Con nghiện vào cụm CN làm lại cuộc đời

Thứ Năm, 05/04/2007, 20:25

Lúc mới vào làm, do không có tay nghề nên lương của T. chỉ 450.000đ/tháng, sau gần 7 tháng, mức lương đã cao hơn trước. Hiện T. chưa nghĩ đến chuyện trở về cộng đồng vì sợ không có nghề nghiệp, không việc làm, rồi lại rơi vào con đường nghiện ngập như cũ.

Cụm công nghiệp - Khu dân cư đô thị mới (CCN-KDCĐTM) Nhị Xuân được xây dựng trên địa bàn xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh là mô hình giải quyết cho khoảng 5.000 lao động là người sau cai nghiện (SCN) và tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ).

Cũng để ổn định cuộc sống cho công nhân làm việc tại đây, trên phần đất của CCN-DC này, những lô chung cư nhà ở với đầy đủ hạ tầng văn hóa, xã hội, y tế… cũng đang dần hoàn thiện.

CCN - KDCDTM Nhị Xuân đã trở thành "quê hương" thứ hai của những thanh niên lầm lỡ, trót lao vào con đường nghiện ngập, đang làm lại cuộc đời...

Nâng đỡ những mảnh đời lầm lỡ

Ngừng tay thấm những giọt mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt xanh xao, anh L.N.T. (30 tuổi), công nhân Công ty cổ phần SX-DV-TM-CK Đông Phương tâm sự với chúng tôi: "Mới đầu, em thấy mặc cảm lắm, nhưng vào đây thấy nhiều người cùng cảnh ngộ như mình, họ sống rất hòa đồng, chân tình nên em cũng quen dần và bây giờ em đã thật sự gắn bó với công việc này".

T. kể, khoảng hơn 10 năm về trước, T. là sinh viên năm thứ hai của Trường Đại học Luật (tại TP Hồ Chí Minh), do muốn sớm kiếm tiền nên T. đã nghỉ học và có thời gian tiếp xúc với nhiều bạn bè xấu nên bị "nghiện" lúc nào không hay.

Tại Trường Giáo dục-Đào tạo và Giải quyết việc làm số 1 (GDĐT&GQVL) Đắk Nông, 58 tháng ròng rã vật lộn thử thách để chiến thắng bản thân, T. không ngờ bây giờ cuộc đời mình đã rẽ sang hướng khác.

Anh tâm sự: Lúc mới vào đây làm việc, do không có tay nghề nên lương của T. chỉ 450.000đ/tháng. Nhưng đến nay, sau gần 7 tháng làm việc, nhờ cố gắng học hỏi và nỗ lực của bản thân nên mức lương của T. hơn 800.000đ/tháng. T. chưa dám nghĩ đến chuyện trở về cộng đồng vì sợ không có nghề nghiệp, không việc làm, rồi lại tiếp tục rơi vào con đường nghiện ngập như cũ.

Còn chị L.T.X. (27 tuổi), công nhân  DNTN Ngọc Hà thì do gia đình quá nghèo khó, không có điều kiện để tiếp tục theo học, X. đã nghỉ ngang khi đang học lớp 9. Buồn chán, tuổi trẻ bồng bột, X. đã tìm đến ma túy.

Phải mất gần 5 năm rèn luyện ở Trường GDĐT&GQVL số 6 (Đắk Nông), giờ đây với cương vị là chuyền trưởng trong xưởng, công việc của X. là sắp xếp công việc và giúp đỡ các bạn cùng cố gắng làm việc…

Đến các cơ sở sản xuất tại đây, trong tiếng máy chạy ầm ầm của các dây chuyền sản xuất, và nắng nóng hầm hập nhưng chúng tôi vẫn thấy không khí làm việc rất tất bật, hối hả. Đằng sau những giọt mồ hôi, gương mặt ai nấy đều rạng ngời những hy vọng về tương lai xán lạn.

Chị Lương Thị Diệu Hồng - chủ DNTN Ngọc Hà, đưa chúng tôi đi thăm dây chuyền sản xuất mì sợi của doanh nghiệp đã thổ lộ những tâm tư của mình: "Trong số công nhân làm việc ở đây, có đến phân nửa công nhân là người SCN và THNCĐ. So với công nhân thường thì các em làm kém năng suất hơn do sức khỏe còn yếu nên chúng tôi phải sắp xếp làm việc 6 giờ/ngày hoặc tăng thêm người trong dây chuyền sản xuất để đảm bảo hoạt động. Năng suất không cao, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc cạnh tranh nhưng chúng tôi cũng đã xác định trước khi quyết định đầu tư ở đây".

Và cũng nhớ ơn những tấm lòng nhân ái, giúp những người đã từng có lỗi lầm kiếm được việc làm ổn định để làm lại cuộc đời nên không ít công nhân có ý định trốn việc, bỏ về, sau một thời gian ngắn cũng đã quay lại đây làm việc.

Một mô hình mang đậm tính nhân văn

CCN-KDCĐTM Nhị Xuân là một trong bốn phương thức giải quyết việc làm theo Đề án "Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người SCN" đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17/6/2003 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 205/2003/QĐ-TTg ngày 2/10/2003.

Công trình Cụm công nghiệp Nhị Xuân là một hệ thống gồm các công trình có quy mô hơn 54 ha với tổng số vốn đầu tư là 193 tỷ đồng, được UBND TP Hồ Chí Minh đầu tư để xây dựng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh nhằm giải quyết việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động, trong đó có 50% công nhân là người SCN và người THNCĐ.

Sau hơn một năm tích cực triển khai xây dựng và kêu gọi đầu tư, đến nay đã có 56 DN đăng ký đầu tư, 20 DN đã ký hợp đồng thuê đất, 8 DN đang tiến hành xây dựng nhà xưởng sản xuất, với tổng diện tích đất đã được cho thuê lấp đầy khoảng 85%. Các công ty hiện đã đi vào hoạt động, giải quyết cho hơn 750 công nhân lao động là người SCN và THNCĐ đang làm việc tại đây.

Dự kiến, ngày 30/4, Công ty Dệt may Thành Công, Công Ty Bao bì Trường An và Công ty Minh Châu chính thức đi vào hoạt động, sẽ giải quyết nhiều hơn việc làm cho người SCN và THNCĐ.

Nằm bên trong quần thể CCN-KĐTM Nhị Xuân là Dự án Khu dân cư đô thị mới Nhị Xuân, công trình này được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 24ha, gồm khu nhà ở cho người SCN và công nhân lao động làm việc tại cụm công nghiệp, với đầy đủ hạ tầng văn hóa - xã hội như: Trường học, trạm y tế, bưu điện, trung tâm dạy nghề, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao…

Hiện dự án đã hoàn tất giai đoạn một với tổng số tiền đầu tư 106 tỷ đồng, gồm 6 lô chung cư và các công trình phụ trợ, nhằm giải quyết thêm nhiều chỗ ở cho 2.500 công nhân lao động và người SCN.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Minh Thư - Giám đốc CCN-KDCĐTM Nhị Xuân cho biết: "Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào đây, chúng tôi đã sớm triển khai xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở và có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, sắp tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp: Công tác dạy nghề, quản lý công nhân SCN, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, và các thủ tục thông thoáng nhanh gọn… Mục đích là làm thế nào để cho cuộc sống của công nhân tốt hơn".

Ông Thư cũng cho biết, trong thời gian qua, có nhiều công nhân bằng nỗ lực làm việc của mình đã có mức thu nhập khá, có mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng. Với mô hình này, đây thật sự là một công trình của lòng nhân ái, bởi nó đã tạo công ăn việc làm và nơi định cư ổn định cho hàng ngàn lao động là người SCN và người THNCĐ

T.Hà
.
.
.