Công tác an ninh bảo vệ Hội nghị Paris
Vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris tôi may mắn được gặp ông Trần Hữu Diệt, một trong những cán bộ Cảnh vệ tại Hội nghị Paris, người trực tiếp bảo vệ đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ngay từ những ngày đầu tiên đến ngày kết thúc cuộc hoà đàm lịch sử.
Ông Trần Hữu Diệt năm nay đã gần 80 tuổi, hiện là Trưởng ban liên lạc sĩ quan hưu trí Cảnh vệ. Người đầu tiên mà ông nhắc tới là Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ), người được đích thân Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn giao phụ trách công tác an ninh cho cả hai đoàn A và B (Đoàn A bảo vệ phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đoàn B bảo vệ phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam).
Trong số 42 cán bộ Cảnh vệ được lựa chọn kĩ càng (lần lượt trong 5 năm) đưa đi bảo vệ Hội nghị Paris, hiện chỉ còn 27 người, 15 người đã về cõi vĩnh hằng. Thiếu tướng Phan Văn Xoàn nay đã trên 90 tuổi, đang sinh sống tại TP HCM; một số khác như ông Nguyễn Văn Việt ở Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Chuyền ở Bắc Ninh, ông Lê Văn Chín ở Nghệ An, ông Phạm Quý ở Bà Rịa - Vũng Tàu còn lại phần đông nghỉ hưu tại Hà Nội và đều ở độ tuổi xưa nay hiếm.
Ông Diệt nhớ lại: Sau chiến thắng Mậu Thân 1968, Hoa Kỳ buộc phải tính đến việc ngồi vào bàn đàm phán để tìm một giải pháp rút khỏi cuộc chiến tranh hao người tốn của, bị nhân dân thế giới và chính nhân dân Mỹ phản đối.
Đầu tháng 5/1968, chúng tôi mới được biết địa điểm đàm phán là Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp). Paris được lựa chọn sau khi xem xét nhiều địa điểm do các bên liên quan đưa ra. Đây là nơi có phong trào yêu nước mạnh mẽ của Việt kiều, trong đó nhiều người vẫn còn lưu giữ những kỉ niệm với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, luôn dành sự ủng hộ to lớn với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản Pháp sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phái đoàn đàm phán của ta.
Ông Diệt nhớ lại lời Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nhắc nhở anh em Cảnh vệ trước ngày sang Paris: “Công tác an ninh bảo đảm an toàn tuyệt đối cho phái đoàn ta, phải xác định dựa vào sức mình là chính, đồng thời phải làm tốt công tác ngoại giao, vận động kiều bào”.
Mới đầu, ta thuê khách sạn Lutestia (quận 6, Paris) để đoàn Chính phủ ta sinh hoạt. Đây là một khách sạn sang trọng, anh em phấn khởi nghĩ là an toàn nhưng khi kiểm tra an ninh ta phát hiện có đến 16 máy nghe trộm ở nhiều chỗ trong các phòng; riêng phòng của đồng chí Xuân Thủy, Trưởng đoàn đàm phán có tới 6 cái! Thật là nguy hiểm. Tất nhiên ta không thể chuyển ngay địa điểm đến nơi khác một sớm một chiều mà phải lập tức có biện pháp đối phó. Từ đó bộ phận Cảnh vệ tham mưu cho đồng chí trưởng đoàn đề ra qui định: Tất cả mọi người không được trao đổi công việc tại phòng riêng, muốn trao đổi phải viết ra giấy rồi hủy luôn hoặc đến cơ quan Tổng đại diện nước ta ở phố LeVerrer để giữ được bí mật. Khi cần thiết phải đi ra vườn trao đổi…
Ông Trần Hữu Diệt (thứ hai từ trái sang), người đã tham gia bảo vệ phái đoàn ta tại Hội nghị Paris. Ảnh: Duy Hiển. |
Nhận thấy ở khách sạn Lutesia không thuận tiện cho công tác bảo vệ an ninh, hơn nữa giá thuê rất đắt nên đồng chí Phan Văn Xoàn báo cáo và đề nghị đồng chí Xuân Thủy chuyển địa điểm. Nhân một chuyến đoàn ta đến chào Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp, đồng chí Xuân Thủy đã đề nghị và được đồng chí Tổng Bí thư đảng bạn nhiệt tình giúp đỡ, mời đoàn ta về lưu trú tại trường Đảng mang tên Maurice Thoresz (ở Choisy Le Roy, ngoại ô Paris).
Trường này có đủ phòng làm việc, phòng ăn, phòng nghỉ. Các đồng chí cộng sản Pháp đã dành mọi sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả, cử 10 người bảo vệ, 10 lái xe, 10 người phục vụ... Thị trưởng sở tại cũng cử Cảnh sát thường trực cùng bảo vệ với ta suốt ngày đêm và một đội môtô hộ tống đoàn ta khi di chuyển.
Chúng tôi đến nơi ở mới gần được một tháng thì đồng chí Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt của Đoàn đàm phán được Chính phủ ta cử sang Paris. Đồng chí đi kiểm tra thực địa và tỏ ý hài lòng, cảm ơn Đảng Cộng sản Pháp. Đồng chí nhắc lãnh đạo đoàn ta cần có một phòng bảo mật. Chấp hành ý kiến chỉ đạo của đồng chí Cố vấn đặc biệt, bộ phận kỹ thuật chỉ trong 3 ngày đã xây dựng xong một phòng đạt tiêu chuẩn, chống được nghe trộm.
Nơi họp chính là ở Trung tâm hội nghị quốc tế thường diễn ra có 4 bên dự gồm: Hoa Kỳ; Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Cộng hòa Miền Nam Việt Nam; Việt Nam Cộng hòa, nhưng các đoàn đều có một địa điểm riêng để họp kín. Đối với đoàn ta, nhờ một Việt kiều là ông Lê Ủy tìm thuê được một ngôi biệt thự 2 tầng xinh xắn ở phố Darthe thuộc thị xã Choisy Leroi. Đây là phố nhỏ ít người qua lại nên đảm bảo được yếu tố bí mật.
Trong số 45 cuộc họp kín tại đây, đã diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Hariman (trưởng đoàn Mỹ) với Bộ trưởng Xuân Thủy vào đêm 30/10 rạng sáng 31/10/1968. Trong cuộc gặp, ông Hariman thông báo với Bộ trưởng Xuân Thủy: Trong vòng 24 giờ tới, Tổng thống Mỹ Johnson sẽ ra lệnh ngừng ném bom và bắn phá trên toàn miền Bắc Việt Nam, yêu cầu ta giữ bí mật thông tin này cho đến khi Tổng thống đọc xong bài diễn văn. Để đảm bảo bí mật, ta trao đổi với an ninh Mỹ tất cả hai đoàn đến địa điểm họp mặt đều đi xe dân sự, không có xe cảnh sát Pháp dẫn đường. Ông Hariman và an ninh Mỹ chấp nhận đề nghị này và tỏ ra tâm đắc với sáng kiến của phía Việt Nam.
Ngày 31/10/1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ ngày 1/11/1968. Sang đầu năm 1969, Hội nghị 4 bên mở ra, có hiện diện của đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Bình, ông Dương Đình Thảo, ông Trần Bảo Kiếm… đại diện của Chính Phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam lần lượt sang Paris. Công tác Cảnh vệ lại thêm nhiệm vụ mới, số người phải bảo vệ được tăng thêm nhưng số sỹ quan Cảnh vệ vẫn như cũ.
Một trong những khó khăn của công tác bảo vệ là sự đeo bám của phóng viên báo chí đối với đoàn ta, vì một số báo chưa hiểu rõ tình hình, vẫn tỏ ra thiên vị phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Một số tờ báo cho rằng Mặt trận giải phóng là “bóng ma Việt cộng”, là “tay sai cộng sản Bắc Việt”… Nhưng khi hội nghị chính thức mở ra, với sự khôn khéo của hai trưởng đoàn ta và các thành viên trong đoàn, dần dần ta đã “thu phục được nhân tâm”.
Chuyện bảo vệ trên đường cũng lắm tình huống gay cấn. Paris thời đó cũng đã có tắc đường nhưng dĩ nhiên không căng thẳng như Hà Nội bây giờ. Để đưa Đoàn đến địa điểm đúng giờ họp, chúng tôi thường cho người đi tiền trạm, thấy không tắc đường mới bàn với cảnh sát Pháp cho xe dẫn. Biện pháp này tỏ ra hiệu quả, nên phía bạn cũng rất vui vì họ cũng hoàn thành nhiệm vụ.
Cũng có lần xảy ra sự cố, do đường vắng nên xe cảnh sát dẫn đường chạy tốc độ cao. Hôm đó đoàn ta đi dự buổi họp do kiều bào ta tổ chức ở nhà Tương tế khu phố La - tinh. Lúc 24h đêm cuộc họp mới kết thúc, xe cảnh sát dẫn đoàn về nơi ở. Do tốc độ nhanh một xe cảnh sát đâm vào một xe ôtô khác khiến viên lái xe dẫn đường chết ngay tại chỗ. Hôm sau đoàn ta cử cán bộ mang vòng hoa đến viếng chia buồn. Người vợ cảnh sát lái xe rất xúc động nói: “Chồng tôi hy sinh là sự mất mát lớn đối với tôi và gia đình nhưng cũng góp một phần nhỏ vào cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam”. Tình cảm đó đến nay chúng tôi còn nhớ mãi.
Đến ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Thắng lợi ngoại giao lịch sử này có phần đóng góp của những cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ nói riêng và lực lượng CAND nói chung