Claude Lévi-Strauss: Triết gia trăm tuổi

Chủ Nhật, 30/11/2008, 14:27
Ông thù ghét những ngày kỷ niệm và tôn vinh. Nhưng giờ đây ông lại chuẩn bị ăn mừng ngày sinh lần thứ 100 của mình - tờ báo Pháp La Tribune đã biến tấu những dòng đầu tiên trong cuốn sách lừng danh của Claude Lévi - Strauss “Nhiệt đới buồn” (Tôi thù ghét những chuyến du lịch và những khách du lịch. Nhưng giờ tự tôi lại chuẩn bị kể về những chuyến đi của mình. Đã phải cần tới không ít thời gian để quyết định làm việc này).

Cộng đồng trí giả trên thế giới đã không cần đến nhiều thời gian để quyết định kỷ niệm 100 năm ngày sinh của một trong những triết gia vĩ đại nhất thế kỷ XX và cho tới hôm nay vẫn còn minh mẫn và tương đối khoẻ mạnh.

Ngay từ tháng 5/2008, Nhà xuất bản Gallimard đã cho in các tác phẩm của Lévi - Strauss trong loạt sách Thư viện  Pléiade, một vinh dự mà ít tác giả nào được hưởng khi đang còn sống. Trước ngày sinh của Lévi - Strauss, Tổng thư ký UNESCO Koichiro Matsuura cũng đã tới chúc mừng ông.

Claude Lévi - Strauss sinh ngày 28/11/1908 tại Brussels (Bỉ) trong một gia đình họa sĩ nhưng tuổi thơ và tuổi trẻ của ông lại trôi qua ở Paris, Pháp. Lớn lên, ông nghiên cứu luật và triết học ở Đại học Sorbonne. Ông cũng tham dự các tiết giảng của nhà dân tộc học và xã hội học nổi tiếng Marcel Mauus (1872-1950). Sau khi tốt nghiệp đại học và thời hạn phục vụ trong quân đội, Lévi - Strauss trở thành giảng viên cho cảnh sát.

Năm 1933, sau khi đọc tác phẩm của một nhà nhân chủng học người Mỹ, Lévi - Strauss quyết định chuyển sang nghiên cứu về dân tộc học. Năm 1935, ông cùng vợ sang Brazil và bắt đầu giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp Sao Paulo. Sau năm học đầu tiên, vợ chồng Lévi - Strauss đã thực hiện một chuyến thám hiểm tới cùng các bộ lạc người da đỏ Cadiuviru và Bororo.

Những vật chứng nhân chủng học thu thập được từ chuyến đi này đã được mang về trưng bày tại Paris và gây được tiếng vang lớn. Nhờ thế nên Lévi - Strauss đã có được những nguồn hỗ trợ tài chính để tiếp tục công việc và cho tới trước năm 1939, thực hiện thành công một số chuyến thám hiểm nghiên cứu về dân tộc học trong vùng Mato Grosso và Amazone.

Ông quay lại Brazil và thực hiện chuyến thám hiểm kéo dài hơn một năm tới cùng các bộ lạc da đỏ Nambikwara, Mundé và Tupi-Kawahib. Những ấn tượng thu lượm được trong các chuyến đi đó đã được ông viết lại trong cuốn sách "Nhiệt đới buồn" (Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, ông còn cho in hai cuốn sách nữa về những ấn tượng Paris: "Nỗi buồn nhớ Brazil" và "Nỗi buồn nhớ Sao Paulo").

"Nhiệt đới buồn" là tác phẩm dễ tiếp cận nhất trong các cuốn sách của Lévi - Strauss đối với những độc giả không chuyên ngành. Nó được viết nên bằng một ngôn ngữ hoàn hảo và tràn đầy một tình yêu đích thực đối với những con người và địa danh được nói tới. Nhà khoa học đã trình bày những suy tư của mình về việc những nền văn minh khác nhau va đập và hòa trộn vào nhau như thế nào và về việc khu vực giáp ranh giữa chúng tồn tại và sống sót ra sao.

Ông không giới hạn mình bằng những quan sát đối với các cộng đồng khác nhau trong xã hội Brazil mà còn so sánh chúng với những câu chuyện lấy từ cuộc sống của những dân tộc Âu, Á khác…

Trên cơ sở liên kết các môn ngôn ngữ học, ký hiệu học, xã hội học và cả toán học, Lévi - Strauss đã xây dựng một bộ môn khoa học mới - nhân chủng học cấu trúc mà theo đó, trong cơ sở của tư duy con người là các phần tử cấu trúc ăn sâu vào cõi vô thức và trên nền móng đó, ông đã cố gắng xác định những nét chung của các xã hội khác nhau...

Trong các tác phẩm của mình, Lévi - Strauss đã chứng minh được rằng, những cơ cấu hiện hữu trong tư duy của những bộ lạc được coi là sơ khai cũng tồn tại trong thế giới văn minh. Ông không so sánh các nền văn hóa với nhau. Bởi lẽ, nếu so sánh thì lợi thế chưa chắc đã thuộc về nền văn minh đương đại, chính vì vậy nên Lévi - Strauss thường hay than thở về những tác hại của các xã hội hiện đại đối với trái đất. Những tuyên bố mới nhất của ông cho các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy cái nhìn tương đối bi quan của ông đối với tương lai.

Sau khi quân đội phát xít Đức bắt đầu tràn vào Pháp, Lévi - Strauss do gốc gác Do Thái của mình không thể ở lại Paris. Ông đành phải tới dạy học ở trường trung học Perpignan rồi làm giáo sư triết ở Montpellier. Nhờ chương trình Rockefeller về giải cứu những nhà bác học Do Thái nên Lévi - Strauss năm 1940 mới sang được Mỹ và tại New York, ông đã giảng bài về xã hội học và dân tộc học tại lớp ban đêm trường đại học dành cho người lớn.

Cũng trong thời gian đó, ông đã kết thân gần gụi với nhà ngôn ngữ học kiệt xuất Roman Jakobson (1896-1982) và dưới ảnh hưởng của ông này đã dần dà xây dựng phương thức tiếp cận cấu trúc đối với nhân chủng học văn hóa.

Nhờ giao tiếp với các nhà dân tộc học hàng đầu ở Mỹ, đặc biệt với "cha đẻ của nhân chủng học Mỹ" Franz Boas (1858-1942), Lévi - Strauss mới có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về những thành tựu của ngành nhân chủng học Mỹ. Boas đã mất trên tay của ông tại Trường Đại học Tổng hợp Columbia...--PageBreak--

Đầu năm 1945, Lévi - Strauss trở về Pháp nhưng chẳng bao lâu sau lại quay sang Mỹ với tư cách tuỳ viên văn hóa tại Đại sứ quán Pháp ở New York.

Giữ cương vị này tới năm 1947, ông trở về Paris và sau đó một năm, đã nhận được bằng tiến sĩ tại Đại học Sorbonne nhờ công trình "Cuộc sống gia đình và xã hội của những người da đỏ Nambikwara" và "Những cơ cấu căn bản của dòng tộc" - trong những công trình này thể hiện cả sự hợp tác giữa Lévi - Strauss với nhà toán học kiệt xuất André Weil (1906-1998), người đã viết phụ bản toán học cho sách của ông...

Cuối những năm 40, đầu những năm 50 của thế kỷ trước, Lévi - Strauss đã rất tích cực trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại Pháp. Ông phụ trách một trong những hướng nghiên cứu tại Trung tâm Quốc gia các nghiên cứu khoa học (CNRS), đồng thời đọc bài giảng và kiêm cả chức Phó giám đốc về nhân chủng học tại Viện bảo tàng Con người lừng danh tại Paris. Rồi ông còn được giao trọng trách lãnh đạo Phòng 5 thuộc Trường Thực nghiệm các nghiên cứu cao cấp mà trước đó vốn thuộc quyền của Marcel Mauss. Khi ông về lãnh đạo tổ chức này, tên gọi của Phòng 5 được đổi từ "Nghiên cứu tôn giáo" thành "Tìm hiểu so sánh tín ngưỡng của các dân tộc không có ngôn ngữ viết"...

Năm 1952, theo yêu cầu của UNESCO, Lévi - Strauss đã thực hiện công trình "Chủng tộc và lịch sử" viết về sự đa dạng của các nền văn hoá và các mối quan hệ giữa các nền văn hóa khác nhau.

Đầu năm 1960, Lévi - Strauss lãnh đạo Khoa Nhân chủng học xã hội thuộc Collège de France (đây là trung tâm nghiên cứu có uy tín hàng đầu thế giới mà vị trí giáo sư ở đó được coi là rất danh giá). Tới giai đoạn này, ông đã xuất bản thêm hàng chục bài báo và một số cuốn sách rất có giá trị nữa, trong đó có "La Pensee sauvage", "Anthropologie structurale", "Le Totemisme aujourdhui"…

Ông đã đưa ra cách trình bày tư liệu mới: thoạt tiên là đúc kết các sự kiện rồi so sánh chúng với nhau. Đúc kết các sự kiện - đó là làm rõ các thành phần cấu trúc mà các sự kiện đó là biểu hiện lộ ra; các thành phần này ẩn sâu trong cõi vô thức; sau đó có thể so sách các thành phần cấu trúc đó với nhau…

Các sự kiện mà Lévi - Strauss tích lũy và hệ thống hoá lại là các truyền thuyết và sự tích cổ, hệ thống gia tộc và hôn nhân, cơ cấu các làng bản, các tranh vẽ và vết xăm cùng vô số những hiện vật khác thuộc di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Ông sử dụng trong các công trình của mình không chỉ những phương pháp khoa học nhân văn miêu tả mà cả các phương pháp toán học...

Trên cơ sở Collège de France, Lévi - Strauss đã lập ra Phòng Thí nghiệm Nhân chủng học Xã hội để giúp các nhà khoa học trẻ có điều kiện nghiên cứu.

Tại phòng thí nghiệm đó đã thực hiện các luận án, tổ chức các chuyến khảo sát tới nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Tại đó làm việc không chỉ có người Pháp mà còn có nhiều nhà bác học tới từ các quốc gia khác nhau.

Năm 1961, Lévi - Strauss cùng nhà nghiên cứu ngôn ngữ Émile Benveniste và nhà địa lý Piere Gourou lập ra tạp chí hàn lâm nhân chủng học Con người (l'Homme) bằng tiếng Pháp tương tự như các tạp chí tiếng Anh "Man" và "American Antropologist"...

Lévi - Strauss là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ năm 1973, ngồi ở ghế số 29 (toàn bộ Viện hàn lâm chỉ có 40 thành viên). Ông cũng là viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ... Lévi - Strauss từng có câu danh ngôn: Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của các môn khoa học nhân văn - khác đi, sẽ hoàn toàn không có nó nữa. Ông cũng từng nói: Nhà bác học không phải là người tìm ra những câu trả lời đúng mà là người đặt ra những câu hỏi đúng.

Lévi - Strauss đã đưa ra những khái niệm khoa học về con người như đối xứng nhị phân và mã số, lý giải vấn đề các hệ thống trao đổi, trong đó có hôn nhân. Ông đặt ra cho các đối xứng giá trị toàn năng và viết về việc, từ thời đồ đá mới tới nay văn hóa của con người luôn luôn tách dần ra khỏi bản chất tự nhiên của nó và theo đà phát triển của xã hội đã gia tăng thêm khoảng cách đó tới mức con người hiện đại hầu như không còn biết gì về thế giới nội tâm của mình nữa - con người hiện đại đang được vận hành không đúng đắn và cần được "đại tu".

Để sửa đổi, cần nghiên cứu toàn diện tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của con người và khi đó, bản chất thực của con người sẽ trở thành chìa khóa để con người tìm hiểu thiên nhiên.

Lévi - Strauss viết về những vấn đề trên một cách thanh thoát và chuẩn mực. Và mặc dầu kính trọng một cách sâu sắc lối sống của các bộ tộc sơ khai, ông không bao giờ cảm thấy mình là một phần trong đó và không để mình hòa lẫn vào họ.

Ông biết rất rõ mình là ai, mình đang ở đâu và biết rõ nhiệm vụ của ông là: không thay đổi bản thân mình và kể lại cho những người khác biết có những thế giới nào đã và đang tồn tại. Ông ấp ủ trong lòng mình mơ ước và tin rằng vẫn còn chưa muộn để cứu một số góc khuất của thế giới chưa còn bị nền văn minh đụng chạm tới.

Của đáng tội, ngay từ năm 2005, ông đã buột ra một lời bi quan: "Tôi đang sống nốt những ngày cuối cùng của mình trong một thế giới mà tôi yêu quý". Dẫu vậy, ông vẫn để lại cho chúng ta những ký ức về một thế giới khác với thế giới hôm nay, để ít ra chúng ta cũng còn biết được mình đã đánh mất những báu vật gì…

Hoàng Phong
.
.
.