Có một linh hồn trời Âu về an nghỉ trên vùng quê gió Lào cát trắng

Thứ Bảy, 23/07/2005, 07:06

Ông là một công dân Cộng hoà Áo song đã đấu tranh không mệt mỏi chống lại cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn tiếp tục giúp đỡ những người bạn Việt. Một con người ở tận trời Âu nhưng trong di chúc của mình có đoạn nói rõ nếu mình qua đời thì thi hài hãy an táng tại Việt Nam

Nghĩa trang Ba Dốc thuộc xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nằm sát quốc lộ 1A. Nơi đây an nghỉ hàng chục nghìn liệt sĩ ở khắp các miền quê Tổ quốc đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ.

Cạnh khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ này, có một khu đất cao ráo, bằng phẳng, dành cho các bậc lão thành có công với cách mạng, cán bộ trung cao cấp nằm xuống lúc qua đời. Và, rất bất ngờ, nếu có ai một lần đến đây, sẽ thấy ngôi mộ ốp đá hoa, bề thế, trang nghiêm. Mộ chí không khắc ghi tên người. Dưới mộ là một công dân Cộng hòa Áo. Như bao ngôi mộ khác, trong những ngày lễ, tết, rằm mồng một âm lịch, trên ngôi mộ này, hương hoa vẫn tỏa hương thơm ngào ngạt. Những người dân trên quê hương của gió lào cát trắng đã chuyên cần đến thăm viếng, kính dâng. Một linh hồn ở trời Âu hẳn mãn nguyện khi đã bay về đây để an bài giấc ngủ ngàn thu. Đó là ông Walter Neuhauser.

Sinh ra (20/12/1923) và lớn lên ở thành phố Braunau, sau khi học hết chương trình phổ thông, ông Walter Neuhauser nộp đơn học Điện lực rồi tiếp tục tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ công nghiệp. Tuổi đời phơi phới với bao dự kiến tốt đẹp thì tháng 3/1938, Đức thôn tính Áo. Năm 1942, giữa lúc Đại chiến lần thứ II đang nóng bỏng, mới 19 tuổi, chàng thanh niên Walter Neuhauser bị động viên vào quân đội của Hitler, rồi bị đẩy sang mặt trận Bắc Phi. Ngày 12/5/1943, cùng một số đồng ngũ khác, Walter Neuhauser bị liên quân Anh, Mỹ bắt làm tù binh và đưa về giam giữ tại Mỹ. 4 năm sau, Walter Neuhauser được trả về Áo.

Con đường chinh chiến với những chết chóc vô nghĩa đã làm ông ý thức được là phải nên làm gì khi trở về Tổ quốc. Walter Neuhauser sôi nổi hoạt động xã hội, nhằm phấn đấu làm cho cuộc đời mình hữu ích cho mọi người. Năm 1949, ông gia nhập Đảng Cộng sản Áo. Suốt những năm tháng sau đó, ông tham gia nhiều cuộc bãi công để đòi quyền lợi cho nhân dân lao động Áo cũng như những phong trào phản đối chiến tranh phi nghĩa trên toàn thế giới. Năm 1950, ông lại bị bắt vì tham gia cuộc tổng bãi công của công nhân và nhân dân lao động Áo.

Vào những năm của thập kỷ 60, 70, khi chiến tranh Việt Nam ngày càng ác liệt, đế quốc Mỹ đã viện trợ cho chính quyền ngụy và trực tiếp gây bao tội ác với nhân dân Việt Nam. Thế giới loài người rùng rùng xuống đường biểu tình phản đối đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam và ủng hộ nhân dân Việt Nam đang chịu mọi hy sinh chiến đấu để giải phóng đất nước. Người đảng viên Đảng Cộng sản Áo, ông Walter Neuhauser, đã hòa trong dòng người của xứ sở đất nước mình, xuống đường hô vang khẩu hiệu: Đả đảo đế quốc Mỹ và ủng hộ Việt Nam chính nghĩa.

Năm 1996, một hành động mang ý nghĩa nhân văn lớn lao là ông đã mang 2 kilôgam vàng (tương đương 77.324 USD) trị giá 220 triệu Việt Nam đồng lúc bấy giờ, vốn là tài sản ông kế thừa của cha mẹ để lại đến trao cho Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Áo, nhờ chuyển cho nhân dân Việt Nam cùng với tờ di chúc, trong đó có đoạn nói rõ nếu mình qua đời thì thi hài hãy an táng tại Việt Nam và từ đó, ông quyết định sống cuộc sống đạm bạc, dành tiền tiết kiệm ít ỏi của mình để giúp nhân dân Việt Nam.

Số tiền ông Walter Neuhauser tặng, Chính phủ Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam đã quyết định chuyển về cho “Trung tâm Bảo trợ Xã hội Quảng Bình” (nay là “Trung tâm nuôi dưỡng người có công và đối tượng xã hội Quảng Bình”).

Ngày 2/7/2002, sau một thời gian lâm bệnh, ông Walter Neuhauser qua đời tại nhà riêng, số 7 Gartenegase 5280, thành phố Braunau, Cộng hòa Áo. Cho đến khi nhắm mắt, ngoài số vàng đã nói ở trên, số tiền tiết kiệm trong 6 năm tiếp được ông gửi tặng Việt Nam đã lên tới 250.000 Schiling, tương đương 25.000 USD.

Trân trọng tình cảm và nghĩa cử cao đẹp của ông, ngày 8/11/2002, Chính phủ Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đón thi hài của ông về an nghỉ tại khu vực nghĩa trang Ba Dốc, trên mảnh đất Quảng Bình anh hùng còn lưu nhiều chiến tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Số tiền ông gửi tặng, “Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Bình” đã được sử dụng vào nhiều việc hữu ích để góp phần nuôi dưỡng các cháu mồ côi, tàn tật và người già không nơi nương tựa. Trung tâm còn mua sách vở học tập cho các cháu, may áo quần, xây dựng một phòng thư viện đọc sách rộng 60m2. 

Ông Nguyễn Tiến Ngữ, Giám đốc Trung tâm  xúc động cho chúng tôi biết, khi nhận số tiền đó, Trung tâm mới thành lập hơn 1 năm, còn gặp nhiều khó khăn. Việc làm của ông Walter Neuhauser đã đưa đến những hiệu quả lớn lao trong những công việc nhân đạo của Trung tâm.

Giữa chiều tháng 6, ồi ồi gió Lào thổi trên đất Quảng Bình. Tôi và một số bạn bè trong Hội VHNT Quảng Bình đến thăm mộ ông tại khu nghĩa địa Ba Dốc, phía bắc thành phố Đồng Hới. Ngoài tên tuổi, quê quán, năm sinh, ngày tạ thế, chúng tôi đọc được những dòng trích trong di chúc của ông được khắc trên mộ chí: "Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam, tôi đã đấu tranh không mệt mỏi chống sự xâm lược của Mỹ. Và cho đến ngày cuối cùng cuộc đời tôi vẫn tiếp tục giúp đỡ người bạn của tôi - Việt Nam. Walter Neuhauser".

Dâng hoa, thắp hương, lòng chúng tôi tràn ngập nỗi xúc động, tôn kính, biết ơn lạ thường trước linh hồn cao cả, thấm đẫm tinh thần quốc tế vô sản của một con người ở tận trời Âu đã bay về an nghỉ nơi đây. Và từ đó, chúng tôi càng thấy tự hào về ý nghĩa vĩ đại lịch sử, cuộc sống của con người trên mảnh đất này, Tổ quốc Việt Nam thân yêu này. Nó đã thành quê hương thứ hai của bao con người, bao tâm hồn trên trái đất. Tất cả đều muốn về đây, sống dù chỉ một ngày hay vĩnh viễn an bài trong lòng đất trên quê hương Việt Nam - biểu tượng của sự  dũng cảm, kiên cường và lòng nhân ái

Hồ Ngọc Diệp
.
.
.