Nhân 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ:

Cơ hội mới nâng cao đời sống cho đồng bào

Thứ Hai, 04/05/2009, 14:56
Đã 55 năm kể từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nhưng Điện Biên hôm nay vẫn là tỉnh đặc biệt khó khăn. Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với ông Đinh Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên về định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

PV: Điện Biên có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng hiện lại là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Vậy tỉnh có định hướng như thế nào để đưa Điện Biên phát triển xứng tầm với lịch sử và tiềm năng sẵn có, thưa ông? 

Ông Đinh Tiến Dũng: Ai cũng biết Điện Biên là một vùng đất có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh và có ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt. Nhưng Điện Biên hiện vẫn là tỉnh đặc biệt khó khăn; tỉnh có tới 4 trong 61 huyện nghèo nhất nước. Vì vậy trong xu thế phát triển và hội nhập của đất nước, chúng tôi xác định cần phải có sự thay đổi mạnh về nhận thức, tư duy để đưa Điện Biên thành trung tâm của vùng Tây Bắc, là thời cơ mới nâng cao đời sống cho đồng bào. Hiện tỉnh đang tập trung vào mấy vấn đề:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng đào tạo cả về quy mô lẫn chất lượng để nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực. Đây là vấn đề rất quan trọng. Chủ trương của tỉnh hiện nay là từng bước hoàn thiện xây mới và kiên cố hóa trường học tại các xã, bản trong toàn tỉnh, xóa bỏ nhà tạm tại các khu bán trú dân nuôi, đảm bảo cho các em học sinh có điều kiện học hành, nâng cao dân trí, tiếp cận được với các thông tin, tri thức kinh tế xã hội; triển khai thực hiện việc nâng cấp toàn bộ các trường THCS dân tộc nội trú tuyến huyện thành trường THPT dân tộc nội trú...

Thứ hai, là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân thông qua việc đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở y tế tuyến huyện, các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực. Cuối tháng 4 này, chúng tôi vừa khánh thành 3 bệnh viện ở các huyện Mường Nhé, Tuần Giáo và Mường Chà.

Thứ ba, làm tốt an sinh xã hội, thực hiện tốt Nghị quyết 32 của Chính phủ và các Chương trình 134, 135, Chương trình các xã biên giới… sắp xếp lại dân cư, sắp xếp lại cơ sở hạ tầng văn hóa xã hội cũng rất quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới, thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào.

Hiện 104/106 xã có đường ôtô, 66% xã có điện lưới quốc gia; 100% xã có điện thoại, trường học, trạm xá; 100% dân số được phủ sóng phát thanh, 85% dân số được phủ sóng truyền hình. Tháng 12-2008, Điện Biên cũng đã hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở; tỉnh hiện không chỉ cân đối được lương thực mà còn thừa lúa gạo để sản xuất hàng hoá.

Tỉnh Điện Biên đang tập trung tôn tạo các di tích lịch sử để thu hút khách du lịch.

PV: Nhưng để phát triển thì ngoài đầu tư của Chính phủ, cũng rất cần sự chủ động của địa phương. Xin ông cho biết tỉnh có chính sách gì để thu hút đầu tư?

Ông Đinh Tiến Dũng: Để thu hút đầu tư, chủ trương của tỉnh là tận dụng tối đa cơ chế ưu đãi của Nhà nước chứ tỉnh không thể "lách luật". Nhưng vấn đề mà chúng tôi xác định để trở thành thế mạnh thu hút nhà đầu tư và cũng để địa phương cạnh tranh với các tỉnh khác là tập trung cải cách hành chính cho nhà đầu tư. Trước kia, nhà đầu tư vào, để nhận được giấy phép mất không ít thời gian. Bây giờ với các dự án cụ thể, nếu cứ tuần tự thủ tục thì có khi mất hàng tháng xin ý kiến mới xong, nhưng chúng tôi tập trung xử lý tại chỗ, vì vậy nhiều khi chỉ một, hai ngày là xong. Làm như vậy thì năng lực cạnh tranh sẽ được nâng lên và hấp dẫn hơn.

Với nhà đầu tư vào tỉnh, chúng tôi tạo điều kiện tối đa cho họ. Không chỉ về thủ tục, có nhà đầu tư vào, nếu khó khăn về vốn, chúng tôi sẽ cùng với họ tìm giải pháp để vay vốn, thậm chí kiến nghị với Chính phủ vì yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn.

PV: Vậy trong những năm tới, Điện Biên chọn những lĩnh vực nào là trọng điểm để đầu tư phát triển lâu dài?      

Ông Đinh Tiến Dũng: Về lâu dài, Điện Biên đi vào hai lĩnh vực thế mạnh là nông - lâm nghiệp và du lịch.

Tỉnh xác định để phát triển nông nghiệp cần gìn giữ tốt cánh đồng Mường Thanh, bởi đây không chỉ có giá trị văn hóa, lịch sử mà là nơi sản xuất lúa đặc sản rất quan trọng. Cùng với nông nghiệp là phát triển mạnh lâm nghiệp, trồng rừng, kể cả rừng phòng hộ và rừng kinh tế. 

Du lịch là thế mạnh của Điện Biên mà các nơi khác không có, gồm cả du lịch lịch sử, du lịch văn hoá và du lịch sinh thái. Du lịch lịch sử gắn với di tích: đền Hoàng Công Chất; tháp Mường Luân đặc biệt là cụm di tích lịch sử Điện Biên Phủ, vì vậy phải từng bước chỉnh trang, cải tạo và "thổi hồn" vào di tích để gìn giữ.

Với du lịch văn hóa, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng, đây là cái rất hấp dẫn khách du lịch. Hiện tỉnh đã đầu tư cơ sở hạ tầng, khôi phục bản sắc văn hoá truyền thống tại 8 bản làng ở thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên...

Với du lịch sinh thái, Điện Biên có cánh đồng Mường Thanh, chùm hồ Pa Khoang, Hồng Khếnh, Pe Luông; suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; danh thắng hang động Thẩm Púa, Pa Thơm… đây là một trong những thế mạnh để Điện Biên đầu tư phát triển du lịch sinh thái - văn hóa.

Tỉnh cũng đang mở rộng giao lưu, xúc tiến mời gọi liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành trong nước và các nước trong khu vực như: Lào, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc… để từ đó hình thành các tuyến, tour, điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách đến với Điện Biên hơn.

Tôi cho rằng phát triển được du lịch thì cơ cấu kinh tế của Điện Biên sẽ khác hẳn. Sự phát triển của Điện Biên gắn với phát triển du lịch là sự phát triển bền vững.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Thiêm (thực hiện)
.
.
.