Con heo đất tiết kiệm của người lính trên Casa 212

Thứ Tư, 22/06/2016, 18:03
Trung uý Lê Đức Lam, cơ giới trên không của máy bay CASA số hiệu 8983, bắt đầu bỏ lợn đất tiết kiệm từ ngày biết vợ mang thai. 6 tháng, anh tích góp được 1,6 triệu.


Đến Lữ đoàn Không quân vận tải 918 (Hà Nội) những ngày này, vẫn là tinh thần chuyển cấp, trực chiến sẵn sàng chiến đấu duy trì nghiêm túc. Nhưng trong sự nghiêm túc ấy, không khó để nhận ra nét ưu tư trên khuôn mặt mỗi người lính. Họ đang cùng đau một nỗi đau chung, nỗi đau của những người lính khi đồng đội chưa trở về như đã hẹn.

Thứ bảy qua rồi sao nó vẫn chưa về?

Trung uý Lê Đức Lam (bên trái) và đồng đội trên một chuyến bay. Ảnh tư liệu.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và đại tá Ngô Quang Trung, dẫn đường trên không An-26 Phi đội 1, bị gián đoạn bởi những giọt nước mắt xót xa ông dành cho người đồng đội được ông gọi bằng cái tên thân thuộc “Thằng cháu dại”. Với đại tá Trung, ký ức về trung úy trẻ Lê Đức Lam (31 tuổi), cơ giới trên không Lữ đoàn 918, quê quán tại Vân Hội, Ninh Giang, Hải Dương luôn đầy ắp kỷ niệm.

Giọng nghẹn ngào ông chia sẻ: “Vợ tôi đang đi công tác, sợ tôi buồn, nó hẹn với tôi thứ bảy này sẽ đưa tôi đi ăn bún chả. Thứ bảy qua rồi sao nó vẫn chưa về?”.

Vốn là người kỹ tính, chỉn chu trong công việc, lại là lớp người đi trước nên đại tá Trung quan sát và nhìn người rất kỹ. Ba năm trước khi được điều động sang nhận nhiệm vụ tại Phi đội CASA-212, ông nhớ mãi hình ảnh của một anh lính lòng khòng, 21h đêm vẫn cởi trần hì hục lau chùi hành lang phi đội.

Khi được hỏi anh lính chia sẻ: “Cháu chẳng có việc gì làm nên lau hành lang cho đỡ buồn”. Từ lúc đó ông đã có phần cảm mến cậu lính trẻ. Sau này thân quen hơn ông mới biết vì đồng lương chẳng dư dả gì nên cậu ấy rất ngại đi chơi.

Sinh và lớn lên trong một gia đình nghèo tại Chư Sê, Gia Lai, tuổi thơ của trung úy Lam gắn liền với những nỗi nhọc nhằn, vất vả. Cuộc sống khó khăn nhưng những ai đã từng tiếp xúc đều ấn tượng về người trung úy trẻ này. Một con người chăm chỉ học tập, yêu lao động, sống hòa nhã và có trách nhiệm với tất cả mọi người.

Vợ chồng Trung úy Lam.

“Lam nó ham học lắm, nó có thể theo anh anh Luận – cơ giới, ra máy bay cả tuần chỉ để mong học thêm kinh nghiệm của người đi trước. Nó còn mong tôi dạy thêm cho nó về dẫn đường, mặc dù đó không phải là chuyên ngành của nó.

Ngày chưa có gia đình, hễ các chú, các anh ở đơn vị có việc bận hay phải đi công tác là Lam lại nhận việc đưa đón các cháu đi học cho các chú, các anh yên tâm công tác. Nó chẳng bao giờ nề hà việc gì, cái gì cũng nhận phần thiệt thòi về mình”, ông Trung nghẹn ngào.

Con lợn đất của Lam

Với đại tá Trung, anh Lam không chỉ là một người đồng đội, anh còn là một người cháu được ông yêu thương và dành nhiều tình cảm đặc biệt. Ông kể: “Lam nó hiền lành. Nó nghèo, hay tự ti nên mãi chẳng dám yêu ai. Tôi còn nhớ mãi đến năm 2014 trên đường thực hiện nhiệm vụ trở về căn cứ nó rút điện thoại ra khoe với đồng chí Chính – Chính trị viên phi đội hình vợ sắp cưới. Tôi mới hỏi: “Sao cưới vợ đến nơi rồi mới khoe anh em?”.

Lúc đó, trung úy Lam mới thật thà chia sẻ: “Người yêu cháu vừa xinh, vừa có 2 bằng đại học. Cháu vừa xấu lại nghèo, cháu sợ người ta chê, người ta không ưng mình nên mãi chẳng dám khoe ai”. Cô gái ấy là Thúy Nga người cũng là vợ hiện tại của trung úy Lam bây giờ.

“Thằng cháu dại của tôi nó ngờ nghệch lắm. Nó không hiểu được rằng người ta yêu nó, thương nó không phải vì nó giàu hay nghèo mà chính vì con người nó, vì những phẩm chất tốt đẹp mà nó có”, ông Trung nói.

Lam kết hôn đầu năm 2015, với đồng lương bộ đội ít ỏi, vợ chưa có công ăn việc làm ổn định nên cuộc sống của hai vợ chồng trẻ là những điều thiếu trước hụt sau.

"Không ít lần tôi mắng mỏ nó cũng chỉ vì nó cứ loanh quanh nghĩ lý do cắt cơm bếp. Lo cho nó thì mắng vậy chứ tôi biết âu cũng là vì nó muốn có thêm đồng ra đồng vào giúp vợ", ông Trung nhớ lại.

Đại tá Ngô Quang Trung và trung uý Lê Đức Lam trong một chuyến tham quan. Ảnh tư liệu.

Vợ Lam đang mang thai tháng thứ 6 con đầu lòng, hai vợ chồng đang ríu rít chuẩn bị cho ngày lâm bồn. Ông Trung kể: “Ngày vợ nó mang bầu, thằng bé hồ hởi khỏe với tôi: Vợ cháu có bầu rồi chú ạ. Từ hôm nay cháu sẽ bỏ lợn để có tiền cho vợ cháu sinh em bé”.

Cái việc bỏ lợn của Lam làm ông Trung như muốn rơi nước mắt: "Trước hôm Lam lên đường nhận nhận nhiệm vụ, gặp nó tôi hỏi tiết kiệm được bao nhiêu tiền rồi. Nó hồn nhiên khoe “chắc được khoảng một triệu sáu rồi chú ạ”. Tôi cười trêu nó “Ôi trời, bỏ 6 tháng mới được một triệu sáu thôi à?”. Nói là vậy chứ tôi biết con lợn của nó sẽ chỉ là những đồng tiền lẻ nó gom góp hàng ngày. Nghĩ đến mà tôi thương nó đến quặn lòng".

Hai năm nữa ông Trung nghỉ hưu, ông hứa với sẽ tặng lại vợ chồng Lam cái tủ lạnh và cái máy giặt. "Giờ nó chưa về tôi biết để cho ai?", ông Trung buồn bã.

Một thứ bảy nữa lại sắp đến, lời hẹn sẽ về đưa chú Trung đi ăn bún chả của anh Lam vẫn chưa biết bao giời mới thực hiện được. Nhưng anh Lam và 8 đồng đội đang mất tích trên máy bay CASA-212 số hiệu 8983 đã giữ lời với đồng đội và gia đình anh Khải là sẽ tìm anh ấy trở về. Từ hôm các anh đi đã 6 ngày trôi qua, các anh vẫn chưa trở về.

CASA, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là ngôi nhà. Hãy tin những người lính bay quả cảm này họ chưa hề rời xa ngôi nhà, tổ ấm của mình và nhất định họ sẽ trở về.


(Theo Ngọc Hoa - Truyền hình Quốc phòng/Zing)
.
.
.