Cô bé da cam trở thành nhân vật nổi tiếng

Thứ Sáu, 24/12/2010, 10:54
Nguyễn Thị Ly (SN 2001), trú phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn - đã trở thành nhân vật nổi tiếng bất đắc dĩ khi bức ảnh chụp em vừa được Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố là "bức ảnh của năm" 2010. Nhà nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ Ed Kashi đã tái hiện một cách rất sinh động nỗi đau của con người Việt Nam khi mang trong mình chất độc quái ác do đế quốc Mỹ gieo rắc.

Vượt lên nỗi đau mang tên da cam

Bố mẹ Ly, anh Nguyễn Quang Dương (46 tuổi) và chị Lê Thị Thu (39 tuổi) gặp nhau cách đây 10 năm. Anh làm phụ hồ, hay ăn tại quán cơm của chị gái chị Thu. Từ sự cảm mến, 2 người đã nên vợ chồng. Niềm vui nhân lên khi chị mang trong mình bào thai nhỏ bé. Tuy nhiên, mới được 6 tháng rưỡi thì chị chuyển dạ. Sau ca mổ, chị tưởng chừng như không gượng sống nổi khi nhìn gương mặt và phía trên đầu của con. Biết con gái mình bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC) do Mỹ gieo rắc, chị đau quặn lòng.

Bức ảnh chụp em Ly của tác giả người Mỹ Ed Kashi.

Đẻ non với chỉ gần 1,7kg, Ly phải nằm trong lồng kính 2 tháng trời. Gần 5 tuổi, Ly vẫn còn nằm liệt giường, không nói được nửa câu. Không nản lòng, không cam tâm với số phận, ngày nào gia đình cũng tập cho Ly nói, đi lại. Điều kỳ diệu đã đến khi trong một lần chập chững bước đi bị té ngã, Ly bật lên tiếng kêu đau.

Chị Thu đã khóc nức nở khi được nghe tiếng con nói. Ngôi nhà vốn buồn bã ấy đã trở nên tràn ngập niềm vui. Từ khi biết nói, biết đi, Ly trở nên nhanh nhẹn, cứ bi bô nói liên hồi. 6 tuổi, Ly đi học mẫu giáo nhỡ. Qua 7 tuổi, nhờ học được nên Ly được vào lớp 1. 2 năm liên tục Ly được học sinh tiên tiến, mới đây Ly còn đạt giải ba vở sạch chữ đẹp của quận.

Nhân vật nổi tiếng bất đắc dĩ

Dư âm của sự kiện lớn mà cả thế giới đều biết ấy dường như chưa đến trong căn nhà tình thương nho nhỏ nằm trong đường kiệt quanh co. Và bố mẹ Ly đón nhận tin ấy với 1 cảm xúc bình lặng. Có lẽ, nếu đổi lại, anh chị không cần điều to tát ấy mà chỉ cần cho Ly 1 hình hài bình thường như bao đứa trẻ khác.

Cô giáo dạy tiếng Anh cho Ly và em trai.

Nhớ lại khoảng thời gian cách đây 5 tháng, khi cả nhà trở thành diễn viên bất đắc dĩ cho nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ Ed Kashi và đồng nghiệp - bà Cathesrine, anh Dương kể: 2 người Tây được chị Lương Thị Hương, Trưởng đại diện Tổ chức Trẻ em Việt Nam tại Việt Nam đưa đến gia đình để làm bộ phim, bộ ảnh về đề tài nạn nhân chất độc da cam.

Làm diễn viên 4 ngày nhưng thực chất chúng tôi vẫn sinh hoạt bình thường! Dưới ống kính của những nhà quay phim, nhiếp ảnh nổi tiếng, cuộc sống của gia đình sống cùng nỗi đau da cam thực và sinh động hơn bao giờ hết. "Điều đáng quý hơn, trong thời gian ngắn ngủi đó, ông Ed Kashi và bà Cathesrine đã dành những tình cảm tốt đẹp, những lời động viên hết sức chân thành khiến gia đình tôi càng có động lực hơn để vượt qua nỗi đau và vươn lên trong cuộc sống", anh Dương chia sẻ. Còn cháu Nguyễn Thị Ly thì xúc động: "Ông Ed Kashi và bà Cathesrine còn dạy cho cháu học tiếng Anh, bày cho cháu một vài trò chơi, chúc cháu sức khỏe, học giỏi… nữa".

Ly không nhận thức được "bức ảnh của năm" mà UNICEF bình chọn là gì. Chỉ khi nghe chúng tôi nhắc đến ông Ed Kashi và bà Cathesrine, cô bé mới hí hửng đem bức thư mà ông Ed Kashi và bà Cathesrine gửi chúc mừng gia đình em nhân dịp Giáng sinh và năm mới ra khoe.

Dù mang trong mình chất độc quái ác với khuôn mặt bị biến dạng, họng hình lòng chảo và căn bệnh yếu tim do lồng ngực chèn ép nhưng ở Ly vẫn toát lên sự nhanh nhẹn, hoạt bát và thông minh. Nhìn nụ cười trên khuôn mặt cô bé bất hạnh ấy, chúng tôi nhận thấy dường như chưa bao giờ em gục ngã và đầu hàng số phận.

Theo bà Lương Thị Hương thông qua "bức ảnh của năm" 2010, nhiều tổ chức, cá nhân ở Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung hiểu hơn về nạn nhân CĐDC và nỗi đau dai dẳng của nó. Qua đây, việc đấu tranh vì công lý vì nạn nhân CĐDC Việt Nam càng được lưu tâm hơn và công lý sẽ thuộc về vốn dĩ của nó!

Ngọc Hà
.
.
.