Chuyện về người thương binh “một tay” khiến núi đá cũng mòn

Chủ Nhật, 11/09/2005, 07:48

Giữa hồ nước mênh mông, người đàn ông tuổi ngũ tuần chỉ còn một cánh tay đang ngồi trên chiếc ghe, thả từng nắm cỏ, ngắm nhìn đàn cá tung tăng dưới nước, khuôn mặt ngời lên niềm vui sướng… Con người ấy cách đây hơn 30 năm đã từng làm cho Mỹ - ngụy hồn bay phách lạc trong trận chống càn ác liệt ngày 28/1/1973 tại Đại Lộc quê anh.

Tôi về Đại Đồng, Đại Lộc (Quảng Nam), loanh quanh gần cả tiếng đồng hồ mới tìm ra lối về nhà anh thương binh Nguyễn Văn Lộc. Trèo lên bờ đê, men theo con đường mòn nằm vắt vẻo giữa lưng chừng núi, lội qua một con suối cạn mới đến được rẫy của anh.

Hồi ức về tuổi trẻ anh hùng

Nguyễn Văn Lộc sinh ra trên mảnh đất Quảng Nam anh hùng. Chứng kiến tội ác của giặc Mỹ, 16 tuổi, anh tình nguyện tham gia lực lượng du kích địa phương. Năm 21 tuổi, tổ chức tín nhiệm đưa anh về làm Phó đại đội trưởng thanh niên tỉnh Quảng - Đà. Hai năm sau (1973), anh thiết tha xin cấp trên được trở lại chiến đấu trên quê hương Đại Lộc.

Sáng sớm ngày 28/1/1973, quân địch huy động cả mấy tiểu đoàn với sự hỗ trợ của phương tiện vũ khí, khí tài hiện đại, ào ào xông vào trận địa hòng đè bẹp lực lượng mỏng của ta nơi đây. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra vô cùng ác liệt. Đơn vị có một số đồng chí hy sinh, bản thân anh cũng bị mảnh đạn pháo chặt lìa cánh tay trái, trên người nham nhở vết thương. Nhưng quyết chiến đấu với quân xâm lược đến hơi thở cuối cùng, anh lao lên tuyến đầu bắn trả cho tới khi lịm dần trong vòng tay của đồng đội… Hai ngày sau tỉnh lại, anh mới biết trận đánh ấy mình thắng lớn, bọn giặc thất bại, bỏ chạy thảm hại.

Đá không phụ công người!

Đất nước thống nhất, anh trở về với thương tật 2/4, mất 75% sức khỏe, trên người vẫn còn 33 mảnh đạn, chúng làm anh đau buốt những khi trái gió trở trời. Nhưng ý chí và nghị lực của người lính năm xưa đã thôi thúc anh góp sức cùng mọi người xây dựng lại quê hương. Trong hơn 20 năm công tác, anh nắm giữ các chức vụ từ  cán bộ phụ trách công tác đoàn, Phó chủ tịch rồi Chủ tịch UBND xã… Đến năm 1993, anh được nghỉ hưu.

Công việc hàng ngày của anh thương binh Nguyễn Văn Lộc.

Với đồng lương và khoản trợ cấp thương binh của mình, ai cũng nghĩ anh sẽ an nhàn trong những tháng ngày hưu trí ở quê. Nhưng anh lại nghĩ: "Nhàn sao được! Dân có giàu nước mới mạnh". Được sự động viên khích lệ của gia đình, anh đầu tư khai thác bãi đá Tràng Thạch. Công việc dở chừng vì Công ty Khoáng sản Quảng Nam có quyết định ngưng khai thác. Tháng 3/1998, anh chuyển sang làm kinh tế trang trại, xung phong phủ xanh đất trống đồi trọc. Ngặt nỗi khi Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng thì anh là người chậm chân vì trận ốm tưởng không qua khỏi. Rừng hết, chỉ còn duy nhất một quả… núi đá. "Đá cũng làm!". Mấy hôm sau, mọi người "phát hoảng" thấy anh "vác" cái nhà của mình đi thế chấp ngân hàng vay vốn để đấu thầu… 5ha núi đá cùng với 2,5ha diện tích mặt nước của đập Ồ Ồ.

Những ngày đầu, từ tinh mơ, anh đã vác cuốc đi làm, một tay lật từng hòn đá, lượm từng viên sỏi cho đến khi mọi nhà đã thắp đèn mới thấy anh về. Thời gian sau, ham việc, anh ở hẳn trong núi. Chứng kiến cảnh đó, mọi người lắc đầu ái ngại.

Đất đã chẳng phụ công người. Ba năm sau, vườn cây ăn quả, đàn gia súc, gia cầm cộng với ao cá đã mang lại cho anh khoản thu nhập gần 50 triệu đồng. Có được đồng vốn trong tay, anh tiếp tục đầu tư phát triển thêm giống nuôi trồng, gia đình anh bắt đầu có của ăn của để. Người dân trong xã ai cũng tấm tắc ngợi khen, mừng cho anh và xem đó là tấm gương để học tập, noi theo. 4 năm liền anh được bầu chọn là thương binh làm kinh tế giỏi cấp tỉnh. Năm 2003, anh được ra Hà Nội báo cáo thành tích trong Hội nghị điển hình toàn quốc.

Dẫn tôi dạo một vòng quanh rẫy, chỉ vào rừng cây bạch đàn, anh nói: "Hàng trăm triệu đồng đang ở đấy cả, khai thác được rồi nhưng còn lớn rất nhanh nên tôi tiếc chưa muốn bán"… Rồi anh khoát tay về những hàng cây mà tôi chưa bao giờ được thấy: "Thứ đó là trầm gió, hiện tôi đã trồng được hơn 200 cây, loại này quý, khó trồng, giống lại hiếm… tôi đang tìm cách gây thêm giống". Anh còn cho biết thêm, mỗi năm vợ chồng anh còn thu trên trăm triệu đồng từ đàn gia súc, hồ cá nuôi và cây ăn quả cũng chính trên quả núi đá này

Xuân Thành
.
.
.