Cô gái 8x và mong ước lớn lao

Thứ Sáu, 01/12/2006, 09:27
Chỉ với 12 phút 25 giây, bộ phim nói về người đàn bà ở thôn quê bị lây nhiễm AIDS từ người chồng. Từ đó chị bị nhà chồng hắt hủi, kỳ thị, đỉnh điểm là cô em chồng mang hết quần áo, đồ dùng của chị ra sân tẩm xăng châm lửa đốt, rồi ép chị phải rời bỏ chồng, con đi biệt xứ...

Đêm tối mịt mùng, bước chân người phụ nữ đau khổ liêu xiêu giữa ngõ làng sâu hun hút. Đi đến đâu là ở đó người ta dùng đuốc xua đuổi, hệt cảnh trừ tà. Con ngõ thâm u ấy cứ bao trùm một bóng đen và tưởng như dài vô tận… Những ngày này, hầu như tất cả những người không may bị AIDS đều đã một lần được xem đoạn phim xúc động ấy. Và, tất cả đều bất ngờ khi biết tác giả kịch bản của bộ phim đó lại là một cô gái mới ngoài 20 tuổi vừa rời ghế giảng đường.

Duyên nghề kỳ lạ

Bùi Kim Quy, tên nhà biên kịch trẻ tuổi ấy đang ở TP Hồ Chí Minh. Cô đang đi thực tế để tới đây cho "ra lò" một bộ phim mới cũng thuộc nhóm đề tài hiện rất "hot": đồng tính. Quy bảo, đề tài này đã nhiều người làm nhưng chẳng hiểu sao nhà sản xuất lại chọn cô. Có lẽ do sự rung động của bộ phim “Sao ban ngày không có mặt trăng?” thời lượng chỉ 12 phút 25 giây nói về thân phận của những người không may bị AIDS mà cô làm trước đó.

Quy kể, cô đến với “Sao ban ngày không có mặt trăng?” như duyên phận. Khi ấy, giữa năm 2005, khi đang là sinh viên của Trường Sân khấu điện ảnh, cô bất ngờ nhận được thư mời hợp tác làm phim từ một vị cố vấn y tế cấp cao của Ủy ban Y tế Hà Lan tại Việt Nam về đề tài chống kỳ thị đối với những bệnh nhân AIDS. Nói là duyên phận bởi do không để ý nên lá thư đó đã nằm trong hộp thư của Quy suốt mấy tháng trời.

Một buổi đến lớp, nhờ một người bạn, phát hiện ra bức thư ấy, Quy đã mừng quýnh nhưng lại tê tái khi biết, thư mời đã hết hạn từ lâu. Tuy thế, để… nguôi ngoai niềm tiếc nuối, ngay chiều ấy, Quy vẫn tìm đến địa chỉ ghi trên bức thư. Bà Pauliune, vị cố vấn cấp cao của Ủy ban Y tế Hà Lan tại Việt Nam, người đã gửi thư tay cho cô bảo, bà đã xem một bộ phim ngắn của cô làm trước đó về một gia đình nghèo khổ, bà rất xúc động.

Chính vì thế, khi Ủy ban Y tế cần làm một bộ phim ngắn về bệnh nhân AIDS, bà nghĩ ngay đến cô. Bây giờ, tuy đã quá trễ nhưng bằng sự tin tưởng của mình, bà vẫn muốn Quy thử sức.

Ngay hôm đó, sau khi được nghe lại CD “Một ngày mới” gồm những lời tâm sự đầy nước mắt của các thành viên không may mang trong mình căn bệnh nan y đang sinh hoạt ở Hoa hướng dương, cốt truyện của kịch bản phim cũng đã hiện lên trong đầu Quy mỗi lúc một rõ. Ngay lập tức, cô diễn tả lại cốt truyện đó cho bà Pauline. Bà Pauline cũng vô cùng thích thú.

Vậy là, từ chiều ấy, để hoàn thiện kịch bản trên, cứ khi rỗi là Quy lân la đến tất cả các xóm bụi, nơi mà cô… nghi có nhiều người bị AIDS sinh sống. Ngoài việc "vùi mình" nơi xóm bụi, nơi Quy hay lui tới là câu lạc bộ của những người có "H".

Quy kể, có lần vào thực tế ở một nhóm tại quận Đống Đa, bởi muốn quan sát tỉ mỉ, Quy cứ nhìn chằm chằm từ đầu đến chân một chị đang đan len. Thấy cô gái trẻ cứ "soi" mình bằng một ánh mắt lạ lùng ấy, chị kia phát bực, mắng Quy té tát. Sau này, hiểu ra, hai chị em đã rất thân thiết với nhau.

Bây giờ, với những câu lạc bộ của người không may bị AIDS mà cô thường xuyên lui tới thực tế, Quy đã là… người nhà. Cô bảo, trong suốt những ngày tìm tư liệu để hoàn thiện kịch bản phim ấy, cô không nhớ hết mình đã tiếp xúc với bao nhiêu người không may có "H". Mỗi người có một số phận đớn đau khác nhau và cứ nghe chuyện của họ là cô không cầm được nước mắt.

"Sao ban ngày không có mặt trăng?"

Làm phim, ấy là lần đầu tiên Quy tiếp xúc với những người không may có HIV. Và, cũng từ thời gian ấy, cô đã nghĩ, nếu bạn bị cúm, khi nói chuyện tôi có thể bị lây bệnh nhưng bạn bị HIV, ngay cả khi tôi ôm hôn bạn thắm thiết thì cũng không thể lây được. Vậy tại sao lại hắt hủi những người có HIV, dồn họ vào chân tường?.

Cách thức tuyên truyền để chống sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người không may đó ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa thực sự có hiệu quả, đôi khi là phản tác dụng. Thậm chí bây giờ, đâu đó vẫn còn những poster đầu lâu xương chéo với HIV và đưa ra những hình ảnh về người mắc AIDS trông như thần chết.

Chính vì thế mà HIV trở thành hình ảnh vô cùng khủng khiếp và người không may bị bệnh trở thành nạn nhân của sự kỳ thị, ruồng rẫy… Nếu như ngay từ ban đầu họ nói rằng, HIV không dễ lây, không có thuốc chữa nhưng có thuốc kháng để kéo dài tuổi thọ và một người từ lúc phát hiện mình có HIV có thể sống thêm 20 năm nữa nếu uống thuốc đầy đủ thì cái nhìn của mọi người về HIV nay đã khác rất nhiều.

Bởi thế, khi kịch bản hoàn tất, tên của bộ phim, Quy muốn thẳng thừng phê phán sự phân biệt đối xử, kỳ thị với những người mắc AIDS như hiện nay. Và, cái tên "Sao ban ngày không có mặt trăng?" đã được cô chọn. "Sao ban ngày không có mặt trăng?", ấy là câu của cô con gái người đàn bà bị AIDS hỏi mẹ giữa đêm thanh vắng. Và, câu hỏi ấy, người mẹ đã không thể trả lời.

Quy kể, khi chiếu phim lần đầu tiên, nhiều người... sốc. Sốc bởi bi kịch của nhân vật chính trong phim dù bi kịch ấy, theo Quy thì ngoài đời còn khủng khiếp hơn nhiều. Kết thúc phim là cảnh người đàn bà bị AIDS liêu xiêu trong con ngõ tối. Ai đó đã thắc mắc với Quy rằng sao không cho kết thúc tươi đẹp hơn? Quy bảo, tuyên truyền HIV, nếu người ta không nhìn thẳng vào sự thật của vấn đề thì sẽ rất khó có kết quả như mong muốn.

Giờ, bộ phim đang được rất nhiều người quan tâm đến căn bệnh nan y này đón nhận. Tuy vậy, cô gái mới ngoài 20 tuổi ấy chỉ mong muốn một điều là bộ phim sẽ góp một phần nhỏ bé làm thay đổi cách nhìn với bệnh AIDS mà thôi

Đào Tuy - Ngọc Lâm
.
.
.