“Cò thưa kiện” nhà đất

Thứ Bảy, 07/05/2005, 07:43
"Trước đây tôi có nhờ một “cò” để “chạy” vụ tranh chấp đất đai (TCĐĐ) giữa tôi và người hàng xóm. Nghe anh ta, tôi đã đưa 20 triệu đồng chi phí. Kết quả chẳng được gì, tôi đòi lại tiền anh ta thách đi kiện”. Anh T., một nạn nhân ở quận 8 kể lại.

Không khó để liên hệ với “cò” Q. (ngụ ở quận Gò Vấp) và hẹn gặp nhau tại quán cà phê Trung Nguyên trên đường Quang Trung. Khác với những gì mà tôi tưởng tượng, “cò” Q. trông chẳng phong độ tí nào. Dáng người thấp, da cháy sạm, tóc tai bù xù, chỉ có ăn vận là tương đối tươm tất.

Tuy nhiên, Q. ăn nói thì khá lưu loát, rành luật lệ và đặc biệt nhất là biết hầu hết “sơ yếu lý lịch” của những người có chức quyền cấp thành phố và một số quận, huyện. Tôi trao Q. xấp hồ sơ của vụ TCĐĐ ở quận 12 đã có quyết định giải quyết cuối cùng của UBND Tp. HCM nhưng đương sự chưa thỏa mãn.

Đọc lướt qua hồ sơ, Q. hỏi: “Chú em, mày là người của ông B.”. Tôi gật đầu. Q. phán một câu xanh rờn: “Được rồi, anh mày sẽ cho “thanh tra” lại theo hướng có lợi cho chú em”. Tôi giả đò mừng rỡ và thán phục, được nước, Q. lấn tới: “Hồ sơ này phải làm sớm thôi nếu không thì tiêu luôn. Trước nhất phải có công văn của cơ quan chức năng cấp cao hơn để ngăn chặn việc thi hành quyết định rồi mới tính tiếp được. Mà muốn vậy thì phải có chi phí “trà nước” bước đầu”.

Chi phí này theo Q. là 10 triệu đồng và cam đoan nếu không làm được sẽ hoàn trả lại tiền (?!). Tôi gật đầu và hẹn ngày gặp lại...

Cũng với hồ sơ này, chúng tôi tiếp tục gặp một số “cò” khác và cũng được “tiếp nhận hồ sơ” và gợi ý chuyện tiền nong giống như “cò” Q.

Tồn tại song hành cùng loại “cò” chỉ biết “nằm chờ sung rụng” như đã nêu trên là một dạng “cò” khác hoạt động khá bài bản và chuyên nghiệp. Các “cò” này thường nghiên cứu hồ sơ rất kỹ để “lách” như thế nào mà có thể qua mắt được chính quyền.

Điểm dễ nhận biết của “cò” loại này là rất ít khi “tạm ứng kinh phí” mà dùng tiền của mình để “đầu tư ban đầu” và “quyết toán” khi vụ việc xong xuôi. Hiển nhiên, sự giao kèo ấy đều thể hiện bằng hợp đồng với tỉ lệ hoa hồng theo thỏa thuận.

Vậy mà, có những phi vụ, “cò” T. (ngụ quận Tân Bình – nguyên là một anh chăn vịt ở quận 12) kiếm được hàng trăm triệu đồng mà công sức thì chẳng tốn bao nhiêu, “khổ” nhất là phải chịu trận với những cuộc nhậu mút mùa, ngày này qua ngày nọ.

Khi tôi mang hồ sơ đến nhờ T. giúp đỡ, thấy “dễ ăn” và để chứng tỏ mình, T. hỏi tôi có cần gọi người có chức trách của quận đến đây để giải quyết không. Khi tôi nói “không”, T. cười đắc ý: “Mấy người đó toàn là “chiến hữu” của anh cả, hô một tiếng là xong ngay”.

Nhiều người mang ơn T. vì được thỏa lòng, nhưng cũng có lắm kẻ thù T. vì đã làm cho họ khuynh gia bại sản. Bà G. ở Tân Bình là một ví dụ. Nghe tiếng tăm T, bà nhờ giải quyết vụ tranh chấp đất trong thân tộc. Kết quả bước đầu thật như ý muốn khi quận ra quyết định công nhận bà G. được quyền sử dụng phần đất hơn 2.000m2 và bà đã vay mượn để chi  cho T.  300 triệu đồng không một chút ngần ngại.

Tuy nhiên, do chủ quan và sợ mất thêm tiền, bà không nhờ T. nữa mà chuyển sang “độc lập tác chiến” khi vụ việc được chuyển về thành phố giải quyết theo khiếu nại của bên kia. “Cò” T. liền chộp thời cơ, gợi ý “đi đêm” với phía đối lập và được chấp thuận. Hiển nhiên, kết quả bà G. mất “cả chì lẫn chài”.

Khác với T., “cò” X. vốn là một cán bộ có chức quyền ở tỉnh Bình Dương nhưng đã về hưu non, nói cách khác là “hạ cánh an toàn”. Với lợi thế đó, X. không khó tập hợp “huynh đệ” để tạo thành một “ê kíp” chuyên nhận “cò” để giải quyết các vụ TCĐĐ.

“Đi cửa sau”: tiền mất tật mang!

Trong một vụ TCĐĐ thì chân lý chỉ thuộc về một phía là lẽ đương nhiên. Tuy vậy, nhưng vì “lòng tham không đáy” nhiều người sai vẫn cứ tiếp tục khiếu kiện theo kiểu được chăng hay chớ và nuôi mộng “đổi trắng thay đen” bằng cách “đi cửa sau” với công chức này, cơ quan nọ.

Nắm được tâm lý này, năm 2001, Lê Ngọc Hiền (ngụ tại huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) bỏ nghề bán trái cây để chuyển sang làm “cò” thưa kiện. Để tăng giá trị của mình, Hiền tung tin mình có người thân đang công tác tại một cơ quan ở Trung ương nên được nhiều người tìm đến nhờ vả.--PageBreak--

Mỗi hồ sơ trao tay, Hiền nhận từ 10 - 15 triệu đồng gọi là tiền “trà nước” rồi cất công ra Hà Nội chầu chực gửi đơn trực tiếp như bao người đi khiếu kiện khác. Đầu năm 2002, Hiền gặp và làm quen với người đồng hương tên là Trần Thị Hòa cũng vừa mới bỏ nghề nông để làm “cò”.

Họ “bay” ra Hà Nội và trọ ở phố Ngọc Hà để “cahỵ” cho các đương sự.

Tại đây, Hiền được một người cũng đi khiếu kiện, giới thiệu gặp bà Nguyễn Thị Ca, là một “quan chức cấp cao” có thể giúp Hiền giải quyết vụ việc nhanh chóng. Nguyễn Thị Ca cho biết trước đây là thư ký của một cơ quan quan trọng còn nay đã nghỉ việc nhưng vẫn là bạn chí cốt của ông T. - cấp trên cũ, hiện đang tại chức.

Để tạo niềm tin tuyệt đối cho Hiền, Ca móc điện thoại di động “alô” một tiếng thì chẳng bao lâu sau ông T. đã có mặt. Tin tưởng, Hiền đưa cho Ca 2 hồ sơ của ông K. và U. ở huyện Bình Minh, Vĩnh Long, kèm theo 10 triệu đồng gọi là tiền “trà nước”. Hiền có biết đâu rằng, Nguyễn Thị Ca, là kẻ lừa đảo chuyên nghiệp, đã từng bị phạt 2 năm tù.

Sau khi gặp được Ca, Hiền và Hòa càng huênh hoang hơn khi về lại địa phương. Vì thế mà số lượng đơn thưa “thụ lý” ngày càng nhiều và tất cả hồ sơ ấy Hiền đều chuyển cho Ca với “lệ phí” 5 triệu đồng/hồ sơ. Riêng Ca, cũng qua giới thiệu của Hiền đã nhận của anh H. ở Tp. HCM 150 triệu đồng để xin được xét xử giám đốc thẩm việc tranh chấp nhà. Ca còn làm cam kết với ông H., nếu vụ việc không thành công thị sẽ đền bù 1 tỉ đồng!

Trong khi các vụ việc nêu trên chưa bị đổ bể thì tại phố Ngọc Hà, Hiền và Hòa tiếp tục gạ gẫm mẹ con bà Cao Thị Hai, quê Vĩnh Long. Bà Hai tranh chấp bất hợp pháp đất công với Nhà nước nên bị TAND cấp sơ thẩm và phúc thẩm xử thua kiện.

Nghe lời Hiền, bà Hai đưa cho con mình là Mãnh 30 triệu đồng để cùng theo Hiền về Vĩnh Long lo việc.

Tại Vĩnh Long, Hiền tìm gặp Nguyễn Văn Tâm là thanh tra viên của Sở Địa chính tỉnh để nhờ xác nhận nguồn gốc đất cho bà Hai. Sau vài chầu nhậu bí tỉ, Tâm “trả ơn” Hiền bằng cách đến nhà Nguyễn Minh Luân (đã bị kỷ luật cho thôi việc) để nhờ ký xác nhận “đất không có truất hữu, không có quyết định thu hồi của UBND tỉnh”.

Luân nể tình thằng em, vả lại đã nghỉ việc rồi có gì mà sợ, hạ bút ký ngay. Sau đó, Tâm về cơ quan đóng dấu rồi giao lại cho Hiền. Hiền kiếm được của Mãnh 30 triệu đồng ngon ơ.

Khu đất tranh chấp giữa bà A. và gia tộc Nguyễn.

Một người dân vì thiếu am hiểu pháp luật, vì lòng tham làm mờ mắt dẫn đến cả tin và bị mắc lừa đã đành. Còn người có am hiểu, có chức quyền nhưng cũng bị lừa là trường hợp của bà L.N.A., nguyên Chủ tịch một phường ở quận Phú Nhuận, Tp.HCM. Trước đây, khi còn đương chức, bà A được những người trong thân tộc họ Nguyễn ủy quyền đòi lại phần đất trên 230m2 nằm trên đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận.

Sau khi lấy lại đất, bà A đem “bán” cho nhiều người để xây cất nhà ở mà không gặp trở ngại nào. Đến khi giữa gia tộc và bà A. có chuyện xích mích thì họ kiện để đòi lại phần đất trên. Qua hai lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, bà A. thua kiện.

Bà này đã “bay” ra Hà Nội tìm cách “đi  cửa sau” và đã chi cho một “cán bộ của TAND tối cao” hết vài trăm triệu đồng. Thực chất người kia chỉ là một kẻ mạo danh và đã bị CA Hà Nội bắt giữ sau đó

Mã Thanh Phong
.
.
.