Chuyến vượt ngục cuối cùng của tù nhân Côn Đảo

Thứ Sáu, 30/01/2009, 10:26

Được ánh nắng mặt trời buổi sớm đánh thức, Trần Văn Bộ gắng gượng nhỏm dậy. Trên chiếc xuồng nan tròng trành giữa biển, hai người bạn tù vẫn mê mệt, lăn lóc bên cạnh. Anh cố gắng tập trung thị lực, nheo mắt nhìn về phía trước. Một vệt xanh mỏng manh mờ nhòe rồi dần hiện rõ hơn. Đất liền thật hay vẫn chỉ là ảo ảnh?

Thêm một đôi mắt sẽ xác định chính xác hơn chăng? Anh với tay lay gọi Trần Văn Bừng. Anh không nhầm. Đất liền, đúng là đất liền. Sống thật rồi. Niềm vui sướng khiến dòng máu nóng lại rần rật chảy tràn các huyết mạch. Sau 2 ngày, 3 đêm lênh đênh trên biển cả, 3 người tù Côn Đảo đã thực sự thoát khỏi chốn địa ngục trần gian, trở thành những người tù Côn Đảo cuối cùng tổ chức vượt ngục thành công.

Cuối tháng 3/1967, đợt đưa tù chính trị mới ra giam tại Côn Đảo và đưa người hết án về đất liền bắt đầu gây xáo trộn nhiều phòng giam. Phòng số 7, Trại 1 được lệnh đưa 5 người qua Chi khu Bến Đầm đốn củi phục vụ cho lính. So với nhiều khu vực khác, Bến Đầm được coi là một trong những địa chỉ khá "dễ thở" dành cho các tù nhân, đặc biệt là tù chính trị, vì ở đây có điều kiện được đọc báo, nghe đài công khai.

Nắm bắt cơ hội, ngay lập tức, phụ trách tổ chức trong trại bí mật chọn 5 gương mặt tin cậy nhất trong hệ đấu tranh để bố trí, sắp xếp đưa ra ngoài, trong đó có Nguyễn Văn Mừng, đảng viên, cán bộ cơ yếu của Kiến Tường; Nguyễn Văn Bừng ở Nhị Quý, Cai Lậy, Tiền Giang. Riêng Trần Văn Bộ bị bắt với tên giả, chỉ có một số anh em trong tù nhận ra nhưng vẫn tìm cách che chắn nên sau 2 năm anh bị giam cầm, địch vẫn không hề biết anh chính là Trần Quang Bộ, người đã từng bị chúng kết án tử hình từ năm 1962.

Tại Bến Đầm, tên chi khu trưởng vốn có một giàn lưới đánh cá, vừa phục vụ nhu cầu thức ăn hàng ngày, vừa để bán kiếm tiền. Nghe Bừng và Mừng xưng có khả năng vá lưới, hắn vui vẻ giao cho hai người vào vị trí chèo thuyền, đánh cá, nấu cơm hàng ngày. Số còn lại lên rừng đốn củi.

Ông Nhiệm và một số cựu tù trở lại thăm Côn Đảo năm 2008.

Bị tách khỏi đồng đội, hai anh lấy lý do vừa vá lưới, vừa nấu cơm cho tù khổ sai thì không đi gỡ lưới được nên xin thêm Trần Văn Nhiệm ra ngoài. Biết chi khu trang bị cả xuồng nan lẫn xuồng phao để tiện đánh bắt cá, cả ba đưa ra một kế hoạch táo bạo: diệt lính canh, đánh cắp thuyền để vượt ngục.

Đúng hẹn, 4 giờ sáng ngày 9/4, Trần Văn Bộ đốt lửa nấu cơm, vừa hồi hộp dõi về phía biển, chờ ánh lửa hộp quẹt hút thuốc, tín hiệu báo anh Mừng, Bừng cướp thuyền thành công để lên đường. 5 giờ, 6 giờ rồi 7 giờ trôi qua vẫn không thấy tín hiệu theo quy ước. Trần Văn Bộ đã lo lắng tính đến một cuộc bắt bớ, tra tấn mới nên cẩn thận chuẩn bị đến từng lời khai sao cho có lợi cho đồng đội nhất. 8 giờ, hai anh Bừng và Mừng lầm lũi khiêng lưới về. Trần Văn Nhiệm thở phào như trút được gánh nặng. Thì ra sáng hôm đó, đột nhiên lại có đến 3 tên lính đi kèm nên kế hoạch cướp thuyền không thể thực hiện được.--PageBreak--

Đánh cắp thuyền, vượt ngục

Những ngày cuối cùng của mùa gió chướng đã chuẩn bị kết thúc trong khi cả nhóm có thể bị địch đưa trở lại phòng giam bất cứ lúc nào. Không thể chần chờ thêm được nữa. Một kế hoạch vượt ngục mới lại được vạch ra. Nếu không diệt được mấy tên lính đi kèm, cả 3 sẽ phá khu giam giữ rồi cướp xuồng trốn đi. Tuy nhiên, một cơ hội khác đã đến. Vì toàn bộ chi khu chỉ có một trung đội lính nhưng chiếm phần lớn là người dân tộc Khmer nên tổ chức ăn tết CholChNamThmay rất linh đình. Vừa ngủ chung, vừa kiểm soát họ chỉ có một trung sĩ và một "heo gạo" (tù nhân làm chỉ điểm cho giặc). 3 người tù bàn nhau góp hết số tiền tiết kiệm được, gạ tên phụ trách canh giữ bán chó với giá đắt hơn một chút để giết thịt và chuốc rượu cho chúng say mèm.

Đúng như dự đoán. Ngày 11/4, nhân cơ hội lên phụ tiệc, hai anh Bừng và Mừng lẻn ra phía sau. Án ngữ bên chiếc xuồng phao duy nhất của chi khu là tên trung sĩ, kèm một con chó dữ. Có tiệc rượu nên phần tên trung sĩ sẽ bớt lo nhưng còn con chó? Thịt, xương không có, lấy gì dụ nó rời khỏi chiếc  xuồng? Anh Bộ đề nghị: lấy xương chó để nhử chó. Quả nhiên hiệu nghiệm. Thấy khúc xương, con chó liền lao ra.

9 giờ đêm, tiệc bắt đầu tan. Chi khu trưởng Nguyễn Văn Căn say đến nỗi lính phải khiêng về phòng. Tên trung sĩ ở cùng phòng với 3 anh em cũng say mèm, không cột nổi khóa cửa. 10 giờ, trăng non chuẩn bị khuất hẳn sau núi. Một cục đất nhẹ nhàng được búng lên. Cả 3 lần lượt rời khỏi phòng, tiến thẳng về phía chiếc thuyền phao. Sau hơn nửa tiếng đồng hồ vất vả, chân ai cũng tóe máu để đưa con thuyền ra đến cửa Đầm, và từ đây họ đã vượt qua 90km đường biển đầy khó khăn, họ đã về đến đất liền và về với cách mạng.

2 ngày 3 đêm lênh đênh trên biển

Rạng sáng, Nguyễn Văn Bừng giật mình: Hình như có tiếng gà gáy sáng. Quay đầu nhìn lại, đảo vẫn sừng sững sau lưng. Bất ngờ trời đổ mưa, nhòa nhoạt, trắng xóa. Cả ba lại ráng sức chèo.

Trưa, mặt trời lên đến đỉnh đầu. Một chiếc tàu lù lù xuất hiện. Vẫn chưa bị phát giác, họ dạt đến gần một hòn đảo nhỏ, đông đúc những chim. Đoán chắc là đảo hoang, họ vòng ra sau, tấp thuyền vào đảo để hai người lên tìm nước, thức ăn. Chim con, trứng dày đặc dưới chân nhưng vẫn không sao tìm ra nước. Không có lửa, 3 người đành húp trứng sống lấy sức. Thấy có tác dụng, cả hai lấy quần, buộc túm thành túi, bỏ đầy trứng mang về.

Đêm thứ hai trôi qua. Trần Văn Nhiệm mơ màng như nghe đâu đây cả tiếng chày giã gạo xen tiếng gà gáy sáng. Choàng tỉnh dậy, nhìn bốn bề vẫn chỉ có trời nước trắng xóa. Đói, khát bắt đầu hành hạ. Mặc dù đã hoang mang vì tâm lý bị lạc nhưng không ai bộc lộ ra với người đồng hành. 3 giờ chiều. 2 con tàu xuất hiện. Đang cố bẻ lái để tránh, bất ngờ một chiếc quay ra "chặt cua", chặn ngay trước mặt. Thêm một lần nữa, trời lại giúp họ. Cơn mưa bất ngờ lớn đến nỗi tàu có nằm cách nhau vài chục mét cũng khó nhìn thấy nhau.

Mưa kéo dài đến tận nửa đêm. Cả 3 người lịm đi bởi mệt, đói và lạnh. Ánh đèn làm tất cả choàng tỉnh. Bên một con tàu lớn im lìm là một con tàu lớn khác, sáng trưng như thành phố trên biển. Bóng tối trở thành đồng minh, che chở họ thoát nạn nhưng trời lại chưa hết thử thách lòng người. Chỉ sau hơn một giờ tránh tàu, giông bão lại bất ngờ nổi lên. Không kịp hạ buồm, chiếc xuồng như chiếc lá bị cuốn đi trong gió lốc. Sóng dữ, họ phải nằm rạt xuống dưới thuyền để tát nước ra ngoài.

Khoảng hơn 7 giờ sáng hôm sau, Trần Văn Bộ dần tỉnh. Anh gắng gượng trở mình. Trên chiếc xuồng nan tròng trành giữa biển, hai người bạn tù vẫn mê mệt, lăn lóc bên cạnh. Cố gắng tập trung thị lực, nheo mắt nhìn về phía trước, anh mừng  rỡ nhận ra một vệt xanh mỏng manh mờ nhòe. Đất liền thật hay vẫn chỉ là ảo ảnh? Thêm một đôi mắt sẽ xác định chính xác hơn chăng? Anh với tay lay gọi Trần Văn Bừng. Anh không nhầm. Đất liền, đúng là đất liền.

Sống thật rồi. Niềm vui sướng khiến dòng máu nóng lại rần rật chảy tràn các huyết mạch. Động viên nhau gắng sức chèo. Gần đúng ngọ, con thuyền nan trượt trên bãi cát. Sau 2 ngày, 3 đêm lênh đênh trên biển cả, họ đã thực sự thoát khỏi chốn địa ngục trần gian, trở về cùng đồng đội tiếp tục cuộc chiến đấu đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, lật nhào chế độ ngụy quân, ngụy quyền, thống nhất đất nước.

Vĩ Thanh

Nhớ lại chuyến vượt biển ngày ấy, ông Trần Văn Bộ cho biết, năm 1972, ông được tổ chức đổi tên thành Trần Văn Nhiệm. Ông chỉ gặp lại anh Mừng một lần. Riêng anh Bừng đã hy sinh ngay trong trận Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968

N.Hoa
.
.
.