Cơ quan chức năng cần sớm giải quyết các "lò" rượu cồn

Thứ Tư, 29/10/2008, 14:08
Sau bài báo phản ánh về tình trạng làm rượu từ cồn tại làng Đại Lâm, xã Tam Đa, đường dây nóng Báo CAND liên tiếp nhận được những ý kiến phản hồi đầy bức xúc của người dân.

>> Đột kích khu chế xuất rượu cồn

Liệu người dân sử dụng rượu ở phía Bắc có gặp phải hệ lụy do rượu gây ra như các bệnh về gan hay những ca ngộ độc rượu mới đây ở TP HCM không?

Đến bao giờ tình trạng "chế" rượu cồn của một số hộ ở làng Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh mới bị ngăn chặn?

Còn đâu làng nghề nấu rượu...!

Trước sự quan tâm của độc giả về các vấn đề liên quan đến rượu cồn ở làng Đại Lâm, nhóm PV Báo CAND đã có buổi trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND xã Tam Đa và được ông Hoàng Đắc Tư - Chủ tịch UBND xã Tam Đa cho biết, hiện toàn xã gồm 4 làng với tổng số hộ dân khoảng 2.700 hộ. Trong đó, làng Đại Lâm chiếm gần 44% tổng số hộ dân của toàn xã.

Đại Lâm khi xưa vốn dĩ là một làng có nghề nấu rượu thủ công truyền thống, sản phẩm rượu làm ra được bày bán khắp các thị trường trong cả nước. Vào thời điểm thị trường rượu đang "nóng" - các tháng giáp Tết, số hộ nấu rượu đạt ngưỡng kỷ lục khoảng trên 700 hộ (chiếm khoảng 65%).

Tuy nhiên, đây chỉ là con số "đỉnh" của làng nghề Đại Lâm truyền thống khi xưa. Bởi thời gian trở lại đây, do một số nguyên nhân khác nhau như: giá nguyên liệu chế biến ra rượu (gạo, sắn...) tăng cao, không có người ở nhà chưng cất rượu, đi làm kinh tế ở các vùng miền khác... nên số hộ sản xuất rượu đã giảm xuống còn khoảng 30% tổng số hộ dân toàn làng.

Rượu trong làng hiện gồm 3 loại: rượu nấu từ sắn, rượu chưng cất từ gạo và rượu pha chế từ cồn. Loại rượu pha chế từ cồn xuất hiện "rầm rộ" trong thời gian gần đây kể từ khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Bên cạnh việc giá thành nguyên liệu dùng để nấu rượu thay đổi, vì lợi nhuận cho nên đã có nhiều hộ chuyển công đoạn chưng cất, nấu rượu sang việc "chế" biến đốt cháy giai đoạn.

Chỉ khoảng 15 phút, với công thức: "1 cồn + 3 nước lã + hương vị" những phuy rượu cồn 200 lít có hương vị sắn (nếp mới) đã ra đời thay vì phải mất khoảng thời gian 3 ngày chưng cất thủ công. Bởi, trung bình mỗi bếp một ngày chỉ có thể nấu ra được 3 mẻ (1 mẻ sau khi mất 4-5 tiếng mới cho ra  được 20 lít) rượu.

"Không thể có chuyện làng Đại Lâm xuất một lượng lớn rượu xịn ra thị trường như hiện nay được. "Cứ kiểm tra đột xuất một xe chở các phuy rượu nào đó từ làng Đại Lâm đi ra, chắc chắn sẽ có đến 80% số rượu trong các phuy này là rượu cồn" - ông Tư khẳng định.

Qua khảo sát, chúng tôi biết thêm, mỗi một chuyến xe tải thường chở khoảng trên 10 phuy rượu các loại. "Số xe tải về lấy hàng vào giờ cao điểm lên đến hàng chục" - anh T. người làng Đại Lâm cho chúng tôi biết về tình hình vận chuyển rượu cồn của các đại lý.

Như vậy, theo những gì mà anh T. người làng Đại Lâm cũng như những gì mà chúng tôi tận mắt chứng kiến, không thể có chuyện trung bình mỗi ngày các hộ xuất đi 2.000 lít rượu xịn như hiện nay được. Điều này cho thấy, một làng nghề có truyền thống nấu rượu từ lâu đời như Đại Lâm giờ đây đã dần không còn nữa mà thay vào đó là việc cung cấp nguồn rượu ẩn chứa nhiều nguy hại.

Nan giải công tác quản lý?

Vấn đề sản xuất rượu với công thức "cồn + nước lã + hương liệu" của một số hộ gia đình làng Đại Lâm, xã Tam Đa hiện đã và đang là một bài toán cần có sự vào cuộc từ nhiều phía của các cơ quan chức năng. Những loại rượu được chế xuất chủ yếu từ cồn rồi xuất ra thị trường mang theo những tiềm ẩn nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Cũng trong buổi làm việc với PV Báo CAND, ông Nguyễn Văn Lai, Bí thư xã Tam Đa cũng không giấu được những bức xúc của mình về tình trạng hiện có một số hộ dân chế xuất rượu cồn.

Theo ông: rượu cồn xuất hiện từ khoảng mười năm trở lại đây và cũng chính vì rượu cồn mà nghề nấu rượu truyền thống của làng tồn tại bao đời nay đang có nguy cơ bị triệt tiêu.

Cũng theo ông Lai, rượu được chế xuất từ cồn của một số hộ đại lý cung cấp rượu trong xã vẫn lấy thị trường tiêu thụ chính là Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Mặc dù biết rõ có rất nhiều hộ gia đình tại đây dùng cồn và nước lã để pha chế ra rượu. Song, chính quyền xã dường như bất lực trước vấn đề rượu cồn nhức nhối này(?!).

Ông Lai cho biết, vì không có những trang thiết bị dụng cụ hỗ trợ cho việc phân tích, kiểm định các loại rượu cồn cho nên công tác kiểm tra mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền thông qua văn bản, loa đài phát thanh.

"Do đó, mặc dù biết chính xác từng hộ đại lý chuyên bán rượu cồn, chúng tôi cũng chỉ dừng ở việc nhắc nhở mà không bắt họ được!" - ông Lai cho biết.

Đồng quan điểm với chính quyền xã Tam Đa, qua trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Lê Văn Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết, vấn đề quản lý rượu chiết xuất từ cồn của một số hộ gia đình tại làng Đại Lâm đối với Sở Y tế đang là vấn đề nan giải bởi rượu chỉ là một trong các mặt hàng được tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm. Việc kiểm tra, xử phạt các cơ sở chế xuất rượu cồn cần phải có quá trình theo dõi, kiểm định.

Điều này được thể hiện rõ trong biên bản làm việc giữa Thanh tra Bộ Y tế với Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh về vấn đề kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh rượu, bia trên địa bàn vào ngày 24/10/2008 mới đây: "Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu tại các làng nghề truyền thống, ngoài các mặt hàng rượu như: rượu sắn, rượu nếp, rượu cẩm... Còn số hộ pha chế rượu từ cồn chưa giám sát hết được".

Một thực tế nữa cũng được phản ánh rõ trong biên bản làm việc trên, đó chính là số sản phẩm rượu sản xuất tại các địa phương đã quản lý chỉ chiếm khoảng từ 5-10%, vấn đề về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa kiểm soát được.

Còn với Đội Quản lý thị trường Số 3, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh - cơ quan chủ quản trực tiếp đối với làng nghề nấu rượu Đại Lâm, chúng tôi được ông Nguyễn Đình Tập - Đội phó Đội Quản lý thị trường số 3 phân bua, Đội từ trước đến nay chưa phát hiện ra hộ nấu rượu cồn nào ở làng Đại Lâm cả! Trong khi đó, sau buổi làm việc chúng tôi biết, kể từ năm 2007 đến nay, Đội chưa hề có cuộc kiểm tra việc chế xuất rượu của làng Đại Lâm nào cả.

Như ta đã biết, mới đây cũng chỉ vì rượu được chế bởi công thức: "Cồn + nước lã + hương liệu" mà riêng TP HCM trong thời gian chưa đầy 1 tháng đã có tới 28 ca nhập viện vì ngộ độc. Trong đó đã có 10 người bị tử vong.

Trước thực trạng trên, liệu Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc trong thời gian sắp tới có gặp phải nguy hại do rượu cồn mà một số hộ ở Đại Lâm chế xuất ra? Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để chấm dứt tình trạng chế xuất rượu cồn trên

Q.Hưng - T.Huy
.
.
.