắc), Bộ Chính trị họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định chủ trương tác chiến Đông Xuân 1953-1954 là: “Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta…; đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch, tích cực tiến hành mọi sự cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích các vùng tự do để cho chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ” (Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh - Trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 192). Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách là Tổng Quân ủy cũng nêu rõ các nhiệm vụ quan trọng của hậu phương là: cần tăng cường công tác vũ trang tuyên truyền, nắm tình hình địch, thanh trừng những phần tử Việt gian đầu sỏ, tăng cường công tác trinh sát, ra sức chống gián điệp, bảo mật phòng gian để khi có thời cơ tốt sẽ phối hợp tấn công quân sự tiêu diệt lực lượng địch... (Bài diễn văn khai mạc Hội nghị cán bộ địch hậu, tháng 10/1953). Đây cũng chính là nội dung chỉ đạo cụ thể, toàn diện đối với công tác Công an, đảm bảo ANTT phục vụ các chiến dịch quân sự và chiến dịch Điện Biên Phủ sau này. Quyết định của Bộ Chính trị và tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chủ tịch là những định hướng đúng đắn cho việc thực hiện các kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thể hiện rõ quyết tâm của cấp lãnh đạo cao nhất theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” và tư tưởng chỉ đạo sáng suốt muốn có thắng lợi ở tiền tuyến phải bảo đảm an ninh trật tự vững chắc ở vùng tự do, ở hậu phương lớn.

Lực lượng Công an tham gia mở đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy mặt trận; Chính phủ thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương “huy động nhân lực, vật lực để phục vụ tiền tuyến” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 32). Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của chiến dịch và từ những kinh nghiệm trong công tác bảo vệ các chiến dịch quân sự trước đó, Bộ Công an đã thành lập Ban Công an tiền phương nằm trong Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương làm nhiệm vụ chỉ đạo và phối hợp công tác bảo vệ chiến dịch và các Ban Công an tiền phương cấp tỉnh được thành lập ở một số Ty Công an thuộc Khu Tây Bắc để trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch. Các lực lượng Công an đã chủ động phối hợp với các ban, ngành khác, nhất là Quân đội tổ chức tốt các mặt công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn hoạt động của các lực lượng, các ngành tham gia chiến dịch. Bộ Công an đã huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ ưu tú tham gia công tác đảm bảo ANTT ở hậu phương và trực tiếp phục vụ chiến dịch, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.

1. Bảo vệ an toàn tuyệt đối cán bộ lãnh đạo Trung ương Đảng, Chính phủ, các cơ quan đầu não kháng chiến và Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp vì địa bàn phục vụ chiến dịch rộng lớn, kéo dài trên tuyến đường dài hàng trăm kilômét từ Khu IV, Khu III lên Điện Biên Phủ; kẻ địch tăng cường các hoạt động gián điệp ra vùng tự do, bám các tuyến đường chiến lược thuộc khu Việt Bắc, Tây Bắc để do thám, điều tra, thu thập tin tức về các hoạt động của ta, đồng thời âm mưu tổ chức bắt cóc cán bộ và tổ chức đánh úp các cơ quan đầu não của ta… Trước tình hình đó, lực lượng Công an đã chủ động triển khai kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ: phát động quần chúng, quản lý hành chính, vũ trang tuần tra, canh gác… Đặc biệt đã tổ chức phát động mạnh mẽ phong trào “Phòng gian bảo mật”, củng cố lực lượng Công an xã, huyện trực tiếp làm nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn quần chúng giám sát, phát hiện những người lạ mặt, những hoạt động nghi vấn; lập trạm gác kiểm soát giấy tờ ra vào cơ quan, kịp thời phát hiện bọn gián điệp, do thám, chỉ điểm trà trộn trong khu vực đóng quân. Công an phối hợp với lực lượng bảo vệ của Quân đội rà soát các đối tượng nghi vấn; điều chuyển số nguy hiểm, nghi chỉ điểm đến nơi khác làm trong sạch địa bàn; thành lập các đội tuần tra canh gác vũ trang bảo vệ Bộ Chỉ huy chiến dịch chuyển đến và tổ chức việc canh phòng nghiêm ngặt trong khu vực đóng quân. Ban Công an tiền phương phối hợp với lực lượng bảo vệ của Trung ương và Quân đội bố trí công tác bảo vệ các đoàn cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đi kiểm tra, chỉ đạo chiến dịch trên suốt tuyến đường, nhất là ở những đầu mối giao thông (ngã ba, ngã tư…) và những nơi hiểm trở, đèo dốc, địa bàn phức tạp kẻ địch dễ lợi dụng mai phục, ám sát…

2. Chủ động, liên tục đấu tranh làm thất bại mọi kế hoạch tình báo, gián điệp của địch, bảo đảm bí mật, an toàn và nhân tố bất ngờ cho chiến dịch.

Để điều tra, phát hiện ý đồ chiến lược và các kế hoạch tác chiến của ta đối với chiến trường Tây Bắc và mặt trận Điện Biên Phủ, tướng Pháp Nava đã huy động nhiều cơ quan tình báo, gián điệp Pháp, nhất là cơ quan Phòng Nhì (2e Bureau), tình báo chiến lược (SEH) và cơ quan gián điệp biệt kích hỗn hợp (GCMA) tăng cường các hoạt động thu thập tin tức tình báo, xây dựng mạng lưới gián điệp, chỉ điểm, do thám dọc các tuyến đường từ vùng tự do, vùng hậu phương của ta lên Tây Bắc và Điện Biên Phủ; tung nhiều toán gián điệp biệt kích xuống địa bàn Tây Bắc làm nhiệm vụ phá hoại, chỉ điểm, ám sát…

Ngay từ đầu năm 1953, Thứ Bộ Công an (sau là Bộ Công an) đã chỉ thị cho lực lượng bảo vệ chính trị và Công an các cấp thuộc Liên khu IV, Liên khu III, Khu Tả Ngạn, Liên khu Việt Bắc, Khu Tây Bắc tăng cường công tác phát động quần chúng “Phòng gian bảo mật” và “bảo vệ nội bộ”, đồng thời sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ trinh sát, điều tra để phát hiện, đấu tranh bóc gỡ mạng lưới gián điệp, chỉ điểm của địch, truy lùng những toán gián điệp, biệt kích xâm nhập vào vùng tự do, nhất là địa bàn Tây Bắc. Về cơ bản, trước, trong và sau chiến dịch, lực lượng Công an và quần chúng đã phát hiện, truy lùng, bóc gỡ, tiêu diệt, khống chế, vô hiệu hóa toàn bộ mạng lưới gián điệp, chỉ điểm, do thám của địch cài cắm dọc hành lang các tuyến đường giao thông từ hậu phương lên mặt trận Điện Biên Phủ. Điển hình, như vụ gián điệp biệt kích GCMA gồm 4 tên nhảy dù xuống khu vực xã Mường Ó, Thuận Châu; bắt mạng lưới gián điệp gồm 16 tên do phòng nhì Pháp điều khiển hoạt động điều tra chỉ điểm cho máy bay địch đánh phá các kho tàng, cầu cống, những nơi xung yếu trên các tuyến đường giao thông quan trọng từ Khu IV lên Điện Biên Phủ. Đặc biệt là phá Chuyên án TN25 đấu tranh với toán gián điệp biệt kích do tên quan ba Bôca – chỉ huy lực lượng điệp biệt kích hỗn hợp trực tiếp điều khiển hoạt động ở khu vực Vĩnh Yên - Thái Nguyên… Với việc đập tan âm mưu, hoạt động của cơ quan tình báo, gián điệp Pháp, lực lượng Công an đã góp phần “vô hiệu hóa tai mắt của địch”, đảm bảo yếu tố bất ngờ, bảo vệ bí mật, an toàn các kế hoạch tác chiến và việc vận chuyển cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

3. Bảo vệ bí mật, an toàn tuyệt đối lực lượng tham gia chiến dịch, các kho tàng, nơi đóng quân, chuyển quân và các tuyến đường từ hậu phương ra mặt trận Điện Biên Phủ.

Ban Công an tiền phương của Bộ và Công an các tỉnh Tây Bắc đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, nhất là Quân đội, dân quân, du kích dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy khu, tỉnh tiến hành đồng bộ các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự. Thông qua phong trào “Phòng gian bảo mật” để nâng cao ý thức cảnh giác của quần chúng và bộ đội, phát hiện gián điệp, biệt kích, chỉ điểm; phổ biến nội quy bảo vệ và các quy định bảo vệ bí mật kế hoạch quân sự; hướng dẫn việc bảo vệ vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm cho chiến trường, cách phòng, chống khi máy bay địch đánh phá hoặc bị địch tập kích; thuần khiết nội bộ, điều chuyển các đối tượng nghi là gián điệp, chỉ điểm, do thám, cơ sở xã hội của mạng lưới gián điệp ra khỏi địa bàn xung yếu (nơi đóng quân, chuyển quân, nơi tập trung nhiều kho tàng, các đầu mối trung chuyển hàng hóa) và dọc hai bên các tuyến đường ra mặt trận, đảm bảo giữ gìn bí mật các hoạt động của quân đội, dân công và hàng hóa; làm cho kẻ địch hoàn toàn bất ngờ về khả năng chuyển quân và vận tải của ta. Ở hậu phương tích cực đẩy mạnh phá tề, trừ gian, giải quyết vấn đề phỉ, mở rộng vùng giải phóng, vùng tự do, củng cố chính quyền cách mạng, củng cố hậu phương vững mạnh, đẩy mạnh việc cung cấp sức người, sức của cho chiến trường, góp phần xóa bỏ cơ sở xã hội của địch, làm cho địch lúng túng, bị động, hoang mang, mất thế chủ động, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực của ta tập trung cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Chiến thắng lợi vĩ đại ở Điện Biên Phủ là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta và cũng để lại cho quân và dân ta, trong đó có Công an nhân dân Việt Nam nói riêng nhiều bài học thành công lớn, có ý nghĩa lịch sử rất sâu sắc về công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ chiến dịch.

Một là, phải quán triệt, vận dụng nghiêm túc phương châm chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng niềm tin sắt đá, sức mạnh đoàn kết thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả dân tộc vì mục tiêu độc lập, tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Hai là, động viên, tổ chức mọi lực lượng tham gia công tác đảm bảo ANTT, đặc biệt vai trò của các lực lượng vũ trang làm nòng cốt; tích cực bảo vệ mình, liên tục, chủ động tiến công địch; gắn kết chặt chẽ, thường xuyên nhiệm vụ chiến đấu ngoài tiền tuyến với bảo vệ vững chắc hậu phương, vùng tự do của ta.

Ba là, huy động và phát huy cho được vai trò, sức mạnh to lớn của các tầng lớp quần chúng nhân dân trong các phong trào “Bảo mật phòng gian”, “bảo vệ nội bộ”, “ba không” vào quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phục vụ chiến dịch quân sự và các mặt công tác đảm bảo ANTT cho chiến dịch cả ở vùng hậu phương, tiền tuyến trong suốt quá trình phục vụ chiến dịch.

Bốn là, phát huy sức mạnh của đường lối chiến tranh nhân dân, xây dựng các lực lượng vũ trang nói chung và CAND nói riêng trung thành vô hạn với Tổ quốc, tận tụy với nhiệm vụ được giao, chủ động tích cực, vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Kế thừa truyền thống anh hùng, dũng cảm, tinh thần quyết chiến quyết thắng và vận dụng, phát triển sáng tạo những bài học kinh nghiệm quý báu đã tích lũy được trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam tiếp tục nêu cao tinh thần “chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững thành quả của cách mạng trong mọi tình huống, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đánh bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

B.V.N.
.
.
.