Chuyện về những người sống đẹp

Thứ Tư, 02/03/2011, 09:48
Một bác sỹ xuất thân từ trẻ từ chối mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, chấp nhận ở nhà thuê để cưu mang, giúp đỡ bệnh nhân nghèo cơ nhỡ. Một công dân bình thường đấu tranh không khoan nhượng với nạn cướp giật, "đinh tặc" và được người dân mến yêu gọi là "hiệp sỹ đường phố". Một anh thợ hồ dáng người "óc tiêu" cả gan lao ra dòng nước chảy xiết cứu người bị nạn giữa lúc đám đông chỉ biết đứng nhìn bất lực…

Xuất thân, độ tuổi, quê quán có khác nhau nhưng những nhân vật có lối sống đẹp ấy được Báo CAND đăng tải đều có điểm chung là họ xả thân cứu người, giúp người không cần được hàm ơn, ngợi khen. Với họ, đó chỉ đơn giản là chuyện ai thấy cũng làm. Đất nước cần lắm những tấm gương bình dị mà cao quý ấy!

Một ngày sau bài viết về hành động xả thân cứu một cô gái vì quẫn bách chuyện gia đình, công việc đã uống thuốc chuột và nhảy cầu Thủ Thiêm tự tử của anh thợ hồ 21 tuổi Nguyễn Vũ Trường Giang, PV Báo CAND nhận được nhiều sẻ chia, bày tỏ sự thán phục, cảm mến của nhiều bạn đọc dành cho anh "hiệp sỹ" có xuất thân từ thợ hồ.

Vợ chồng anh thợ hồ Nguyễn Vũ Trường Giang.

Chia sẻ với PV Báo CAND, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH Băng keo Đăng Khoa (gửi tặng vợ chồng anh Giang số tiền 1 triệu đồng) ở quận 9, tâm tình: "Giữa lúc nhiều người chỉ biết thờ ơ mặc người bị nạn thì việc Giang chẳng ngại hiểm nguy, sẵn sàng xả thân bất kể sống chết là hành động dũng cảm cần được tuyên dương, ngợi khen".

Chị Huỳnh Kiều (Công ty luật Hợp Danh), bộc bạch: "Thường thì khi sống trong cảnh khó khăn, người ta ít dám mạo hiểm thân mình vì người khác vì lo cho chính mình và người thân. Riêng Trường Giang quyết liệt cứu người không chút đắn đo. Không chỉ Giang, tôi cũng rất mến phục chị Lượm vợ anh. Nếu là người khác có lẽ họ sẽ cản chồng, đằng này chị không chỉ ủng hộ mà còn sáng suốt bảo anh chạy đường vòng để tránh nguy hiểm cho bản thân khi cứu người. Một cặp vợ chồng công nhân mù chữ mà sống như vậy thật hiếm có vô cùng".

Truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách… là bản sắc đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Nhưng trước những áp lực cơm áo gạo tiền và sự manh động, liều lĩnh của bọn tội phạm, người ta lo kiếm tiền, lo cho bản thân hơn là xả thân, giúp đỡ người khác. Nên câu chuyện quên mình cứu người của vợ chồng anh thợ hồ Nguyễn Vũ Trường Giang đăng trên Báo CAND đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Trước đó, nhiều gương sáng bình dị mà cao quý được đăng trên Báo CAND, chuyện về bác sỹ xuất thân từ trẻ lang thang Trương Thế Dũng hết lòng với bệnh nhân nghèo, chuyện về sư ông Minh Quang (quận Bình Tân) mở phòng mạch cứu người, chuyện về Đại đức Thích Thanh Phước (trụ trì chùa Linh Quang ở Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) tiếp nhận bệnh nhân nuôi ăn ở, điều trị miễn phí đến khi nào lành bệnh mới cho "xuất viện".

Bác sỹ Trương Thế Dũng khám bệnh cho đồng bào H'rê ở huyện An Lão-Bình Định.

Chuyện về "đại hiệp" Ba Oanh đạp ba gác nhưng lo cho tang ma gần 500 người nghèo cơ nhỡ khi họ qua đời, chuyện về "hiệp sỹ" Nguyễn Thanh Hải dày công mật phục bắt nhiều "đinh tặc"… đã được bạn đọc khắp trong Nam ngoài Bắc, cả những bạn đọc là người Việt ở nước ngoài gửi thư, gọi điện bày tỏ sự ngưỡng mộ, sẻ chia về vật chất lẫn tinh thần.

Sau các bài viết ấy của Báo CAND, những con người sống đẹp ấy còn được các tổ chức, lãnh đạo địa phương và các ban, ngành hữu quan động viên, khen thưởng kịp thời. Điều đáng quý là khi chúng tôi hỏi về cảm giác được ngợi khen, được tặng tiền quà, cả thảy những tấm gương bình dị mà cao quý ấy tâm tình rằng họ đến với người nghèo, người bất hạnh, người gặp hoạn nạn… không phải để được vinh danh.

"Tôi xuất thân từ trẻ lang thang, nhờ được những người tốt bụng cưu mang, giúp đỡ và tự nỗ lực bản thân mà thành bác sỹ. Việc đến với trẻ em đường phố, các cô nhi, bệnh nhân cơ nhỡ… là cách để tôi chia sẻ với các mảnh đời bất hạnh cũng như báo đáp ơn nghĩa với những người đã từng giúp đỡ mình". Đấy là tâm tình của bác sỹ Trương Thế Dũng, mà cũng là tâm tình của những sư Phước, sư Minh Quang, "đại hiệp" Ba Oanh… và nhiều lắm gương sáng mà Báo CAND đăng tải trong những năm qua.

Dõi theo từng bước đường hiệp nghĩa của họ, tôi tin đó là những tâm sự tự đáy lòng, không màu mè, không giả tạo, không hàm chứa những toan tính thiệt hơn. Điều ấy càng rõ nét khi chúng tôi hỏi về những mong ước, cả thảy những con người bình dị mà cao quý ấy chẳng mong ước gì cho riêng mình.

Dù tu trong ngôi chùa xây dựng dở dang vì có bao nhiêu tiền đều giúp người nghèo nhưng sư ông Minh Quang không mong sẽ có phật tử, "Mạnh Thường Quân" ủng hộ xây chùa, sư ông chỉ ước mong có nhiều thầy thuốc biết thương bệnh nhân nghèo. Bác sỹ Thế Dũng tuy ở nhà thuê nhưng lại ước những cô nhi, những trẻ lang thang sẽ được nhiều tấm lòng cưu mang, giúp đỡ được ăn học để các em có được cơ hội trở thành người tốt, người có ích cho xã hội...

Còn nhớ khi chúng tôi ghé thăm, dù phải trốn bệnh viện vì không đủ số tiền 1 triệu đồng đóng viện phí nhưng ông Ba Oanh lại âu lo số áo quan dự trữ sắp cạn và mong có người hỗ trợ thêm vài cái để khi hữu sự không phải chịu cảnh lực bất tòng tâm…

Những con người sống đẹp mà chúng tôi muốn đề cập chỉ đơn giản như vậy. Họ sống lặng lẽ, việc họ làm cũng lặng lẽ giữa nhịp đời cuồn cuộn nhưng ý nghĩa biết nhường nào. Tuy xuất thân bình dị nhưng những gì họ nghĩ, những gì họ làm, với chúng tôi, đó là những nhân cách lớn, không xa lạ mà gần gũi, không tỏa sáng mà lặng lẽ tỏa hương. Nhân chuyện anh thợ hồ xả thân cứu người nói về những con người có lối sống đẹp, chúng tôi những mong xã hội ngày càng có nhiều người sống đẹp, sống cao thượng, độ lượng như thế. Và cũng mong rằng những tấm gương ấy sẽ không đơn thuần là nét chấm phá "lóe sáng rồi phụt tắt" giữa nhịp sống cuồn cuộn, mà sẽ được các cơ quan chức năng, lãnh đạo các địa phương quan tâm hỗ trợ, nhân rộng thành phong trào, để ai cũng là Lục Vân Tiên, là Mạnh Thường Quân, là gương sáng bình dị mà cao quý…

Nguyễn Thành Dũng
.
.
.