Có một vị “giáo sư” nông dân

Chủ Nhật, 08/05/2005, 08:00
Ông Lê Xuân Quang, một lão nông già, quê ở thôn Đồng Côi (Nam Giang, Nam Trực, Nam Định) là một trong những con người kỳ lạ và đáng kính nhất mà tôi từng gặp. Mặc dù học hành chẳng đến đầu đến đũa, song ông lại say mê nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Lạ hơn nữa là một mình ông một "chiến tuyến", cả gan "đấu đá" với các nhà khoa học. Vậy mà phần thắng luôn thuộc về ông.

Căn nhà hai tầng, cũ kỹ, trong con ngõ nhỏ giữa làng, đâu đâu cũng cáu đen dầu mỡ, hôi hám. Căn phòng tầng hai, độ 7m2 là nơi ông Lê Xuân Quang sống và làm việc. Khắp nhà rặt những hòm, những cuộn câu đối, sắc phong, gia phả bằng chữ Hán... Trên tường dán kín bằng khen. Vị “giáo sư” gầy còm với cặp kính dày, ngồi thu lu ở góc giường, tay tỳ lên chiếc hòm méo mó, vênh váo để viết lách, nghiên cứu. 

Ông Lê Xuân Quang sinh năm 1924, trong một gia đình có truyền thống nho học. Cụ thân sinh là thầy đồ, tổ bốn đời là cử nhân Lê Xuân Thành, người đứng đầu trong “Nam Chân tứ hổ”, nổi tiếng hay chữ thời Vua Tự Đức. Học xong sơ lược yếu học thì mẹ mất, nhà nghèo, ông ở nhà tự học chữ Hán do cha dạy. Khi tóc còn để chỏm, người chú ở huyện Thanh Liêm, Hà Nam đưa về nuôi dưỡng và cho đi học ở xứ Kẻ Non. Mặc dù còn bé tẹo, nhưng ông đã đọc thông, viết thạo chữ Hán. Dựa vào các tài liệu dịch từ chữ Hán, ông viết về cuộc khởi nghĩa do Đinh Công Tráng lãnh đạo ở Nham Tràng.

Thầy giáo bắt được đã đánh ông một trận tơi bời rồi đuổi học, bởi vì hồi đó, nhà trường và chính quyền cấm học chữ Hán. Năm 1947, chiến tranh loạn lạc, ông Quang tản cư lên vùng biên giới Thanh Hóa, giáp Lào để làm nghề rèn tóp đuôi xe đạp. Đi đến đâu ông Quang cũng tranh thủ thu thập tư liệu văn hóa, lịch sử và đã hoàn thành tác phẩm mà ông nung nấu từ khi tóc còn để chỏm, đó là: “Từ căn cứ Nham Tràng đến chiến khu Ba Đình lịch sử”.

Cuốn sách miêu tả tỉ mỉ về cuộc khởi nghĩa của lãnh tụ Đinh Công Tráng. Ông “giáo sư” nông dân này đã ky cóp sắm cho mình một chiếc xe đạp mang nhãn hiệu Delta Lux. Khi ấy, ở cả miền Bắc chỉ có chưa đầy chục chiếc xe mang nhãn hiệu này. Từ khi có xe đạp, ông đi được xa hơn, nhiều hơn. Có lần, ông biệt tăm cả tháng trời khiến mọi người nhốn nháo đi tìm. Khi ông trở về, râu tóc xồm xoàm, người tóp teo vì thiếu ăn, thiếu ngủ, mọi người mới biết ông nằm lỳ ở cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng mãi bên Lào để nghiên cứu văn hóa. 

Hòa bình lập lại, ông trở về quê hương. Mặc dù quê ông có nhiều nghề phụ, song ông chẳng chịu làm gì, và cho đến bây giờ, dù đã ngoài 80 tuổi, ông vẫn cứ suốt ngày với chiếc xe Delta Lux tồng tộc đi hết tỉnh này, tỉnh nọ để sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, lịch sử. 

Hầu hết những ngôi làng trên khắp miền đồng bằng ven biển đều đã in dấu chân ông. Hầu hết văn bia, câu đối trong các ngôi đình, chùa ở mấy chục tỉnh, thành đều đã được ông dịch nghĩa, chỉnh sửa. Đến mỗi vùng, ông đều xin con dấu của chính quyền địa phương vào cuốn sổ mang theo. Tất nhiên, chẳng ai trả công tác phí cho ông cả. Ông bảo, giữ mấy cuốn sổ ghi hành trình này để làm kỷ niệm. Không biết, với gần 60 năm đạp xe rong ruổi khắp các tỉnh, thành, ông đã đi được bao nhiêu cây số.

Chỉ tính từ năm 1981 đến năm 2000, ông đã sử dụng hết 5 cuốn sổ, mỗi cuốn đều đầy ắp các con dấu của các cơ quan nơi ông đến. Trên cơ sở các con dấu, có thể tính được quãng đường mà 19 năm qua ông đã đi là 107.713km, trong đó đi ôtô, máy bay, tàu hỏa chỉ là 11.778km, còn lại, 95.935km ông đi bằng xe đạp.

Mới đây, có một chuyện buồn chợt đến với ông, đó là người vợ tảo tần, thường lo cho ông nắm cơm, manh áo đột ngột đổ bệnh rồi mù lòa. Bà không tự chăm sóc cho mình được nên ông đành phải bỏ dở những chuyến phiêu lưu dài ngày.

Trong suốt cuộc đời nghiên cứu văn hóa dân gian của mình, có lẽ những phát hiện về lỗi trong các câu đối của ông Quang là thú vị và thành công nhất. Ông nổi tiếng và thông tuệ đến nỗi người dân ở các vùng quê gặp ông đều kính cẩn “phong” ông là “giáo sư”.

Ông cho biết, rất nhiều hoành phi, câu đối mới dựng ở các đền, chùa dùng sai chữ nghĩa trầm trọng, kiểu như râu ông nọ cắm cằm bà kia. Ví dụ, đền thờ hai tướng Bình Ngô khai quốc công thần vốn là anh em sinh đôi ở đền thôn Mạo Chử, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam có câu đối: “Nhất bào lưỡng xuất Trung hưng thánh – Lịch đại bao phong Thượng đẳng thần” (Nghĩa là: Một bọc sinh hai thánh Trung hưng – Các triều phong bậc thần Thượng đẳng). Vế đối trên, chữ “Lưỡng” (hai), viết nhầm ra chữ “Lượng” (giống yêu quái ở gỗ đá), chữ “Hưng” (lên) viết nhầm ra chữ “Hoa” (vẽ vời). Vế đối dưới, chữ “Bao” (khen), viết nhầm ra chữ “Bão” (chạy bon bon nhảy cẫng).

Thế là câu đối trở thành: “Một bọc sinh hai giống yêu quái ở gỗ đá, thánh vẽ vời – Trải các triều chạy bon bon nhảy cẫng phong bậc Thần thượng đẳng”. Còn hàng trăm câu đối, hoành phi có những lỗi sai mà ông chỉ ra khiến người đọc muốn cười mà không cười nổi. 

Những công trình nghiên cứu của ông Lê Xuân Quang trước nay thường được in trên các báo, tạp chí với bút danh Minh Chính và được bạn đọc hoan nghênh. Có nhiều bài viết của ông được một số nhà sử học gọi là “Những quả bom Lê Xuân Quang”. Ông đã phát hiện và làm sáng tỏ hàng trăm sự thật lịch sử mà những người viết sử thiếu trách nhiệm đã viết sai.

Ông đã từng bật khóc khi một tác giả “thản nhiên” cho rằng Tuyên Từ Thái hậu (Nguyễn Thị Anh – thời Vua Lê Thái Tông) là một kẻ độc địa, tàn ác, trong khi sự thực bà là người nhân từ, độ lượng. Tác giả này đã tự “cải chính” lịch sử để tác phẩm của mình “có thêm mâu thuẫn”, nhằm hấp dẫn bạn đọc. Ông đã kiên trì đấu tranh suốt mấy chục năm ròng mới "giải oan" được cho nhân vật lịch sử này.

Để nuôi nghiệp, nuôi thân, ông Quang hì hụi viết báo, viết sách. Ông đã tích cực cộng tác với tổng số 38 đầu báo, tạp chí để kiếm sống.  

Tuy vậy, người vợ mù lòa, bệnh tật, rất cần tiền mua thuốc men, dù phải ăn khoai, ăn sắn để viết sử, song không bao giờ ông vì đồng tiền mà làm sai lệch lịch sử. Ông kể với tôi rằng, có một cán bộ to của tỉnh nọ đến tận nhà ông nhờ ông viết thần tích về Quan Âm Thị Kính và yêu cầu ông phải viết rằng bà xuất thân từ một địa danh nằm trong khu du lịch thuộc quyền quản lý của tỉnh nhà để quảng bá cho du lịch tỉnh nhân mùa lễ hội. Họ trả công cho ông là 10 triệu đồng. Ông bảo, chỉ chấp bút một buổi là xong, tuy nhiên, ông không đủ can đảm để làm cái việc có lỗi với lịch sử và có lỗi với cả thế hệ tương lai của đất nước.   

Giờ đây, nguồn sống của “giáo sư” Quang chủ yếu là tiền bồi dưỡng từ những lần dịch gia phả, viết hoặc sửa chữa câu đối, văn bia bằng chữ Hán. Theo cuốn sổ ghi chép thì 60 năm nay ông đã dịch trên 2.000 gia phả, viết 200 thần tích, in 10 cuốn sách, trong đó cuốn Thần tích Việt Nam ông đã in 3 tập, còn 20 cuốn đã viết xong, nhưng vì nhiều lý do nên chưa in được.

Mỗi ngôi làng, khi đón nhận danh hiệu làng văn hóa, hay đình, chùa đón nhận bằng di tích đều nhờ ông viết thần tích để tôn vinh. Để viết được một thần tích, ông phải đọc rất nhiều, thu thập thông tin từ nhiều hướng. Viết xong, ông phải “bắt” ôtô lên Hà Nội nộp bản thảo cho một nhà sử học danh tiếng xem xét, đánh giá và lưu lại bản thảo ở Hội Sử học. Hoàn thành mỗi thần tích, ông được trả công 300 ngàn. Số tiền này chỉ đủ tiền vé ôtô đi Hà Nội, ăn uống dọc đường và tiền phôtô, in ấn. May thay, Nhà xuất bản Thanh Niên đã in cho ông cuốn sách "Thần tích Việt Nam" và trả ông số tiền nhuận bút 4 triệu đồng, giúp ông bớt một phần khó khăn.

Qua việc viết thần tích, dịch gia phả, văn bia, ông nhận ra nhiều sự thật lịch sử quý giá nằm trong những tài liệu cổ này. Giờ đây, ông không còn đi xa được nhiều nữa vì sức khỏe không cho phép, song ông lại cặm cụi viết lách. Ông đang cố gắng hoàn thành cuốn “Dọn vườn Văn -  Sử - Địa” khi tuổi và sức của ông chẳng còn là mấy. Thỉnh thoảng lại có thi sĩ tỉnh lẻ tới thăm ông. Nhìn cảnh sống của ông mà buồn lòng. Trước khi ra về, dù nghèo lắm, song họ vẫn để lại nơi đầu giường ông khi thì mười ngàn, khi thì hai mươi ngàn.

Có lẽ, người mê các công trình nghiên cứu của ông Quang nhất là anh Hà Văn Mô, Phó trưởng Công an huyện Nam Trực, Nam Định. Hễ ông Quang ra bản thảo cuốn sách nào là anh Mô mua luôn bản phôtô về đọc. Mỗi bản thảo anh trả ông 100 ngàn. Đó là nguồn sống để “giáo sư” Quang có thể dồn tâm huyết cho những đam mê cháy bỏng.

Bản thảo cuốn sách “Dọn vườn Văn - Sử - Địa” của “giáo sư” nông dân Lê Xuân Quang là tập hợp các bài nghiên cứu, “dọn sạch” những sai lệch lịch sử của một số tác giả làm ẩu. Người con trai thấy ông là nông dân mà cả đời cứ vùi đầu vào sách vở nên ái ngại, thương cha nghĩ ông bị thần kinh nhưng cũng chẳng giúp được gì. Ông phải sống một mình trong căn phòng nhỏ xíu trên tầng 2. Mùa đông, căn phòng thông thống hứng gió lạnh, còn mùa hè đón trọn ánh mặt trời như cái lò nung. Cũng may là người vợ mù lòa hiểu ông, thường xuyên tâm sự, chia sẻ với ông. Cả đời ông mê đắm với lịch sử, với văn hóa, song cuộc đời ông cũng truân chuyên. Dường như và cũng đang bị một số người quên lãng

Phạm Ngọc Dương
.
.
.