Chuyện về những mối tình và con rơi của Ngô Đình Diệm

Thứ Ba, 06/12/2005, 12:43

Sau khi chế độ "Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa" sụp đổ, người ta đã thêu dệt nhiều câu chuyện về Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nào là Diệm ái nam ái nữ, nào là Diệm có tư tình với cô em dâu Trần Lệ Xuân (vợ Nhu). Rồi dựng lên chuyện về đứa con rơi của Diệm...

Ngô Đình Diệm là Tổng thống do Mỹ dựng lên năm 1954. Năm 1963, Mỹ thấy lá bài Ngô Đình Diệm không thể thắng được Cộng sản, hơn nữa anh em nhà họ Ngô lại thực hiện chính sách độc tài gia đình trị. Vì vậy Mỹ và CIA đã thuê mấy tướng tá Sài Gòn làm đảo chính lật đổ chế độ nhà họ Ngô và hạ sát anh em Diệm.

Mối tình đầu của Ngô Đình Diệm

Về ngày sinh tháng đẻ, nơi sinh của Ngô Đình Diệm cho tới nay vẫn có nhiều tư liệu khác nhau. Tác giả C.Đ viết trên một tờ báo ở nước ngoài: Diệm sinh ngày 21/7/1897 tại làng Đại Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình. Nhưng theo lời bà Ngô Đình Thị Hiệp (vừa mới tạ thế tại Australia, thọ 102 tuổi) thì: Diệm được rửa tội tại nhà thờ Phú Cam, tên bổn mạng là Gioan Baotixita, sinh ngày 3/1/1901, do Mê Thuyên (tức ông Hường Thuyên, một người thuộc Hoàng phái) đỡ đầu. Ông Hường Thuyên là thân phụ của hai ông Ứng Đệ và Ứng Trạo, hai nhân vật này người dân Huế đều biết tên. Sau này, khi lê gót nơi xứ người (1945-1954), tại Thụy Sĩ, Ngô Đình Diệm lập căn cước ngày sinh là 3/1/1901 tại Huế, theo đúng ngày ghi trong lễ rửa tội ở nhà thờ Phú Cam.

Năm 1918, Diệm học tại Huế, Trường Pellerin, là trường dòng của Công giáo. Lúc này Diệm 17 tuổi, cái tuổi biết yêu. Thời gian này Diệm cũng có một mối tình. Chuyện này được một người kể như sau: Ông tri phủ Ngoa Thế Cầu làm quan thời Bảo Đại, từng là bạn thuở nhỏ của Diệm. Một lần, vào cuối năm trung học, cậu ấm Diệm cùng một bạn trai ra chân cầu Bạch Hổ đứng hóng mát. Diệm tâm sự với bạn: “Do đã tự hứa với mình là không bao giờ để chuyện yêu đương tình ái lăng nhăng trong tâm trí mà dồn tất cả vào việc học. Hai anh tôi là Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Thục lần nào về thăm cũng dặn dò kỹ lưỡng: dòng họ Ngô Đình ta có gốc tích ở Phúc Thọ, Sơn Tây, sau lưu lạc vào Quảng Bình, lúc nào cũng không được thua kém các dòng họ khác. Các anh bảo tôi phải cố gắng học hành để có một tương lai tươi sáng. Thầy đã làm đến quan Thượng thư đầu triều, lẽ nào anh em mình không nối bước được chí khí vinh quang và sự nghiệp của thầy”.

Diệm còn kể tiếp: “Chính nhờ những lời giáo huấn này mà cả hai năm Prèmiere Année cũng như Deuxième Année tôi đã đứng nhất ở Trường Pellerin. Thú thật nếu anh Thục không đi tu thì tôi sẽ là vị linh mục đầu tiên của dòng họ Ngô Đình”. Diệm kể tiếp: “Từ khi 12, 13 tuổi, tôi đã mơ ước được hiến đời mình để phụng sự Chúa, nhưng anh Thục đã nhận lãnh vinh dự và thầy tôi cũng không muốn trong gia đình có đến hai người đi tu để quên phận sự kẻ sĩ”.

Kể về tình yêu,  Diệm nói: “Không hiểu tôi gặp người con gái ấy có phải do Thánh ý hay không? Một buổi chiều, vừa đạp xe tới trước cửa nhà, từ phía nhà thờ Phú Cam, gia đình của quan Thượng họ Nguyễn cũng vừa xem lễ chiều xong. Quan Thượng Nguyễn với thầy tôi là chỗ đồng học khi xưa ở Pénang và là bằng hữu nên khi quan Thượng Nguyễn gặp tôi là nhận ra ngay. Sau đó, ngài giới thiệu tôi với bà Thượng và mấy người con. Trong số đó có người con gái út là tiểu thư Trang Đài. Nàng đẹp tuyệt vời, khuôn mặt nàng tỏa ra vẻ thánh thiện. Tôi đánh bạo mời quan Thượng và gia quyến vào thăm nhà, nhưng ngài viện cớ phải về gấp. Cả hai ông bà đều gửi lời thăm hỏi thầy mẹ tôi, còn nàng thì e thẹn cúi đầu lễ phép chào tôi. Khi họ đi rồi, tôi lẳng lặng nhìn theo. Tối hôm đó, tôi có mang cuộc gặp gỡ này trình với thầy mẹ tôi, và cũng nói cho thầy mẹ biết tôi đã thay mặt gia đình mời họ vào nhà xơi nước. Thầy tôi thì không nói gì còn mẹ tôi quở trách: lần sau con không được thay mặt gia đình mời ông Thượng Nguyễn vào nhà mà chỉ nên lễ phép chào hỏi rồi kiếu từ liền. Tôi nghe trong giọng nói của mẹ không được vui và có điều khác lạ. Tôi nghĩ, có lẽ đều là quan quyền cả, thầy tôi làm đến quan Thượng thư nhưng đã treo ấn từ quan lâu rồi, cảnh nhà lại thanh bần, còn quan Thượng Nguyễn vẫn còn tại chức, vả lại họ giàu có nên thầy mẹ tôi không muốn giao thiệp? Hay là trong quá khứ họ Ngô Đình và họ Nguyễn có điều gì không hay? Tôi phân vân mà không dám hỏi. Mấy ngày sau, vào sáng chủ nhật, tôi vừa lên được mấy bậc tam cấp nhà thờ Phú Cam, thì thật bất ngờ tôi lại gặp Trang Đài cũng vào nhà thờ xem lễ.--PageBreak--

Tư thất của quan Thượng Nguyễn ở bên An Cựu, lẽ ra nàng phải đi lễ nhà thờ dòng Chúa Cứu thế. Khi nhìn thấy Trang Đài, tôi bối rối và nghĩ có nên chào nàng cho phải phép hay không. Giữa lúc chưa quyết định chào hay không thì nàng đã lễ phép cúi đầu chào tôi trước. Xong lễ, chúng tôi gặp nhau trước sân nhà thờ, lần này tôi đánh bạo chào hỏi nàng trước. Không giống như nhiều tiểu thư khác ở cái đất Thần kinh, cung cách đối xử của nàng không e lệ hoặc kênh kiệu quá đáng. Tất cả những lời nói, cử chỉ của nàng hòa nhã và nghiêm nghị. Cứ thế, hàng tuần vào sáng chủ nhật chúng tôi lại gặp nhau và không còn rụt rè, ngần ngại nữa mà tỏ ra rất tự nhiên. Có khi hai chúng tôi trò chuyện, gia quyến nhà họ Thượng Nguyễn cũng nhìn thấy, các cụ chỉ gật đầu và tôi cúi đầu chào lại và họ không nói gì, ra xe về trước. Còn gia đình tôi cũng chẳng có ý kiến khi nhìn thấy chúng tôi. Học hết trung học, tôi được gia đình cho ra  miền Bắc học nên tôi và Trang Đài chưa nói với nhau chuyện yêu đương, nhưng trong ánh mắt, chúng tôi đã có cái gì quý mến nhau. Khi gặp Trang Đài  lần cuối, chúng tôi không thề non hẹn biển gì, tôi chỉ ngỏ lời tạm biệt nàng và hẹn khi  nào học xong có dịp về Huế sẽ tới thăm nàng”. Cụ tri phủ Cầu còn kể tiếp: “Sau khi Ngô Đình Diệm ra Hà Nội học và ra trường đi làm việc, lúc này Trang Đài đã đi tu trong một dòng kín ở Sài Gòn”.

Đó là một mối tình đầu thầm kín của Diệm. Còn một chuyện tình khác của Diệm, được ông Phạm Văn Nhu (ông Nhu là bạn học thời nhỏ của Diệm cũng ở đất Thần kinh, sau làm giáo sư và làm dân biểu thời Đệ nhất Cộng hòa, rồi giữ chức Chủ tịch Quốc hội chế độ nhà Ngô) kể lại: Thuở nhỏ ông và Diệm thường tắm truồng ở sông An Cựu, ông thấy Diệm cũng bình thường như mọi thanh niên khác, không hề bị dị tật về cơ thể.

Năm 19 tuổi, khi còn là sinh viên Trường Hậu bổ, vào một buổi sáng mùa hè, Diệm đang ngồi đọc sách tại nhà bà cả Lễ thì có mấy cô gái Huế đến chơi. Bấy giờ vào buổi tân thời, nên các cô rất dạn dĩ chọc ghẹo và có những câu nói ong bướm với cậu ấm Diệm. Diệm liền nổi nóng la mắng: “Con gái gì mà hư thân trắc nết như rứa”. Từ đó vùng Phú Cam các cô gái rỉ tai nhau phê bình: “Cậu Diệm sợ đàn bà con gái”.

Khi trở thành tri phủ Hòa Đa, Tuần vũ, Bình Thuận, Diệm chỉ sống độc thân dù rất nhiều gia đình quan lại danh giá đánh tiếng gả con gái cho ông. Năm 1948, khi Diệm đã ở tuổi ngũ tuần, giới thân cận của ông không ai nghe ông nói tới đàn bà con gái. Chính vì vậy mà trong giao tiếp mọi người chỉ toàn nói về chuyện tu hành, đạo đức thánh thiện, và không ai dám đề cập chuyện tình cảm riêng của Diệm.

Ông Phạm Văn Nhu kể về chuyện tình ái của Diệm: Vào một buổi sáng đẹp trời, ông Diệm đến tìm tôi ở nhà luật sư Kim. Hôm ấy, Diệm rất vui vẻ, mất đi cái ưu tư, khắc khổ thường ngày. Tôi nghĩ, chắc ông Thượng thư mới nhận được tin gì tốt đẹp đây. Ông Diệm nói: Xếp hết công việc lại, sáng nay bọn mình đi Sở thú. Ông Nhu mượn được một chiếc xe hơi, trên đường đi Diệm đề nghị: Bọn mình ghé đâu uống cà phê đi. Đó là một điều lạ khiến tôi thắc mắc. Sau tuần cà phê sữa, hai người vào Sở thú. Đi một vòng thưởng ngoạn cây cỏ, muông thú nhưng xem chừng Diệm đang có một sự náo nức trong lòng nên ông ta không quan tâm mọi vật xung quanh.

Ở Sở thú ra, Diệm có vẻ ngần ngại, đắn đo một lúc rồi bảo ông Nhu: Ông cho tôi lên đường Pellerin (Pasteur hiện nay), ngay ngã tư đường Pellerin - Grand de Laliraye (Điện Biên Phủ hiện nay). Đến nơi, Diệm bảo ông Nhu khóa xe và đi theo ông ta. Hai người vào một căn nhà trên tầng 2, dãy nhà gồm nhiều căn, chủ nhà hầu hết là công chức Pháp. Ông Nhu hỏi vào nhà ai, Diệm vui vẻ đáp: Tôi vào đây thăm con mệ nó. Lần đầu tiên ông Nhu nghe Diệm nói đến “con mệ nó”.

Diệm gõ cửa, một người đàn ông trạc 50 tuổi ra mở cửa. Vừa thấy Diệm, ông ta đã cúi đầu kính cẩn thưa: Mời cụ lớn vào. Diệm hỏi ngay: Bà có nhà không? Người đàn ông thưa: Bà con vừa ra Nha Trang, mời cụ vào nhà dùng nước đã. Nghe nói thế, vẻ mặt đang vui của Diệm bỗng nhăn lại, nói trống không: "Lạ chi hè! Đi Nha Trang mà không cho biết hỉ?". Đứng bần thần một lúc rồi Diệm hỏi người đàn ông: "Ông có biết bà ra Nha Trang ở nơi mô không?". Người đàn ông trả lời có biết, Diệm liền vui vẻ trở lại và hỏi ông Nhu: "Ông mang giấy bút, ghi lại địa chỉ cho tôi ngay". Trên đường về, Diệm còn nói: "Con mệ nó" hiền đức lắm, tuy lấy Tây nhưng lòng dạ tốt lắm. Nhờ “con mệ nó”, tôi đã cứu được nhiều người bị mật thám Tây bắt, chồng “con mệ nó” làm ở Sở Mật thám Liên bang, bót Catinat. Chính vì việc nhờ chồng “con mệ nó” can thiệp khi Diệm nhờ cứu một số bạn bè mà ông ta bị thải hồi, thất nghiệp, phải lên Đà Lạt làm cho một hãng xe hơi. Sau đó, ông ta bị tử nạn trong một tai nạn máy bay trên không phận Sài Gòn. Ông Nhu nghĩ, nơi này hẳn là Diệm hay lui tới, và ông cũng là người duy nhất mà Diệm tin cẩn cho đi theo.--PageBreak--

Về tới nhà, Diệm bảo ông Nhu chuẩn bị hành lý đi Nha Trang ngay. Hôm sau, hai người đã có mặt tại Nha Trang. Ông Nhu đi tìm địa chỉ về báo lại cho Diệm biết. Khi gặp bà ta, ông Nhu mới ngã ngửa kinh ngạc, người đàn bà này không ai khác hơn chính là cô gái Huế năm nào mà Diệm đã quen.

Qua nhiều năm xa cách, không hiểu vì duyên cớ nào mà cô gái ấy lưu lạc đến tận Sài Gòn hoa lệ và trở thành vợ của một ông Tây. Ông Nhu còn cho biết: đây là một người phụ nữ xinh đẹp, ăn nói duyên dáng mặn mà. Bà ta ra Nha Trang để thăm xứ thùy dương lần cuối trước khi sang Pháp sống nơi quê chồng. Theo lời ông Phạm Văn Nhu, kể từ đó trở đi không bao giờ nghe Diệm nhắc tới ba tiếng “con mệ nó”.

Nhưng nhiều người vẫn cho rằng Ngô Đình Diệm là người ái nam ái nữ và không thể quan hệ được với phụ nữ. Chúng tôi tò mò đến hỏi một chủ tiệm may tên Chu ở đường Huỳnh Thúc Kháng để hỏi xem thực hư thế nào, vì ông này là người đã may quần áo cho Diệm nhưng ông ta khẳng định, khi đo quần cho Diệm ông cũng để ý kỹ lưỡng và thấy bộ phận sinh dục của Diệm rất bình thường, không như những điều mọi người xì xầm bàn tán về “của quý” của ông Diệm có dị tật.

Mới đây, chúng tôi còn đọc được một tư liệu của Nguyễn Cần (Tú Gàn) viết: Sau khi hạ sát Diệm - Nhu, tướng Dương Văn Minh cũng tò mò và ra lệnh vạch quần Diệm ra xem có "cái đó” không. Nhưng khi mục kích tận mắt, tướng Minh thấy Diệm cũng bình thường nên bỏ đi, để lại đám sĩ quan đứng ngó nhau rồi tủm tỉm cười.

Con rơi của Ngô Đình Diệm

Năm 1989, tướng Trần Văn Đôn có viết trong hồi ký mang tựa “Việt Nam nhân chứng” được in tại Mỹ. Một trong những người thân cận nhất của gia đình họ Ngô là ông Cửu Long Lê Trọng Văn cũng cho những lời kể của Trần Văn Đôn là có lý, và ông kể lại như sau: Lần đầu tiên có tin tiết lộ về đứa con trai Ngô Đình Diệm từ các nhân chứng như bà Hoàng Tỷ - Chồng bà là giám đốc một trường trung học ở Sài Gòn, lúc Ngô Đình Diệm còn làm Tuần vũ ở Phan Thiết thường lui tới gia đình bà cựu trung tá Tỉnh trưởng Bình Thuận là ông Nguyễn Quốc Hoàng và Lưu Bá Châm, Antonie Lê Căng Đảm - giám học trường chồng bà Hoàng Tỷ.

Sáng ngày 3/11/1963, tôi (Trần Văn Đôn) sai ông Lê soạn cho lính vào dọn dẹp và góp nhặt tất cả giấy tờ, tài liệu trong Dinh Gia Long vì ông Võ Văn Hải, Chánh văn phòng đặc biệt của Diệm cho biết trong Dinh Gia Long có nhiều tài liệu mật, không nên để lọt vào tay ai. Tướng Dương Văn Minh ký giấy ra lệnh cho Đại úy Đặng Văn Hoa đến gặp ông Võ Văn Hải và ông Quách Tòng Đức, cựu Đổng lý của Diệm ở Dinh Gia Long để nhận tài liệu. Trong số tài liệu này cho biết Ngô Đình Diệm có một đứa con trai. Sau đảo chính, ông Võ Văn Hải có giao cho tôi một số tài liệu để cất giữ và dặn rằng tôi phải giữ cho kỹ. Một hôm, tôi nhận được số hồ sơ do sĩ quan cấp dưới giao, trong đó có hình một người đàn bà, đứng bên cạnh là đứa con trai khoảng 13, 14 tuổi. Có một bức thư kèm theo nói rằng đứa bé trong hình là con của Ngô Đình Diệm.

5 năm sau, tôi được cô T.N cho biết Ngô Đình Diệm có một con trai, lúc đó tôi mới nhớ ra tấm hình và bức thư, liền đưa cho cô T.N xem. Thì ra cô T.N là thân nhân của người đàn bà kia.

Người đàn bà ấy quê Hậu Giang, con gái một gia đình trí thức, khi Diệm xuống thăm anh trai Ngô Đình Thục ở Vĩnh Long thì hai người quen nhau. Sau đó Diệm làm tổng thống, gia đình họ Ngô muốn giữ tiếng tăm cho Diệm nên người đàn bà ấy đã không dám tiết lộ với ai về đứa con trai giữa bà và Ngô Đình Diệm, lúc bà tá túc tại nhà bà đốc Hoàng Tỷ bà mới nhờ bà đốc giao thư và hình đến tận tay cho Ngô Đình Diệm. Nhưng bà Hoàng Tỷ lại không đi mà nhờ em gái mình. Em gái bà Hoàng Tỷ về giao hình và thư cho người con trai là Lê Căng Đảm. Lá thư ấy đã đến tay Ngô Đình Diệm gần một tuần lễ mà không thấy tin tức gì, người đàn bà ấy đành dắt đứa con trai về Hậu Giang sống âm thầm với kỷ niệm đau thương.

Khi biết bà có thai với Ngô Đình Diệm, gia đình bà cảm thấy nhục nhã nên đuổi bà ra khỏi nhà. Bà phải sống cơ cực, thiếu thốn. Năm 1964, T.N hỏi tin tức về người con trai của Diệm và được biết anh ta chỉ là một người lính bình thường trong quân đội của chế độ Sài  Gòn

Nhân Hưng
.
.
.