Giao lưu “Biển và những bến bờ yêu thương”:

Chuyện xúc động chưa kể về những người phụ nữ sau các chiến công của đoàn tàu không số

Thứ Tư, 25/12/2013, 20:10
Ngày 24/12, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Tp.HCM, buổi giao lưu “Biển và những bến bờ yêu thương” do bảo tàng phối hợp với Lữ đoàn 125, quân chủng Hải Quân tổ chức đã thu hút sự theo dõi của đông đảo các bạn trẻ trong lực lượng vũ trang nhân dân hoặc đang sinh sống, học tập tại thành phố. 50 nhân chứng là các bà, các mẹ, các chị đến từ Bà Rịa, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau cùng những hồi ức về một thời hào hùng, khốc liệt, những câu chuyện về sự cống hiến, hy sinh thầm lặng, thậm chí chấp nhận cuộc sống hàng chục năm ròng để bảo đảm an toàn cho các cụm bến năm xưa và những con tàu không số đã khiến nhiều bạn trẻ xúc động đến rơi nước mắt.

50 nhân chứng tham gia buổi giao lưu đều là những người phụ nữ đã từng tham gia bốc dỡ vũ khí, bảo vệ, chăm sóc chiến sĩ, thương binh, phục vụ hậu cầu, xây dựng và bảo vệ các bến an toàn cho những con tàu không số và hàng ngàn tấn vũ khí chi viện cho miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Đó là những bà mẹ ở các cánh rừng ngập mặn, sẵn sàng rời bỏ nơi mưu sinh cho cách mạng làm căn cứ, đảm bảo công tác bí mật. Với lòng kiên định, nghị lực phi thường, rất nhiều những người mẹ, người chị đã vượt lên oan khuất, hy sinh cả máu thịt của mình để đảm bảo giữ bí mật và an toàn cho các cụm bến, cho những con tàu.

Đó là dì Nguyễn Thị Ba ở Duyên Hải, Trà Vinh. Một lần được bố trí bí mật gặp chồng là cán bộ đoàn tàu không số, dì đã mang thai. Nhưng, để giữ bí mật đường dây, dì đã cắn răng chấp nhận kỷ luật vì quan hệ nam nữ bất chính không rõ ràng, lầm lũi mò cua, bắt ốc, cuốc đất trồng rau, cày cấy nuôi con. Chỉ đến ngày hòa bình, nỗi oan mới được sáng tỏ. Người chồng mà dì đằng đẵng đợi chờ, anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Đức Thắng đã trở về.

Giao lưu “Biển và những bến bờ yêu thương” tại TP HCM.

Chia sẻ về những đóng góp, hy sinh của “lực lượng tóc dài” trong đoàn 962 (tiền thân của Lữ đoàn 125), đại tá Khưu Ngọc Bảy, Phó chủ tịch Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển và cũng là người lãnh đạo thành lập các cụm bến tiếp nhận vũ khí từ những con tàu không số cho biết: 13 năm các bến của đoàn 962 tồn tại trong lòng dân chất chứa biết bao ân tình. Đối với đoàn 962, thời điểm cao nhất có đến 2.000 quân, trong đó có 300 người là nữ, thêm những người mẹ, người vợ của những người lính đoàn 962, những đóng góp của “lực lượng tóc dài” đều vô bờ bến. Bởi lẽ, trong 5 năm, từ 1962 đến 1967, tất cả cán bộ chiến sĩ Đoàn 962 đều không được phép gửi thư thăm nhà, việc ai nấy biết. Người ở hậu phương chỉ thấy con đi biền biệt, nhiều khi thông tin cũng rất mơ hồ. Câu chuyện của dì Nguyễn Thị Ba là một trong rất nhiều câu chuyện xúc động về đội ngũ đặc biệt này. Cũng tham gia hoạt động cách mạng nhưng họ không biết người thân làm gì. Ngày được bố trí đi gặp chồng cũng rất bí mật, gặp ở đâu, thời điểm nào đều do cán bộ của đoàn bố trí. Khi mang thai, nếu họ nói, dù chỉ lộ một chi tiết thôi cũng rất dễ dẫn đến nguy cơ bại lộ. May mắn là sự hy sinh ấy đã phần nào được đắp bồi vì anh Thắng (Hồ Đức Thắng) sau đó đã thực hiện thành công 10 chuyến tàu vận chuyển vũ khí vào Nam... Việc đảm bảo bí mật cho đường mòn Hồ Chí Minh trên biển trong suốt 13 năm có phần đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ như Nguyễn Thị Ba.

Thực tế, những nữ nhân chứng từng cống hiến, hy sinh, góp phần xây dựng, duy trì hoạt động và đảm bảo an toàn cho các cụm bến năm xưa của đoàn 962 còn rất nhiều. Theo bà Nguyễn Thị Thắm, giám đốc bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tại Tp.HCM, để phục vụ cho chương trình giao lưu, những cán bộ của bảo tàng đã thực hiện nhiều chuyến công tác dài ngày về các di tích năm nào. Ngoài 50 nhân chứng tiêu biểu về tham gia chương trình còn rất nhiều nhân chứng khác nữa, người đã mất, người thì tuổi cao sức yếu...Những người mẹ, người chị nơi các bến tiếp nhận những con tàu không số năm xưa chính là những báu vật nhân văn sống về một tuyến đường của ý chí, sức sáng tạo và là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh lòng dân của dân tộc Việt Nam

Ngọc Nguyễn
.
.
.