Cờ Tổ quốc giữa trùng khơi

Thứ Hai, 08/02/2016, 08:26
Những lá cờ Tổ quốc tung bay phần phật trên những con tàu ngư dân, là cột mốc giữa trùng khơi sóng vỗ; gần gũi, thân thương như xóm làng, cha mẹ. Giữa bão tố phong ba, cờ Tổ quốc đã tiếp thêm ý chí, niềm tin, sức mạnh cho ngư dân kiên cường, bền gan bám biển, bảo vệ ngư trường truyền thống của cha ông mình để lại…


Buổi sáng ở Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) hàng trăm tàu cá ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung ra, vào rộn ràng, tấp nập; cờ Tổ quốc đỏ thắm, rạng ngời trong nắng sớm.

Thoăn thoắt đôi tay đan sửa nốt những mắt lưới trước khi kéo neo, ngư dân trẻ Trương Văn Bảo Quốc, hồ hởi: “Mấy tháng qua biển động, tàu nhà em đánh bắt ở vịnh Bắc Bộ. Bây giờ nắng ấm, biển êm, chúng em ra Hoàng Sa làm một hai chuyến để về ăn Tết. Cá tôm nhiều nhất là ở ngư trường Hoàng Sa”.

Trên chiếc tàu ĐNa 90675 của gia đình Quốc có hơn chục ngư dân. Người lớn nhất tuổi gần 50 và đã có gần hai phần ba cuộc đời đi biển. Người trẻ nhất theo nghề cũng đã 2 năm. Nhưng, trước mỗi lần ra ngư trường Hoàng Sa, ai cũng cảm thấy bồi hồi, xúc động. “Cũng có khi lo lắng. Nhưng biển mình, mình làm. Chẳng ai cản được”, thuyền trưởng tuổi 30 có khuôn mặt cương nghị, rám nắng và gió biển, khẳng khái nói. 

Ngư dân Lê Văn Tùng, chia sẻ: “Đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa thì ít sợ tàu hàng chạy qua làm hư lưới như gần bờ, lại thường hay gặp luồng cá. Nếu may mắn, chỉ cần 5-7 ngày là tàu đầy ắp cá tôm… Nhiều lần tàu vũ trang của Trung Quốc xua đuổi, rồi tàu sắt của ngư dân Trung Quốc gây hấn, cắt phá lưới, nhưng không có tàu nào của mình vì thế mà bỏ biển. Ngư dân mình chỉ muốn yên ổn làm ăn, tránh việc va chạm với tàu nước ngoài, nhưng không bao giờ lùi bước trước cường bạo…”. 

Tùng kể lại những lần đối đầu giữa tàu cá của ngư dân ta với tàu vũ trang, tàu công vụ và tàu vỏ sắt của Trung Quốc. Ngang ngược nhất là vụ đâm chìm tàu cá ĐNa 90152TS của bà Huỳnh Thị Như Hoa (quận Thanh Khê, Đà Nẵng); bắn cháy cabin tàu QNg 96382 của ngư dân Quảng Ngãi, rồi bắt giữ, tấn công nhiều tàu cá khác. Nhưng ngư dân không hề run sợ. Tàu của ngư dân vẫn vươn khơi, bám biển để mưu sinh, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước.

Tàu của thuyền trưởng Lê Văn Chiến thay lá cờ mới, chuẩn bị cho chuyến đánh bắt ở Hoàng Sa.

Ngư dân yên tâm vươn khơi đánh bắt, bởi họ không hề đơn độc. Tàu của Hải quân, tàu của Cảnh sát biển, tàu của Kiểm ngư Việt Nam luôn có mặt trên biển để bảo vệ chủ quyền, hỗ trợ bà con ngư dân những lúc có sự cố. 

Ở nhiều tỉnh, thành phố, đã tổ chức các tổ đội sản xuất trên biển, khi khó khăn thì giúp đỡ nhau. Ngư dân Bùi Thế Cả (trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) không thể nào quên nghĩa tình của những bạn tàu đã giúp tàu QNa 90216TS của gia đình ông cùng 14 thuyền viên thoát hiểm. Khi đó, ông Cả và các ngư dân đang đánh bắt ngoài khơi, cách quần đảo Hoàng Sa hơn 120 hải lý về hướng Đông Nam thì tàu bị chết máy. 

Sau những nỗ lực sửa chữa không thành, mọi người đành phải thả tàu trôi tự do trong điều kiện biển động, gió cấp 3, cấp 4. Giữa lúc mọi người trên tàu đang lo lắng và nghĩ tới những bất trắc, thì từ phía xa, xuất hiện mấy chấm đen nhỏ. 

Các thuyền viên vọt lên nóc cabin quan sát và vỡ òa hạnh phúc những chiếc tàu cắm cờ đỏ, chính giữa có ngôi sao vàng năm cánh đang vượt sóng tới gần. Thì ra, đó là 3 chiếc tàu cá của ngư dân Quảng Nam đang hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa, nghe thông tin từ hệ thống Đài Duyên hải đã bỏ chuyến biển để tìm kiếm, cứu trợ tàu bị nạn. Sau chuyến lai dắt suốt 3 ngày, họ đã đưa được tàu của ông Cả cùng 14 ngư dân an toàn về cảng Kỳ Hà.

Từng nhiều lần bỏ dở các chuyến đi biển để giúp tàu bị nạn, ngư dân Lê Văn Chiến, Thuyền trưởng tàu ĐNa 90351TS xem đó là nghĩa vụ mà người nào đi biển cũng phải làm. Có lần, qua hệ thống bộ đàm, anh biết tin tàu bạn bị cháy do nổ bình ga nên nhanh chóng tiếp cận, cứu những ngư dân bị nạn, trong đó có 2 người bị bỏng nặng còn mắc lại trên tàu. 

Một lần khác, nhờ lá Quốc kỳ mà anh phát hiện tàu cá khác của ngư dân Huế. Lần đó, tàu anh Chiến đang trên đường ra khơi thì thấy có chiếc tàu nhỏ trôi phía xa xa. Dưới cơn mưa nặng hạt lúc xế chiều, anh bất chợt nhìn thấy trên boong tàu có một người cầm cờ vẫy liên tục. Biết chiếc tàu kia đang cần trợ giúp, anh liền ngoặc bánh lái đổi hướng tiếp cận. Đúng như phán đoán, chiếc tàu nói trên bị hỏng máy và đang trôi dạt.


Trước tình huống đó, anh không ngần ngại dừng chuyến ra khơi để lai dắt tàu bị nạn vào bờ. Trong quá trình lai dắt, do sóng to, gió lớn, chiếc dây níu tàu bị đứt 2 lần. Anh Chiến và các ngư dân phải vật lộn trong mưa gió để nối dây, đến rạng sáng hôm sau cũng đưa được tàu bị nạn vào bờ…

Nhiều ngư dân tâm sự rằng, giữa biển khơi bao la, nhìn lá cờ Tổ quốc bay phần phật trong gió lộng, càng thấy thiêng liêng, lại nhớ về bao bậc tiền nhân đã hy sinh xương máu để mở mang bờ cõi, giữ từng tấc đất, tấc biển; lại nhớ về xóm làng, nhớ người thân đang mong đợi ở nhà. Bởi vậy, tàu nào đi biển cũng cắm lá Quốc kỳ, có tàu treo tới 3-4 lá cờ. Những lá cờ Tổ quốc sẽ giúp vơi đi cảm giác mênh mông của biển cả, giúp quê hương, đất nước luôn gần gũi bên mình.

Do tàu hoạt động liên tục trên biển, những lá cờ rất mau bạc màu nên được thay mới thường xuyên. Riêng mỗi dịp đầu năm mới; hoặc mỗi lần hạ thủy sau khi tu bổ lớn, các chủ tàu đều treo lên tàu những lá cờ thơm lừng mùi vải mới. Ngư dân Lê Văn Chiến xúc động: “Gần 40 năm đi biển, bao lần gặp bão gió, rồi bị tàu nước ngoài truy đuổi, đâm va khiến tàu hư hại, người bị thương, chúng tôi cũng không bao giờ để mất lá cờ Tổ quốc”.

Cùng với 2 lá cờ vải, anh Nguyễn Út (40 tuổi, trú Sa Huỳnh, Quảng Ngãi) còn làm riêng cho chiếc tàu QNg 94708TS của gia mình một lá cờ bằng gỗ quý, sơn nền đỏ sao vàng và gắn chặt trên thành tàu. Tàu QNg 94708TS và tàu QNg 94862TS của gia đình anh Út chủ yếu làm nghề lưới giã tại khu vực vịnh Bắc bộ. 

Anh Út hứng khởi: “Tôi là ngư dân Sa Huỳnh độc quyền có lá cờ gỗ này mấy năm liền. Sau đó mới có một tàu khác làm theo. Lá cờ này gắn với tàu từ khi tàu đóng mới. Khi nào tàu còn thì cờ còn. Và còn sức thì tôi còn đi biển. Đời cha tôi làm nghề biển, tôi theo nghề biển và con tôi cũng vậy”.

Hàng vạn lá cờ Tổ quốc cũng đã được các cơ quan, đoàn thể tặng các ngư dân kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió, để chung sức đồng lòng với những chiến sỹ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng… giữ gìn biển đảo của Tổ quốc. Tổ quốc thiêng liêng, gần gũi từ mỗi lá quốc kỳ tung bay hiên ngang trước gió, trên những hòn đảo biên cương giữa đại dương xanh thẳm và cả những con tàu ngư dân cưỡi sóng ra khơi… 

Mấy tháng qua biển động, tàu nhà em đánh bắt ở vịnh Bắc Bộ. Bây giờ nắng ấm, biển êm, chúng em ra Hoàng Sa làm một hai chuyến để về ăn Tết. Cá tôm nhiều nhất là ở ngư trường Hoàng Sa”.

Ngư dân trẻ Trương Văn Bảo Quốc.

Thân Lai
.
.
.