Chuyện về tên tù binh Pháp đầu tiên ở mặt trận Điện Biên Phủ

Thứ Ba, 05/05/2009, 08:41
Đúng ba ngày sau, Bùi Văn Lư dẫn đến Sở chỉ huy đại đoàn một tên sĩ quan Pháp cao lớn còn rất trẻ tên là Phờrăngxoa Giắccơ. Trận phản phục kích này, đơn vị của Lư đã diệt được một tiểu đội lính lê dương, bắt được ba tên, trong đó có tên quan một này là chỉ huy. Đây là tên tù binh sĩ quan đầu tiên ta tóm được tại Điện Biên Phủ.

Cố Đại tướng Lê Trọng Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Tư lệnh Đại đoàn bộ binh 312. Trong đội hình của đại đoàn này có Trung đoàn 141 đã đánh trận mở đầu đêm 13/3/1954 tiêu diệt hoàn toàn cụm cứ điểm Him Lam mà địch gọi là Bê-a-tơ-rít-xơ.

Trong cuốn hồi ức để lại, có đoạn Đại tướng kể một câu chuyện nhỏ, thú vị về tên sĩ quan tù binh Pháp đầu tiên bị ta bắt đã nói những gì trước và sau trận đánh thắng của quân ta ở Him Lam. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

...Chuẩn bị đánh Him Lam, từ đầu tháng 3/1954, chúng tôi làm việc điều tra nắm địch rất nghiêm túc và kiên trì. Kết hợp quan sát từ xa và đêm đêm bộ phận đi chuẩn bị chiến trường đã vào tận hàng rào cứ điểm địch để nghiên cứu. Nhưng cho đến trước khi nổ súng một tuần, đại đoàn mới hình dung ra được những nét cơ bản của mục tiêu này, chứ còn cách bố trí phòng ngự cụ thể của địch ở từng mỏm đồi ra sao, ta vẫn chưa nắm được chính xác.

Thời gian này, tối đến, bọn địch trong cứ điểm còn cho các phân đội nhỏ đi ra khỏi đồn để phục kích ta từ xa, gây khó khăn cho ta vào gần cứ điểm địch. Vì vậy việc cấp thiết và quan trọng lúc này là làm sao bắt được lính địch ở Him Lam để khai thác.

Tôi giao nhiệm vụ bắt sống địch cho Trung đội trưởng quân báo Bùi Văn Lư, một cán bộ dũng cảm mưu trí. Gọi Lư đến, tôi gợi ý: Ban đêm khi địch mang quân ra ngoài đồn đi phục kích thì tương kế tựu kế, ta nên cho một phân đội nhỏ bí mật bò sát vào gần đồn chỗ cổng chính của đồn dàn thành đội hình cái phễu, miệng phễu hướng về phía bọn địch sẽ đi về để chụp bắt lấy một, hai tên. Bố trí như vậy không lo vấp mìn, cũng không sợ pháo từ xa bắn đến, hoặc hỏa lực từ trong cứ điểm bắn ra, vì đường đi về của lính ra ngoài phục kích đều nằm trong tọa độ an toàn của chúng. Lư chú ý lắng nghe và xin phép về để triển khai thực hiện ngay.

Đúng ba ngày sau, Bùi Văn Lư dẫn đến Sở chỉ huy đại đoàn một tên sĩ quan Pháp cao lớn còn rất trẻ tên là Phờrăngxoa Giắccơ. Trận phản phục kích này, đơn vị của Lư đã diệt được một tiểu đội lính lê dương, bắt được ba tên, trong đó có tên quan một này là chỉ huy. Đây là tên tù binh sĩ quan đầu tiên ta tóm được tại Điện Biên Phủ.

Giắccơ là thiếu úy, 22 tuổi, mới tốt nghiệp trường võ bị Xanh Xia. Không hiểu sao tên này đã thành thật khai ra mọi điều mà chúng tôi cần biết và còn nhanh nhảu nói ra cả những điều ta chưa kịp hỏi. Căn cứ vào những gì bộ phận đi chuẩn bị chiến trường đã tổng hợp được từ trước đến nay về vị trí Him Lam, đối chiếu với lời khai của Giắccơ chúng tôi thấy những lời khai của tên tù binh này rất khớp, có thể tin cậy và được bổ sung ngay vào sơ đồ của mục tiêu và phương án tác chiến.

Xong cuộc thẩm vấn, tôi cho Giắccơ điếu thuốc lá thơm và một tách cà phê. Hắn hân hoan ra mặt và cảm ơn rối rít. Tôi trấn an hắn:

- Anh khai báo như vậy là tốt. Chúng tôi sẽ không bắn anh đâu. Cách mạng rất nhân đạo. Anh có điều gì cần nói nữa không?

Suy nghĩ khoảng một phút, Phờrăngxoa Giắccơ nói vẻ thận trọng:

- Thưa ngài chỉ huy Việt Minh, tôi đã khai tất cả những điều tôi biết về Bê-a-tơ-rít-xơ (Him Lam). Bây giờ xin phép ngài chỉ huy cho tôi được nói một lời khuyên xuất phát từ trái tim: Các ngài không nên đụng đến Bê-a-tơ-rít-xơ. Đó không phải là một vị trí thông thường. Nó là một pháo đài thật sự, một pháo đài bất khả xâm phạm.

Một cán bộ tác chiến của đại đoàn có mặt lúc đó đã đốp ngay hắn bằng tiếng Pháp:

- Chúng tôi đã được nghe nói khá nhiều về những cái gọi là bất khả xâm phạm của các anh, từ cụm cứ điểm Đông Khê của tướng Các-păng-chi-ê cho đến hệ thống boongke của tướng Đờ-lát Đờ-tát-xi-nhi. Anh nên biết, với chúng tôi, không có vị trí nào là không thể đánh chiếm được.

Tên Giắccơ đỏ mặt. Hắn xin phép nói tiếp có ý muốn dẫn giải cụ thể hơn:

- Thưa các ông, Bê-a-tờ-rít-xơ do chính một vị cố vấn Mỹ vừa ở Triều Tiên về thiết kế và trực tiếp đôn đốc thi công. Tướng Mỹ Ô-đa-ni-en và ngài Đại tá Đờ-cát-tơ-ri thân chinh tham gia ý kiến bố phòng. Ngài Bộ trưởng Quốc phòng Plây-ven cũng đã đến thanh tra. Còn trực tiếp chỉ huy Bê-a-tơ-rít-xơ là Thiếu tá Pê-giô, một sĩ quan lê dương rất thiện chiến…

Tôi ngắt lời hắn và bảo:

- Anh hãy chờ đấy. Quân đội chúng tôi sẽ tiêu diệt Bê-a-tơ-rít-xơ. Vì đây là Việt Nam, anh hiểu không?

Sau đó 2 ngày khi Trung đoàn 141 diệt xong cụm cứ điểm Him Lam, tôi lại cho gọi Giắccơ đến. Hắn tròn mắt kinh ngạc khi nghe tôi thông báo Bê-a-tơ-rít-xơ đã bị xóa sổ hoàn toàn. Lại một lần nữa, Giắccơ xin được nói và lần này hắn cũng rất thành thật:

- Thưa ngài chỉ huy, các ngài đánh được Bê-a-tơ-rít-xơ, thì các ngài có thể đánh chiếm được bất cứ vị trí nào của Gônô (tên gọi Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ)…

Hiền Đức
.
.
.