Chuyện về những chiến sĩ kiên trung mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển

Thứ Bảy, 05/02/2011, 14:43
Trước thềm xuân 2011, tôi nhận được tin vui: Bộ VH-TT&DL vừa xếp hạng bến Vàm Lũng (xã Tân Ân, Ngọc Hiển, Cà Mau) thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển là Di tích lịch sử Quốc gia. Trước đó, tại cồn Bửng (xã Thạnh Hải, Thạnh Phú, Bến Tre), đã diễn ra lễ khởi động dự án Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày mở con đường huyền thoại của đỉnh cao trí tuệ, tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo thiên tài của Đảng và Bác Hồ kính yêu…

Động thổ công trình cấp Quốc gia (diện tích đất 635ha, vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng), đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên BCT, Bí thư TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ bùi ngùi ôn lại những ngày đầu ra đời của Đoàn tàu không số gắn với tên tuổi của cố nữ tướng Nguyễn Thị Định -  nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Đó là năm 1946, bà trực tiếp ra TW báo cáo tình hình Bến Tre và cả Khu 8, đồng thời xin TW chi viện vũ khí cho Nam Bộ. Yêu cầu của bà được Bác Hồ và TW giải quyết.

Chuyện kể rằng, ngay sau khi TW hình thành đường dây vận chuyển vũ khí chi viện cho Nam bộ do bà đề xuất và phụ trách tổ chức thực hiện, lấy vùng tự do Khu V làm trung chuyển, từ Hà Nội, bà lặn lội vào Quảng Ngãi làm việc với Khu ủy V và vào Phú Yên tổ chức bến bãi vận chuyển.

Từ Quảng Ngãi, bà nhận vũ khí rồi chuyển bằng tàu lửa vào ga Tuy Hòa. Tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân, bà dành thời gian khảo sát các bến bãi từ biển Gành Đỏ đến Tiên Châu rồi sau đó, chọn bến cá Phú Câu cửa biển Đà Diễn làm bến xuất phát. Để làm quen với sóng gió, nhiều lần bà bơi thuyền thúng vượt cửa sông Đà Rằng. Một đêm đông năm 1946, gió bấc thổi mạnh, lưu luyến tạm biệt đồng đội và bà con Phú Yên, bà cho tàu chở 12 tấn vũ khí rời bến. Vượt qua sự hung hãn của sóng biển và nguy hiểm của vùng địch tạm chiếm, chuyến tàu đã cập bến cồn Bửng an toàn.

Sau chuyến vận chuyển vũ khí thử nghiệm đầu tiên đó, cùng với diễn biến của chiến trường miền Nam sục sôi đánh Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TW Đảng chủ trương các tỉnh ven biển miền Nam tổ chức các đội tàu ra Bắc để tiếp nhận vũ khí.

AHLLVTND, Đại tá Nguyễn Đắc Thắng, 76 tuổi, người từng tham gia chỉ huy vận chuyển 10 chuyến, hiện là cựu chiến binh sống tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, kể thêm: Nếu như Đoàn 559 (lập tháng 5/1959) làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn - tức đường Hồ Chí Minh trên bộ, thì Đoàn 759 có nhiệm vụ mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Có người ví hai con đường lúc đó giữ vai trò như hai động mạch chủ nối liền sức mạnh của dân tộc ta.

Trên con đường ấy có mặt đầy đủ những người con ưu tú của hai miền Bắc, Nam. Con đường gồm có các kho bãi ở hậu phương miền Bắc - Đoàn tàu vận tải quân sự của Đoàn 125 (còn gọi là Đoàn tàu không số) và các bến tiếp nhận ở miền Nam thuộc Đoàn 962, với các cụm bến: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh và Cà Mau.

"TW quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển là do ở trên bộ, mỗi cán bộ, chiến sĩ ta chỉ có thể mang theo trên mình khoảng 20kg đạn dược, vũ khí kể cả đồ dùng cá nhân; và chỉ có thể vào được tới Quảng Nam. Trong khi đó, cả Nam bộ, lực lượng Cách mạng không ngừng tăng nhưng lại rất thiếu thốn vũ khí.. Nói là Đoàn tàu không số chứ thật ra tàu nào cũng có số. Do tính chất đặc biệt bí mật và nguy hiểm nên không tàu nào mang số hiệu thật. - Đại tá Nguyễn Đắc Thắng cho biết.

Anh hùng LLVTND, Đại tá Nguyễn Đắc Thắng với người bạn đời mà ông từng quen nhau khi tham gia Đoàn tàu không số đầu những năm 60 của thế kỷ trước tại Cà Mau.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy - nguyên Trung đoàn trưởng Đoàn 962 Anh hùng, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển toàn quốc, cho biết, ai đã từng tham gia vào đường huyền thoại này thì không thể quên một sự kiện. Đó là sau 6 ngày kể từ lúc xuất bến Đồ Sơn (Hải Phòng), ngày 16/10/1962, tàu Phương Đông 1 do Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa (người con của đất Mũi Cà Mau) làm Bí thư Chi bộ, Chính trị viên, đã chở 30 tấn vũ khí đầu tiên của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam vào bến Vàm Lũng an toàn. Tàu này đã chính thức mở thông tuyến đường vận tải quân sự trên biển Đông - con đường mang tên Bác.

Cũng xin được kể, Vàm Lũng là tên gọi do người dân địa phương đặt, có tên trên bản đồ là sông Năng, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển - cách cửa biển Rạch Gốc 18km về hướng Đông  - Bắc. Ngọn rạch Vàm Lũng nối liền với ngọn sông Dinh Hạng, qua tắc Cái Tư.

Trên rạch Vàm Lũng có nhiều kênh, rạch nhỏ; có hai con rạch lớn là Xẻo Dà, Bào Lôi là hai ụ đậu tàu chính của bến Cà Mau. Cửa biển Vàm Lũng rộng trên 100m, có độ sâu từ 3-4m, thuận tiện cho tàu có trọng tải từ 30-40 tấn ra vào. Ngoài ra, nơi đây còn có cánh rừng phòng hộ ven biển dày đặc, trong rừng lại có nhiều kênh rạch chằng chịt thông ra các sông lớn, đồng thời còn là căn cứ địa Cách mạng. Vàm Lũng còn là bến tiếp nhận tàu nhiều nhất của Đoàn 962. Trong 10 năm ra đời, các bến của Đoàn 962 nhận 124 tàu vào bến; và trong số 77 chuyến của cụm bến Cà Mau, thì bến Vàm Lũng và Kiến Vàng đã tiếp nhận 69 chiếc.

Để có được kết quả đó, phải kể đến vai trò rất quan trọng của đơn vị chuyên trách "chỉ đạo công tác vận tải chiến lược đường biển" do Khu ủy Khu 9 thành lập với phiên hiệu HN75, có nhiệm vụ khảo sát toàn bộ vùng biển khu vực Cà Mau, xác định bến bãi tiếp nhận hàng, báo cáo kết quả cho Khu ủy.

Để đáp ứng yêu cầu tuyệt đối bí mật, An ninh Khu 9 và các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Rạch Giá… đã phối hợp chặt chẽ với HN75, mở bến, xây dựng kho tàng; thẩm tra, tuyển chọn hàng ngàn người tham gia vận chuyển. Tại cửa sông Vàm Lũng, Kiến Vàng,… lực lượng An ninh đã tổ chức di dân xa 5 đến 10km để đảm bảo bí mật; bóc gỡ mạng lưới gián điệp, thám báo của địch, xây dựng vành đai bảo vệ nghiêm ngặt. Có lúc, từ Rạch Gốc đến đất Mũi cuối chốt Năm Căn đã thực sự là khu cấm địa nghiêm ngặt, là bến đón và khu kho tàng bí mật lớn nhất miền Nam (với sức chứa lúc cao nhất trên 1.000 tấn vũ khí đạn dược).

Từ năm 1964, lưu lượng vận chuyển càng tăng. Lực lượng An ninh còn đảm bảo tuyệt đối an toàn tuyến đường vận chuyển vũ khí, khí tài cho các chiến trường, kể cả chiến trường T4. Rất nhiều cán bộ cốt cán, giàu kinh nghiệm được cử đến các bến Rạch Gốc, Kiến Vàng, Bồ Đề, Cái Bằng (Cà Mau), Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu… phối hợp chặt chẽ với Đơn vị 962 chỉ đạo mở bến và xây dựng kho tàng. Hàng trăm kilômét vuông trong rừng đước ở Mũi Cà Mau đã được bảo vệ tuyệt đối an toàn và là tổng kho cung cấp cho hầu khắp chiến trường miền Tây, miền Đông Nam bộ và một phần chiến trường Khu V. 

Tư Thắng kể, sau sự kiện tàu sắt 143 khi vào tới bến Vũng Rô - khu vực ngay dưới chân Đèo Cả, ranh giới của 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, thì bị địch phát hiện và tấn công; địch nghi ngờ ra đường vận chuyển vũ khí của ta trên Biển Đông. Thế là không chỉ phong tỏa hàng loạt cảng, điểm tập kết, lên xuống "hàng", địch còn tập trung lực lượng, phương tiện ngày đêm lùng sục tất cả những nơi nào mà chúng nghi ngờ.

Trước yêu cầu cấp bách của chiến trường, Khu 9 đã áp dụng biện pháp vận chuyển công khai bằng những con tàu đánh cá hoặc tàu buôn bán hợp pháp nhưng có những đáy bí mật giấu vũ khí. Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn thông suốt nhờ "căn cứ lòng dân".

Còn quá nhiều chuyện để kể về những chiến sĩ kiên trung tham gia đường Hồ Chí Minh trên biển. Họ như những huyền thoại bất tử, mãi được Tổ quốc ghi công và niềm tự hào của các thế hệ. Kết thúc bài viết, tôi vẫn nhớ lời của AHLLVTND Nguyễn Đắc Thắng: "Thực hiện lời thề với Đảng, với Tổ quốc, nhiều anh em, đồng chí đã sống mãi với nghìn trùng". Còn giải thích về điều kỳ diệu gắn với đường Hồ Chí Minh trên biển, Đại tá Khưu Ngọc Bảy cho rằng: "Không có sự chở che đùm bọc của nhân dân thì sẽ không có điều kỳ diệu ấy!"

Binh Huyền (Báo CAND Tết 2011)
.
.
.