Có nên tiêm phòng ở nhà?

Thứ Tư, 31/05/2006, 09:21

Sau vụ tai biến của 7 trẻ em dưới 2 tuổi và dẫn đến cái chết của bé Nguyễn Thiên Bảo ở quận 5, TP HCM, do tiêm phòng sởi, quai bị và rubella (vắcxin Priorix Varilrix) theo hình thức dịch vụ. Câu hỏi đặt ra liệu có nên tiêm chủng với hình thức này, đặc biệt là tiêm tại nhà cho trẻ em hay không?

Ngay từ khi lọt lòng mẹ, trẻ em đã phải tiêm rất nhiều loại vắcxin để đề phòng các loại bệnh nguy hiểm có nguy cơ cao ở trẻ em. Đặc biệt trong hai năm đầu, khoảng thời gian tiêm chủng nhiều nhất, với khoảng 15 mũi chính thống lẫn nhắc lại, các em sẽ được tiêm 7 loại vắcxin phòng bệnh viêm gan B, bại liệt, ho gà, sởi, lao, bạch hầu, uốn ván. Bên cạnh đó có thể là viêm màng não mủ, viêm mũi họng, viêm phổi... tùy theo yêu cầu. Nói chung tất cả đó đều là các bệnh có biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao ở trẻ em.

Với sự tài trợ của UNICEF dành cho những nước chậm phát triển, trẻ em Việt Nam được tiêm phòng miễn phí 7 loại vắcxin như đã kể tại các trung tâm y tế phường, xã... Và số thuốc miễn phí này, hầu hết đều sản xuất trong nước, chỉ trừ một số ít UNICEF nhập từ các quốc gia khác về.

Do hoàn cảnh công tác bận bịu hoặc không muốn thời tiết ảnh hưởng đến con trong quá trình di chuyển từ nhà đến nơi tiêm chủng, nhiều bà mẹ có kinh tế khá giả đã “thuê” y tá của các trung tâm y tế chuyên tiêm phòng (có thể là trên địa bàn họ sinh sống, cũng có thể ở cơ sở khác) đến trực tiếp tại nhà tiêm cho con rồi thanh toán cho họ cả tiền công lẫn thuốc. Cứ như vậy, hình thức tiêm chủng dịch vụ ra đời và ngày càng thu hút nhiều bà mẹ trở thành khách hàng, nhất là những bà mẹ ở thành phố. Tại các bệnh viện phụ sản, mặc dù trẻ sơ sinh chưa kịp chào đời nhưng nhiều sản phụ đã được y tá, hộ lý đến tiếp thị hình thức tiêm chủng này.

Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất để hình thức tiêm dịch vụ ấy đến nhiều gia đình, trẻ em hiện nay không phải là những căn nguyên kể trên mà xuất phát từ căn bệnh “sính ngoại” trong việc sử dụng dược phẩm, đồng thời nhiều bà mẹ muốn tiêm cho con loại vắcxin phòng ngừa những bệnh theo diễn biến phức tạp của môi trường, xã hội đã sinh ra. Như H5N1 là một ví dụ. Mà những vắcxin như vậy chưa có trong chương trình tiêm chủng quốc gia nên không thể tiêm cho trẻ miễn phí. Chỉ có thể yêu cầu mới tiêm được vì giá vắcxin quá cao.

Theo một y tá chuyên tiêm phòng dịch vụ ở quận Ba Đình (Hà Nội) hiện nay, giá một mũi tiêm dịch vụ đối với các bệnh nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia dao động từ 40 - 80 nghìn đồng, tùy từng loại bệnh như bại liệt, lao... Đối với những vắcxin tiêm phòng theo yêu cầu thì giá “đội” nhiều hơn. “Đỉnh” nhất là mũi tiêm tổng hợp (gọi tắt là Hib) phòng các bệnh: viêm màng não mủ, mũi, họng, phổi... giá 350 nghìn đồng/mũi, trong khi phải tiêm 3 mũi mới đủ liều lượng. Chưa kể mũi nhắc lại sau một thời gian nhất định.

Với loại “xịn” hơn không gây phản ứng như sốt, sưng... thì một mũi này số tiền phải trả là 520 nghìn đồng. Còn những loại vắcxin phòng bệnh khác như viêm não Nhật Bản, thủy đậu hay vắcxin cùng lúc ngừa những bệnh quai bị, rubella, sởi... có thể từ 100 - 300 nghìn đồng tùy từng bệnh và xuất xứ của vắcxin.

Sở dĩ có độ vênh như vậy giữa vắcxin dịch vụ và miễn phí là do vắcxin tiêm dịch vụ chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Bỉ... trong khi vắcxin miễn phí lại sẵn có trong nước như đã nói, hơn nữa lại miễn phí nên giá thành rẻ hơn khi tiêm. Một câu hỏi đặt ra đã là miễn phí, khi tiêm tại sao lại tính cả tiền thuốc? Trả lời câu hỏi này, vẫn nữ y tá trên nói: “Nếu tiêm dịch vụ vào thời điểm không phải chiến dịch tiêm phòng trên toàn quốc đang diễn ra thì vắcxin đó coi như không miễn phí.

Vả lại, đã là tiêm dịch vụ, chúng tôi phải tạo ra những “khác biệt” so với tiêm miễn phí. Chẳng hạn, đối với mũi lao, nếu tiêm miễn phí tại phường một lọ ấy, chúng tôi có thể tiêm được cho mấy trẻ. Nhưng nếu tiêm dịch vụ, một em được hưởng nguyên một liều ấy. Thời gian bảo quản thuốc lại được bảo đảm, chỉ sử dụng trong 2 tiếng đồng hồ sau khi mở. Vì điều này, chúng tôi cũng xứng đáng được hưởng thù lao chứ!”.

Không chỉ thu tiền đối với hình thức tiêm dịch vụ, tiêm miễn phí, nhiều trung tâm y tế ở một số phường cũng thu cả tiền công và tiền thuốc, tất nhiên không phải với giá cao như dịch vụ mà chỉ dừng ở mức vài chục ngàn đồng. Tổng cộng tất cả số tiền thu được như vậy cùng  thù lao từ tiêm dịch vụ các loại vắcxin theo yêu cầu, thu nhập mỗi tháng của đội ngũ chuyên tiêm chủng không nhỏ. Cũng do thu nhập dồi dào nói trên, hiện nay hầu hết các nhân viên ở các trung tâm y tế phường... đều đi tiêm chủng dịch vụ.

Về điều này, theo ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thuộc Sở Y tế Hà Nội, là không sai đối với ngành Y tế. Bởi, ông giải thích, trong cơ chế thị trường, có cầu khắc có cung. Nhất là khi đơn vị ông lại tự hạch toán nên việc tiêm phòng dịch vụ là hình thức lấy thu bù chi. Thậm chí để tạo điều kiện cho việc làm này được thuận lợi, cơ quan ông chính là nơi nhập các loại vắcxin ngoại về cung cấp cho những người chuyên tiêm phòng dịch vụ. Nhưng bên cạnh việc tạo điều kiện cho đội ngũ y tá ở cơ sở tiêm dịch vụ, ngành Y tế có quản lý được họ không thì câu trả lời dường như là không.

Ngay như việc tiêm vắcxin cho trẻ, phần lớn những người đi tiêm tại nhà không thực hiện đúng theo quy trình của Bộ Y tế đã đề ra. Ví dụ, Bộ quy định trước khi tiêm, vắcxin phải được làm nguội bằng nhiệt độ bình thường và phải lấy bông gòn có alcohol sát trùng lên da rồi đợi alcohol bay hơi mới tiêm. Thế nhưng, 100 y tá đi tiêm dịch vụ thì cả 100 người không thực hiện đúng yêu cầu này. Cứ lấy vắcxin từ nhiệt độ 2oC ra là tiêm ngay. Hoặc vắcxin không được lưu giữ ở nhiệt độ quy định từ 2oC đến 8oC cũng dùng tiêm cho khách trong khi không ở những nhiệt độ bắt buộc, vắcxin phải hủy ngay v.v...

Ông Đỗ Lê Huấn cũng không thể phủ nhận những điều này, thậm chí ông còn khuyến cáo: không nên tiêm tại nhà do trong quá trình di chuyển, vắcxin không bảo đảm ở nhiệt độ lưu giữ. Hơn nữa, y tá đi tiêm không có bộ chống sốc mang theo (vì là của công, lại rất hạn chế về số lượng) để phòng trường hợp tai biến xảy ra... Và đối với 7 trường hợp xảy ra tai biến ở TP HCM vừa rồi, có lẽ không loại trừ những nguyên nhân trên. Do vậy, có nên tiêm phòng dịch vụ tại nhà hay không, các bạn hãy tự quyết định?

Tú Anh
.
.
.